Psycho (Kẻ Tâm Thần) - Sự kết hợp hoàn hảo giữa chất lượng và quảng bá

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · The Yamikage ·

Đã 60 năm kể từ khi Psycho ra mắt, đây vẫn là một bộ phim kinh điển không chỉ vì chất lượng, mà còn bởi vì chiến dịch quảng bá thông minh.

Alfred Hitchcock đã làm nên một tác phẩm kinh điển chỉ với kinh phí dành cho một bộ phim hạng B, kết hợp chiến thuật phát hành bộ phim học hỏi từ William Castle để tạo nên một phim bom tấn. Trong những năm 50, William Castle đã thành công trong việc phát hành một bộ phim có kinh phí thấp khác là House on Haunted Hill, từ đó, Alfred Hitchcock tự tin làm ra Psycho với chiến thuật tương tự. Psycho là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của ông ấy.

Mặc dù Psycho là bộ phim lớn nhất trong cả sự nghiệp của Alfred Hitchcock với tổng doanh thu vào khoảng $400 triệu ngày nay (thời điểm ra mắt thì phim thu về khoảng $50 triệu), nó không hề ghi nhận bất kỳ kỷ lục nào cả (Rear Window của Hitchcock đạt $472 triệu nhưng bao gồm cả những lần tái phát hành). Psycho xếp thứ 164 trong bảng xếp hạng doanh thu nội địa những phim có âm thanh, xếp thứ 2 trong những bộ phim phát hành năm 1960 (sau Spartacus) và đứng thứ 5 trong dòng phim đen trắng. 

Tuy nhiên, có rất ít những bộ phim có thể tạo ra ảnh hưởng như Psycho. Được viết bởi những tác giả kịch bản của những bộ phim kinh dị hạng B và kinh phí dành cho phim thì thấp như những bộ phim của Blumhouse, Psycho gây ảnh hưởng hơn cả những thành công về mặt doanh thu. Psycho làm cho những nhà phim và những diễn viên phải thay đổi cách làm phim từ trước giờ đã đi vào lối mòn, đồng thời, bộ phim đã làm cho ngôn ngữ điện ảnh phổ biến trên khắp thế giới. Không tệ đối với một bộ phim bị nhiều khán giả lúc đó đánh giá là hơi khó hiểu và ngột ngạt.

Năm 1960, Hitchcock là một đạo diễn hiếm hoi có thương hiệu, tên tuổi thì ngày càng được nâng cao qua chuỗi TV series Alfred Hitchcock Present. Với vai trò là người sáng tạo, dẫn chương trình, thỉnh thoảng còn kiêm đạo diễn, dáng vẻ hài hước, châm biếm của ông trong chương trình đã đưa ông trở thành người nổi tiếng (celebrity). Trong thời gian này, trung bình một năm ông làm một phim, như Vertigo (không thành công về mặt doanh thu, giờ được nhìn nhận là một tuyệt phẩm) và North by Northwest (một phim bom tấn). Psycho được xem là bộ phim cuối cùng trong hợp đồng của Hitchcock với Paramount Pictures, do đó, ông ấy toàn quyền tự do trong việc làm phim.

Hitchcock luôn là người học trò trung thành của điện ảnh, bị ảnh hưởng từ rất sớm từ trường phải điện ảnh biểu hiện của nước Đức qua bộ phim M của đạo diễn thiên tài Fritz Lang hay bộ phim kinh dị của Pháp là Diabolique (đạo diễn bởi Henri-Georges Clouzot, ra mắt năm 1955). Thật ra, Hitchcock đã chú ý đến làn sóng điện ảnh mới ở nước Pháp, sau đó bị ảnh hưởng bởi Antonioni, bộ phim The Birds đã thể hiện rất rõ điều này. Riêng Psycho đã tạo ra một dấu mốc thay đổi lớn trong sự nghiệp của vị đạo diễn 60 tuổi thời bấy giờ. 

Không như những sản  phẩm bình thường khác của Hitchcock, Psycho có ngân sách chỉ vào khoảng $800.000 (khoảng $7 triệu vào ngày nay), đây là bộ phim có kinh phí thấp nhất sự nghiệp Hollywood của ông. Trong Psycho, Hitchcock làm việc lại với những người trong mảng truyền hình của ông chứ không phải những cộng sự bên mảng điện ảnh, quay phim bí mật dưới một cái tựa giả. Hitchcock đồng ý đổi lương của mình để lấy về 60% lợi nhuận từ bộ phim, và chúng ta biết sau này nó giúp Hitchcock kiếm lợi như thế nào.

