[REVIEW] Dunkirk - Trải nghiệm chân thật về nỗi tuyệt vọng và ý nghĩa của "Nhà"

Đánh giá phim · Storyboard ·

Và chính trong hoàn cảnh tuyệt vọng ấy, con người ta mới nhận ra giá trị thực sự của "Nhà".

"Christopher Nolan" - Đây chắc hẳn là một thương hiệu đạo diễn được rất nhiều người yêu thích và tin tưởng. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Christopher Nolan: Khán giả đại chúng thì khó tiếp cận và thường không hiểu phim Nolan, khán giả mê phim thì rất đông yêu thích phim Nolan, tuy nhiên một bộ phận mọt phim lại cho rằng thương hiệu Nolan đang bị tung hô lên quá. Dù cho bất cứ ai đánh giá như nào, thì chắc chắn bộ phim mới nhất do Christopher Nolan viết kịch bản và đạo diễn, dưới sự sản xuất của hãng phim Warner Bros., lại tiếp tục là một thành công, kéo dãi chuỗi phim chưa một lần thất bại. Cũng như những bộ phim trước đây, ở Dunkirk, Christopher Nolan lại tiếp tục đưa vào đó những thông điệp, với cách thức đặc biệt của riêng mình. Và lần này, đó chính là trải nghiệm chân thật về nỗi tuyệt vọng và ý nghĩa của "Nhà".

Christopher Nolan luôn có cách để biến những bộ phim của mình trở nên đặc biệt, khiến cho nhiều khán giả gọi là "hack não". Trên thực tế, Nolan là bậc thầy đảo lộn timeline (dòng thời gian), và trong Dunkirk, Nolan đã chia ra làm 3 timeline với 3 tuyến nhân vật chính, không một nhân vật nào nổi trội nhưng tất cả cùng nhau tạo nên giá trị cho bộ phim.

1. Bờ đê - Người trốn chạy: Họ là những người lính bị quân Đức bao vây bên bờ biển, trơ trọi giữa khoảng đất trống làm bia tập bắn cho máy bay địch. Những người lính này là biểu tượng của sự tuyệt vọng: xếp hàng dài đợi đến lượt lên tàu trong khi đang đứng giữa bãi biển và máy bay địch bắn tỉa, dội bom từ phía trên; chen chúc nhau lên tàu, tìm đủ mọi cách kể cả là kéo đồng đội xuống để mình được lên; và ngay cả khi đã lên được tàu rồi họ cũng không yên, khi bom dội, thủy lôi bắn hỏng tàu, họ chết chìm và trơ trọi giữa biển, hoặc nếu may chăng sống sót thì họ lại trôi dạt trở lại bờ biển, nơi họ tìm mọi cách để ra đi. Tất cả những gì những người trốn chạy muốn, đó là trở về nhà.

2. Biển cả - Người giải cứu: Khi những người trốn chạy không thể trở về nhà, nhà đến đón họ. Đó là những người giải cứu, những con người bình thường, tiêu biểu là một ông già và hai đứa trẻ, với chiếc thuyền đánh cá thô sơ, yếu ớt. Tuy vậy, cảnh tượng cả một đoàn thuyền đánh cá đến cứu lại là một cảnh vô cùng ấn tượng, cho thấy ý nghĩa to lớn của những người giải cứu.

3. Và cuối cùng: Không trung - Người bảo vệ: Trong khi những người lính trốn chạy và những người giải cứu đều bị máy bay địch không kích dữ dội, thì họ đều cần đến người cuối cùng: người bảo vệ. Những người bảo vệ là ba phi công lái máy bay chiến đấu, lập ra một trận chiến khác trên không trung để bảo vệ những người trên mặt đất và bãi biển. Họ là những người xả thân mình, đối diện với cái chết để giúp cho "cuộc giải cứu Dunkirk" trở nên trọn vẹn hơn. Dù cho ba tuyến nhân vật đều có ý nghĩa nhất định, nhưng rõ ràng trong Dunkirk, người bảo vệ có ý nghĩa to lớn, cao cả nhất.

Ba tuyến timeline này được Christopher Nolan xê dịch, lồng ghép khéo léo để bổ sung, hỗ trợ cho nhau một cách hoàn hảo. Và lẽ dĩ nhiên, mạch truyện của Dunkirk cũng được Nolan xây dựng một cách hợp lý, với tiết tấu nhanh dần đều, và cao trào bùng nổ như một quả bom, để rồi sau đó, một kết thúc có hậu là điều mà ai cũng mong muốn.

Tuy nhiên, điều tuyệt diệu hơn nữa ở Dunkirk, đó là Christopher Nolan đã tạo cho người xem một trải nghiệm chân thật hoàn hảo, tựa như chính mình đang trong cuộc giải cứu Dunkirk vậy.

Với góc máy cao thể hiện bãi biển trống trải không nơi trú ẩn khi bị không kích, bộ phim cho thấy cảm giác sợ hãi của những người lính bị tấn công. Với góc máy thấp lẫn trong đám đông, bộ phim cho người xem thấy sự chờ đợi, bức bí không hồi kết để được lên tàu trở về nhà khi mà tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc. Với góc máy đảo lộn trên bầu trời theo góc nhìn thứ nhất của phi công, người xem lại như thấy mình đang lái chiếc máy bay và chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ đồng đội bên dưới. Và cuối cùng, đặc sắc nhất, là góc quay khi thì lưng chừng mặt nước, khi thì ngập trong nước, tạo cho người xem trải nghiệm về nỗi tuyệt vọng thực sự, nỗi tuyệt vọng của những người "chết đuối" trên đường trở về nhà.

Không chỉ về mặt hình ảnh, mà mặt âm thanh của Dunkirk cũng hoàn hảo để tạo ra sự trải nghiệm chân thật nhất. Bên cạnh nhạc nền đầy kịch tính của Hans Zimmer, đó còn là những tiếng súng tỉa liên tục không ngừng nghỉ. Đó là những tiếng bom rơi to lớn khốc liệt, và đặc biệt, đó là những tiếng la hét thảm thiết, đau đớn, tuyệt vọng của những người lính, vang lên trong bóng tối của boong tàu và bóng tối của lòng đại dương.

Và chính trong hoàn cảnh tuyệt vọng ấy, con người ta mới nhận ra giá trị thực sự của "Nhà". "Nhà" không phải nơi ta về, "Nhà" là nơi bảo vệ ta khỏi những điều kinh khủng nhất. "Nhà" là nơi không quản khó khăn, không màng nguy hiểm tới giải cứu ta, tới bảo vệ ta, là nơi mà ta mừng rỡ reo lên vì biết mình được cứu thoát khi trông thấy. Có lẽ trong chính những hoàn cảnh tuyệt vọng và nguy hiểm nhất, con người ta mới hiểu ra rằng, "Nhà" không đơn giản chỉ là một đồ vật, là một mảnh đất, mà hơn hết, "Nhà" chính là những con người tuyệt vời lao vào nguy hiểm để giải cứu, bảo vệ chúng ta.