Phim kinh dị - Dòng phim mỏi mệt ở Hollywood

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Phim kinh dị là thể loại thu hút nhiều khán giả, dù có xu hướng đi vào ngõ cụt vì thiếu sự sáng tạo.

Từ một dòng phim được đánh giá là thứ cấp, thể loại kinh dị (horror) ngày càng khẳng định tầm vóc qua cả hai tiêu chí nghệ thuật và doanh thu. Theo tờ New York Times, chỉ trong năm 2017, doanh thu các bộ phim này mang về lên đến hơn $700 triệu với quán quân dẫn đầu là It (2017) Get Out (2017). Bộ phim giành chiến thắng Phim hay nhất danh giá của Oscar 2020 là Parasite (2019) – không chỉ là một bộ phim nước ngoài, mà còn là một bộ phim thuộc thể loại kinh dị. Có thể thấy, thể loại kinh dị đang chiếm cứ một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả đại chúng. Tuy nhiên, con đường của dòng phim này vẫn chông gai và gập ghềnh lắm.

1. Hiệu ứng và khuôn mẫu – Lối mòn không hồi kết 

<em>The Exorcist (1973)</em>
The Exorcist (1973)

Một trong các thông điệp mà bộ phim Inheritance (2019) vừa rồi muốn gửi gắm là nhiều khi sự kế thừa là một nỗi ác mộng. Theo một cách nhìn, điều tương tự đã đến với dòng phim kinh dị. Lịch sử hình thành và phát triển của dòng phim đã để lại cho các nhà làm phim hiện nay một công thức thành công dễ dàng và hàng chục những chủ đề để xào đi xào lại tùy thích. Kết quả là chúng đã hình thành nên khuôn mẫu hầu như bất di bất dịch đối và ngày càng bóp nghẹt thể loại kinh dị. 

Điện ảnh kinh dị bắt đầu ở Mỹ vào đầu cuối giai đoạn 1890 và đầu các năm 1900. Lúc này đây, dòng phim kinh dị thường xoay quanh những chủ đề về sự chết chóc, đau đớn và các quái vật kinh điển như Dracula, quái vật của Frankenstein, xác ướp, người sói… để thể hiện một xã hội bấp bênh trước những thay đổi vô cùng lớn lao – 2 cuộc thế chiến. 

Đến những năm 1950, dòng phim này phản ảnh nỗi sợ hãi bị xâm lược bất cứ lúc nào vào giai đoạn Chiến tranh Lạnh, bom nguyên tử, hạt nhân – mở rộng hơn cả là bước tiến không ngừng của khoa học – với sự ra đời của loạt phim về Godzilla. Thập niên 60 lại là thời kỳ của những bộ phim kinh dị xã hội thể hiện các làn sóng đầu tiên của các vấn đề sắc tộc, nữ quyền… như Night of the Living Dead (1968) hay Rosemary’s Baby (1968). Thập niên 70 tiếp tục tiếng vọng xã hội từ trước với làn sóng mới của nữ quyền (The Stepford Wives), tôn giáo (The Exorcist, Suspiria), chiến tranh (Death Dream), bạo lực cực đoan (I Spit on Your Grave) và sự khởi đầu của những kẻ slasher (Halloween).

<em>A Nightmare on Elm Street (1984)</em>
A Nightmare on Elm Street (1984)

Giai đoạn 80, slasher lên ngôi với sự ra đời của Jason (Friday the 13th), Freddy Krueger (A Nightmare on Elm Street), Chucky, cho đến xu hướng chuyển thể sách và truyện tranh với zombie phiên bản mới (Pet Sematary – Stephen King), quái vật viễn tưởng (Alien, Predator), tâm lý kinh dị (The Shining)… Những năm 90 lại chứng kiến đỉnh cao của dòng phim kinh dị với muôn hình vạn trạng như phim về những kẻ giết người tâm thần qua Silence of the Lamb (để lại dấu ấn mạnh mẽ ở lễ Oscar 1992), kinh dị lãng mạn (Interview with a Vampire, Dracula), chuyển thể truyện tranh (Blade), giả tư liệu (The Blair Witch Project), và quan trọng hơn hết là sự du nhập của dòng phim kinh dị châu Á bắt đầu với Ringu

