Những cú long take đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh (Phần 1)

Tin điện ảnh · khacduy ·

Những cú máy dài đã dần trở thành công cụ yêu thích của các nhà làm phim hiện nhằm đem đến cảm giác thật nhất cho khán giả khi ta tưởng chừng như đang hiện diện ngay trong khung cảnh của phim.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ quay phim ngày nay, các cú máy dài (long take) đã dần hiện hữu với tần suất nhiều hơn trong các tác phẩm điện ảnh. Thuật ngữ cú máy dài (long take, continuous shot) nhằm chỉ bất kì trường đoạn phim nào được thực hiện bằng việc quay không gián đoạn cho đến khi chuyển sang cảnh khác. Tuy đã xuất hiện khá lâu đời, ngay từ trước khi có sự trợ giúp của các thiết bị cân bằng máy quay hiện đại như ngày nay, các nhà làm phim cổ điển như Carl Theodor Dreyer, Mikhail Kalatozov, Jean-Luc Godard... đã tạo ra các cú long take đi vào lịch sử điện ảnh, nhà làm phim huyền thoại Afred Hitchcock còn ăn gian bằng cách nối nhiều cú quay riêng lẻ lại với nhau để tạo ra một cú máy dài ấn tượng trong tác phẩm Rope (1948). Giờ đây, những cú máy dài đã dần trở thành công cụ yêu thích của các nhà làm phim hiện nhằm thể hiện sự ăn ý tuyệt vời giữa dàn diễn viên và đội ngũ quay phim, và đem đến cảm giác thật nhất cho khán giả khi ta tưởng chừng như đang hiện diện ngay trong khung cảnh của phim. 

Sau đây Moveek xin giới thiệu với các bạn những cú máy dài đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh.

1. Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance) (2014)

Tác phẩm điện ảnh được vinh dự nhận Oscar cho Phim hay nhất năm 2014 Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance) là câu chuyện xoay quanh hành trình tìm lại ánh hào quang của nam diễn viên hết thời Riggan Thompson (Michael Keaton thủ vai) nhằm thoát khỏi cái bóng quá lớn từ vai diễn siêu anh hùng Birdman trong quá khứ. Đạo diễn Alejandro Gonzales Inarritu và đạo diễn hình ảnh Emmanuel Lubezki đã thực hiện bộ phim dưới dạng một cú máy dài 119 phút. Sự liên tục này góp phần truyền tải thành công không khí bế tắc, đau khổ trong cuộc sống phải vật lộn giữa hào quang trong quá khứ và thực tại đau đớn khi phải tìm cách cứu vãn sự nghiệp của Riggan.

2. Children of Men (2006)

Đây cũng là một tác phẩm khác mà Emmanuel Lubezki đóng vai trò đạo diễn hình ảnh. Tuy nhiên, với Children of Men của đạo diễn Alfonso Cuarón, Lubezki thực hiện một cú máy dài đầy ấn tượng. Children of Men lấy bối cảnh một thế giới đầy hỗn loạn khi toàn bộ phụ nữ trên Trái Đất mất đi khả năng mang thai vào năm 2027. Tuy nhiên, khi nhà hoạt động chính trị Theon Faron (Clive Owen) tìm thấy một thiếu nữ đang mang thai đầy kì diệu Kee (Clare-Hope Ashitey). Anh quyết định bảo vệ và đưa cô đến một khu trú ẩn nằm giữa biển khơi nhằm tìm ra cách cứu lấy loài người. Cú máy dài trong phim diễn ra khi chiếc xe hơi của 2 nhân vật chính bị một toán cướp tấn công, sự cộng hưởng giữa dàn diễn viên và kĩ thuật quay phim của Lubezki xuất sắc đến mức tâm trí của khán giả dường như bị cuốn vào những diễn biến trên xe mà quên mất đi việc chúng ta đang xem một cú máy dài tuyệt vời như thế nào.

