Phim của Stanley Kubrick - Trật tự trong kỹ thuật và nổi loạn trong nội dung

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · _bylyy16 ·

Stanley Kubrick - Một trong những đạo diễn vĩ đại nhất điện ảnh thế giới mang đến bài học gì cho các nhà làm phim trẻ thời nay?

Stanley Kubrick – Nhà làm phim nổi tiếng với các tác phẩm vượt thời gian như A Clockwork Orange, Dr. Strangelove, 2001: A Space Odyssey hay The Shining – bộ phim kinh dị vượt thời gian mà hiếm tín đồ của thể loại này không ai là không biết.

STANLEY KUBRICK - Gã thiên tài tôn thờ sự hoàn hảo

Sinh ra tại thành phố New York, con trai của cha là bác sĩ, còn mẹ là nội trợ, lớn lên ở Bronx, ngay từ khi còn nhỏ, Kubrick đã không được định làm một đứa trẻ “con nhà người ta” bởi hiếm khi có mặt ở trường, chẳng học hành gì đến nơi đến chốn và tách biệt với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng lằn ranh giữa một kẻ tâm thần và bác học rất mỏng manh, và lằn ranh giữa một kẻ thất bại với một người được định đoạt để làm nên điều lớn lao cũng rất dễ dàng bị thay đổi. Đam mê của Kubrick nằm ở sự sáng tạo chứ không phải bài vở ở trường lớp. Những năm 1950, con đường đến với phim ảnh của Kubrick mở ra sau khi đơn vào đại học của ông tất cả đều bị từ chối.

Thời hoàng kim của Kubrick là từ cuối những năm thập niên 50 cho đến năm 1999 với nhiều tác phẩm xuất sắc mà đến bây giờ vẫn còn được nhiều thế hệ các nhà làm  phim sau này nhắc đến, ca ngợi và học hỏi. Dấu ấn của ông in đậm trong các tác phẩm không chỉ được nhìn thấy, được nghe thấy mà còn được cảm nhận thông qua màn ảnh. Phim truyện đầu tay của ông Fear and Desire là một trong số ít các phim được làm độc lập ở một studio, điều rất hiếm thấy ở thời bấy giờ. Kubrick đóng rất nhiều vai trò ở thời điểm đầu sự nghiệp, từ quay phim, biên tập, âm thanh, đạo diễn, sau đó còn viết kịch bản và sản xuất. Phim của Kubrick nổi tiếng là được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ, tạo nên tính trật tự nhất định. Tuy nhiên, với các ý tưởng và chủ đề đi sâu vào tâm lý con người và triết học, trong tính trật tự đó, vẫn có sự hỗn loạn của tâm trí, sự giằng xé và vật lộn giữa cái thiện và ác, giữa luật lệ và tự do.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong phim của Stanley Kubrick mà các nhà làm phim trẻ có thể học hỏi là tính chủ đích trong việc lựa chọn chuyển động máy quay. Chuyển động đó có thể đem lại tính rùng rợn, hào hứng, đe dọa hoặc hỗn loạn, nó theo chân nhân vật khi họ bước vào một bối cảnh khác hay một thé giới khác về mặt tinh thần. The Shining – bộ phim kinh dị chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Stephen King nổi bật với những chuyển động quay tạo nên không khí rùng rợn. Bối cảnh khách sạn Overlook là nơi bị ám bởi những hồn ma quỷ dị, các chuyển động quay theo sau nhân vật tạo nên cảm giác như có một thế lực đang dõi theo, đôi khi như đang chực chờ vồ vập lấy gia đình nhà Terrance.

Khi Jack bị nhốt trong kho thực phẩm, đầu tựa vào cánh cửa và cố gắng thuyết phục người vợ đang hoảng loạn, máy quay lúc này đặt dưới chân Jack nhìn lên, tô đậm tính dữ tợn trong gương mặt nhân vật. Ở trường đoạn cao trào, cảnh kinh điển khi Jack dùng rìu phá cửa, chuẩn bị giết vợ, Kubrick đặt máy quay đứng yên, lia ngang theo chuyển động rìu của Jack, tạo nên một sức mạnh vô hình và tô đậm tinh thần bị thao túng của Jack.

Stanley Kubrick cũng là người đi đầu trong việc sử dụng sáng tự nhiên. Ánh sáng là phương tiện tinh tế của nhà làm phim dẫn dắt hướng nhìn của người xem, cho họ thấy điều cần phải được nhấn mạnh và che giấu những điều cần phải được giữ bí mật. Có thể nói, ánh sáng là một trong những dụng ý sáng tạo của nhà làm phim, và để làm được như thế, họ phải lên kế hoạch và sắp xếp góc quay, thiết bị sao cho hợp lý để đạt được kết quả mong muốn.

