[REVIEW] 30 Chưa Phải Tết

Đánh giá phim · Maii ·

30 Chưa Phải Tết sẽ là bộ phim cạnh tranh gắt gao với Gái Già Lắm Chiêu 3 trong ngày mồng 1 Tết Nguyên Đán.

30 Chưa Phải Tết, bộ phim hài của đạo diễn Quang Huy với sự góp mặt của Trường Giang, Mạc Văn Khoa, Việt Anh, Hồng Vân đã được cấp phép và công chiếu vào ngày mồng 1 Tết Nguyên Đán, mang đến không khí ấm áp, nhẹ nhàng với câu chuyện về gia đình trong năm mới.

30 Chưa Phải Tết xoay quanh Hân mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với ba và thường xuyên bị đánh đập nên Hân hận ba, rời bỏ quê lên thành phố lập nghiệp. Sau 12 năm, Hân về quê và "giành" miếng đất của chính ba mình nhằm có thể cưới con gái của ông chủ tập đoàn bất động sản lớn nhất Sài Gòn nhưng vô tình anh bị rơi vào vòng lập thời gian vô tận khi phải sống lặp đi lặp lại trong đúng ngày 30 Tết.

Chủ đề vòng lặp thời gian vốn không mới đối với điện ảnh thế giới, nhưng mới lạ và khá khó đối với điện ảnh Việt Nam. Thể hiện như thế nào cho các sự kiện vừa khớp với nhau, nhưng cũng vừa mở ra được hướng đi mới cho nhân vật không phải là chuyện dễ. Dù trường đoạn đầu tiên giới thiệu bối cảnh chưa được mượt mà, nhưng cốt truyện của 30 Chưa Phải Tết bắt đầu vào nếp và thú vị hơn ở giữa và cuối phim. Lựa chọn tôn giáo làm lý do để Hân vướng vào vòng lặp thời gian cũng là một hướng đi hợp lý của các nhà làm phim, đủ để truyền tải ý nghĩa và thông điệp mà đạo diễn muốn mang đến cho khán giả.

Khác với các phim về vòng lặp thời gian mà người viết đã từng xem, đạo diễn không để nhân vật Hân dừng lại và thắc mắc về hoàn cảnh của mình quá lâu, mà ngay lập tức lý giải và nhanh chóng mở ra tình tiết tiếp theo. Lợi thế của đạo diễn Quang Huy không phải thể loại hài, hoặc ít nhất là kiểu hài hơi nhí nhố của 30 Chưa Phải Tết. Nếu loại bỏ hoàn toàn thể loại hài khỏi phim cũng chẳng ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của khán giả khi thưởng thức, có khi còn làm gia tăng cảm xúc bởi phim Tết không cần lúc nào cũng phải cười mới vui. Chỉ cần nhẹ nhàng và tình cảm như nửa sau của bộ phim là đã đủ khiến khán giả thực sự lắng đọng.

Mạc Văn Khoa gần như vẫn không khác mấy so với các vai diễn trước đây, ngoại trừ việc cố gắng nghiêm túc hơn vì anh thể hiện vai sư thầy. Trường Giang cho thấy vai của anh không cần phải là vai hài thì anh mới thể hiện tốt được. Ngoại trừ phân đoạn cao trào cảm xúc được quay cận cảnh có thể thấy rõ Trường Giang bộc lộ chưa tới, thì toàn bộ phim, anh đều thể hiện rất tốt sự đểu cáng nhưng cũng vừa có nét đáng thương của nhân vật Hân.

Hân không phải là nhân vật quá xấu xa, chỉ là lầm đường lạc lối và cần một điểm tựa để hướng thiện và nhận ra sai lầm của mình. Sự góp mặt của các diễn viên có nhiều kinh nghiệm diễn xuất như Việt Anh, Hồng Vân… giúp các vai phụ của họ đều để lại ấn tượng trong lòng khán giả, nhất là vai ông Hai Chữ của nghệ sĩ Việt Anh. Cao trào thể hiện tình phụ tử của Hân và ông Hai Chữ cảm động, tròn trịa và là điểm sáng của 30 Chưa Phải Tết.

Cách xây dựng mâu thuẫn giữa ông Hai Chữ và Hân khá tốt, dù vậy, các mâu thuẫn khác còn lại trong cuộc đời Hân nhìn chung chưa thuyết phục và tương xứng. Một số gương mặt phụ xuất hiện không có vai trò và không thể hiện được gì nhiều ngoài việc cố gắng mang lại tiếng cười cho khán giả (dù thành công hay không thì vẫn còn là dấu chấm hỏi). Dựng phim tốt và mặt hình ảnh của phim cũng ổn, không chói và lòe loẹt như các phim ở những năm trước, hòa đủ không khí vui vẻ của ngày Tết, chút buồn của một gia đình đang cố gắng hàn gắn nhưng không quá u tối.

Tiểu tiết vẫn luôn là điểm yếu với nhiều phim Việt khi có những chi tiết nhỏ không được chăm chút, giảm đi tính hợp lý và khiến khán giả vẫn còn phải thắc mắc, 30 Chưa Phải Tết cũng không phải ngoại lệ.

Tuy vậy, nói về tổng thể thì đây vẫn là một bộ phim tròn trịa và có cảm xúc của đạo diễn Quang Huy kể từ Chàng Trai Năm Ấy với câu chuyện về gia đình, tình phụ tử và góc nhìn về sự hướng thiện của con người.