[REVIEW] Bão Địa Cầu – Cũng đáng xem nhưng không có chuyện xem lần thứ hai

Đánh giá phim · Moveek ·

Vào tháng 10 năm nay, Bão Địa Cầu sẽ đổ bộ đến các cụm rạp. Một bộ phim nhiều hứa hẹn trở thành bom tấn của thể loại khoa học – viễn tưởng vào cuối năm liệu có thật sự để lại dư chấn?

Poster của Bão Địa Cầu
Poster của Bão Địa Cầu

Không biết vô tình hay hữu ý Bão Địa Cầu được công chiếu tại Việt Nam vào mùa mưa bão. Nhân một ngày mưa to gió lớn, tôi cũng không ngần ngại đến xem thử xem Bão Địa Cầu lớn thế nào mà được nhiều người bàn tán kì vọng như vậy.

Nội dung chính của phim diễn ra ở tương lai khi con người đang đứng trước bờ vực sống còn bởi mẹ thiên nhiên bắt đầu tạo ra các cuộc trừng phạt lớn nhỏ bằng thiên tai trên khắp thế giới. Trong tình huống đó, con người bắt đầu chung tay, chính phủ của các quốc gia cùng hợp tác xây dựng một công trình khoa học – kĩ thuật lớn nhất từ trước đến nay có khả năng biến đổi khí hậu, khống chế thiên tai và được gọi bằng tên “Cậu bé Hà Lan bay” dựa trên một câu chuyện cổ. Tưởng chừng như con người đã chiến thắng nhưng một ngày công trình này lại xuất hiện những trục trặc dẫn đến hậu quả khôn lường mà không ai có thể tưởng tượng được.

Phải nói trước rằng cá nhân tôi không phải người yêu thích cũng như am hiểu nhiều về thể loại phim khoa học – viễn tưởng nên trong bài viết này tôi sẽ sẽ chỉ nhấn mạnh đến các khía cạnh khác của bộ phim. Khi lần đầu xem trailer chính thức của Bão Địa Cầu thì thực sự tôi đã trông chờ ở bộ phim nhiều điều nhưng khi xem phim thì những điều đó lại không như mong đợi, trái lại những yếu tố ít ai ngờ đến thì bộ phim lại gây ấn tượng với tôi.

Đầu tiên phải kể đến cái lối mòn mà Bão Địa Cầu vấp phải với đại đa số các phim khoa học – viễn tưởng hiện nay của Mỹ. Lối mòn ấy chính là đề cao lòng tự tôn dân tộc và quá chú trọng vai trò của Tổng thống Mỹ. Tôi không hề nhạy cảm khi một quốc gia đề cao đất nước cũng như lãnh đạo của họ, tuy nhiên, bộ phim này đã làm quá mức dẫn đến diễn biến bất hợp lý của cả gần như hơn nửa sau bộ phim. Dự án xây dựng “Cậu bé Hà Lan bay” theo đầu phim thì là sự hợp tác của 17 quốc gia trong đó dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc, nhưng người quyết định và giữ chìa khóa chủ chốt chỉ có một mình Tổng thống Mỹ. Thậm chí xuyên suốt bộ phim, các quyết định chính của “Cậu bé Hà Lan bay” không hề có sự thảo luận của bất kỳ  quốc gia nào khác ngoài Mỹ, dù cho phi hành đoàn cả trăm cả ngàn người trên tàu mang đủ sắc tộc, đến từ các nước khác nhau. 

Thứ 2, vấn đề chính trị tưởng chừng vô cùng thú vị vào những phút đầu của bộ phim lại trở nên nhàm chán, lê thê và dễ đoán sau đó. Lại thêm một lối mòn khác chính là thuyết âm mưu đến con nít cũng đoán được mà các nhà làm phim Hollywood hiện nay cứ thích áp dụng. Cả bộ phim ngoại trừ các vấn đề về khoa học, máy móc, không gian nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi thì vấn đề chính trị của phim được xây dựng từ đầu khá là phức tạp, làm tôi tưởng rằng sẽ được xem sự tranh cãi về nhiều vấn đề toàn cầu đang diễn ra trong phim giữa các quốc gia. Nhưng cuối cùng cũng do người Mỹ tự quyết và họ lại trở thành cường quốc hùng bá, cứu cả nhân loại, một lần nữa.

