[PHÂN TÍCH] Một góc nhìn về ngành phim điện ảnh Việt thông qua việc cải biên

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · Hoangyenne ·

Cải biên không phải là sao chép, cải biên là phát hiện những điều mới mẻ từ góc nhìn điện ảnh.

Ngày nay, có thể nhận thấy ngoài những thể loại phim phổ biến ngành điện ảnh Việt còn vô cùng sôi nổi với sự góp mặt của các dòng phim cải biên, phim remake. Tuy nhiên, thường thì những dòng phim như cải biên hay remake không nhận được nhiều đánh giá cao. Vì nó thường được so sánh với bản gốc trước đó. Đặc biệt là dòng phim cải biên. Nhưng theo một lý thuyết được chú ý gần đây trong cộng đồng phim Việt, dòng phim này có thể có hy vọng trở lại.

Người ta thường nhầm lẫn giữa chuyển thể và cải biên, nhưng thực chất hai thuật ngữ này có ý nghĩa khác nhau. Đối với tác phẩm chuyển thể, việc đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc là một yếu tố quan trọng, không được làm khác đi. Còn tác phẩm cải biên là tác phẩm dựa trên nội dung tác phẩm gốc và có thể sáng tạo để thành một tác phẩm mới, hoàn toàn khác với nội dung của tác phẩm gốc. Người viết so sánh hai thuật ngữ này nhằm cho người đọc có cái nhìn đúng về cải biên, tránh nhầm lẫn giữa phim cải biên và phim chuyển thể, để đi đến những đánh giá khách quan nhất.

Trước khi đi sâu vào việc phân tích, so sánh đối chiếu các bộ phim cải biên với tác phẩm gốc. Người viết xin được nói về lý thuyết cải biên và tinh thần của nó. Lý thuyết cải biên xuất hiện khi điện ảnh cải biên ra đời, lý thuyết này nhằm bảo vệ, bênh vực cho nền điện ảnh cải biên. Nó cho rằng, cải biên cũng là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật, việc cải biên một tác phẩm có sẵn thành một tác phẩm mới không thể bị xem nhẹ. Tác phẩm cải biên cũng là một tác phẩm độc lập như bao sản phẩm nghệ thuật khác. Cùng với đó không nên đồng nhất tác phẩm cải biên với tác phẩm chuyển thể.

Trong tác phẩm Bàn về cải biên tiểu thuyết thành phim của Hạ Diễn, Mao Thuẫn, Dương Thiên Hi được Đỗ Kim Phương dịch thuật, có ý kiến rằng: “Cải biên là một thứ lao động có tính sáng tạo, cũng là một thứ lao động khá gian khổ. Đã là một thứ lao động có tính chất sáng tọa và gian khổ, vậy thì việc làm của nó không phải chỉ là chuyển thể từ hình thức nghệ thuật này sang hình thức nghệ thuật khác. Một mặt nó cần cố gắng trung thành với nguyên tác, nhưng lại cần phải nâng cao hơn nguyên tác, có sự đổi mới phong phú hơn, để sau khi cải biên xong và quay thành phim nó sẽ được đông đảo quần chúng tiếp thu, ưa thích hơn so với nguyên tác và có tác dụng giáo dục lớn hơn đối với đông đảo quần chúng”. Từ ý kiến này có thể thấy rõ được thái độ, cách nghĩ của các nhà khoa học đối với việc cải biên.

Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh | Ảnh: baotuoitre
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh | Ảnh: baotuoitre

Phim cải biên thường được sáng tác dựa trên những tác phẩm văn học đã ra đời từ trước. Dòng phim này đã đưa những trang sách lên màn ảnh rộng, biến văn học thành điện ảnh theo một cách rất riêng. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã có cái nhìn đúng và khách quan về nó? Chắc chắn đối với những người yêu điện ảnh Việt, đã không còn lạ lẫm với những cái tên như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc, Đảo Của Dân Ngụ Cư, Cánh Đồng Bất Tận, Tấm Cám, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Con Nhà Nghèo, Đất Rừng Phương Nam,… Tất cả những bộ phim kể trên, đều được cải biên từ tác phẩm văn học. Và tất nhiên, khi ra lò, chúng cũng nhận không ít ý kiến trái chiều từ khán giả. Rất nhiều ý kiến cho rằng “cảm thấy thất vọng về phim”, đi xem phim về “thấy thương cho sách”, “phim không hay bằng sách” hay còn có ý kiến cho rằng phim cải biên là bắt chước, đạo nhái lại các tác phẩm văn học mà không có sáng tạo.

