Joker, Ký Sinh Trùng và loạt phim Hollywood biến điện ảnh 2019 thành năm của xung đột giai cấp

Tin điện ảnh · Maii ·

Căng thẳng tầng lớp có phải càng lúc càng gia tăng như cách các bộ phim Joker, Ký Sinh Trùng, Ready or Not khắc họa?

Chỉ vài ngày sau khi ra mắt ở một số rạp phim nhất định ở Mỹ, Parasite - Ký Sinh Trùng của đạo diễn Bong Joon-ho đã được tôn làm một trong những phim hay nhất năm. Trong các đánh giá vô cùng tích cực dành cho bộ phim, Ký Sinh Trùng được cho là thành công bằng việc khắc hoạ cuộc chiến giai cấp. Leah Greenblatt của Entertainment Weekly gọi bộ phim là bức chân dung cách điệu tuyệt vời về tầng lớp, định mệnh và gia đình trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Mặc dù tựa phim mang màu sắc của thể loại viễn tưởng hoặc kinh dị (đây là phần hậu truyện tâm linh của The Host năm 2006 chăng, bạn có thể sẽ nghĩ thế khi mới lướt qua bộ phim), Ký Sinh Trùng thực ra là bộ phim tập trung rất rõ về khác biệt và tranh chấp giữa gia đình nghèo của ông Kim và gia đình giàu có của ông Park, người sở hữu một căn biệt thự mà gia đình ông Kim lần lượt len lỏi tìm mọi cách để vào làm việc. 

Ảnh: Entertainment Weekly
Ảnh: Entertainment Weekly

"Dưới góc nhìn lao động, thì tầng lớp thượng lưu có thể được coi là ký sinh trùng," Bong nói với EW. "Họ hút máu người khác cho tất cả mọi thứ từ lái xe cho đến trông nhà. Mặc dù họ trả tiền, nhưng họ sống dựa trên sức lao động của người khác. Khi tôi nghĩ ra câu chuyện này, lần đầu tôi có ý tưởng này, tôi có phần tập trung vào gia đình nghèo cùng hình ảnh ký sinh trùng nhiều hơn, bởi mọi thứ bắt đầu khi họ bắt đầu thâm nhập vào căn biệt thự, như loài ký sinh trùng xâm nhập vật chủ." 

Ký Sinh Trùng không phải là lần đầu Bong dùng một thể loại phim cụ thể để khắc họa căng thẳng tầng lớp trên màn ảnh. Phim khoa học viễn tưởng Snowpiercer năm 2013 của anh lấy bối cảnh hậu tận thế khi xã hội của con người sống trên một đoàn tàu di chuyển vô tận. Các tầng lớp sống trên đoàn tàu được phân định rõ. Người nghèo và người lao động bị nhồi nhét vào các toa dưới trong khi những người sống ở các toa tàu trên ngập ngụa trong xa hoa và sung sướng. Một sự phân biệt khác nữa trong phim là nguồn nước chảy vào đầu tàu trước rồi mới tới các toa sau. Mặc dù Ký Sinh Trùng lấy bối cảnh hiện đại và rất thực tế, nhưng nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia tầng lớp.

Gia đình ông Kim sống trong một căn hộ dưới tầng hầm, toilet là một trong những nơi nằm cao nhất trong nhà - đầu phim, gia đình ông tuyệt vọng tìm kiếm tín hiệu wifi của nhà hàng xóm và chỉ có thể vào được nếu bắt sóng từ toilet. Cảnh sống khốn cùng của gia đình còn được tô đậm bằng hình ảnh một người đàn ông say rượu tè bậy trước nhà mà họ có thể quan sát được qua cửa sổ cao ngang mặt đường. Sau trận bão, gia đình ông Park chỉ đơn giản phải chịu đựng việc hủy chuyến đi cắm trại mừng sinh nhật con trai, nhưng đối với gia đình ông Kim, cơn bão đã tạo nên một trận lụt khủng khiếp đối với căn nhà của họ. 

"Trong bộ phim này, nước (kể cả nước tiểu) đại diện cho sự xui xẻo và thảm cảnh," Bong nói. "Không may là nước luôn chảy từ nơi cao xuống vùng trũng, không bao giờ là ngược lại. Nước chảy từ khu dân cư giàu có xuống khu dân cư nghèo. Nó thực sự là yếu tố bi thảm trong bộ phim này và tôi cố gắng thể hiện điều đó thông qua trường đoạn cơn mưa."