3. Atonement (2007)

Trước khi đạo diễn Christopher Nolan đưa sự kiện Dunkirk vào trong tác phẩm mới nhất cùng tên, thì đạo diễn Joe Wright đã lột tả sự ác liệt của cuộc tháo chạy khổng lồ này qua cú máy dài trong tác phẩm Atonement. Phim xoay quanh câu chuyện tình đẹp nhưng buồn đến nao lòng giữa Robbie Turner (James McAvoy) và Cecilia Talis (Keira Knightley). Hai người yêu nhau say đắm, nhưng hoàn cảnh éo le và Thế chiến thứ II đã chia cắt họ. Cú máy dài 5 phút rưỡi bao quanh bối cảnh dài 402 mét này được thực hiện khi đoàn làm phim không thể tìm đủ 1000 diễn viên quần chúng cần thiết, dẫn đến sự ra đời của một trong những cú máy dài tuyệt đẹp, lột tả bức tranh tàn khốc của cuộc chiến tranh được xem là khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.

4. The Protector (2005) 

The Protector (hay còn có tựa khác là Tom Yum Goong) xoay quanh hành trình tìm lại chú voi quý bị bọn săn trộm bắt đi của anh chàng nhà quê giỏi võ Kham. Phim không chỉ quyến rũ người hâm mộ điện ảnh bằng những đòn đánh đẹp mắt nhưng không kém phần tàn bạo của môn Muay Thái, mà còn góp phần đưa tên tuổi nam diễn viên võ thuật người Thái Tony Jaa vào mắt xanh của những nhà làm phim ở Hollywood. Đoàn làm phim mất 4 ngày và 8 lần thử để có thể thực hiện thành công cú máy này, đó là còn chưa kể đến việc họ phải thay thế người quay phim vì người trước đó không có đủ thể lực để theo kịp Tony Jaa. Kết quả là cú máy dài 4 phút chứa đầy những cảnh hành động tàn bạo của Tony Jaa thật sự vô cùng mãn nhãn, theo chân nhân vật của Tony Jaa qua 4 tầng lầu hạ gục vô số tay sai của tập đoàn săn trộm đã bắt đi chú voi quí của làng anh. 

5. Boogie Nights (1997)

Tác phẩm xoay quanh những góc khuất của nền công nghiệp phim khiêu dâm ở Mỹ vào cuối thập niên 80. Mặc dù khi nhắc tới Boogie Nights do đạo diễn Paul Thomas Anderson (nổi tiếng qua tác phẩm There Will Be Blood)  chỉ đạo, fan hâm mộ sẽ nhớ đến cú máy dài ở phần mở đầu của phim. Nhưng thật sự cú máy dài thứ 2 trong phim, khi Little Bill tìm thấy người vợ của mình đang ngoại tình với một người đàn ông khác mới là khoảnh khắc “há hốc mồm” lớn nhất trong phim. Đạo diễn Paul Thomas Anderson khéo léo dẫn dắt khán giả qua bước chân của Little Bill (William H. Macy) quanh một bữa tiệc, tìm thấy vợ mình ngoại tình với một người đàn ông khác, quay ra xe hơi ngoài lấy khẩu súng được chuẩn bị trước đó, quay vào trong bắn chết cặp gian phu dâm phụ, rồi tự sát trước mặt khán giả.