Bởi vì Paramount chẳng thấy tiềm năng nào từ dự án này, Hitchcock mới được tự do hơn trong việc quảng bá. Hitchcock sử dụng hình ảnh dẫn chương trình trong TV show của ông để giới thiệu Psycho, thông qua việc chiếu một đoạn preview dài 6 phút 32 giây chưa từng có tiền lệ ở rạp – một trong số những thứ tạo nên sự đặc biệt của Psycho. Song song đó, Hitchcock lại tránh né hầu hết các hình thức quảng bá khác, cả Janet Leigh và Anthony Perkins cũng không được tham gia chiến dịch PR của bộ phim như thông thường. Chiến dịch marketing này được học hỏi từ những bộ phim giật gân của William Castle – một đạo diễn với những bộ phim kinh dị kinh phí thấp nhưng lại thành công nhờ chiến lược quảng cáo kỳ lạ này.

Đoạn preview nổi tiếng, với Hitchcock giới thiệu bối cảnh của bộ phim, càng gây tò mò cho khán giả.

Diabolique – bộ phim đầu tay của William Castle -  chấp nhận chơi trội bằng cách cung cấp cho người xem một phần bảo hiểm nhân thọ trị giá $1.000 nếu họ chết vì sợ hãi khi xem phim. Với tinh thần tương tự, Psycho cam kết: Không ai được phép vào rạp sau khi bộ phim bắt đầu. Hơn cả một chiêu trò quảng cáo, đây là nghĩa vụ hợp đồng với các nhà rạp và họ buộc phải thực hiện điều đó.

Paramount đề nghị Hitchcock nhanh chóng kiếm tiền từ bộ phim rẻ tiền của ông bằng cách công chiếu bộ phim rộng rãi khắp nước Mỹ ngay khi mùa hè đến và làm mọi thứ có thể để tăng doanh thu cho bộ phim. Đây là sách lược rất khác với con đường quảng bá chất lượng mà các phim khác của ông thường đi theo. Các phim hàng đầu thường mở màn ở 1-2 rạp chiếu tại các thành phố lớn vài tuần, ngày công chiếu khác biệt tuỳ thuộc vào từng thành phố, nhưng New York thì luôn được chiếu đầu tiên. Hitchcock kiên quyết đi theo con đường này với Psycho.

Ra rạp vào ngày thứ Tư - 15.6.1960 – ngày mở màn bình thường với một phim chiếu rạp thời điểm đó (thường các phim khai rạp vào ngày thứ Sáu), Psycho công chiếu đầu tiên tại rạp DeMille trên đại lộ Broadway và rạp Baronet ở Upper East Side. Psycho càng được làm tăng tính bí ẩn khi mà không có buổi công chiếu nào cho báo chí hay các nhà phê bình trước khi ra rạp, càng nói không với chiếu sớm. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều phải xếp hàng chờ đợi cùng một lượt trước khi được xem Psycho - cả một hàng dài.

Phim liên tục cháy vé ở cả 2 rạp đã thu hút sự chú ý của Paramount, và khi phim được công chiếu rộng rãi hơn, hình ảnh đó tiếp tục lặp lại. Đó là lúc mà studio phải trở nên nghiêm túc với bộ phim. Hitchcock sau đấy tổ chức các buổi họp báo, giao lưu với khán giả và quảng bá bộ phim bằng hình ảnh khôi hài của ông trong chương trình TV. Psycho – được chiếu độc quyền trong 9 tuần tại rạp DeMille và Baronet trước khi được đem đến các thành phố khác, trong khi vẫn tiếp tục được chiếu ở 2 rạp này. 

Tất cả những điều này làm thay đổi lịch sử làm phim. Trên phương diện thương mại, Psycho đã vượt qua giới hạn trong việc lôi kéo khán giả đại chúng đến rạp thành công. Mặc dù tính chất bạo lực của bộ phim thu hút nhiều sự chú ý (kiểm duyệt nội địa khá thoáng), tự do tình dục mới là yếu tố nguyên bản như cảnh mở đầu phim bán khỏa thân, với một bữa trưa lãng mạn sau khi làm tình gần như chưa từng có tiền lệ trong các dòng phim thương mại trước đó. Psycho cũng đã thu hút những khán giả mới và trẻ hơn cho Hitchcock, những người có khả năng trở thành những tín đồ của giáo phái Hitchcock sau này.

Psycho đã tạo ra ảnh hưởng khiến cho các đạo diễn và ngôi sao hàng đầu khác tạo ra những thước phim mang dáng dấp của Psycho. Ví dụ như, What Ever Happened to Baby Jane, Bonnie and Clyde, Rosemary’s Baby, The Exorcist là không thể ra đời nếu không có Psycho. Phong cách tự sự truyền thống được thay đổi cũng là một ảnh hưởng lớn, nhanh chóng được tiếp nhận trong các phim Châu Âu như phim của Godard, Antonioni và các đạo diễn khác. 

Nguồn: The Guardian. Ảnh: IMDb