[REVIEW] Điện Thoại Đen (The Black Phone)

Đánh giá phim · _bylyy16 ·

Điện Thoại Đen là một dự án kinh dị tương đối thành công giữa một loạt các dự án kinh dị cả trong nước và ngoài nước của rạp Việt nửa năm nay.

Thời gian gần đây, mặc dù cơn bão phim kinh dị ngày càng lớn mạnh ở thị trường rạp Việt nhưng có thể thấy những bộ phim chất lượng thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kịch bản yếu, thiếu hụt về kỹ xảo, sử dụng jumpscare không hiệu quả,... là các yếu tố khiến những bộ phim kinh dị mất đi tính hấp dẫn của nó, thậm chí đôi khi còn khiến người xem…buồn ngủ. 

Không phải là một tín đồ của thể loại kinh dị nên người viết cũng không có hiểu biết sâu sắc về vị đạo diễn Scott Derrickson này, nhưng được biết  đây là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn ăn khách cùng tên của Joe Hill (con trai của “ông hoàng” truyện kinh dị Mỹ Stephen King) và đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Scott Derrickson với thể loại này sau khi chỉ đạo Doctor Strange của MCU vào năm 2016. Derrickson trước đó đã tạo nên tên tuổi cho mình ở thể loại kinh dị khi là đạo diễn các bộ phim như The Exorcism of Emily RoseSinister, bộ phim lần này của ông cũng được giới phê bình đánh giá khá cao, cụ thể là 7.5 điểm trên IMDb và cà chua đỏ rực. 

Điện Thoại Đen khai thác bối cảnh thập niên 70 ở thành phố Colorado nước Mỹ, tương tự với bối cảnh của series Stranger Things hot hit, vibe kinh dị được thể hiện khá rõ từ màu phim cho đến trang phục, cảnh quay và các chi tiết nhỏ như các bộ phim, các bài nhạc đình đám thời đó làm câu chuyện dường như chân thật hơn. Những vấn đề nổi trội như nạn “bully” phải nói là đặc trưng các ở trường học của Mỹ được khắc họa rất thực, có vẻ không bị cắt cảnh nào khi về đến rạp Việt dù có tính chất bạo lực cao. 

Nếu ở Stranger Things chúng ta có một cậu bé mất tích thì ở đây chúng ta thấy nhiều cậu bé mất tích một cách lần lượt và có quy luật. Cứ khoảng tầm dăm ba ngày hoặc một tuần lại có một cậu bé mất tích và ở hiện trường đều có chùm bong bóng đen. Đây là dấu hiệu duy nhất mà cư dân thành phố này biết được về thế lực bí ẩn đã làm chuyện này. Mạch phim chậm, nhưng không đến nỗi lê thê, nó gợi lên một sự dè chừng, hồi hộp không biết khi nào những pha jumpscare sẽ ập tới. 

Câu chuyện xoay quanh anh em nhà Finney, hai anh em rất thông minh và sống với một người bố nghiện ngập. Finney dù là anh trai nhưng lại khá nhút nhát, thường xuyên bị bắt nạt ở trường. Trái lại em gái cậu, Gwen lại rất lì lợm và đanh đá, hơn thế cô gái nhỏ giỏi “võ mồm” này lại có một khả năng tâm linh kì lạ là có những giấc mơ liên quan đến hiện thực. Bố của hai anh em không muốn tin vào điều này và bắt ép những đứa con của mình cũng như vậy, vì chứng kiến sự ra đi từ mẹ của chúng, ông bố không muốn lại có một tương lai lặp lại với những đứa con của mình. 

Chứng kiến từng người mình quen biết lần lượt mất tích, Finney không hề ngờ rằng mình là nạn nhân tiếp theo của kẻ bắt cóc này. Một cậu nhóc yếu đuối, sợ sệt bị bắt cóc và nhốt dưới một tầng hầm bởi một tên sát nhân hàng loạt biến thái luôn đeo mặt nạ. Sự kinh dị nằm ở bầu không khí ngột ngạt, hồi hộp của Finney khi cậu không biết tiếp theo tên bắt cóc đó sẽ làm gì. Cứ như một con mồi, từng ngày một hắn lại mang đồ ăn cho cậu. Và như với tên phim, chiếc điện thoại đen dù không có đường nối vẫn rung chuông liên hồi, mỗi một ngày cậu nghe điện thoại, cậu đều nghe được giọng của một cậu bé đã mất tích, mỗi người để lại cho cậu một gợi ý để làm theo với mục đích thoát ra. Nhưng những gợi ý này đều mơ hồ vì kí ức của những cậu bé kia lúc bị bắt cóc và hành hạ đã dần lu mờ. Vẫn rất cố gắng thử gần hết các gợi ý đó, cậu vẫn chưa thể thoát được kẻ sát nhân này. Cho đến ngày cuối cùng, khi nhận được cuộc gọi từ người bạn mất tích gần nhất của cậu, cậu dường như đã phải trưởng thành hơn rất nhiều, bỏ qua nỗi sợ, nỗi yếu đuối của mình để ôm hi vọng lớn lao nhất là được sống, được trở về với cuộc sống bình thường. 

Cùng lúc đó, cô em gái Gwen của cậu bắt đầu nhờ những giấc mơ và khám phá ra các dấu hiệu để tìm anh mình. Tuy xoay quanh sự lo lắng của cô gái nhỏ, nhưng kịch bản phim luôn cài cắm các tình tiết hài hước ở tuyến nhân vật này để thể hiện sự thông minh, lém lỉnh của cô bé. Phim đan xen các hiệu ứng nhiễu sóng, cộng với màu phim hoài cổ càng làm tăng vị kinh dị. Điểm nổi bật hơn là âm thanh, từng hồi chuông điện thoại, từng lần kéo cửa hay từng giọng nói của các linh hồn đã đẩy độ rùng rợn lên đỉnh điểm dù không hề lạm dụng jumpscare. Jumpscare ở phim này phải nói là vô cùng hạn chế so với các phim cùng thể loại nhưng lại chất lượng và đem lại hiệu quả cao. Như đã nói, sự kinh dị lớn nhất vẫn nằm ở bầu không khí căng thẳng, đầy sát khí, có lẽ sự hấp dẫn của phim đến từ việc không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và liệu Finney có thể thoát khỏi tên sát nhân kia không. 

Các tuyến nhân vật khác cũng tương đối ổn, nhân vật kẻ bắt cóc có lẽ ít đất diễn hơn nên chưa thực sự quá ấn tượng như vai diễn Finney và Gwen, diễn rất tròn vai, cả hai đều bộc lộ được diễn biến tâm lí khi yếu đuối, sợ hãi và cả khi quyết tâm. 

Thông điệp của phim cũng khá rõ ràng và dễ tiếp thu. Đó là phải biết đứng lên ở nghịch cảnh và đừng bao giờ đầu hàng. Cho dù mọi sự nỗ lực của mình có thể không có trái ngọt ngay tức khắc thì ắt hẳn sự cố gắng của mình (ở đây là cả những người đi trước) cũng vô cùng đáng giá. Trí tuệ luôn cần thiết ở mọi thời điểm, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cần đến lòng can đảm và cả sự bình tĩnh, cuối cùng là ý chí và sự rèn luyện sẽ giúp thứ chúng ta muốn trở thành hiện thực. 

Cuối tuần xả stress với một bộ phim kinh dị, tại sao không? Ra rạp ngay đi, để xem Điện Thoại Đen có đạt như kỳ vọng khi được đánh giá khá cao ở thời điểm này không nhé!