[REVIEW] Coma (Kẻ Đào Tẩu Giấc Mơ)

Đánh giá phim · KNTT ·

Coma chưa thể thuyết phục người xem lý do vì sao thực tại quan trọng hơn những giấc mơ.

Coma (Kẻ Đào Tẩu Giấc Mơ) do Nikita Argunov đạo diễn. Nikita Argunov là nhà sản xuất phim người Nga, từng tham gia sản xuất hai bộ phim khoa học viễn tưởng là Mafia: Survival Game (Mafia: Trận Chiến Sinh Tử) và Guardians (Siêu Chiến Binh).

Coma xoay quanh trải nghiệm kỳ lạ của một chàng kỹ sư trẻ tài năng. Tỉnh dậy sau một vụ tai nạn, chàng trai nhận thấy bản thân mắc kẹt trong một thế giới kỳ quặc và hỗn loạn, được lấp đầy bởi ký ức của những bệnh nhân đang hôn mê. Giống như ký ức của con người, thế giới ấy rời rạc, hỗn độn và không ổn định. Ở đó, mọi thứ tưởng như vô lý nhất đều có thể tồn tại và mọi định luật vật lý đều bị bẻ cong.

Nội dung của Coma (và phần nào đó là mặt hình ảnh) gợi nhớ người xem đến Inception, khi các nhân vật bị "mắc kẹt" trong "giấc mơ" và phải tìm cách thoát ra ngoài, hay trong bộ phim này đó là tìm cách sống sót trong một nơi mà người ta được chuyển đến sau khi rơi vào trạng thái hôn mê.

Về mặt hình ảnh, thế giới sau hôn mê trong bộ phim được thiết kế như một bộ não của con người, với các địa điểm ở đó được liên kết với nhau như những neuron thần kinh, được hình thành từ ký ức của những người đang hôn mê. Bộ phim có những cảnh quay quy mô lớn như hình ảnh vùng đất đồng cỏ, các tòa nhà, một con tàu ngầm hay chiếc máy bay khổng lồ. Thế nhưng, những cảnh hành động một là không diễn ra trong những bối cảnh này, hai là có diễn ra những lại khá đơn giản, không có gì hấp dẫn và hồi hộp để thu hút người xem. Có lẽ, nếu như kinh phí được đầu tư hơn con số chỉ khoảng $4 triệu (theo IMDb), những nhà làm phim sẽ có thể tạo ra được những phân đoạn gây cấn và sáng tạo hơn. Coma cũng có có phần nhạc nền điện tử khá bắt tai, thế nhưng nó cũng không để lại ấn tượng cho người xem rằng âm nhạc là một phần quan trọng trong phim.

Thế giới sau hôn mê còn tồn tại những sinh vật được gọi là Thần Chết. Nếu như một người ở trong thế giới này bị hủy hoại bởi những Thần Chết, não của họ sẽ chết đi và không thể tỉnh lại ở ngoài đời thực. Mặc cho mối hiểm nguy này, bộ phim khó có thể khiến người xem quan tâm đến số phận của các nhân vật, ngoại trừ hai nhân vật chính là nhân vật Kiến trúc sư và cô nàng Fly.

Điều mà bộ phim làm tốt đó là xây dựng mối quan hệ giữa anh chàng Kiến trúc sư và cô nàng Fly. Ở thế giới hôn mê, hai người gặp nhau như hai kẻ xa lạ, thế nhưng qua những tương tác và những câu thoại trao đổi giữa hai người, bộ phim dần hé lộ rằng cả hai dường như có một mối liên kết ở ngoài đời, dẫn đến việc họ ngay lập tức hình thành một sự kết nối ở trong thế giới hôn mê.

Người xem có thể cảm nhận được ý nghĩa mà Coma muốn nói tới, đó là giấc mơ không thể thay thể được thực tại của con người. Nhân vật chính trong phim là một kiến trúc sư ở ngoài đời, người tạo ra những thiết kế mang cảm giác "quá tương lai", không phù hợp với thế giới hiện tại. Thế nên, khi rơi vào thế giới hôn mê, anh dần phát hiện ra mình có thể tạo ra những tòa nhà với cảm hứng tương lai dựa trên mô hình thiết kế của anh. Ở thế giới hôn mê, anh sẽ có cơ hội được làm chính mình. Thế nhưng bộ phim lại không xây dựng chi tiết về hoàn cảnh của nhân vật chính cũng như thuyết phục người xem về quá trình nhận thức dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ của anh.

Người viết ước gì bộ phim có thể khắc họa chi tiết hơn những khó khăn mà anh gặp phải khi là một kiến trúc sư ở ngoài đời, thay vì chỉ dùng những lời thoại gợi nhắc lại và những hình ảnh xuất hiện thoáng qua. Giống như cái cách mà Inception đã khắc họa sự dằn vặt của nhân vật Cobb, khi anh không thể nhìn mặt những đứa con và chưa thể vượt qua được nỗi đau của người vợ đã chết của mình, để rồi đến cuối phim anh không còn quan tâm đến việc anh đang ở trong giấc mơ hay thực tại mà chỉ muốn nhìn mặt những đứa con. Trái ngược với điều đó, Coma chưa thể thuyết phục người xem về những lý do để thúc đẩy nhân vật Kiến trúc sư thoát khỏi trạng thái hơn mê.

Những giấc mơ luôn khiến con người ta vui vẻ bởi vì chúng chứa đựng những thứ mà chúng ta không thể có được ở ngoài đời thực, và đó chính là lý do vì sao có những người không muốn tỉnh dậy từ giấc mơ, bởi vì họ sợ khi tỉnh dậy, điều mà họ cảm nhận được không phải là niềm vui mà là những nỗi đau. Thế nhưng, có một điều gì đó dường như luôn kéo con người ta trở về thực tại. Coma, đáng tiếc thay, lại không thể cho người xem thấy được vì sao thực tại của chúng ta lại quan trọng hơn những giấc mơ, hay đúng hơn là thế giới sau hôn mê trong bộ phim.

Ảnh: IMDb

Bài viết liên quan