Barry Lyndon – Tác phẩm từng đoạt giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất là phim điển hình cho thấy kỹ thuật sử dụng ánh sáng của Stanley Kubrick. Với những cảnh quay ban đêm thì ánh sáng nến đóng vai trò nguồn sáng duy nhất, vấn đề ở đây là ống kính không thể bắt hình được trong điều kiện ánh sáng thấp. Trong trường hợp này, Kubrick đã sử dụng ống kính Carl Zeiss Planar 50mm f/0.7 để quay Barry Lyndon. Đây là ống kính đặc biệt được phát triển cho NASA để tàu Apollo có thể chụp được bề mặt Mặt Trăng vào năm 1966. Chỉ có tổng cộng 10 ống kính loại này được làm ra, Carl Zeiss giữ 1 cái, 6 cái được bán cho NASA và 3 cái được bán cho Stanley Kubrick.

Nguồn sáng trong các cảnh ban đêm của Barry Lyndon đều dựa hoàn toàn vào ánh nến. (Ảnh: American Cinematographer)
Nguồn sáng trong các cảnh ban đêm của Barry Lyndon đều dựa hoàn toàn vào ánh nến. (Ảnh: American Cinematographer)

Nhờ phong cách sử dụng ánh sáng này mà sự thân mật giữa Barry và Honoria được đẩy lên mức tối đa với bầu không khí mềm mại, ấm cúng. Tuy vậy, việc sử dụng ống kính này có hiệu quả không mong muốn là khiến bối cảnh thiếu chiều sâu. Nhưng Kubrick đã tận dụng nhược điểm này để làm lợi cho chính bộ phim, khiến nhân vật trung tâm tách biệt khỏi bối cảnh, đẩy sự tập trung của khán giả vào nhân vật nhiều hơn nữa.

Kubrick thích sử dụng phối cảnh một điểm tụ (one-point perspective) để mang đến sự trật tự, chi tiết, đem lại cảm giác ba chiều và rõ ràng, đôi khi khiến người ta có cảm giác chặt chẽ đến ngột ngạt, chẳng hạn như trong Full Metal Jacket. Doanh trại sạch sẽ, quân sĩ cũng vậy, họ đứng thành hàng, tay ở độ cao bằng nhau… tạo thành các cạnh song song tụ về một điểm duy nhất là trung sĩ Hartman. Bố cục đối xứng và sự khác biệt rất ít trong vẻ bề ngoài đến từ đồng phục chung biểu thị cho sự gò bó,k có chỗ để nổi loạn và khác biệt trong doanh trại. Họ đã từ bỏ danh tính, cá tính để trở thành những cỗ máy giết người.

Phối cảnh một điểm tụ trong The Shining. (Ảnh: Pinterest)
Phối cảnh một điểm tụ trong The Shining. (Ảnh: Pinterest)

The Shining sử dụng phối cảnh và bố cục tương tự, nhưng lại mang đến không khí thinh lặng rợn óc, lạnh lùng, không cảm xúc bởi sự vắng bóng gần như hình ảnh con người. Chỉ có một nhân vật duy nhất nằm ở điểm hội tụ trên màn ảnh, cho ta thấy một con người nhỏ bé và dễ bị quật ngã trước sức mạnh của thế giới bên kia; hay sức mạnh của vũ trụ, nếu xét đến 2001: A Space Odyssess.

Chúng ta xem phim của Kubrick để suy ngẫm về tương lai, lo sợ hoặc bất bình trước cái ác có thể được nhìn thấy trước. Chúng ta bị cuốn hút vào chính bộ phim và rồi bị giằng xé khi cảm giác ghê tởm và kỳ diệu với hình ảnh của bộ phim trỗi dậy. Người xem cảm nhận được có điều gì đó xấu xa sắp xảy ra, bóng tối đang chực chờ đâu đây, và rồi hình ảnh đẹp, âm thanh hay làm con người ta bị cái ác quyến rũ. Thêm nữa, dù hình ảnh được sắp xếp tuân theo quy luật, nhưng màu sắc lại luôn luôn có điểm khác thường, nếu không đến từ trang phục của nhân vật thì cũng đến từ một vài đạo cụ có màu sắc nổi bật và không ăn nhập gì với toàn bộ tổng thể. Đây chính là tính trật tự và hỗn loạn trong một bộ phim của Stanley Kubrick.

Phối cảnh một điểm tụ và bối cục đối xứng trong một cảnh của Full Metal Jacket. (Ảnh: Pinterest)
Phối cảnh một điểm tụ và bối cục đối xứng trong một cảnh của Full Metal Jacket. (Ảnh: Pinterest)

Bối cảnh trong phim của Kubrick luôn có tính chi tiết, dù có khi đa phần là cảnh dựng, từng chi tiết nhỏ, những cánh rừng, mảng cỏ, cây cối, hay khoảng cách giữa những hộp thư hay chiều rộng của con đường trên phố... đều được vị đạo diễn xem xét kỹ. Nhưng dù có tỉ mỉ đến đâu, chúng ta đều biết một bối cảnh dựng luôn mang đến không khí hơi kỳ lạ so với bối cảnh tự nhiên. Đó là cảm giác mang đến cho khán giả trong Full Metal Jacket, bộ phim về chiến tranh Việt Nam có tái hiện cảnh đánh bom ở Huế, nhưng thực tế được quay hoàn toàn ở Anh; tương tự với Eyes Wide Shut khi Kubrick cần bộ phim có bối cảnh ở thành phố New York, Mỹ. Nhưng với bộ phim hư ảo như Eyes Wide Shut khi thực tế và ảo mộng hòa vào nhau, cảm giác của một cảnh dựng mang đến lại cực kỳ hợp với chính bộ phim.