GS.TS Đào Lê Na cũng từng đề cập đến vấn đề cải biên
GS.TS Đào Lê Na cũng từng đề cập đến vấn đề cải biên

Lý thuyết cải biên đi ngược lại với những ý kiến cho rằng cải biên là bắt chước mà nó góp phần công nhận sự sáng tạo, công sức của các nhà làm phim. Trong một nghiên cứu của GS.TS Đào Lê Na đã cho rằng: “Lý thuyết cải biên nghiên cứu các tác phẩm điện ảnh lấy chất liệu từ văn học sẽ dựa trên cơ sở lý luận của các lý thuyết liên văn bản, giải kiến tạo, văn hóa học, phiên dịch học hay nói cách khác, nó chính là sự phức hợp của các lý thuyết ấy”. Lý thuyết này xem xét điện ảnh dưới góc nhìn phim cải biên là một tác phẩm hoàn chỉnh, độc lập không nên đặt vào phép so sánh với tác phẩm gốc. Và việc cải biên cũng có sự sáng tạo của các nhà làm phim trong đó, hầu hết các bộ phim cải biên không giống 100% với bản gốc.

Đảo Của Dân Ngụ Cư
Đảo Của Dân Ngụ Cư

Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể
Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể

Tấm Cám – một câu chuyện dân gian được truyền miệng qua bao thế hệ, đã trở nên quá quen thuộc với toàn dân. Vậy mà khi được cải biên thành phim điện ảnh, nó lại kể cho ta một câu chuyện mới, một cốt truyện có thay đổi chứ không giữ nguyên bản câu chuyện cổ tích chúng ta thường nghe. Với những tình tiết có phần hồi hộp, gây cấn và sự xuất hiện của một số nhân vật mới kết hợp với kỹ xảo điện ảnh đã cho người xem có cái nhìn mới hơn, khác hơn so với câu chuyện họ được biết trước đó.

Cô Gái Đến Từ Hôm Qua
Cô Gái Đến Từ Hôm Qua

Việc thay đổi một số chi tiết, làm mới một số điểm ở các bộ phim để phù hợp với chất liệu điện ảnh cũng nằm trong tính toán của đạo diễn. Đại diện như trong bộ phim Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thay đổi bối cảnh của bộ phim. Trong nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, câu chuyện được xảy ra vào năm 1988, nhưng khi mang lên màn ảnh rộng đạo diễn đã thay đổi bối cảnh thành năm 1997. Việc thay đổi này giúp cho tác phẩm trở nên gần gũi, thân thuộc hơn đối với lớp trẻ, hay còn gọi là 9x.

Cô Gái Đến Từ Hôm Qua
Cô Gái Đến Từ Hôm Qua

Không chỉ vậy, những kỹ xảo điện ảnh cũng góp phần khiến bộ phim trở nên thú vị, sống động không thua kém gì so với bản gốc. Cảnh lớp học bỗng biến thành khu vườn thần tiên, Thư hóa thành con chim bay vút đi tìm Việt An, chương trình Làn sóng xanh hay cuốn sổ bí mật… là sáng tạo riêng của đạo diễn để thể hiện sự mơ mộng của thế hệ trẻ tuổi teen thời kỳ trước.

Có thể thấy, cải biên đã đặt lại các chất liệu gốc trong bối cảnh phù hợp và những bối cảnh này đôi khi còn rộng lớn, phức tạp hơn bối cảnh của chất liệu có trước. Từ những điểm mới, khác biệt độc lạ so với tác phẩm gốc, tác phẩm cải biên ít nhiều mang đến những ý nghĩa, thông điệp khác. Do đó, những sản phẩm cải biên không phải là sự sao chép hoàn toàn từ bản gốc.

Nói như vậy cũng không có nghĩa các bộ phim cải biên hay và tốt hơn so với tác phẩm văn học trước đó. Hầu hết, các bộ phim cải biên Việt còn tồn tại nhiều điểm yếu, chứ chưa hoàn toàn xuất sắc. Bởi lẽ, như lý thuyết cải biên đã đặt ra, phim là phim, văn là văn, tuy có sự liên kết với nhau nhưng khi đem ra đánh giá cần có sự khách quan.

Vì vậy mà khi thưởng thức một bộ phim cải biên, người xem cần có cái nhìn đúng đắn, cần soi chiếu, đối chiếu để nhận ra mặt tốt, mặt chưa tốt nhưng không phải là “dìm hàng” phim cải biên. Có như vậy, thì nền điện ảnh Việt Nam nói chung, phim cải biên Việt nói riêng, sẽ có “vùng đất mới” để thỏa sức vùng vẫy và sáng tạo.