Hero – Anh hùng và Thiên hạ

Đánh giá phim · LinhLan08 ·

Hero (Anh Hùng) là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Phim quy tụ dàn diễn viên hàng đầu của điện ảnh Trung Hoa lúc bấy giờ như Lý Liên Kiệt, Trần Đạo Minh, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Chung Tử Đơn, Chương Tử Di.

Hero (Anh Hùng) là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Phim quy tụ dàn diễn viên hàng đầu của điện ảnh Trung Hoa lúc bấy giờ như Lý Liên Kiệt, Trần Đạo Minh, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Chung Tử Đơn, Chương Tử Di. Dựa trên truyền thuyết về Kinh Kha, Hero xoay quanh câu chuyện về kiếm khách Vô Danh (Lý Liên Kiệt) đến kinh đô nước Tần hành thích Tần Thủy Hoàng.

Đúng như tựa đề, Hero mang đến cho khán giả nhiều góc nhìn đa dạng về quan niệm “anh hùng”.

Anh hùng Vô Danh

Vô Danh là kiếm sĩ nước Triệu, vì nợ nước thù nhà, Vô Danh dành hết tâm huyết tìm kiếm cơ hội ám sát Tần Vương. Nếu nhìn tổng quát, toàn bộ nội dung phim vốn chỉ nhằm làm sáng tỏ cuộc hội thoại giữa Tần Thủy Hoàng và Vô Danh. Trong suốt hơn một giờ đồng hồ, câu chuyện cân não giữa tên thích khách lạnh lùng và vị vua trí dũng ắt hẳn không ít lần khiến khán giả đứng tim. Lúc mơ hồ, khi quả quyết, những câu chuyện cắt ghép tưởng chừng như rất hợp tình hợp lý mà Vô Danh mang đến có thể khiến người xem nghĩ rằng Tần Thủy Hoàng gần như đã bị lừa. Nhưng không, khi khoảng cách giữa đôi bên dần được rút ngắn, tất cả mọi tình huống đều nằm trong dự liệu của người nắm giữ nước Tần. 

<em>Tại sao Vô Danh lại được xem như một người anh hùng?
Tại sao Vô Danh lại được xem như một người anh hùng?

Vô Danh có dũng, có mưu, có tâm kế. Khi Triệu nằm trong kế hoạch thôn tính của Tần Vương, chiến tranh khói lửa triền miên đã làm bao kẻ nước mất nhà tan. Vô Danh hao tổn tâm trí tìm cách hạ thủ Doanh Chính với lý tưởng rằng giết chết Tần Vương sẽ chấm dứt được nạn binh đao và cảnh lầm than của dân chúng. Lý tưởng đó là lý tưởng của một người anh hùng, mưu cầu bình yên cho xã tắc, quê hương. Đó đồng thời cũng là tâm nguyện chính đáng của Vô Danh. Vì nếu nó không chính đáng, Vô Danh đã không thể thuyết phục Trường Không, Tàn Kiếm và Phi Tuyết phối hợp với mình để có thể tiến gần đến Tần Vương.

Anh hùng Tàn Kiếm và Phi Tuyết

Phi Tuyết mang bên mình mối thù diệt môn và nung nấu ý chí trả thù. Mặc dù thù nhà của Phi Tuyết không thể so sánh với nghĩa lớn mà Vô Danh theo đuổi nhưng với một người con gái, lặn lội bao năm tìm cơ hội báo thù cho gia tộc cũng được xem là có khí chất của nữ anh hùng. Mối tình của Tàn Kiếm và Phi Tuyết mang đến cho cô nhiều hy vọng hơn về khả năng trả thù rửa hận. Cả hai đã có lần ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng đến phút cuối cùng, Tàn Kiếm đã dừng lại.

<em>Điều gì đã khiến Tàn Kiếm bỏ qua cơ hội hạ đao trước Tần Vương?
Điều gì đã khiến Tàn Kiếm bỏ qua cơ hội hạ đao trước Tần Vương?

Đây là tình tiết đã đưa Tàn Kiếm trở thành nhân vật anh hùng. Mối thù của Phi Tuyết, mối thù của nước Triệu so với những gì Tần Vương đang làm thật sự nhỏ nhoi hơn rất nhiều. Tàn Kiếm đã nghiệm ra hai chữ mà chính Vô Danh cũng đã hiểu ra khi tiến gần đến Doanh Chính: Thiên Hạ.