Không chỉ đến từ việc tái hiện bối cảnh thật, tính thẩm mỹ trong phim của Kubrick còn đến từ việc thiết kế bối cảnh hợp với thế giới của phim như trong 2001: A Space Odyssess, căn phòng chiến tranh trong Dr. Strangelove hay ngoại cảnh trong thế giới phản địa đàng (dystopian) của A Clockwork Orange.

Không phải nhà làm phim nào cũng có kinh phí để dựng bối cảnh theo ý muốn trong khi bối cảnh thật có thể ít tốn kém hơn, nhưng quyết định làm phim của Kubrick chưa bao giờ dựa trên kinh phí, có lẽ vì thế mà sức sáng tạo của ông được phát huy tối đa và ông đến giờ vẫn là một trong những nhà làm phim vĩ đại của nền điện ảnh. Tính kỹ lưỡng và chiều sâu từ quá trình sản xuất, kịch bản, đạo diễn và dựng phim… đều in đậm trong các tác phẩm của Stanley Kubrick.

Các chủ đề chính trong phim của Stanley Kubrick thường là về nhân sinh, bạo lực, tình dục, chiến tranh... Trong hình là cảnh hội nghị chiến tranh nổi tiếng của Dr. Stranglove. (Ảnh: Flashbak)
Các chủ đề chính trong phim của Stanley Kubrick thường là về nhân sinh, bạo lực, tình dục, chiến tranh... Trong hình là cảnh hội nghị chiến tranh nổi tiếng của Dr. Stranglove. (Ảnh: Flashbak)

Phim của ông thường ít tính diễn thuyết, thoại không thường mang tính thuyết minh hay diễn giải cho người xem một tình tiết nào đó. Chính vì thế mà trải nghiệm điện ảnh nó mang lại cho người xem có tính độc nhất. Tính trí tuệ trong phim của Kubrick thôi thúc người xem suy ngẫm và tự vấn. Đương nhiên, đôi khi chúng ta có thể hiểu sai góc nhìn của nhà làm phim, nhưng có lẽ điều đó không quan trọng bằng việc nhà làm phim trao cho chúng ta quyền lực được hiểu bộ phim không theo cách nhìn của chính ông. Kết quả là phim của Stanley Kubrick thường vô tình cho ra đời rất nhiều “thuyết âm mưu” (có thuyết cho rằng The Shining chính là lời thú tội của Kubrick khi ông đồng ý giúp NASA làm giả bối cảnh bay lên mặt trăng của người Mỹ).

A Clockwork Orange, bộ phim về vòng tuần hoàn thiện ác của Stanley Kubrick, một trong những niềm cảm hứng để tạo nên Joker. (Ảnh: Roger Ebert)
A Clockwork Orange, bộ phim về vòng tuần hoàn thiện ác của Stanley Kubrick, một trong những niềm cảm hứng để tạo nên Joker. (Ảnh: Roger Ebert)

Mỗi cảnh quay trong phim của Kubrick đều như một bức tranh và từng cảm giác nhẹ nhàng, thoát tục cho đến xấu xa, bỉ ổi đều như vượt ra khỏi khung hình và thấm vào trong khán giả. Không bao giờ lựa chọn những chủ đề dễ dàng, Stanley Kubrick thích đi sâu vào khám phá mặt tối của con người, bạo lực gia đình, cái ác, tình dục, những điều cấm kỵ… với con mắt châm biếm và trào phúng. Xã hội đồi bại, bạo lực và dục vọng tràn ngập trong phim của Kubrick khiến những người lạc quan nhất cũng có thể trở thành bi quan. Một người cha với ý định giết vợ con trong The Shining, một người bình thường trở thành kẻ giết người trong Full Metal Jacket, cái ác có thể không đến từ đâu, nhưng sẽ luôn xoay vòng và tiếp diễn một khi đã trỗi dậy trong A Clockwork Orange… Nhưng bi quan, không đồng nghĩa với tuyệt vọng. Phim của ông luôn có chút ánh sáng cuối đường hầm, nhưng thay vì đến từ việc đắm chìm vào một thế giới đầy hi vọng và tin rằng hoàn cảnh tự nó sẽ trở nên tốt hơn, ánh sáng đó đến từ nhận thức nhân sinh quan được mở rộng, nhận thức được cái ác để vượt qua nó, vượt lên trên nó.

Nguồn: Tổng hợp