[PHÂN TÍCH] Chuyện phim ảnh - Những nguyên tắc xác định một kịch bản đúng chuẩn

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · PhanNguyenSangSang ·

Những nguyên tắc vàng cần phải nắm để nhận dạng một kịch bản phim hoàn thiện.

Kịch bản, hay còn được gọi là “Script”, chính là giai đoạn đầu tiên cần có trước khi đi vào sản xuất một dự án phim điện ảnh, phim truyền hình hay các thể loại ghi hình, sân khấu hóa nói chung. Nó là một phần tất yếu không thể thiếu trong việc xác định hình ảnh, “motif” và “format” cho các dự án. Xây dựng kịch bản chính là xây nền móng cho những viên gạch đầu tiên của một công trình đồ sộ phía trước. 

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Đối với lĩnh vực phim ảnh, vai trò của kịch bản là điều không có gì để bàn cãi, không chỉ đơn thuần dừng lại ở nội dung ý tưởng, kịch bản còn có thể phác thảo gần như đầy đủ những ẩn ý về âm thanh, nghệ thuật quay, dựng, ngôn ngữ hình ảnh cảm xúc nhân vật…một cách khái quát và dễ nắm bắt nhất. Tuy nhiên, để tạo nên một kịch bản phim chưa bao giờ là điều dễ dàng, để xây dựng được một kịch bản hay, trước hết phải cấu thành được một kịch bản đúng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản về những quy tắc cần nắm trong xây dựng kịch bản. Đây là những dấu hiệu nhận biết một kịch bản “đạt chuẩn” mà các mọt phim phải lưu ý để không vấp phải hàng “pha ke” mà tỏ vẻ.

Đầu tiên, hãy luôn nhớ rằng một bộ phim hay là một bộ phim vừa vặn, tức vừa đủ xem, vừa đủ hiểu và vừa đủ cảm. Cũng giống như việc chúng ta cảm thấy bản thân thưởng thức được một bữa ăn ngon là khi chúng ta ăn vừa đủ no, không ăn thiếu để thèm, không ăn ráng để ngán. Kịch bản phim cũng vậy, hãy xây dựng một kịch bản phim vừa đủ, không lan man, dài dòng, câu thời lượng. 

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Một kịch bản phim vừa đủ, không dài dòng nhưng chiếm được trọn vẹn cảm xúc của khán giả, đó mới chính là một kịch bản thành công, đừng tham lam câu kéo, đẩy thêm những mảng miếng, tình tiết dư thừa, không những sẽ không mang lại hiệu quả tích cực mà ngược lại sẽ làm chùng tâm lý khán giả, khiến người xem cảm thấy ngán ngẩm và mệt mỏi, trong khi kinh phí để quay phim càng ngày càng tăng cao.

Tiếp theo, cái gì thật sẽ chạm đến trái tim con người. Phim ảnh là nơi phản ánh hiện thực xã hội tốt nhất, hãy bám sát điều này để tạo nên một kịch bản phim đầy tính đời và đạo - đời trong hiện thực cuộc sống, đạo trong đạo lý nhân sinh, mang được thông điệp có tính nhân văn sâu sắc. Kịch bản phim là một sự sáng tạo bất tận với vô vàn những ý tưởng có khi được nảy nở, sinh sôi trong chính những hành động nhỏ nhặt hằng ngày của chúng ta, thế nên hãy bám sát thực tế, kể những câu chuyện rất thường nhật nhưng ít ai để ý và ghi nhớ song chính những điều ấy là điều mà khán giả muốn xem, muốn nhìn thấy, muốn được đào sâu để cảm nhận.

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Một quy tắc cũng được xem như chìa khóa vàng để mở cánh cửa một kịch bản hay chính là hãy để ngôn ngữ điện ảnh kể chuyện thay nhân vật khi có thể. Hình ảnh là một thứ gì đó rất đặc biệt, tuy vô cùng gần gũi nhưng cũng ẩn chứa những nét bí ẩn, huyền bí mà đôi lúc khi ta đối diện trực tiếp bằng mắt thường, ta lại thường hay bỏ qua những điều thú vị ấy. Và phim ảnh đã và đang giúp chúng ta nắm bắt lại những điều đã bỏ lỡ, ngôn ngữ điện ảnh sẽ thực sự phát huy tác dụng nếu như biên kịch thả hồn mình vào trong tác phẩm, đạo diễn hiểu được những gì biên kịch muốn và người quay phim thực hiện thao tác đúng như những gì đạo diễn yêu cầu. 

