[Opinion] Insidious v The Conjuring: 3 Điều Insidious làm tốt hơn The Conjuring

Phim Kinh Dị · Ivy_Trat ·

Cùng là 2 vũ trụ kinh dị nổi tiếng của Hollywood, nhưng Insidious có vài khía cạnh vượt trội hơn The Conjuring.

Sau khi chia tay với loạt phim Saw, James Wan đã bắt tay làm nên một bộ phim kinh dị ma ám là The Conjuring vào năm 2013. Bộ phim tưởng như đó chỉ là một phần phim độc lập đã đặt nền móng cho một trong những thương hiệu kinh dị nổi nhất của thập niên 2010. Kéo theo đó là các spin-off về các thực thể khiến người xem nổi da gà, dù kịch bản có phần trồi sụt ở khâu chất lượng.

Sreen Rant
Sreen Rant

Lấy cảm hứng từ những vụ án tâm linh có thật của nhà ngoại cảm Lorraie Warren, các phần phim của The Conjuring đã chinh phục phòng vé khi ra mắt. Đây hoàn toàn không phải là một cú ăn may. James Wan là một đạo diễn rất chăm chỉ, trước The Conjuring, ông cũng đã thành công sáng tạo ra một vũ trụ kinh dị đáng sợ không kém – Insidious.

Insidious The Conjuring chia sẻ nhiều điểm giống nhau khi ra đời, như đều được bàn tay James Wan tạo nên những bản sắc riêng mà không phim kinh dị nào có được hay sáng tạo trong cách diễn giải độ căng thẳng đáng sợ - vốn không thể thiếu trong dòng phim này. Có thể nói, cả 2 thương hiệu đã làm mới lại cách người xem trải nghiệm phim kinh dị. Thế nhưng, Insidious được đánh giá có phần vượt trội hơn The Conjuring.

Dưới đây là 3 điều Insidious làm tốt hơn The Conjuring.

1. Insidious xây dựng thế giới ma quỷ thú vị hơn

Audience Everywhere
Audience Everywhere

The Conjuring, không kể đến các spin-off, đều dựa trên các câu chuyện có thật. Nhưng trên một mức độ nào đó, vũ trụ này có nhiều thứ mà người xem đã quen thuộc. Nếu người xem thật sự tò mò và đi tìm hiểu các câu chuyện đã làm nên các phim của The Conjuring, họ sẽ nhanh chóng nhận ra điểm chung: lý thuyết về quỷ ám hay tôn giáo, đức tin và trừ tà. Chưa kể đến Ed và Lorraine Warrens ngoài đời thực cũng rất mộ đạo. Mà tôn giáo không phải là chủ đề mới mẻ.

Insidious lại chỉ phần nào lấy cảm hứng từ thế giới thật mà thôi. Đó là các chi tiết về hiện tượng xuất hồn và quỷ ám. Còn lại, thế giới của Insidious hoàn toàn là sản phẩm của sáng tạo, khiến thế giới này lạ lẫm và khó đoán hơn nhiều so với The Conjuring.

Screen Rant
Screen Rant

Vũ trụ của Insidious xoay quanh The Further (tạm dịch: Cõi Kia) – một thế giới không hẳn là địa ngục nhưng chứa chấp những thực thể khủng khiếp. Từ Quỷ Son Đỏ (Lipstick Demon), Cô dâu mặc đồ đen, cho đến con quỷ mặc đỏ như máu của Insidious đầu tiên. Mỗi thực thể càng về sau càng hùng mạnh và độc ác hơn các thực thể trước. Và không một lễ trừ tà nào có thể trục xuất chúng như ở The Conjuring. Nói cách khác, các nhân vật ma quỷ trong đây được xem là các thực thể nằm ngoài sức ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo.

Mỗi một phần phim Insidious là một khung cửa sổ khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của The Further. Cho nên, mỗi phần phim của thương hiệu đều đóng góp vào việc xây dựng một thế giới khác mới mẻ và thú vị hơn.

2. Các thực thể ma ám đáng sợ hơn tạo nên các pha hù dọa kinh dị hơn

Den of Geek
Den of Geek

Một yếu tố làm Insidious sởn gai óc đến vậy đến từ các thưc thể ma ám trong bộ phim này và những pha hù dọa chúng mang đến.

The Conjuring, linh hồn tà ác thường khuất trong bóng tối. Còn các hiện tượng kinh dị phần lớn diễn ra vào ban đêm. Một phương thức ma ám mang tính kinh điển phải không nào? James Wan khá sáng tạo khi nhờ vào hiệu ứng âm thanh và âm nhạc để bồi đắp thứ mà chúng ta gọi là “sự mong chờ”, khiến cho các pha hù dọa trở nên đáng sợ hơn. Sự mong chờ có nghĩa là khi xem phim kinh dị, chỉ cần nghe đến một âm thanh nhất định phát ra từ trong một góc tối nào đó, chúng ta ngay lập tức nín thở để chờ đợi một cú jump-scare.

