Memento - Nghệ thuật thao túng thực tại

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Calvinnn ·

Bộ phim có tuổi đời 20 năm Memento, đến nay vẫn khiến người ta bàn tán.

Kéo xuống để xem tiếp

Nhắc tới Nolan, không ai mà không thể nhớ tới một Inception xoắn não, khiến người xem phải trăn trở vì những ý tưởng độc đáo của nó, hay là bộ ba phim The Dark Knight khiến cho giới điện ảnh có cái nhìn nghiêm túc hơn về dòng phim siêu anh hùng. Phim của ông không chỉ cho người xem một trải nghiệm thị giác mà còn khiến khán giả phải ngạc nhiên và tò mò. 

Memento là bộ phim đặt viên gạch đầu tiên đưa Nolan trở thành một trong những đạo diễn được săn đón nhất xứ sở Cờ Hoa hiện nay. Vốn được chuyển thể từ truyện ngắn của chính em trai ông - Jonathan Nolan, Nolan đã khéo léo tạo ra một bộ phim sáng tạo về cốt truyện, cách dẫn truyện, phá vỡ quy tắc thông thường của một bộ phim.

Phim theo chân Leonard Shelby, một kẻ bị chứng mất trí nhớ ngắn hạn khiến anh không thể nhớ được những gì xảy ra quá 15 phút. Tất cả những gì mà anh ta có thể nhớ là toàn bộ kí ức trước sự kiện khiến anh ta mất trí, trong đó bao gồm cả việc truy tìm kẻ đã hãm hiếp và giết hại vợ anh bằng cách góp nhặt những thông tin mà anh ta ghi nhận bằng những mẫu giấy, những tấm ảnh hay thậm chí là những hình xăm.

Sẽ không có gì đáng nói nếu Memento có cách dẫn dắt tuyến tính thông thường, tuân theo trình tự thời gian như mọi bộ phim có ba hồi thường sử dụng, mà làm khác quy chuẩn đó khi sử dụng dòng thời gian đối lập nhau. Cảnh trắng đen là những cảnh hồi tưởng của Leonard, từ hiện tại đến tương lai, còn cảnh có màu là thực tại nhưng lại có diễn biến theo trình tự ngược lại. Cả hai đan xen tạo nên một dòng thời gian kì dị, hỗn loạn, thách thức khả năng suy luận của khán giả. 

Cách dẫn truyện này nhằm giúp chúng ta có thể đặt góc nhìn của mình vào nhân vật chính - Leonard Shelby khi phần nào mô tả được sự hỗn loạn trong chính nhận thức của anh ta về thực tại và thời gian. Nolan đã gián tiếp khiến người xem trở nên "mất trí nhớ", mỗi lần chuyển cảnh, khán giả lại thắc mắc về hành động của nhân vật chính, anh ta vừa làm gì chứ không phải là anh ta sẽ làm gì. Chính cách sắp xếp không theo trình tự vậy khiến người ta bối rối, đôi khi quên đi những thông tin mà cảnh phim trước đó cung cấp, buộc người xem phải xâu chuỗi lại từng thông tin mà các cảnh phim cung cấp, hệt như cách mà anh chàng Leonard xâu chuỗi sự việc bằng những manh mối anh ta tự để lại. 

Thế nhưng khi đang mãi mê theo dõi hành trình của gã, phim lại tiếp tục đặt ra thêm một câu hỏi nữa rằng, liệu một kẻ có kí ức vụn vỡ và mập mờ như vậy, chỉ phụ thuộc vào những manh mối nhỏ lẻ mà chả biết có xác thực không liệu có đáng tin? Người xem tiếp nhận từng cảnh phim, từng dòng suy nghĩ của anh mà chả có một chút nghi ngờ, vậy liệu Leonard có đang "lừa" chúng ta? Đây là lúc những phân cảnh trắng đen phát huy tác dụng. Các cảnh này khiến người xem bối rối khi có câu chuyện gần như chả liên quan tới mạch phim chính (cảnh có màu), vì diễn tả lại hồi ức của Leonard về một nhân vật khác. Nhưng kì lạ thay, những cảnh này mới chính là manh mối để chúng ta biết được rằng liệu điều chúng ta theo đuổi từ đầu phim tới giờ có đúng hay không.

Phim còn thử thách niềm tin của người xem khi mỗi nhân vật, mỗi sự kiện mà Leonard gặp gỡ và trải qua, anh đều lưu giữ lại bằng mỗi tấm hình, những dòng "note" trên cơ thể, đều mang góc nhìn chủ quan từ nhân vật chính. Từng con người, từng sự kiện anh ta thấy đều được tiết lộ dần dần ở cuối phim, cũng đồng thời cho ta thấy con người thực sự của Leonard - "câu đố" mà chúng ta đang giải từ đầu tới giờ.

Các cảnh phim theo trình tự trong phim (Nguồn: Lesson From The Screenplay)
Các cảnh phim theo trình tự trong phim (Nguồn: Lesson From The Screenplay)

Cái hay của phim là dù mang tới cho bộ não chúng ta một mớ hỗn độn, phim vẫn bằng cách nào đó khiến chúng ta hiểu được. Ở các cảnh có màu, phim đi ngược theo trình tự thời gian, cảnh sau giải thích cho hành động cảnh trước. Xen kẽ với các cảnh phim có màu, là các cảnh trắng đen hồi tưởng theo trình tự tuyến tính, vừa giữ cho mạch phim được liên tục, vừa làm khán giả tò mò.   

Memento theo trình tự thời gian (Nguồn: Lesson From The Screenplay)
Memento theo trình tự thời gian (Nguồn: Lesson From The Screenplay)

Biểu diễn cả phim theo trình tự thời gian, ta có các cảnh trắng đen xảy ra đầu tiên, sau đó tới các cảnh màu. Nolan đã "xào nấu" cả dòng thời gian đó bằng cách sắp xếp lại trình tự các sự kiện, khiến bộ phim trông có vẻ vô lí tới đâu, cũng đều trở nên hợp lí với nếu bạn xem hết phim. 

Phim ảnh của Nolan luôn cuốn hút người xem vào từng nhân vật, từng sự kiện và từng nội dung. Mỗi lần xem, ta lại hiểu thêm về nhân vật, các chi tiết trong bộ phim, mọi thứ đều hợp lí tới mức kinh ngạc. Kể cả khi bạn có hiểu được nó rồi, khi xem lại, bạn vẫn bất ngờ với từng diễn biến nó mang lại, hệt như cái cách mà Leonard bất ngờ khi đi tìm quá khứ của bản thân.

Memento làm người xem chú ý tới tài năng của vị đạo diễn cùng với tình yêu của ông với lối kể chuyện phi tuyến tính. Ông là một kẻ ám ảnh với thời gian và việc đánh lừa người xem, cho chúng ta thấy cách ta kể một câu chuyện cũng quan trọng như chính bản thân câu chuyện. Sáng tạo trong làm phim là vô hạn, một câu chuyện báo thù thông thường cũng có thể biến thành một trải nghiệm điện ảnh độc nhất.

Nguồn: AV Club