Đôi khi chỉ cần một góc máy, một thao tác khác biệt, một cú zoom bất chợt hay cú lia vài một điểm cần người xem hướng đến của đạo diễn cũng có thể tạo nên một tuyệt tác. Thế nên mới nói, cảnh quay nào trong phim cũng có thể tạo thành cú quay trăm tỷ, chỉ cần trên kịch bản phim biết cách bày tỏ ý tưởng, người thực hiện biết cách sử dụng đúng vào mục đích, chắc chắn bộ phim được làm ra sẽ có một giá trị nghệ thuật nhất định.

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Hơn hết, kịch bản phim hay là kịch bản khán giả xem có thể hiểu, hình ảnh ẩn dụ có kín đáo, tinh tế đến đâu thì khán giả vẫn phải hiểu được dụng ý sử dụng trong phim là gì, các tình tiết trong phim có thể có nhiều tầng, nhiều lớp. Nhưng, đã mở ra được thì phải đóng lại được, đã xây dựng vấn đề thì phải giải quyết được triệt để vấn đề đó.

Hiện nay trên thị trường phim, nhất là phim Việt, thực trạng “mình voi đuôi chuột” của cả điện ảnh và truyền hình vô cùng dễ gặp, điều này khiến khán giả cảm thấy vô cùng hụt hẫng, đôi khi còn khó chịu, bực tức với cách kết phim của biên kịch. Nhiều người gọi vui đấy là kiểu kết phim “làm biếng”. Không phải vì thế mà khi viết kịch bản chúng ta sẽ sợ, sẽ né cách xếp lớp tình tiết đan xen vào nhau, làm thế lại dẫn đến tình trạng phim quá nhạt nhẽo, nhàm chán, không có sức hấp dẫn… Thế nên, một kịch bản hay là kịch bản cố gắng cân bằng lại tất cả khi xây dựng kịch bản, xâu chuỗi lại các chi tiết, tình huống dù là nhỏ nhất một cách thật logic, càng hệ thống sẽ càng dễ mở khóa, người xem sẽ càng bị cuốn vào cốt truyện mà bạn đã xây dựng. Song, cách giải quyết suy ra từ một chuỗi logic chắc chắn sẽ mang lại một kết quả khả quan nhất có thể cho kịch bản. 

(nguồn ảnh: Unica)
(nguồn ảnh: Unica)

Bên cạnh đó, còn có các quy tắc khác được quy định khá khắt khe trong việc viết kịch bản phim như phải viết kịch bản theo thì hiện tại (present tense) để khán giả dễ nắm bắt, cách hành văn của bạn phải rõ ràng, súc tích và sáng tạo. Khi viết mô tả cảnh hay hội thoại của nhân vật phải có cơ cấu hợp lý, biết cách sử dụng các khoảng trắng để biểu đạt cũng là một kỹ năng cần thiết… Nắm bắt được tất cả những điều này, kịch bản khi được làm ra chắc chắn sẽ được đánh giá cao.

Tóm lại, nghề nào cũng có cái khó của nó, làm mới lại những gì đang diễn ra trong cuộc sống và rút nó ra thành bài học chính là cái khó của người làm kịch bản phim bởi sự đòi hỏi trong tư duy sáng tạo cùng vốn sống bên ngoài từ họ là rất cao. Một vài cách mà chúng ta có thể rèn luyện, tiếp cận và làm quen dần với việc viết kịch bản phim như xem thật nhiều phim ảnh, dù là phim hay hay dở cũng đều xem qua để rút kinh nghiệm và né những điểm yếu trong các bộ phim không hay, đọc thật nhiều sách với nhiều thể loại khác nhau. 

Màn suy luận của Knives Out (2019)

Tính đến hiện tại, trường hợp phim có kịch bản mẫu mực nhất phải kể đến dự án kinh điển The Godfather, với câu chuyện vừa cuốn hút, mang ý nghĩa, dễ cảm mà còn đem lại nhiều phấn khích với nhiều góc quanh co. Ngoài ra, các phim độc lập cũng là những bộ phim có một kịch bản chắc tay, như các dự án của Robert Eggers. Các dự án kinh dị đại chúng, hạng B, hành động, thường không có một kịch bản vững cho lắm, với nhiều quy tắc hàn lâm hơn bị vi phạm (ví như quy tắc Chekhov’s gun). Còn sự dư thừa thường biểu hiện ở phim Việt Nam. Một thể loại phim đòi hỏi một kịch bản không chỉ chỉn chu mà còn chính xác theo chuẩn khoa học là trinh thám. Theo xu hướng thì thể loại siêu anh hùng cũng không đòi hỏi một kịch bản quá sâu, nhưng nó vẫn phải có được những tiêu chuẩn trên. Nhưng cả khi đối diện với sự cơ bản như vậy, không phải phim siêu anh hùng nào cũng có kịch bản thành công.