[Oscar Rewind] Blood Diamond - Cuộc chiến không hồi kết

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · Vidanfromsaigon ·

Blood Diamond chắc chắn là bộ phim sẽ làm cho bất cứ ai thay đổi những góc nhìn của chúng ta về mặt trái của loại đá quý này và tình yêu thương mà con người dành cho nhau ở bất kể nơi đâu.

Kéo xuống để xem tiếp

Blood Diamond chắc chắn là bộ phim sẽ làm cho bất cứ ai thay đổi những góc nhìn của chúng ta về mặt trái của loại đá quý này và tình yêu thương mà con người dành cho nhau ở bất kể nơi đâu. Phim được công chiếu vào năm 2006, do đạo diễn Edward Zwick cầm trịch, bộ phim được đề cử 5 giải Oscar và nhiều giải thưởng khác. Bộ phim Kim Cương Máu đã nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Global Witness và Tổ chức Ân Xá Quốc Tế.

Kim Cương Máu (Nguồn: IMDb)
Kim Cương Máu (Nguồn: IMDb)

Blood Diamond được xây dựng vào khoảng thời gian xảy ra nội chiến ở Sierra Lione vào năm 1999, do những bất ổn về vấn đề chính trị xã hội nên xảy ra cuộc chiến đẫm máu từ hai phía. Một bên là quân chính phủ đang cố tìm cách xây dựng và thiết lập lại tình hình đất nước, còn một bên tự thành lập và xưng là Quân Giải Phóng (RUF) do những kẻ bất chính kiến với chính phủ và xây dựng một đội quân từ chính những người dân nơi đây, bao gồm cả trẻ con.

Solomon Vandy (Djimon Hounsou) là một ngư dân sống yên ổn cùng gia đình trong một ngôi làng nhỏ thì bị lực lượng quân Giải Phóng phát hiện, khiến Solomon và gia đình bị chia cắt, đứa con trai Dia Vandy cũng bị bọn chúng bắt. Danny Archer (Leonardo DiCaprio) là một lính đánh thuê người Nam Phi, một tay buôn lậu kim cương xuyên biên giới cho quân Giải Phóng và quân của chính phủ, thông qua trung gian là Đại tá Coetzee.

Khi Archer bị nhốt trong tù ngục, anh tình cờ biết được Solomon đã tìm được một viên kim cương màu hồng ngọc và đã giấu nó khi đang làm trong công trường kim cương của quân Giải Phóng. Nhận ra đây chính là chìa khóa để rời khỏi nơi đây, Archer cùng với Solomon bắt đầu cuộc hành trình tiến vào vùng nổi loạn để tìm kiếm viên kim cương và đồng thời, tìm lại gia đình cho Solomon, nhờ vào sự trợ giúp của nữ nhà báo Maddy Bowen (Jennifer Connelly). 

Danny Archer và Solomon Vandy (Nguồn: IMDb)
Danny Archer và Solomon Vandy (Nguồn: IMDb)

Một nhân tố quan trọng quyết định sự xuất hiện của loại hình khai thác tàn khốc này là con người.

Xuyên suốt 140 phút của Blood Diamond, chỉ có hai phân cảnh mà chắc chắn nhiều người khi xem sẽ không bao giờ quên được vì sự tác động mãnh liệt từ nó. Phân cảnh thứ nhất đó là lúc người dân phải sơ tán ra khỏi nơi này trước khi quân Giải Phóng tới và náo loạn, những người đó cứ chạy trong vô thức, cố tìm kiếm một lối thoát cho bản thân. Nhưng không may, trước mặt họ là chốt chặn của quân chính phủ, để đối đầu với quân Giải Phóng. Khi tiếng đạn bắt đầu nổ, âm thanh phát ra rát cả lỗ tai, ấy vậy mà những người dân vô tội kẹt ở giữa những làn đạn mịt mù đó, xác chết cứ ngày một chất thành đống, từ phụ nữ, người già rồi cả trẻ em sơ sinh.

Vũ khí cũng có hai mặt của nó và phải được sử đụng một cách đúng đắn. Nhưng có cung thì cũng có cầu, những tay buôn lậu trung gian cho các tổ chức tập đoàn lớn, không chỉ riêng mình Danny Archer chắc chắn thấy đây là cơ hội ngàn năm có một. Việc buôn bán vũ khí một món mồi béo bở cho những tham vọng, đòi hỏi vượt trên mức bản thân.

Và đây chính là lúc vai trò của nữ nhà báo người Mỹ Maddy Bowen lên tiếng. Cô không chỉ cho mọi người trên thế giới thấy cuộc sống khổ cực trong nội chiến của người dân Sierra Leone như thế nào, mà còn muốn giải quyết một cách gần như triệt để vấn đề nhức nhối mà kim cương máu mang lại. Cô cần một câu chuyện thực sự và cô đã đạt được điều đó, cái tâm quả cảm của một nhà báo đã được Maddy Bowen thể hiện rất rõ trong bộ phim này. 

