Pinocchio (Netflix) - Tiếng nói chống lại những phiên bản đi trước và chiêm nghiệm về nhân sinh

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Pinocchio (Netflix) Guillermo del Toro là câu chuyện cổ tích hiện đại với những nỗi niềm sâu lắng về sự tồn tại. Xem lịch chiếu và mua vé xem phim dễ dàng hơn tại Moveek.

Mới đây, Pinocchio của đạo diễn Guillermo de Toro đã có dịp lên sóng và trở thành một trong những bộ phim hoạt hình hay nhất từng trình chiếu trên Netflix đến thời điểm hiện tại. Bắt đầu với một phân cảnh gắn bó giữa Geppetto và con trai Carlo trong một thị trấn nhỏ của nước Ý, Pinocchio nhanh chóng chuyển từ những khung cảnh sáng sủa, đầy niềm vui đến sự kinh hoàng của chiến tranh. Carlo chết trong lần bị đánh bom bất ngờ và thế giới của Geppetto sụp đổ. Người đàn ông từng là một thợ mộc cần mẫn, khéo léo giờ đây héo tàn và dần mục ruỗng. Rồi trong một lần say rượu, Geppetto quyết định đẽo một cậu bé bằng gỗ từ cây sồi ông trồng cạnh mộ của con trai. Một vị thần giám hộ xuất hiện đêm đó và ban cho cậu bé người gỗ sự sống, như một niềm vui ban cho Geppetto. Thần bảo hộ cũng giao cho chú dế Sebastian một nhiệm vụ - đóng vai trò là người dẫn lối thông thái cho sinh mạng mới được ban tặng.

Xem lịch chiếu và mua vé xem phim dễ dàng hơn tại Moveek

Dựa vào nguyên tác cổ tích kinh điển của kho tàng văn học thế giới, del Toro và các cộng sự lại chọn khắc hoạ cậu bé người gỗ nổi tiếng này theo một góc nhìn khác. Một góc nhìn không chỉ độc đáo, mang âm hưởng hiện đại, mà còn đen tối hơn rất nhiều so với phiên bản cổ tích vốn cũng không mấy sáng sủa là bao. Nhưng tinh thần sáng tạo của đạo diễn đã để lại một dấu ấn khó phai – bằng phong cách đặc trưng của del Toro, Pinocchio có thể khiến người xem trẻ tuổi phấn khích với yếu tố cổ tích ma mị, còn đối với khán giả lớn tuổi hơn, đó là câu chuyện phức tạp nhìn vào sự sống, cái chết và những gì ở giữa. Một phản tiền đề tồn tại để chống lại nguyên tác kinh điển của chính bộ phim.

Cổ tích nói hãy làm một cậu bé ngoan, del Toro nói không

Một điều đáng ngạc nhiên là Pinocchio bám khá sát nguyên tác cổ tích khi xây dựng chú bé người gỗ, ví như cái mũi biểu tượng của cậu bé sẽ dài ra sau mỗi lần nói dối, một chú dế thông thái hay việc cứu Geppetto từ một con cá khổng lồ. Phiên bản cổ tích cũng nhấn mạnh thông điệp “hãy nghe lời người lớn” “hãy chăm ngoan, học hành” “hãy làm việc chăm chỉ” và cô tiên sẽ biến Pinocchio thành một cậu bé thực sự. Cổ tích cũng dặn trẻ nhỏ tránh xa những niềm cám dỗ thông qua những cuộc phiêu lưu của Pinocchio thường xuất phát từ việc cậu bé bị xao nhãng khỏi các mục tiêu ban đầu, để bản thân bị cuốn theo những cuộc vui phù phiếm – như nhân vật Candlewick đã rủ cậu đến Vùng đất đồ chơi và cậu đã đi liền 5 tháng trời, chỉ đế nhận hậu quả là biến thành lừa.

Nhưng khi cổ tích thấy những tính cách lý tưởng, del Toro và các cộng sự thấy sự tuân thủ luật lệ cứng nhắc và sáo mòn – điều mà del Toro luôn nhíu mày mỗi khi nhắc đến. Vậy là Pinocchio của ông sinh ra với tính cách nổi loạn, tò mò, hoạt bát và tinh nghịch. Trong bối cảnh mà ông cố tình xây dựng là một nước Ý đang đứng dưới quyền cai trị của Phát-xít, những tư tưởng độc lập và sự chống đối mà Pinocchio thể hiện trong đêm mà Geppetto tiếp vị cha sứ và podestà (viên chức đứng đầu làng) khiến họ cảm thấy không thoải mái.

Chủ đề sự phản kháng được thể hiện ở từng khung hình không chỉ dừng lại ở Pinocchio, mà còn ở cậu bé Candlewick, chú khỉ Spazzatura khi chống lại những mệnh lệnh và hơn nữa là phá bỏ những ham muốn tuân lệnh những hình mẫu quyền lực như cha hay chủ nhân. Đây là chi tiết tương quan quan điểm chống đối những tư tưởng tuân lệnh được đề cao trong các câu chuyện cổ tích, ở đây, rủi ro được nâng lên rất nhiều khi đặt trong bối cảnh chủ nghĩa Phát-xít đang thống trị.

