Gia Đình Siêu Nhân 2 và thông điệp bình đẳng – Còn sâu sắc, sống động và nhân văn hơn những gì chúng ta được xem

Góc Nghệ Thuật · Moveek ·

Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, Gia Đình Siêu Nhân (The Incredibles) đã trở lại, lợi hại hơn, tập trung vào vấn đề bình đẳng giới hơn.

Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, Gia Đình Siêu Nhân (The Incredibles) đã trở lại, lợi hại hơn, tập trung vào vấn đề bình đẳng giới hơn. Thông điệp nhân văn này không chỉ được truyền tải thông qua bà mẹ siêu nhân Elastigirl mà hơn hết còn qua hình ảnh của nửa kia thế giới từ màn ảnh cho tới đời thực.

Nhìn lại quá trình đưa phần 2 của Gia Đình Siêu Nhân (The Incredibles) tới với công chúng, bản thân studio, các nhà phát hành, báo chí khai thác rất sâu thông điệp về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Điều này không có gì khó hiểu khi những bê bối của năm 2017 ngay trong lòng Hollywood còn chưa lắng xuống, các phong trào nữ quyền vẫn tiếp tục bùng nổ. Nhưng nếu xem lại phần 1 cách đây 14 năm, rõ ràng, chất nữ quyền vốn đã được khắc họa một cách thông minh và khéo léo thông qua các nhân vật Elastigirl, Edna Mode hay thậm chí là trợ lý phản diện Mirage.

Sang đến phần 2, Mr. Incredible lùi về hậu trường và đảm đương vai trò ông bố nội trợ, làm hậu phương cho người phụ nữ của gia đình đi giải cứu thế giới. Ý tưởng nữ quyền dù đã được biên kịch kiêm đạo diễn Brad Bird thai nghén hơn 10 năm trước, nhưng phát hành phần 2 vào mùa hè năm 2018 quả thực là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đề tài nữ quyền trong Gia Đình Siêu Nhân 2 dễ dàng tiếp cận công chúng hơn sau đợt tấn công của các “chị đại” 2017 như Lady Bird, Beauty & The Beast, Wonder Woman…., nhưng đồng thời cũng bình dị, gần gũi với những gam màu đậm chất cuộc sống hơn.

Việc phụ nữ theo đuổi sự nghiệp, người chồng, người cha lui về chăm sóc tổ ấm chẳng phải một điều xa lạ trong cuộc sống hiện đại. Đó là trách nhiệm lớn lao, sự sẻ chia, thông cảm từ cả hai phía dành cho nhau, và dành cho những người thân yêu nhất. Tuy nhiên, thông điệp nữ quyền sẽ không được truyền tải một cách trọn vẹn nếu như thiếu mất những đại diện của nửa kia thế giới tuyệt vời.

Tony Rydinger: Cháu đủ nam tính và mạnh mẽ để theo đuổi, chấp nhận một cô gái cá tính

Nguồn: BuzzFeed
Nguồn: BuzzFeed

Đoạn hội thoại giữa “crush” của Violet - Tony với ông bác đặc vụ Rick Dicker chỉ kéo dài trong một vài phút đầu phim, sau khi Tony biết được danh tính của Violet trong bộ đồ siêu nhân. Nếu để ý kỹ, khán giả có thể nhận ra câu thoại này phần nào lấy cảm hứng từ chiến dịch WeAreManEnough (tạm dịch là: Chúng tôi đủ mạnh mẽ, đáng mặt đàn ông), từ các nam diễn viên, đạo diễn, biên kịch, các nhà hoạt động vì nữ quyền tại Hollywood trong phong trào #ManEnough, Time’sUp như Prince Ea, Justin Baldoni (Jane the Virgin), Matt McGorry (How To Get Away With Murder, Orange Is The New Black), Derek Hough (Dancing With The Stars, Nashville)...