The Conjuring hiếm khi nào để các linh hồn hắc ám của phim thực sự hiện hữu rõ ràng. Wan thách thức các giác quan khác của người xem và hơn hết là trí tưởng tượng của họ để làm nên tính đáng sợ cho các bộ phim trong thương hiệu. Vì trí tưởng tượng của chúng ta là vô hạn và được xem là khởi nguồn của hiện tượng ma ám: tưởng tượng thật đến mức chúng đánh lừa cả thị giác con người. Đây cũng được đánh giá là thứ đáng sợ hơn cả. Tuy nhiên, khi bạn là một “mọt” phim kinh dị và các pha ma ám của The Conjuring vẫn tuân theo quan niệm dân gian như giờ tâm linh, đêm xuống mới hiện hồn, nạn nhân thường ở một mình, đi ngang một góc tối hay xuống các nơi ảm đạm, máy chụp hình có thể chụp lại những cái bóng….thì đến một lúc nào đó, bạn thừa biết điều gì đang chờ ở phía trước.

Nhưng ở Insidious, Wan đã phá vỡ khuôn mẫu bằng cách cho các hồn ma một thực thể vật lý. Chúng không chỉ trốn trong các góc tối, mà có thể bước ra “tiếp xúc” với các nạn nhân bị ám. Thậm chí vào ban ngày, chúng cũng không ngừng quấy rối nạn nhân một cách bạo lực. Các linh hồn tà ác này thực sự đánh vào thị giác của người xem – giác quan giúp chúng ta hình dung thế giới, dập tắt hết trí tưởng tượng, nhưng bắt khán giả phải đối mặt với các thực thể này trực diện. Kết hợp với cách thao túng âm thanh và kỹ xảo của Wan, các pha hù dọa của Insidious trở nên thực sự đáng sợ đến lạnh người, chứ không đơn giản là làm người xem giật mình nữa.

Ai có thể quên được khoảnh khắc quỷ mặt đỏ xuất hiện đằng sau Josh (Patrick Wilson) giữa một căn phòng được thắp sáng chứ? Hay khi Dalton phải đối mặt trực tiếp với các nạn nhân của Peter Crane trong Insidious 2: Chapter 2? Sự xuất hiện của người đàn bà áo trắng giữa ban ngày ban mặt?

Không phải là The Conjuring tệ, nhưng Insidious biết cách tạo nên những pha hù dọa khủng khiếp và mang tính biểu tượng hơn cả.

Cách sử dụng âm nhạc lẫn âm thanh nhỉnh hơn

Nói đến âm thanh, Insidious không chỉ sử dụng âm thanh của phim một cách tuyệt vời, mà còn rất mát tay trong các dụng cụ.

Âm nhạc và âm thanh có ảnh hưởng không nhỏ đến không khí đáng sợ trong phim kinh dị. Như đã nói ở trên, các pha hù dọa hiệu quả luôn kèm theo các âm thanh. Những bản nhạc jazz từ thế giới bên kia, đến những âm thanh được xây dựng từ đàn violin, cello và piano ở mọi cường độ. Chúng thay phiên nhau vang lên, nhấn mạnh vào các cảnh kinh dị. Nhưng James Wan không chỉ phụ thuộc vào âm thanh, ông cũng biết sử dụng cả sự yên lặng và đan xen các khoảng lặng giữa các cảnh quay để tạo nên những màn “suspense” – khoảnh khắc trong phim ảnh đặt người xem vào trạng thái hồi hợp, bồn chồn – thêm ấn tượng. Ngay cả đoạn nhạc ở màn credit mở đầu của các phim Insidious cũng khiến người xem dựng tóc gáy.

Bonus: Khi cả Insidious lẫn The Conjuring đều có chung một vấn đề về tính nhất quán

Insidious: The Last Key (Vn Review)
Insidious: The Last Key (Vn Review)

Mặc dù phần mới nhất của Insidious – Insidious: The Last Key (2018) được đánh giá là gây tranh cãi, bộ phim vẫn giữ được “chất” của thương hiệu và đưa người xem đến với một khía cạnh mới của nhân vật. Câu chuyện tăm tối với các màn hù dọa vẫn rất Insidious, tuy nhiên, The Last Key lại không thành công trong việc mở rộng cõi The Further. Dẫn đến việc thương hiệu này bị xem là đã hết tiềm năng khai thác.

Bù lại, The Conjuring có nhịp điệu và câu chuyện tốt hơn Insidious tính đến thời điểm hiện tại, nhưng đó là nhờ vào các linh hồn chớp nhoáng trong các bộ phim, tạo tiền đề hoàn hảo cho các spin-off. Nhờ các spin-off này, vũ trụ của The Conjuring được mở rộng. Nhưng khi nhắc đến “chất” Conjuring, phần phim mới nhất của thương hiệu, The Devil Made Me Do It (Ma Xui Quỷ Khiến) lại trở nên quá đỗi ngôn tình với độ kinh dị suy giảm hẳn, thêm vào đó là một cốt truyện dễ đoán và chủ đề an toàn.

Den of Geek
Den of Geek

Như vậy, cả 2 thương hiệu đều gặp phải trở ngại lớn về tính nhất quán. Khi Insidious không thể phát triển xa hơn với sự trồi sụt của chất lượng, còn The Conjuring lại khó mà duy trì được di sản của thương hiệu.

Còn bạn thì sao? Theo bạn, Insidious hay The Conjuring xứng đáng hơn với danh hiệu thương hiệu phim ảnh kinh dị nhất thập niên 2010?