Cơn mưa và cảm giác khác biệt nó mang đến cho từng nhân vật trong Ký Sinh Trùng chính là sự kiện mang tính bước ngoặt trong phim. Sau đó, căng thẳng giữa 2 giai tầng trong xã hội lên đến đỉnh điểm và bùng nổ cao trào bạo lực. Rất nhiều phim của Bong kết thúc trong sự phá hủy: Chẳng hạn như cuộc nổi loạn trong Snowpiercer khiến cả đoàn tàu bị lật, hay các nhà hoạt động vì động vật trong Okja bị đám lính đánh thuê phát xít vây bắt.

“Những khác biệt đó tồn tại trên nhiều cấp độ trong thực tế, nhưng hiếm khi bạn thấy các sự kiện bạo động đối diện trực tiếp với căng thẳng tầng lớp. Thông thường, mọi thứ đều rất mập mờ và rối rắm và nó cứ tiếp tục diễn ra như thế,” Bong nói. “Nhưng thông qua bộ phim và cấu trúc 3 phần (three-act structure), bạn có khả năng giải quyết khoảnh khắc bùng nổ ấy khi căng thẳng lên đỉnh điểm. Tôi luôn tự cho mình là một nhà làm phim theo thể loại. Đôi khi các phim đi theo chuẩn thể loại như Snowpiercer, nhưng đôi khi thì không, như trường hợp của Ký Sinh Trùng, nhưng bằng việc sử dụng qui ước thể loại, tôi có thể để căng thẳng tuôn trào thông qua câu chuyện. Điều đó cho phép chúng tôi khắc họa căng thẳng này rõ ràng hơn, thay vì để nó cứ diễn ra mập mờ. Có nhiều phim cho cứ ẩn ý thể hiện, nhưng với tư cách là một nhà làm phim thể loại, tôi luôn tiếp cận thể loại rồi qua đó tiếp cận các vấn đề đó, đấy là lý do tại sao phim của tôi luôn là sự pha trộn giữa hài đen (black comedy) và bi kịch."

Ảnh: Entertainment Weekly
Ảnh: Entertainment Weekly

Năm 2019 là năm tuyệt vời dành cho các phim theo thể loại (genre film) không ngần ngại đưa vấn đề căng thẳng tầng lớp trong xã hội lên màn ảnh. Us (Chúng Ta) của Jordan Peele sử dụng thể loại kinh dị để miêu tả cuộc đấu tranh giữa một gia đình tầng lớp trung lưu đang sống yên ổn và tầng lớp bần cùng trong xã hội bị trói buộc và chịu nỗi thống khổ trong bóng tối nhằm tồn tại. Khi cuộc chiến giai cấp trên diện rộng thất bại, lớp người nhân bản của Us sử dụng giải pháp tương tự như các nhân vật chính của Ký Sinh Trùng: Xâm nhập thế giới của tầng lớp giàu có bằng việc thay thế từng người một.

Kể cả Joker, bộ phim chuyển thể từ truyện tranh được chú ý nhiều nhất mùa thu này, cũng có chủ đề chính về sự xung đột giai cấp. Khác với nhiều diễn giải về Joker trước đó được đưa ra, Arthur Fleck của Joaquin Phoenix là kẻ sống sót sau khi bị tra tấn về tinh thần lẫn thể xác, có chút kết nối còn sót lại với xã hội nhưng dần bị cắt đứt bởi nền chính trị thối nát của thập niên 70, cũng như sự bỏ bê, lạnh nhạt của tỷ phú Thomas Wayne (Brett Cullen). Nhưng xung đột giai cấp vượt qua cả hoàn cảnh sống của Arthur; cả thành phố Gotham đang rất căng thẳng do các cuộc đình công của tầng lớp công nhân vệ sinh, khiến rác thải chất đống trong thành phố, ngụ ý cho tình trạng tâm thần của Arthur. Giọt nước làm tràn ly cuối cùng là khi Arthur bị chế nhạo và đánh đập trên một tàu điện ngầm bởi một đám thanh niên công sở ăn mặc chỉn chu; khi Arthur bùng nổ bạo lực và bắn trả, sự kiện này như châm ngòi cho phong trào bạo động trên diện rộng chống lại tầng lớp giàu có.