Có thể thấy, đến đầu những năm 2000, điện ảnh kinh dị đã trải qua hàng loạt những biến hóa để đạt được độ phổ biến như ngày nay. Nhưng sự phong phú mà dòng phim này sở hữu đã trở thành lồng giam hạn chế những bộ phim chuyên gây nên nỗi hãi hùng trong sự hạn hẹp của hiệu ứng, jump-scare và các khuôn mẫu nhân vật nhàm chán. Vấn đề lớn nhất mà phim kinh dị hiện nay phải đối mặt là sự thiếu vắng sự sáng tạo và việc lạm dụng di sản của các nhà sản xuất, vô tình biến thể loại horror thành nạn nhân của hoàn cảnh.

<em>Annablle (2014)</em>
Annablle (2014)

Đối với đa số người xem, một bộ phim mang mác horror là phải có jump-scare, một hồn ma, hoặc một con quái vật dị dạng ẩn nấp trong bóng tối, gam màu của phim thì luôn ảm đạm và thời tiết của đoạn cao trào luôn tối đen, đôi khi có mưa.

Nếu phim nói về thể loại siêu nhiên, thì phần lớn kẻ phản diện sẽ là hồn ma đầy thù hận hoặc một con quỷ được triệu hồi lên nhân giới qua một trò đùa quỷ quái được truyền miệng, ví như Bloody Mary hay trò cầu cơ. Một trò chơi bị ám không nên chơi sẽ luôn có một nhóm thanh thiếu niên tò mò tìm về để thực hiện. Nếu phim thuộc thể loại slasher, thì luôn sẻ có một tên giết người tâm thần. Phim về xác sống, thì dĩ nhiên sẽ có xác sống và chúng thường được tạo ra từ các chủng virus biến thể. Tận thế sẽ bao gồm luôn thể loại này. Và nếu một nhóm người đầy đủ màu da và màu tóc đi vào một căn nhà, trời ạ, đó là nhà ma ám hoặc chứa vật bị ám và kẻ “đi” trước thường là người da màu. Việc thu mua bất động sản đồng nghĩa với việc mua phải nơi cư trú của những linh hồn nguy hiểm.

Biển khơi, bề mặt là cá mập và sâu thẳm là quái vật. Không gian sẽ 2 loại người ngoài hành tinh, một sẽ giết người và hai là xâm nhập cơ thể để chiếm cứ nhân loại. Các quái vật kinh điển, nếu họ có nhân tính, thì phim chuyển sang thể loại hành động và lãng mạn. Ngay cả sub-genre giả tư liệu cũng không còn giữ được độ hot ban đầu nữa, vì những khuôn mẫu nghèo nàn nó tự tạo cho mình. Ma thuật, phù thủy hầu như đều là phái nữ. Tôn giáo, Kinh Thánh có bao nhiêu quỷ dữ đều sẽ được các nhà làm phim gọi tên. Trường học, kẻ làm nên nỗi kinh hoàng là đứa bạn bị bắt nạt đến chết. Đi du lịch trong phim kinh dị là con đường tự nguyện đến với cái chết.

<em>Paranormal Activity (2007)</em>
Paranormal Activity (2007)

Những trò hù dọa không thể rập khuôn hơn thường lần lượt xuất hiện trong phim. Jump-scare là hình thức được yêu thích nhất vì sự dễ dàng làm người xem phải hét lên vì giật mình. Nhưng vô số lần jump-scare không làm nên được một dự án kinh dị tử tế mà chỉ khiến người xem thêm mệt mỏi. Những phương thức được ưa chuộng kế tiếp là các đồ vật tự di chuyển, âm thanh phát ra từ phòng trống lúc nửa đêm, hình ảnh phản chiếu trong gương, phân cảnh mở tủ lạnh và đóng tủ kinh điển, đèn chớp nháy, những cái máy quay thường đảo một vòng trước khi “bắt” được hình ảnh đáng ngờ, vật nuôi hành xử kỳ lạ, búp bê, một ai đó khỏa thân đứng im và có cái nhìn vô hồn, và cuối cùng là những âm thanh chói tai nổi lên khi thứ gì đó sắp nhảy bổ vào mặt người xem. 