Dù chưa có một xác nhận chính thức từ phía nhà sản xuất, nhưng rõ ràng, bộc bạch của Tony trong phim có vài nét tương đồng với chia sẻ của nam diễn viên Justin Baldoni tại sự kiện Ted Talk năm 2017:

Liệu các bạn có đủ mạnh mẽ để khóc khi tổn thương hay hạnh phúc, kể cả trông bạn sẽ vô cùng yếu đuối? Liệu bạn có đủ tự tin để lắng nghe ý kiến, câu trả lời từ người phụ nữ của mình, tin tưởng bất chấp những điều đó đi ngược lại quan điểm của bạn? Liệu rằng bạn có phải là một người đàn ông thực thụ, đủ bản lĩnh (man enough) để đứng ra đối chất, ngăn cản những người đàn ông khác đang có ý định chuốc rượu, xâm hại một cô gái nào đó? Liệu bạn có đứng lên hành động để tất cả chúng ta không còn sống trong một thế giới mà những người phụ nữ phải lấy hết can đảm lên tiếng, nói ra hai từ Me Too?

Nguồn: bahaiblog
Nguồn: bahaiblog

Bob (Mr. Incredible): Bố chỉ muốn cố gắng làm một người bố tốt của các con mà thôi.

Violet: Không bố ơi, bố là ông bố siêu phàm.

Và tất nhiên, để có một phần 2 thành công, truyền tải đầy đủ thông điệp của các nhà làm phim, không thể không nhắc tới ông bố vĩ đại nhất nhì trên màn ảnh rộng năm 2018 - Mr. Incredible. Hai câu thoại ngắn gọn, đơn giản nhưng lại hàm chứa thông điệp về tình yêu vô cùng thương sâu lắng và chạm tới trái tim của những người làm bố, làm mẹ, hay bất cứ khán giả nhí nào.

Nguồn: Aceshowbiz
Nguồn: Aceshowbiz

Từ phần 1, nhân vật Bob Parr - Mr. Incredible từ lúc độc thân, cho đến khi trở thành người chồng, người cha, giống như một đứa trẻ to xác với cái tôi khổng lồ, hiếm khi nhận sai, sống theo phương châm hành động độc lập, đặt vinh quang quá khứ và sở thích “người hùng” vượt trên tổ ấm hạnh phúc, bình dị tưởng chừng đơn điệu và bế tắc mình đang có.

Sang đến phần 2, khi được tráo đổi trọng trách, lý tưởng ban đầu của Mr. Incredible là thành công chốn hậu phương để vợ hoàn thành nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, giúp các siêu anh hùng được công nhận, hoạt động một cách hợp pháp như trong quá khứ. Đến lúc thực sự phải vào vai “người vợ” của gia đình, “bảo mẫu” của nhóc tì đang tập bò, “gia sư” của một cậu bé cấp 1, “nhà tâm lý học”, “chuyên gia xử lý khủng hoảng” cho cô con gái tuổi 14-15, Bob mới dần thay đổi. Cái tôi “không chịu thua kém vợ, vợ làm được, mình cũng làm được” dần nhỏ lại, thay thế bằng nỗ lực và hành động và trên hết là tình yêu thương.

Sau tất cả, bố vẫn là người hùng trong mắt con cái mình, huống hồ đây còn là ông bố siêu phàm (Incredible) cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nguồn: amazonaws
Nguồn: amazonaws

Gia Đình Siêu Nhân phần 2 dù được truyền thông tập trung vào thông điệp bình đẳng, trao quyền cho phụ nữ, đề cao vai trò của phụ nữ, nhưng sâu xa, đây vẫn là một câu chuyện về tình yêu thương, sẻ chia, gắn bó, và cả hi sinh để bảo vệ và xây dựng gia đình; làm tan chảy hàng triệu con tim 14 năm trước, và tiếp tục để lại những dư âm tuyệt vời cho người hâm mộ của ngày hôm nay.

Đóng góp bài viết: Thành viên Lena