Và rồi chúng ta có Ready or Not, phim kinh dị giật gân về một người phụ nữ trẻ tên Grace (Samara Weaving), cưới người chồng với gia thế giàu có. Xui xẻo thay, cô dành cả đêm tân hôn để chơi trò trốn tìm với gia đình nhà chồng, những người đang săn lùng cô bằng cung tên và những con dao sắc nhọn. Chuyện hậu trường của bộ phim cho chúng ta thấy lý do tại sao ngày nay, chúng ta càng lúc càng được xem nhiều phim tương tự.

Ảnh: Entertainment Weekly
Ảnh: Entertainment Weekly

“Chủ đề về giai cấp và tầng lớp 1% (tức là giai cấp siêu giàu) hiện diện ngay trong bản nháp (kịch bản) đầu tiên mà chúng tôi đọc được, nhưng Fox Searchlight tham gia (làm phim) sau ngày bầu cử tổng thống năm 2016,” đồng đạo diễn Matt Bettinelli-Olpin nói với EW. “Chúng tôi thực sự đã đến đó vào sáng ngày hôm sau và cảm giác giống như đi vào nhà xác vậy, rất hài hước. Trước đấy thì kịch bản cuối phim rất đen tối, giống như một lời cảnh báo đến tầng lớp 1% vậy, nhưng sau cuộc bầu cử (với chiến thắng thuộc về Trump) thì chúng tôi đều đồng ý rằng (chúng tôi, xưởng phim và các nhà sản xuất), ‘hãy làm bộ phim vui vẻ một chút, bớt nặng nề và ít cờ cảnh báo hơn.’ Nhân vật chính trong kịch bản gốc đã chết vào cuối phim đấy.” 

“Đất nước chúng ta được điều hành bởi những kẻ kiếm tiền từ những người đã chết,” đồng đạo diễn Tyler Gillett nói. “Với chúng tôi thì điều này hoàn toàn sai trái, khi bạn để lại số tiền này cho thế hệ sau thì các gia đình ấy cứ càng lúc càng quyền lực và tiếp tục thống trị thế giới. Chúng ta đã thấy Trump làm điều đó trong thực tế. Câu hỏi ở đây là, cho đến khi nào, bạn mới thực sự phá bỏ truyền thống, đứng lên và nói rằng, ‘được rồi với tư cách là một người có quyền lực, tôi phải làm điều gì đó khác biệt,’ đấy chính là điều mà nhân vật của Adam Brody đại diện. Và rồi bạn có nhân vật người cha Tony (Henry Czerny), người đến tận lúc bùng nổ (theo đúng nghĩa đen), vẫn đòi hỏi mình là người nắm quyền và xứng đáng với điều đó.”

Sự khác biệt giữa những người may mắn thừa hưởng đặc quyền và những người phải lao động để kiếm sống cũng là một trong những chủ đề được tập trung trong Hustlers của Lorene Scafaria, bộ phim gây được tiếng vang mùa thu này, kể câu chuyện về những vũ nữ thoát y lừa đảo đám đàn ông giàu có ở phố Wall (dựa trên câu chuyện có thật được đăng trên tạp chí New York).

Ảnh: Entertainment Weekly
Ảnh: Entertainment Weekly

Không giống như nhiều phim và TV series khác khắc họa vũ nữ thoát y, Hustlers kể câu chuyện từ góc nhìn của họ. Kết quả là, khán giả được nhìn thấy công việc gian khổ, khó khăn cũng như kiểu sếp mà các vũ nữ phải chịu dựng và vượt qua, cũng như bản chất “mùa vụ” của công việc. Nhưng kể cả khi đối với một khán giả chưa bao giờ bước chân vào một câu lạc bộ thoát y vũ cũng đều có thể đồng cảm với cuộc sống của các cô gái này, bởi họ bị ảnh hưởng rất nhiều từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, sự kiện đã tước bỏ cơ hội kiếm sống của họ trong khi các khách hàng từ phố Wall lại càng lúc càng giàu hơn.