Thứ 3, khi nhìn thấy poster có hình ảnh người cha ôm con gái, tôi cứ nghĩ tình thương gia đình, tình cha con, tình yêu đồng loại sẽ là điểm sáng của bộ phim, ngoài ra hình ảnh đó làm còn làm tôi liên tưởng đến hai cha con ôm nhau chạy trốn khỏi bầy zombie trong Train to Busan. Nhưng không hề có cảnh đó trong cả bộ phim, không có người cha ôm con chạy trốn thiên tai, ngoài trừ một số mối quan hệ được xây dựng để bộ phim bớt thô cứng thì hầu hết cả cảnh trong phim lại là bắn giết, máy móc và những con người chạy trốn khi thiên tai ập đến. Ngoài ra, có những nhân vật dư thừa lại được thêm vào và chiếm mất một thời lượng phim không nhỏ. 

Diễn xuất của các diễn viên trong phim từ khá đến đạt, có những nhân vật đặc biệt ấn tượng như cặp đôi Max – Sarah. Các nhân vật chính được xây dựng tính cách riêng biệt. Điều mình bất ngờ nhất là tưởng bộ phim đề tài thảm họa thì bầu không khí nghiêm túc, buồn và ảm đạm bao trùm cả bộ phim. Nhưng không, yếu tố hài hước và châm biếm xuất hiện xuyên suốt bộ phim, những câu thoại đá xoáy nhau của các nhân vật cũng rất độc đáo.

Đặc biệt diễn xuất của Gerard và Jim rất tốt. Mình rất thích nhân vật Max của Jim, bảnh bao, tưng tửng và đáng yêu nhưng nhiều khi có những câu anh nói ra làm người khác phải bất ngờ. Gerard đã quá quen mặt rồi, mình không có gì để chê nhưng có lẽ bộ phim nên chăm chút tạo hình của Jake hơn vì Jake nhìn không giống nhà khoa học cho lắm trong khi Gerard có ngoại hình cao to, ngầu và đôi khi khá bặm trợn. Mình cứ nghĩ anh sẽ có nhiều màn đánh đấm trong phim nhưng điều đó lại bị nàng Sarah chiếm mất rồi.

Vẻ ngoài quá ngầu làm mất điểm cho tạo hình nhà khoa học của Gerard
Vẻ ngoài quá ngầu làm mất điểm cho tạo hình nhà khoa học của Gerard

Hình ảnh, âm thanh của phim phải nói là mãn nhãn và tuyệt vời, đặc biệt là những phân đoạn hành động. Tôi trải nghiệm dưới định dạng 3D nên tôi nghĩ nếu có bạn nào đến rạp thì nên xem phim bằng định dạng này thì sẽ cảm thụ điểm sáng này của bộ phim một cách tốt nhất. 

Yếu tố lãng mạn cũng không bị lạm dụng quá nhiều trong phim. Nó được sử dụng với mức độ vừa phải nhưng lại đạt hiệu quả rất tốt. Khán giả cảm nhận được cặp đôi Max và Sarah sinh ra là dành cho nhau, một cô nàng mật vụ xinh đẹp luôn nghiêm túc và ngầu lòi chắc hẳn cần một anh chàng vui tính, thông minh, đẹp trai nhưng không kém phần “chai mặt” ở bên cạnh rồi. 

Về nội dung, Bão Địa Cầu có lẽ vẫn vấp vào lối mòn của các bộ phim khác nên vẫn chưa gây “bão” và ấn tượng nhất định. Tuy nhiên phim cũng có rất nhiều điểm sáng bất ngờ ngoài dự đoán. Nếu nói phim không đáng xem thì hoàn toàn sai nhưng nếu hỏi tôi có muốn xem lại bộ phim này không thì rất tiếc là không.

Thành viên: Candice Ho