[REVIEW] Isle of Dogs: Những chú chó dưới góc nhìn của Anderson

Đánh giá phim · Storyboard ·

Thông qua bộ phim Isle of Dogs đầy tính nhân văn, cảm động này, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách đối xử với những chú chó.

Kéo xuống để xem tiếp

Trong giới mộ đạo phim ảnh, chắc hẳn không ai không biết đến Wes Anderson - vị đạo diễn có phong cách độc nhất vô nhị, chuyên làm phim hài chính kịch dưới góc quay đối xứng đến trên 85% phân cảnh trong một bộ phim. Điều này làm nên tiếng vang của Anderson thông qua những bộ phim như Moonrise Kingdom, The Grand Budapest Hotel và đã giúp vị đạo diễn 49 tuổi đến từ Texas được 6 lần đề cử Oscar. Trở lại với thể loại phim hoạt hình stop-motion kể từ sau khi Fantastic Mr. Fox đóng máy, Wes Anderson tiếp tục thổi hồn vào Isle of Dogs (Đảo của những chú chó), sử dụng phong cách đặc trưng của riêng mình để kể một câu chuyện với góc nhìn mới về những chú chó bị lưu đày nơi hoang đảo.

Bối cảnh của bộ phim diễn ra tại đất nước Nhật Bản giả tưởng trong tương lai, khi loài chó sinh sản quá đông, mất kiểm soát và bị mắc bệnh "cúm chó". Một sắc lệnh ban ra đã lưu đày tất cả những chú chó này đến một hòn đảo rác khô cằn, khắc nghiệt, và tại đây, những chú chó vốn từng là những người bạn trung thành, những vệ sĩ của con người phải sống một cuộc sống khắc khổ, hoang dã, không tình yêu thương. Tuy nhiên không phải tất cả con người đều quay lưng lại với những chú chó. Một cậu bé tên là Atari đã một mình đến đảo chó để tìm kiếm người bạn Spots của mình, và chuyến hành trình của Atari cùng những chú chó trên đảo bắt đầu từ đấy.

Cũng như những bộ phim trước đây của Wes Anderson, Isle of Dogs là một hành trình hài hước, thú vị, nhiều biến cố ngẫu nhiên và sự trào phúng của nhân vật khiến khán giả phải bật cười nhưng cũng tràn ngập tính nhân văn và cảm xúc để ta phải rưng rưng nước mắt. Lần này, Isle of Dogs có lẽ đã thực sự chạm được vào trái tim của những người yêu mến thú cưng, đặc biệt là những chú chó trung thành. Điều này khiến cho bộ phim trở thành một sự hòa quyện hoàn hảo giữa nét cảm động và hài hước, cho chúng ta một bữa tiệc cảm xúc trọn vẹn.

Tuy nhiên cũng do đặc trưng trong cách xử lý tính huống của Anderson, Isle of Dogs cũng có những pha xử lý tình huống hết sức ngẫu hứng, đột ngột và có cảm giác sự trùng hợp được đẩy lên cao độ. Với những khán giả chưa quen với phong cách của Anderson, có lẽ họ sẽ chưa thể thích nghi với kiểu cốt truyện như vậy, và sẽ có đôi chút sững sờ.

Về mặt kỹ thuật, Isle of Dogs tiếp tục sử dụng góc quay fix chính diện, tạo ra những cảnh phim gần như hoàn toàn đối xứng. Bối cảnh và màu sắc được trau truốt, với tông màu chủ yếu là nâu có đem đến đôi chút ảm đạm như số phận của những chú chó, đem đến phong cách thủ công và độc đáo. Âm thanh của bộ phim cũng độc đáo, với nhịp điệu hòa tấu cùng nhịp phim, đặc biệt là tiếng trống dồn dập.

Nói đến kỹ thuật của Isle of Dogs, ta không thể không nhắc đến kỹ thuật làm phim stop-motion. Đây là một kỹ thuật làm phim hoạt họa cổ điển, hoàn toàn bị giới làm phim hoạt hình chuyên nghiệp bỏ qua từ khi kỹ thuật chuyển động máy tính ra đời. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều đạo diễn làm phim mang tính nghệ thuật cao đã quay lại sử dụng lại phương pháp này, và Anderson là một đạo diễn như thế, từng sử dụng stop-motion trong phim hoạt hình ngắn Fantastic Mr. Fox.

Cũng như bộ phim hoạt hình Kubo and the Two Strings từng gây tiếng vang trước đây, Isle of Dogs cũng được trau chuốt tỉ mỉ trong quá trình làm phim, với hệ thống bối cảnh và nhân vật khổng lồ được các nghệ nhân thực hiện từ các mô hình. Khác với Kubo and the Two Strings chỉ kết hợp quay stop-motion và xử lý thêm bằng vi tính, Isle of Dogs còn có sự kết hợp thêm với hình họa vẽ tay, đổ màu, hắt sáng... Tất cả đã tạo thành một bộ phim hoạt hình stop-motion đầy nghệ thuật và độc đáo.

Một yếu tố then chốt không thể không nhắc đến khi nói về Isle of Dogs, đó chính là văn hóa Nhật Bản cô đọng trong bộ phim. Isle of Dogs lấy bối cảnh tại nước Nhật, với các diễn viên người Nhật Bản lồng tiếng. Bộ phim sử dụng song song hai ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Nhật, và điểm độc đáo là ngôn ngữ loài chó được phiên âm ra tiếng Anh còn hầu hết ngôn ngữ của những nhân vật trong phim là tiếng Nhật. Các yếu tố văn hóa Nhật như sumo, samurai, hoa anh đào, các món ăn mì, ramen, sushi... cũng được đưa vào bộ phim tạo thành một nét rất đặc trưng.

Trong văn hóa Nhật Bản, chó không chỉ là thú cưng, người bảo vệ, người dẫn đường mà còn là người bạn thân thiết, trung thành của con người. Câu chuyện chú chó Hachiko đợi chờ chủ tại sân ga Shibuya cho tới tận khi chết là một hình tượng đại chúng cho điều đó.

Nhưng ở nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư trên thế giới, chó lại bị đối xử tệ bạc, bị ghẻ lạnh, xa lánh, bị bắt trộm, hành hạ, đánh đập hoặc trở thành thức ăn cho con người. Ước tính mỗi năm ở Việt Nam, có 3.106 con chó bị giết hại phục vụ nhu cầu ăn uống của các thực khách. Có lẽ thông qua bộ phim Isle of Dogs đầy tính nhân văn, cảm động này, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách đối xử với những chú chó.