Làm “một cậu bé thực sự” phức tạp hơn nhiều

Sự xoay chuyển của del Toro cho phép ông tiếp cận những chủ đề sâu sắc hơn bất cứ phiên bản chuyển thể nào trước đó, kể cả nguyên tác kinh điển. Nhưng một điều cốt cách vẫn không thay đổi là mớ rắc rối xoay quanh “cậu bé thực sự” – “a real boy” – một cụm từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bộ phim. Đây là một điểm cốt yếu của phiên bản Pinocchio (1940) và sau đó là bản live-action cùng tên ra mắt năm 2022 của nhà Chuột. Còn del Toro nói sự thật phức tạp hơn thế nhiều.

Nàng tiên xanh chỉ nói làm một cậu bé thực sự dễ khiến chúng ta liên tưởng đến việc biến thành một người bằng xương bằng thịt, nhưng điều đó quá nhàm chán và hạn hẹp. Trong một thế giới mà người máy đã tự chất vấn về ý nghĩa tồn tại của bản thân, chứng kiến mối liên hệ giữa kẻ sáng tạo và vật được sáng tạo, biết yêu và “quái vật” đã đạt đến sự giác ngộ triết học, câu hỏi nên được đặt ra là làm người để làm gì và có gì đặc biệt ở con người thế? Người là gì? Người là thế nào? Đối với Pinocchio, để làm một cậu bé thực thụ không phải chỉ đơn giản là có máu và thịt, đó là vấn đề của nhân dạng và nhận thức vị trí của bản thân thế giới của người sống – điều mà del Toro đã thực hiện một cách hoàn mỹ.

Pinocchio chia sẻ một điểm tương đồng với Pinocchio (1940) ở chỗ, cả hai bộ phim đều khắc hoạ Geppetto đều đã mất con và đều làm một chú rối gỗ dựa trên hình mẫu này. Song, Pinocchio đưa câu chuyện đi sâu hơn khi để Geppetto liên tục ước bản thân có thể nhìn thấy Carlo trong Pinocchio và từ chối công nhận chú bé là một cá nhân riêng biệt, từ đó dẫn đến việc Pinocchio bỏ nhà ra đi, trở thành một chi tiết đắt giá của phim.

Pinocchio khắc hoạ khía cạnh đằng sau điều ước của Geppetto trong bản 1940, rằng mong ước một đứa con thay thế là bình thường của những cha mẹ mất con. Song, Pinocchio đẩy vấn đề đi xa hơn khi đặt Geppetto vào thế phải thừa nhận điều này trước mặt người con mới, người mà ông không thể thừa nhận là một cá thể riêng biệt. Góc nhìn của Geppetto phức tạp hoá con người của Pinocchio từ một cậu bé hồn nhiên đến nhận thức sự thật phũ phàng cậu là một vật thay thế cho Carlo đã mất.

Mối mâu thuẫn này vang dội xuyên suốt Pinocchio. Thay vì chạy trốn vì tò mò hay cả tin, Pinocchio của del Toro bỏ nhà đi vì Geppetto nói với cậu rằng cậu là một gánh nặng. “Con không muốn trở thành gánh nặng,” cậu bé giải thích với Sebastian J. Cricket, “Con không muốn làm tổn thương Papa và khiến ông ấy muốn hét vào mặt con như vậy.” Hơn nữa, Pinocchio tham gia rạp xiếc để kiếm tiền gửi về cho Geppetto, người mà sự nghiệp thợ mộc đã bị đình trệ sau cái chết của Carlo. Bằng cách phức tạp hóa những nhân vật này, del Toro cũng làm phức tạp bài học đạo đức của các phiên bản trước. Làm thế nào để một đứa trẻ học cách định hướng thế giới khi những la bàn định hướng của nó là cha mẹ mù quáng vì nỗi đau và sự mất mát? Con cái không phải là công cụ để sửa chữa những sai lầm của cha mẹ, hoặc thậm chí trốn tránh chúng. Sai lầm làm nên chúng ta.

Xem lịch chiếu và mua vé xem phim dễ dàng hơn tại Moveek

Những nhận thức này gắn liền Pinocchio với nhân tính và danh tính của mình, như một cách để ngăn cách cậu bé với Carlo. Chỉ cần Pinocchio nhận thức được danh tính đặc thù của bản thân, cậu bé mới thành một “cậu bé thực sự”. Hoặc chúng ta có thể phản biện ngay từ đầu Pinocchio đã là một cậu bé thực sự. Pinocchio vượt xa và rõ ràng định nghĩa việc trở thành “a real boy” như thế nào. Nhiều hơn máu thịt, đó là sự kết hợp của nhận thức, cảm xúc, lương tri và tư duy độc lập.

