[REVIEW] Ác Quỷ Ma Sơ - Mọi thứ đều vừa đủ

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Ác Quỷ Ma Sơ là phim giải trí khá ổn dành cho các tín đồ kinh dị.

Ác Quỷ Ma Sơ (The Nun) đơn giản mà hiệu quả. Bộ phim mới nhất của thương hiệu The Conjuring chứng tỏ hãng Warner Bros. nghiêm túc muốn xây dựng nên một vũ trụ điện ảnh kinh dị xoay quanh câu chuyện về các nhà trừ tà và những linh hồn tà ma độc ác. Vẫn công thức hù dọa cũ và bám sát tuyến truyện để hợp lý hóa các tình tiết từ những bộ phim trước đây, Ác Quỷ Ma Sơ có thể xem đã hoàn thành được cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng: đào sâu câu chuyện về ác quỷ Valak và mở ra những tình tiết mới nhằm khơi gợi cho những bộ phim tiềm năng tiếp theo.

Valak tiếp tục tạo nên nỗi kinh hoàng trong phim.
Valak tiếp tục tạo nên nỗi kinh hoàng trong phim.

Sau vụ tự tử bí ẩn của một nữ tu tại tu viện kín ở Romania xa xôi, Vatican đã cử linh mục Burke (Demián Bichir) cùng nữ tu trẻ Irene (Taissa Farmiga) đến điều tra. Được sự giúp đỡ của một nông dân sống ở vùng đó, Frenchie (Jonas Bloquet), hai người dần khám phá những bí ẩn giấu kín về lịch sử đẫm máu của tòa lâu đài mà nay chính là tòa tu viện. Một thực thể tà ác đang tìm kiếm linh hồn để chiếm hữu nhằm giúp nó thoát khỏi phong ấn. Liệu ba người có thành công trong việc trấn áp thế lực xấu xa này hay sẽ trả giá bằng chính linh hồn cùng sinh mạng của họ khi cố hoàn thành nhiệm vụ cam go?

Dù là phần phim thứ 5 trong loạt thương hiệu kinh dị nổi tiếng nhưng xét theo mốc thời gian thì đây là khởi đầu cho mọi thứ xảy đến trong Conjuring. Bối cảnh diễn ra tại tu viện Cârța năm 1952, sau hàng trăm năm trấn yểm thế lực xấu xa, những nữ tu nơi đây không còn kiểm soát được nữa và những thứ kinh hoàng lan nhanh. Công thức phim đưa đến thành công khó tin của thương hiệu vẫn được áp dụng: một địa điểm/con người bị ám, một câu chuyện rùng rợn bị chôn giấu, những người quyết khám phá bí mật để tìm cách ngăn chặn thế lực tà ma. Dẫu không có gì mới mẻ nhưng cho đến hiện tại nó vẫn khiến hãng phim hốt bạc và kéo hàng triệu khán giả khắp thế giới ồ ạt đến rạp. Không phải là ngoại lệ, Ác Quỷ Ma Sơ tiếp tục dùng lại công thức trên, thêm những màn jump-scare và những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng gây hoang mang là có ngay một bộ phim kinh dị (được dự đoán sẽ) ăn khách.

Diễn xuất của 3 diễn viên tròn vai.
Diễn xuất của 3 diễn viên tròn vai.

Một trong những yếu tố tiên quyết làm nên thành công của một bộ phim kinh dị là tạo được bầu không khí ma mị, ám ảnh, rùng rợn. Yếu tố này được làm khá tốt trong phim. Một nơi hẻo lánh, tòa lâu đài cổ xưa đổ nát vì bom đạn chiến tranh, nghĩa trang và những xác chết. Bầu không khí u ám lo âu ngày càng đậm đặc được diễn đạt tương đối tốt tuy đôi lúc còn chưa đã. Nếu mạnh dạn tăng cấp độ lên thì có lẽ phim sẽ hay hơn. Việc xen kẽ những mảng hài đôi khi đáng yêu làm giảm bớt căng thẳng nhưng cũng để lại “tác dụng phụ” là pha loãng bầu không khí được tạo dựng tốt ban đầu. Tổng quan thì không có nhiều thứ phàn nàn khi tự bản thân bối cảnh những hành lang hẹp, những căn phòng kỳ dị trong tu viện hầu như đã đảm bảo cho yếu tố kinh dị được phát huy công lực rồi.

Tiếp đến, những tình huống hù dọa được xếp đặt phải khéo và tinh tế, vừa đảm bảo mới lạ mà vừa phải bất ngờ để không đoán trước được sự nguy hiểm đến từ đâu. Nếu làm tốt điều này sẽ khiến phim kinh dị đó có chỗ đứng riêng khó lẫn. Trong Ác Quỷ Ma Sơ, xét kỹ thì đây có thể xem vừa là điểm cộng mà cũng là điểm trừ. Điểm đáng khen là vài tình huống thật sự gây kích thích như cảnh bị chôn sống trong mộ hay căn phòng xác chết hiến tế, hay dãy hành lang dẫn đến nơi phong ấn Valak. Tuy nhiên, phim lại bỏ phí đi rất nhiều cơ hội khi không có tính bất ngờ và sáng tạo trong việc dàn dựng những tình huống trên. Làm sao có thể tăng hiệu quả hù dọa nếu mọi thứ đều diễn-ra-như-nó-phải-diễn-ra? Đuổi theo bóng ma thì nó thoát ẩn thoát hiện rồi bất thình lình vỗ bay hay nhìn sau lưng. Chả cần thông minh lắm cũng đoán được điều gì sắp xảy ra. Có tình huống hay thì cách dẫn dắt đến tình huống đó cũng phải khéo. Thiếu một trong hai thì không thể có những cảnh nhát ma chất lượng được.