Anh hùng Tần Vương

Sự xuất hiện ngay từ đầu của Vô Danh cùng câu chuyện giữa Vô Danh và Tần Vương có thể khiến cho người xem mặc định rằng Vô Danh chính là anh hùng mà tựa  phim đề cập. Tuy nhiên, nếu xem thật kỹ để thấu hiểu thông điệp mà phim mang lại, Tần Vương mới chính là “Hero” của phim. Suy cho cùng, nghĩa lớn của Vô Danh, thù nhà của Phi Tuyết hay bất kỳ một người dân nước Triệu nào khác đều có thể biến họ trở thành anh hùng. Tuy nhiên, người mang đến bi kịch cho nước Triệu lúc bấy giờ đang nuôi giấc mộng lớn lao hơn cho thiên hạ, đó chính là chấm dứt nạn binh đao của cục diện tranh hùng thời Chiến Quốc. Khi đó, không chỉ một dân Triệu, mà dân của nhiều nước khác mới có thể bước qua thời loạn lạc để an hưởng thái bình. Rõ ràng, Thiên Hạ của Tần Thủy Hoàng, lý tưởng của Tần Vương xứng đáng để những anh hùng nhỏ bé như Vô Danh hay Tàn Kiếm hy sinh tư thù.

Tần Vương mới chính là anh hùng của cả thiên hạ rộng lớn, Vô Danh và Tàn Tiếm vì lớn bỏ nhỏ cũng góp phần trở thành anh hùng thầm lặng của Thiên Hạ. Đã là anh hùng tất yếu phải hiểu rằng, một khi Tần Vương chết, không chỉ có thần dân nước Triệu, mà cả thiên hạ sẽ lại chìm trong loạn ly.

Các nhân vật khác

Nếu nhìn ở góc độ hẹp hơn, nghĩa cử “anh hùng” trong Hero cũng có thể gán tặng cho Trường Không và các sĩ tử của nước Triệu. Trường Không là nhân vật có tiếng tăm, theo lẽ không dễ gì hạ mình chịu thua (giả chết) để đổi cho Vô Danh có được lý do hợp lý lại gần Tần Thủy Hoàng. Danh dự đối với những nhân vật như Trường Không đáng giá ngang mạng của họ, nhưng vì mục tiêu mà Vô Danh theo đuổi, Trường Không đã chấp nhận là kẻ bại trận. Có thể thấy, Trường Không cũng là người yêu nước, từ bỏ cái tôi cá nhân để giúp Vô Danh đạt được mục đích lớn lao hơn. Như vậy, Trường Không cũng được xem là anh hùng.

Bên cạnh đó, trận chiến không ngang tài sức giữa các sĩ tử nước Triệu khi quân Tần tấn công cho thấy khí chất của những người con tuy nhỏ bé nhưng anh hùng của đất nước. Anh hùng ở chỗ không đầu hàng, không bỏ chạy, hiên ngang trước cái chết cận kề với lý tưởng rằng dù quân Tần có phá được thành, giết được quân Triệu "nhưng không giết được văn hóa nước Triệu”.

Không phải ngẫu nhiên mà Hero của Trương Nghệ Mưu nhận được đề cử cho Oscar 2003. Với những cảnh quay đặc sắc và góc máy đẹp, Hero không chỉ mang đến cho khán giả thông điệp ý nghĩa về lý tưởng của thời đại mà còn khiến người xem mãn nhãn với những màn trình diễn kiếm pháp tuyệt đẹp trong phim. Trương Nghệ Mưu đã sử dụng rất nhiều gam màu đặc trưng cho từng phân cảnh: màu đỏ - màu của thù hận và giết chóc, màu xanh đậm nhạt – màu của sự nghi hoặc và mất mát; màu trắng – màu của lý tưởng và hy sinh.

Bên cạnh đó, dàn diễn viên nổi tiếng và có thực lực của Hero đã giúp lột tả ấn tượng thần thái của các nhân vật chính. Ngoài câu chuyện anh hùng mang tính hư cấu, Hero thật sự là một bộ phim thành công ở nhiều khía cạnh. Như thường lệ, Hero đã ghi thêm vào danh sách những tác phẩm điện ảnh đáng xem của Trương Nghệ Mưu.