[REVIEW] Cõi Âm (The Only Mom)

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Maii ·

Cõi Âm có lẽ chưa đủ "nhiệt" để các fan kinh dị phải "trầm trồ."

Kéo xuống để xem tiếp

Ra mắt lặng lẽ trong những ngày cuối tháng 3, Cõi Âm – cũng giống như nhiều phim “không kèn không trống” khác, thiếu khả năng tạo dấu ấn giữa các phim khác nổi bật hơn. 

Cõi Âm có nhiều yếu tố khá sáo mòn.
Cõi Âm có nhiều yếu tố khá sáo mòn.

Cõi Âm (The Only Mom) đến từ đất nước Myanmar, do đạo diễn người Thái Chartchai Ketnus chỉ đạo. Ketnus đã từng có kinh nghiệm làm phim kinh dị, thêm nữa là ảnh hưởng từ thể loại phim đặc thù ở quê nhà nên Cõi Âm mặc dù là phim Myanmar, nhưng lại mang nhiều nét của kinh dị Thái. Phim xoay quanh một gia đình 3 người chuyển sang sinh sống ở vùng ngoại ô, nhằm tạo điều kiện cho đứa con gái tự kỷ có thể phát triển bình thường. Tại đây, cô bé bắt đầu thay đổi, có những hành động kỳ lạ và hay vui chơi với một người bạn tưởng tượng. Câu chuyện dần được lật mở, các sự kiện xoay quanh ngôi nhà kỳ quái bắt đầu được vén màn.

Cõi Âm có phần mở đầu khá ổn, thích hợp để xem một mình, theo cặp hoặc rạp ít người bởi chỉ cần nhiều người một chút là hiệu quả hù dọa sẽ bị giảm bớt. Nửa đầu phim rất hứa hẹn, nhưng đáng tiếc, thiếu sự chỉn chu khiến nội dung phim trở nên "đầu voi đuôi chuột". Cõi Âm có cách sắp xếp mạch truyện rất lộn xộn, flashback xen giữa sự kiện hiện tại, nhưng hơi khó phân biệt khiến khán giả nhiều phen rối rắm. Hơn nữa, phim càng về cuối lại càng xuất hiện nhiều plot-hole và người ta phải liên tục tự hỏi tại sao nhân vật lại hành động như thế này? Làm sao người chồng biết người vợ đang ở đâu mà chạy theo tìm kiếm? Con búp bê cuối cùng đóng vai trò gì?...

Nữ diễn viên chính thể hiện khá tệ ở nhiều phân đoạn bị ma ám.
Nữ diễn viên chính thể hiện khá tệ ở nhiều phân đoạn bị ma ám.

Các chi tiết nhỏ nhưng vốn quan trọng và góp phần vào tính logic cũng như kết nối của phim bị bỏ qua, nhường chỗ cho nhiều sự kiện ôm đồm khiến mạch phim bị loãng, cũng như làm khán giả tự hỏi liệu tất cả hồn ma, bóng vía hay con người trong phim đều có khả năng liên thông trí não hay sao, khi luôn có khả năng tìm ra nhau mà chẳng cần gợi ý hay manh mối nào. Thêm nữa, cách xây dựng nhân vật tốt/xấu của phim bùng nhùng chẳng ra đâu vào đâu. Nếu đã không phải là phản diện thì tại sao còn cố giết các nhân vật chính? Tình tiết của Cõi Âm có khá nhiều vấn đề, không hợp lý.

Diễn xuất của Wutt Hmone Shwe Yi ở các phân đoạn bị ma nhập thực sự tệ và quá sức đối với cô, những phân cảnh mẹ con hoặc không cần phải cố gắng quá nhiều, cô lại làm tốt hơn. Diễn xuất của các diễn viên nhí Pyae Pyae, Tone Tone ổn, mặc dù nữ diễn viên nhí vào vai một cô bé tự kỷ - con của cặp vợ chồng không thuyết phục và không cần thiết. Phản diện của phim cũng dễ làm người ta ngứa mắt và có hành động theo khuôn khổ của nhiều phản diện nói-nhiều-nhưng-vô-hại của các phim kinh dị hạng xoàng khác. Ngoại trừ việc có gương mặt xấu xí và thích hù dọa thì phần lớn thời gian, người xem chẳng thấy được hồn ma này thực sự nguy hiểm như thế nào.

Phản diện, chính diện lộn xộn.
Phản diện, chính diện lộn xộn.

Cao trào của phim thậm chí còn đặt ra nhiều câu hỏi hơn khi người viết cuối cùng chẳng hiểu lắm chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng sự việc là thế nào khi bỗng dưng gia đình họ trở lại bình thường, mở tiệc ăn uống rồi dọn đi nơi khác sống?! Một cái kết chẳng thể chưng hửng hơn.

Tuy vậy, phim vẫn có một số điểm sáng đến từ việc sáng tạo cốt truyện. Mặc dù các yếu tố như căn nhà ma ám, búp bê, những tấm hình… đều đã quá cũ, nhưng được kết hợp với một số điểm mới lạ trong văn hóa Myanmar khiến bộ phim có sức hút hơn. Ít nhất thì Cõi Âm cũng đã có thể hút được người xem ở những phút đầu phim, mặc dù về sau thì có phần “đầu voi đuôi chuột”.

Kết phim cuối cùng khiến người xem chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Kết phim cuối cùng khiến người xem chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Đối với các fan của kinh dị thì Cõi Âm có lẽ chưa đủ “nhiệt” để họ phải “trầm trồ”. Nội dung thì lộn xộn, tính cách nhân vật thì chồng chéo, nếu đang có ý định xem Cõi Âm thì có lẽ bạn nên cân nhắc lại quyết định.