Người xem hiện nay đã hình thành tâm lý rắn rỏi hơn khi đối mặt với phim kinh dị. Nhưng, sự rắn rỏi ấy không đến từ lòng dũng cảm, mà hình thành từ sự quen thuộc. Khán giả đã quá sành sỏi đường đi nước bước của các dự án horror đến mức không còn thấp thỏm chờ đợi từng chi tiết của bộ phim nữa. Làm sao họ có thể hồi hộp chăm chú vào màn hình khi luôn biết kết quả của phim và những gì đang chờ đợi mình mỗi khi nhân vật đi vào một căn hầm tối đen như mực? Một là nhân vật chính thắng cuộc vì phản diện thích chơi trò hù dọa vài lần trước khi cuộc đối đầu cuối cùng diễn ra. Hai là phản diện thua cuộc nhưng không vẫn tồn tại vì…điều đó sẽ làm phim đáng nhớ hơn, hoặc chuẩn bị tiền đề cho phần kế tiếp (Friday the 13th, Annabelle). Điều duy nhất đáng sợ về phim kinh dị ngày nay là khi bạn biết nó gián tiếp làm các chú hề chuyên nghiệp mất việc và làm búp bê trông như những kẻ giết người hàng loạt.  

<em>The Wretched (2020)</em>
The Wretched (2020)

Vậy mà hàng năm, hàng loạt các phim kinh dị kiểu này thay nhau ra rạp và luôn mang về một món lời cho các nhà sản xuất. Không nói đâu xa, ngay năm 2020, The Wretched (Mẹ Qủy), Dreamkatcher (Bẫy Linh Hồn) là 2 ví dụ cho sự hời hợt và rụt rè của các nhà làm phim. Cả 2 vận dụng các chủ đề đã quá quen thuộc với các ngón nghề hù dọa cũ kỹ làm phim trở nên dễ đoán và thiếu đặc sắc. Nhưng 2 bộ phim vẫn có thu về được một khoảng tiền vừa phải hoặc sẽ dừng lại ở mức lỗ chấp nhận được. 

Lịch sử đã trao tặng cho dòng phim kinh dị một món quà: sự phổ biến. Bản thân phim kinh dị cũng không phải là một dòng phim đắt tiền và không hề kén người xem như dòng phim nghệ thuật. Luôn có một bộ phận khán giả sẽ đến với các phim kinh dị, đơn thuần là vị họ yêu thích chúng hoặc chỉ đang muốn xem một bộ phim nào đó vào cuối tuần.

Các yếu tố kinh phí, lợi nhuận, sự dễ dãi của đại đa số người xem và kho tàng di sản kéo dài hàng thập kỷ đã tạo nên một nền tảng hoàn hảo cho các nhà sản xuất phim ảnh. Vô số lần remake và reboot cho phép họ giữ các thương hiệu kinh dị trường tồn, tiếp tục củng cố những chiêu trò dọa ma rập khuôn dựa dẫm vào phản xạ ở con người, và bỏ qua nỗ lực làm mới lại dòng phim. 

2. Dòng kinh dị high-concept – Vị cứu tinh đòi hỏi sự hy sinh

<em>Mama (2013)</em>
Mama (2013)

Phải đến những cái tên như The Witch (2015), Raw (2016), Hereditary (2018), Suspiria (2017), Midsommar (2019), Get Out (2017), Us (2019), The Lighthouse (2019)… dòng phim kinh dị mới thấy được con đường để chuyển mình. Nhưng sự đổi mới mà chúng đại diện cũng đòi hỏi cái giá tương xứng.

Những cái tên này đánh dấu sự trở lại của một xu hướng phim kinh dị không mới – phim kinh dị mà chủ đề của nó có thể được hiểu bởi bất kỳ một đối tượng khán giả nào, ví như Get Out kể về cuộc gặp gỡ ác mộng giữa một chàng trai và gia đình của bạn gái, Hereditary kể về câu chuyện một gia đình bị cuốn vào âm mưu tà đạo của một giáo phái. Nhưng, cách thực hiện các ý tưởng trên đều có một cú twist không thể nào lường trước được. Qua những ý tưởng đơn giản này, các bộ phim kinh dị này truyền tải những thông điệp mang tính triết lý sâu xa hơn. 