“Có một định kiến sai lầm rằng các vũ nữ thoát y kiếm hàng ngàn đô mỗi đêm và tiền thì từ trên trời rơi xuống,” Scafaria nói với EW. Cô cũng chia sẻ rằng câu chuyện của những vũ nữ trong Hustlers có thể liên hệ với rất nhiều khán giả. Mỗi công việc khác nhau đều có đặc điểm chung nào đó về mặt tích cực và tiêu cực của nó, về giá trị của tự do trong công việc, về loại tiền mà công việc đem đến. Sức hấp dẫn của công việc luôn luôn hiện diện, “chỉ đêm nay thôi là có thể trả tiền nhà, trả được hóa đơn bệnh việc, món nợ sinh viên và tất cả những thứ là một phần của một hệ thống đổ nát này.”

Trong vai Ramona, Jennifer Lopez đóng vai chị cả của các vũ nữ khác trong Hustlers như Destiny (Constance Wu). Cảnh được nhắc đến nhiều nhất của Lopez trong phim là cảnh cô vũ lần đầu, đắm mình trong những tờ tiền khi nhảy theo điệu nhạc bài Criminal của Fiona Apple, và sau đó là cảnh cô dạy cho Destiny nghệ thuật múa cột. Nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế bộc phát, Ramona cũng là người nghĩ ra kế hoạch trả đũa nhà băng bằng cách quyến rũ, chuốc thuốc và lừa đảo những kẻ đã làm cả một hệ thống sụp đổ.

Dần dần, như trong cao trào của rất nhiều phim chính kịch tội phạm, băng của Ramona dần đi quá xa. Họ bắt đầu tính kế những người không có nhiều tiền đến thế để tiêu và cảnh sát tìm đến họ. Ramona vẫn giữ vững quan điểm triết học của mình. Cô là người thoại câu chốt của cả bộ phim: “Tất cả đều là một câu lạc bộ thoát y cả. Có người tung tiền và cũng có người vũ.” Đấy là mô tả cô đọng nhất cách chủ nghĩa tư bản vận hành trong năm 2019 – nơi một nhóm người có nhiều tiền đến độ chẳng biết làm gì, còn những người khác thì túm tụm lại với nhau để giành việc để kiếm sống, hoặc kể khổ trên GoFundMe để cầu xin sự giúp đỡ nhằm chi trả hóa đơn y tế.

“Tôi nghĩ rằng người xem đã bước vào một cuộc hành trình với bộ phim này. Họ chứng kiến bộ phim mở đầu với câu chuyện về các vũ nữ, sau đó từ từ biến thành phim chính kịch tội phạm đương thời. Và vì thế tôi nghĩ rằng nói ngắn gọn thì phim đưa mọi người trở về với thực tế, khi xung đột kiểu này đang tồn tại và bạn đang đứng giữa 1 trong 2 phe.” Scafaria nói.

Hustlers là bức tranh chân dung của nước Mỹ trước và sau cuộc khủng hoảng kinh tế - bức chân dung cần vài năm hồi tưởng để chúng ta thực sự hiểu rằng đã bao nhiêu năm trôi qua mà vẫn không có gì thay đổi. Năm 2008 đã đẩy Tổng thống Barack Obama vào văn phòng với thông điệp về “thay đổi”, nhưng dữ liệu cho thấy tầng lớp 1% ở Mỹ hiện tại còn giàu hơn cả trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra. Tầng lớp lao động nghèo và trung lưu thì sao? Không có gì thay đổi mấy.

Vậy nên, hiện tại trong năm 2019, chúng ta sống với thời đại của Ký Sinh Trùng. Cuộc khủng hoảng kinh tế đương nhiên mang cấp độ toàn cầu, và hậu quả là thế giới càng lắm những người càng lúc càng nghèo đang phải giành giật từng miếng ăn trong khi tầng lớp giàu có vẫn đang yên ổn trong xa hoa. Tại thời điểm bài viết này được hoàn thành, các cuộc bạo động đã bao trùm cả Hồng Kông và Ecuador. Bất cứ phim điện ảnh nào mô tả thời điểm hiện tại này sẽ được nhắc nhở không nói đến xung đột giai cấp trong khi đó là sự thật và nó đang diễn ra hằng ngày.

“Khi thời gian trôi qua, tôi hi vọng rằng mọi người sẽ nhớ đến bộ phim này như một sự mô tả chân thực nhất thời đại mà chúng ta đang sống,” Bong nói. “Tôi muốn mọi người nhìn lại bộ phim này và nói cuộc sống chính xác là như thế và nhớ về nó như một bức tranh tả thực sống động.”

Nguồn: Entertainment Weekly