Nữ nhà báo Maddy Bowen (Nguồn: IMDb)
Nữ nhà báo Maddy Bowen (Nguồn: IMDb)

Phân cảnh tiếp theo trong Blood Diamond khiến người khác phải thương xót, đó là lúc Archer đưa Solomon và con trai Dia đến chỗ máy bay để rời khỏi sự truy sát từ lính của đại tá Coetzee. Đây chính là nhân vật trọng tâm của cả bộ phim, anh đã thể hiện hai bộ mặt trái ngược rất rõ nét, đau thương nhưng cũng ấm áp. Archer cũng là một người con của Châu Phi, nhưng vì khác màu da, mẹ bị hãm hiếp đến chết, cha bị chặt đầu, chính những tổn thương đó đã tôi luyện nên con người trong anh, nuôi ý chí hoài bão để thoát khỏi cái lục địa đen đó. Khi hay tin Solomon sở hữu viên kim cương hồng ngọc, Archer tin rằng đây chính là con đường để rời khỏi nơi đây, không phải mắc nợ một ai, sống thư thản đến cuối đời, anh bám theo và lợi dụng Solomon để đạt được điều anh muốn.

Khi được tận mắt chứng kiến tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Solomon, Archer biết rằng những hành động của anh đã sai. Anh hối lỗi bằng việc cung cấp những bằng chứng cho nữ nhà báo Maddy, để cô vạch trần, đưa vụ việc ra ngoài ánh sáng, cứu lấy một phần cuộc sống của người dân Sierra Leone nói riêng và Châu Phi nói chung. Cho đến cuối phim, Archer ngồi trên vách núi, sắc mặt bệt bạt rệu rã, anh chỉ ngồi lặng lẽ ở đó, ngắm nhìn ánh nắng hoàng hôn đang bắt đầu rút dần sau những cánh rừng trải dài bạt ngàn. Khi Archer nhờ Maddy giúp đưa gia đình của Solomon rời khỏi nơi đây, Maddy cũng muốn giúp anh, nhưng anh chỉ nói với đã nói với cô một câu rằng:

"Tôi đã biết bây giờ mình phải ở đâu rồi".

Theo như truyền thuyết của vị thần Shoha, cát ở Châu Phi màu đỏ là bởi vì nó được nhuốm máu bởi các chiến binh đã đứng lên bao vệ và hy sinh cho mảnh đất này. Archer dù có khác biệt về màu da nhưng anh vẫn mãi là một người con của Châu Phi, anh đã sửa chữa lỗi lầm và yên nghỉ trên chính mảnh đất của mình. Chính sự xuất sắc vai diễn trong Blood Diamond, Leonardo DiCaprio đã được đề cử giải Oscar lần thứ 5 trong sự nghiệp. 

Archer cũng chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến (Nguồn: IMDb)
Archer cũng chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến (Nguồn: IMDb)

Blood Diamond lồng ghép quan hệ gắn kết bền chặt giữa cả ba nhân vật chủ chốt trong phim: Solomon Vandy - Danny Archer - Maddy Bowen. Cả ba nhân là ba màu sắc khác nhau nhưng cuối cùng, mỗi người đều thể hiện rõ nét vai trò đại diện trong một cuộc chiến sẽ không bao giờ có kẻ thắng.

Solomon Vandy là người đại diện cho tầng lớp người dân Châu Phi bị áp bức bóc lột trong cuộc sống và là tấm gương tiêu biểu cho người chồng, người cha trong gia đình thế hệ ngày nay. Maddy Bowen chính là đại diện của công lý, của sự phán xét, lao mình vào những nơi nguy hiểm bậc nhất. Nếu không có cô ở đây thì sự hy sinh của Archer và Solomon là hoàn toàn vô nghĩa.

Cuối cùng, Danny Archer đại diện cho sức mạnh, sự tha thứ cũng như lòng dũng cảm khi hy sinh cả mạng sống của mình để chuộc lại lỗi lầm bản thân. Hành động của anh đã chứng minh rằng, dù cho ở bất kỳ thời điểm nào, khi nhận ra đâu là giới hạn quá mức của một sự việc, chúng ta cần phải dũng cảm đứng lên đấu tranh cho những điều tốt đẹp nhất, dù cái giá phải trả là quá đắt. Sau cuộc chiến, chiến thắng và vinh quang chỉ còn là những điều xa xỉ, đọng lại trong ký ức là nỗi đau thương mất mát và sự vĩ đại của kẻ phàm nhân.

Họ là những người hùng (Nguồn: IMDb)
Họ là những người hùng (Nguồn: IMDb)

Sau cùng, Blood Diamond đã góp phần lớn tiếng nói chung của những con người lương thiện bị áp bức cùng cực. Đây là bộ phim thích hợp dành cho bạn nếu bạn cần một động lực để lên tiếng cho những bất công trong xã hội.

[Oscar Rewind] The Favourite – Khi sự giả dối gặm nhấm trái tim như một liều thuốc độc

[Oscar Rewind] The Favourite – Khi sự giả dối gặm nhấm trái tim như một liều thuốc độc

Cốt truyện của The Favourite dễ theo dõi và diễn biến được lồng ghép nhiều tình tiết hài hước, không đến nỗi kén khán giả.

[Oscar Rewind] Schindler's List – Biểu tượng về sự thánh thiện không đến từ một vị thánh, mà đến từ một con người

[Oscar Rewind] Schindler's List – Biểu tượng về sự thánh thiện không đến từ một vị thánh, mà đến từ một con người

Schindler đã có thể chọn hướng đi khác, sống cuộc đời giàu có của chính ông, nhưng cuối cùng, vẫn chọn làm theo con tim và lòng trắc ẩn, giải cứu hơn 1000 người Ba Lan trước thảm họa bị tàn sát.