<em>Midsommar (2019)</em>
Midsommar (2019)

Lấy Midsommar làm ví dụ. Ai cũng biết được chuyến đi của nhóm bạn trong này sẽ trở thành nỗi ác mộng, nhưng không ai ngờ được chính Danny sẽ là người thực hiện hành động tàn bạo ở cuối phim. Mặt khác, ý nghĩa của phim không chỉ dừng lại ở một cuộc chia tay đẫm máu của một cặp đôi, mà phim còn nhấn mạnh khao khát mãnh liệt được kết nối và làm chính mình của nữ chính. 

Dòng kinh dị này thích dàn dựng những câu chuyện ý nghĩa và các nhân vật có chiều sâu thực sự. Họ không đơn thuần là nạn nhân của hoàn cảnh hiểm nghèo, không chỉ phản ứng lại những hành động của thế lực vô hình, mà còn là chủ thể thực hiện và gây nên những mối kinh hoàng ấy (A Dark Song (2016)). Điều làm nên sự khác biệt giữa các phim kinh dị high-concept là chúng hoàn toàn bị tước bỏ các pha hù dọa vô nghĩa và các khuôn mẫu kinh dị thường thấy. Các bộ phim khơi gợi một nỗi sợ ngầm ngầm được hình thành từ sự bí ẩn của chính cốt truyện. Kịch bản trong đây khơi gợi tất cả các giác quan của người xem và thách thức những gì họ biết về phim horror truyền thống. Mục đích của các dự án này là truyền tải một trải nghiệm kinh dị, chứ không đánh mạnh vào việc xem phim kinh dị.

<em>It Follows (2014)</em>
It Follows (2014)

Khó khăn mà dòng kinh dị high-concept phải vượt qua là ý kiến trái chiều mà chúng luôn nhận được. Các bộ phim này chỉ có 2 loại lời bình. Chúng có thể là tuyệt tác kinh điển hoặc là một mớ nhảm nhí nhờ vào ý tưởng đôi khi vô cùng cao siêu của chúng (The Lighthouse). Yếu tố trên đã biến kinh dị high-concept thành một dự án rủi ro. Hàng ngàn thứ có thể chệch đường ray trong tích tắc. Liệu người xem có hiểu được ý tưởng của bộ phim? Liệu họ có thể hiểu được thông điệp trong đó? Còn cốt truyện thì sao? Lỗ hổng kịch bản? Nhân vật? Tại sao phải liều mình thử những cái mới khi nhà sản xuất có thể làm lại một bộ phim hoặc tận dụng những cái có sẵn. 

Nghịch lý ở phim kinh dị hiện đại là nhiều người xem thường không thích mạo hiểm với những ý tưởng mới nhưng lại mong chờ sự mới mẻ ở các ý tưởng quen thuộc. Lý do mà có đến hàng trăm bộ phim sử dụng công thức “Ngôi nhà ma ám” là vì nó thực sự hiệu quả trong việc hút người xem, mặc dù các ngôi nhà ma chỉ khác nhau ở bề ngoài, còn nội dung thì vẫn tương tự nhau. Nhưng kịch bản của ngôi nhà ma ám có lẽ vẫn quen thuộc hơn câu chuyện kỳ lạ của It Follows (2014) - bộ phim về lời nguyền lây lan qua đường tình dục.

Cho nên, mang cấp độ sáng tạo nhất định, dòng kinh dị high-concept là một vị cứu tinh thể loại horror khỏi lối mòn không hồi kết mà nó đang rơi vào. Thế nhưng, sự chuyển đổi này đòi hỏi lòng dũng cảm của nhà sản xuất lẫn người xem. Dù cho lòng dũng cảm ấy lên ngôi, cảm nhận và góc nhìn của từng cá nhân vẫn là một lĩnh vực hết sức mông lung.

Ảnh: IMDb.