Trong khi những phiên bản trước chỉ đả động đến lương tri bằng những việc đơn giản, del Toro đòi hỏi Pinocchio hy sinh sự bất tử của mình và tự lựa chọn đánh đổi nó cho người cha. Đó là một điểm thú vị khác đem đến cho chú bé người gỗ nhân tính , và cũng nói lên lý tưởng hành động định nghĩa sự tồn tại của con người hơn là khao khát sống quyết định hành động của con người.

Nhắc đến sự sống và cái chết, del Toro lấy một câu chuyện cổ tích quen thuộc và thấm nhuần nó bằng sự yếu đuối của con người và bóng tối lịch sử. Ông cũng khuếch đại các yếu tố tâm linh, một sự chiêm nghiệm sự sống và cái chết. Pinocchio về mặt lý thuyết là bất tử khi cậu ấy không thực sự sống theo nghĩa sinh học, nhưng cậu ta về cơ bản có thể chết. Khi điều đó xảy ra, Pinocchio được đưa đến một cõi luyện ngục nơi Nhân Sư màu xanh bắt cậu bé phải chờ đợi ngày càng lâu hơn mỗi lần cậu chết đi để được sống lại như một cách nghĩ ngợi về cái chết và sự sống, về sự sống có ý nghĩa như thế nào và giá trị của cái chết.

Sự thật là tất cả chúng sinh đều phải chết vào một ngày nào đó là khiến bất cứ ai, ở mọi ngành nghề và ở mọi tầng lớp phải khiêm tốn. Tất cả sự kiêu ngạo, khoa trương và cái tôi cao ngạo tin vào sự tối thượng của con người sẽ tan thành cát bụi khi bạn nhận ra rằng một ngày nào đó, bạn sẽ phải bỏ lại tất cả những điều này phía sau. Trong phim, chúng ta thấy Pinocchio bị một chiếc ô tô đâm khi Geppetto đến đưa cậu bé trở về từ buổi biểu diễn múa rối của Bá tước Volpe. Geppetto nghĩ rằng chỉ vì cậu bé người gỗ có linh hồn của một con người thực sự, cậu cũng sẽ chết như vậy. Nhưng hoá ra cậu bé không thể chết, vì không thực sự sống.

Pinocchio chỉ ra rằng, một cách thật rõ ràng, cái chết khiến cuộc sống có giá trị. Vì mọi thứ chỉ là tạm bợ, nên mọi người quan trọng đối với chúng ta mới có ý nghĩa. Cái chết cũng là sự giải thoát, vì cuộc đời là bể khổ và bất tử đồng nghĩa với mãi mãi đau khổ - chứng kiến người thân già đi và lìa đời chỉ là một trong số đó. Phân cảnh cuối cùng của Pinocchio là bức tranh hoàn hảo để kết thúc bộ phim lồng ghép rất nhiều bài học nhân sinh. Có thể Pinocchio không già đi, nhưng cuối cùng cậu sẽ chết đi như cây sồi nằm gần cây sồi mộ phần của 3 người quan trọng nhất đời cậu.

Vì để quên quả sồi đắt giá mà Carlo phải thiệt mạng một cách bất ngờ, người cha lấy nó trồng gần một con trai, một tia sét đánh gãy cây sồi và từ nó một sinh mạng khác ra đời, và rồi một cây sồi khác lại mọc lên từ gốc cây cũ, đơm hoa ra quả ngay lúc Pinocchio rời khỏi quê nhà như báo hiệu Pinocchio sẽ đi thật nhiều nơi, dành những tháng ngày tạm thời để chu du, chứng kiến thật nhiều điều và khi quả sồi nọ rơi xuống, cũng đồng nghĩa cậu đã đến bên vị thần Nhân Sư một lần nữa – chỉ là lần này, bà sẽ đưa cậu về với cõi chết thật sự.

Ảnh: Collider, Variety

[Review] Pinocchio của Guillermo del Toro (Netfilx) - Một phiên bản đáng xem

[Review] Pinocchio của Guillermo del Toro (Netfilx) - Một phiên bản đáng xem

Pinocchio của Guillermo del Toro là một phiên bản đủ hấp dẫn và tràn đầy sự mê hoặc với nhiều thông điệp ý nghĩa. Xem lịch chiếu và mua vé xem phim dễ dàng hơn tại Moveek.

Netflix tháng 12 - Hàng loạt bom tấn quay trở lại

Netflix tháng 12 - Hàng loạt bom tấn quay trở lại

Alice in Borderland 2, Emily in Paris 3, Pinocchio, Glass Onion: A Knives Out Mystery và Money Heist: Korea, những cái tên nổi bật của Netflix tháng 12. Xem lịch chiếu & Mua vé dễ dàng tại Moveek.