Ác Quỷ Ma Sơ tạo bối cảnh khá tốt.
Ác Quỷ Ma Sơ tạo bối cảnh khá tốt.

Âm thanh, ánh sáng và dàn dựng cảnh trí trong phim cũng khá ổn. Tuy nhiên, người xem khó tìm được những đoạn nhạc hay giai điệu đặc biệt, làm nhớ ngay đến một nhân vật hay trường đoạn quan trọng. Đương nhiên với một phim kinh dị thì màu sắc chủ đạo thường là màu tối, lạnh hay trung tính để tạo các hiệu ứng thị giác cho khán giả. Nếu dễ tính thì nói yếu tố dàn dựng bối cảnh này vừa đủ gây sợ, nếu khó tính thì nói vẫn chưa đã lắm. Không khó để tìm hàng đống phim đã dùng các ý tưởng bối cảnh trong phim này, chưa có cảnh nào thật sự gây kích thích cực mạnh khiến khán giả phải trầm trồ thán phục hay kinh hãi tột độ cả. Nó cứ bình bình, cảm giác lưng lửng còn khó chịu hơn là việc chấp nhận bớt đi số lượng cảnh đáng sợ mà đầu tư chất lượng, cảnh nào làm thỏa mãn cảnh đấy.

Dù bất cứ thể loại phim nào thì điều cốt yếu vẫn là khâu kịch bản. Chịu trách nhiệm chính trong việc phác thảo kịch bản của Ác Quỷ Ma Sơ là nhà biên kịch Gary Dauberman. Gary cũng chịu trách nhiệm viết kịch bản cho Annabelle (phần 1 và 2) và It (2017). Riêng It thì do thừa hưởng nền tảng từ bộ tiểu thuyết kinh dị xuất sắc của nhà văn Stephen King nên không lạ khi phim được đánh giá cao khâu kịch bản, còn hai bộ phim Annabelle (2014) và Annabelle: Creation (2017) đều bị các nhà phê bình phim chê bai vì kịch bản quá non. Dẫu có nhiều nỗ lực tạo câu chuyện có sức nặng cho huyền thoại về ác quỷ Valak nhưng không khiến người xem thấy hứng thú hay ngạc nhiên về thực thể này, vẫn theo lối cũ rích từ các phim ma quỷ trước đây chứ không có những sáng tạo mới.

Tuy nhiên, một số cảnh tiềm năng chưa được đẩy cao.
Tuy nhiên, một số cảnh tiềm năng chưa được đẩy cao.

Câu chuyện đằng sau của mỗi nhân vật không thật sự thuyết phục người xem, điều gì khiến họ đặc biệt để được chọn tham gia công việc điều tra này cũng chưa có câu trả lời xác đáng. Thiếu đầu tư xây dựng cá tính và số phận của hai nhân vật chính khiến đầu mối phát triển diễn tiến phim trở nên có phần thiếu logic. Thật kỳ lạ là nhân vật phụ, chàng nông dân Frenchie, lại được xây dựng tốt hơn và khiến người xem có cảm tình nhất. Các diễn biến từ lúc bước vào tu viện, khám phá những bí ấn đến vùng nhau chống lại Valak đều đi theo trình tự ba hồi quen thuộc trong các phim Hollywood. Điều này thật sự gây thất vọng lớn vì sau màn chào sân ấn tượng cách đây 1 năm trong The Conjuring 2 có rất nhiều người hy vọng Ác Quỷ Ma Sơ có thể trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng mới của dòng phim kinh dị.

Bù đắp lại phần nào cho phần kịch bản yếu kém là diễn xuất của dàn diễn viên. Dù đầu phim có hơi gượng gạo nhưng càng về sau sự phối hợp giữa Burke – Irene và Frenchie càng ăn ý. Sự kiên trì, thông thạo kiến thức về trừ tà của Burke; nét ngây thơ lẫn thông minh kiên định của nữ tu trẻ Irene; tính tình hay đùa giỡn nhưng cũng rất can đảm của Frenchie đều được 3 diễn viên thể hiện tương đối thuyết phục. Dù có thời lượng không quá nhiều nhưng mỗi lần xuất của ác quỷ Valak đều tạo không khí lạnh sống lưng. Đạo diễn Corin Hardy không phải ngẫu nhiên được chọn cầm trịch cho dự án phim này. Corin đã có kinh nghiệm làm phim kinh dị được đánh giá khá cao là The Hallow nên dẫu không thể có phần kịch bản tốt thì anh vẫn biết cách xử lý để cho ra một bộ phim kinh dị chất lượng ổn.

Dù sao thì Ác Quỷ Ma Sơ vẫn là phim kinh dị khá ổn.
Dù sao thì Ác Quỷ Ma Sơ vẫn là phim kinh dị khá ổn.

Nhìn chung đây vẫn là một tác phẩm giải trí thú vị, vẫn có thể đem đến nhiều cảm xúc từ buồn bã, sợ hãi, lần vui vẻ cho người xem. Một chi tiết nhỏ về chàng nông dân Frenchie cuối phim tạo kết nối với hai phần đầu của The Conjuring và giải thích lý do vì sao Valak bám theo hai vợ chồng nhà Warren. Còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ chưa lời đáp, đây có thể là do các nhà làm phim cố tình để gợi mở cho các dự án phim tiếp theo. Một lưu ý nhỏ là không có after-credit như tin đồn nha nên các bạn không cần mất công ngồi chờ. Không cần phải quá đặt nặng những yêu cầu gì quá hàn lâm cho những phim có tính thương mại thế này, phim vẫn là một lựa chọn tốt cho cuối tuần.