6. Hard Boiled (1992) (tựa Việt: Lạt Thủ Thần Thám)

Tác phẩm hành động do đạo diễn Ngô Vũ Sâm chỉ đạo này đã đứng đầu top 20 tác phẩm đấu súng hay nhất mọi thời đại của trang Taste of Cinema, thể hiện vì sao ông là đạo diễn Châu Á thành công nhất trong thể loại phim hành động, mảnh đất chỉ tưởng như dành riêng cho các đạo diễn ở Hollywood. Cú mày dài 2 phút 40 giây diễn tả cuộc đấu súng ác liệt giữa thanh tra Viên Hạo Vân (Châu Nhuận Phát) và tay cảnh sát Tony (Lương Triều Vỹ) với tập đoàn xã hội đen đang cố thủ trong một bệnh viện. Sự phối hợp ăn ý giữa hai nhân vật trong màn đấu súng này mượt mà đến mức tưởng chừng như họ đang biểu diễn một điệu ba lê hơn là chiến đấu, đó là còn chưa kể đến việc dù rằng trong phim cảnh chiến đấu này tưởng như nằm ở hai tầng lầu khác nhau nhưng thật sự chỉ được thực hiện ở cùng một bối cảnh, khiến bộ phận dựng cảnh chỉ có 20 giây để dọn dẹp và trang trí lại toàn bộ bối cảnh.

7. The Player (1992)

Tác phẩm châm biếm hài hước thế giới phức tạp của Hollywood của đạo diễn Robert Altman sẽ luôn được nhớ đến nhờ vào cú máy dài ngay đầu phim. Khi phim đưa chúng ta theo chân nhân vật Griffin Mill (Tim Robbins), một giám đốc điều hành studio phim bắt đầu nhận được những lời khủng bố nặc danh. Gã còn phải đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống, sự nghiệp và các mối quan hệ của mình. Cú máy dài 7 phút 47 giây này không những giới thiệu toàn bộ các tuyến nhân vật và mối quan hệ giữa họ với nhau, đạo diễn Altman còn thành công trong việc cuốn khán giả vào nội dung phim ngay từ những phút đầu tiên bằng cú máy dài tuyệt vời này.

8. Goodfellas (1990)

Cú máy dài xuất sắc trong tác phẩm gangster kinh điển này của đạo diễn Martin Scorsese thật ra là một sự tình cờ khi câu lạc bộ Copacabana không cho phép ông sử dụng cửa trước. Phim là câu chuyện về Henry Hill, kẻ tự nhận rằng mình đã muốn trở thành một tay gangster ngay từ lúc nhỏ và hành trình gia nhập thế giới ngầm đầy cuốn hút của Henry. Từng bước chân của Henry qua từng hành lang trong Copacabana cuốn hút chúng ta bằng sự mượt mà khi mọi người nhường đường cho gã, chiếc bàn ngồi hàng khách VIP được dành cho Henry ngay lúc hắn bắt tay tên quản lý, chai rượu vang đắt tiền miễn phí từ những kẻ chịu sự bảo vệ của Henry. Scorsese đã cho khán giả thấy được sự quyến rũ của lối sống gangster chỉ trong một cú máy đầy tuyệt vời này.

9. The Shining (1980)

Bộ phim kinh dị kinh điển được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Stephen King do đạo diễn Stanley Kubrick chỉ đạo. Phim xoay quanh cơn ác mộng mà gia đình Torrance gặp phải khi người chồng Jack Torrance (Jack Nicholson) nhận công việc chăm coi khách sạn Overlook, nơi từng xảy ra nhiều vụ án mạng và sự kiện ma quái trong quá khứ. Jack vì muốn tận dụng sự cô quạnh của khách sạn này để tập trung viết lách mà không hề biết anh đã đẩy gia đình mình vào một mối nguy hiểm không ngờ đến. Cú máy dài trong phim đưa chúng ta theo chân cậu bé Danny Torrance (Danny Lloyd), khi cậu bé dạo chơi vòng quanh khách sạn trên chiếc xe đạp nhỏ của mình. Đạo diễn Stanley Kubrick đã khéo léo sử dụng nền nhạc rùng rợn và âm thanh ngoại cảnh để tạo cảm giác hồi hộp lo sợ cho khán giả khi chứng kiến Danny đi qua những dãy hành lang dài tưởng chừng như vô tận của khách sạn mà không biết được liệu điều gì sẽ chờ đợi cậu bé ẩn khuất sau những bức tường trong khách sạn ma ám Overlook.

(còn tiếp)