[REVIEW] Kẻ Vô Hình

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Maii ·

Kẻ Vô Hình (The Invisible Man) mang lại nhiều hi vọng cho Dark Universe.

Bước vào làn sóng Vũ trụ Điện ảnh sau thành công của MCU, Universal dự định tạo ra một Vũ trụ riêng với những quái vật, người đột biến riêng đã tạo nên thương hiệu và giúp studio này trở thành một trong Big 6 trong những năm thập niên 90 (6 tập đoàn sản xuất phim lớn trước khi 20th Century Fox sáp nhập vào Disney).

Kẻ Vô Hình tỏa sáng nhờ diễn xuất của Elisabeth Moss. Ảnh: IMDb
Kẻ Vô Hình tỏa sáng nhờ diễn xuất của Elisabeth Moss. Ảnh: IMDb

Tuy nhiên, với thất bại của The Mummy, Dark Universe (Vũ trụ Bóng tối) của Universal sau đó đã bị hủy bỏ và các phần phim sau này sẽ không liên quan gì đến nhau. Kẻ Vô Hình (The Invisible Man) ban đầu được dự định là một trong những phim tiên phong mở đường cho Dark Universe, nhưng việc thoát khỏi Vũ trụ này được xem là bước đi đúng đắn bởi nó cho phép các nhà làm phim cơ hội được thỏa sức sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi một hướng đi mơ hồ nào.

Kẻ Vô Hình do Leigh Whannell đạo diễn và viết kịch bản, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của H.G. Wells, theo chân Cecilia Kass (Elisabeth Moss) chạy trốn khỏi người chồng bạo hành và kiểm soát là Adrian Griffin (Oliver Jackson-Cohen). Cho đến một ngày, Cecilia nhận được tin Adrian đã tự vẫn và để lại khối tài sản thừa kế khổng lồ dành cho cô. Những tưởng giờ đây cô đã được tự do, nhưng Cecilia nhanh chóng nhận ra mọi chuyện không dễ dàng như mình tưởng, nhất là khi Adrian - một chuyên gia công nghệ, một nhà khoa học bệnh hoạn đã tìm ra cách để có thể trở nên vô hình.

Kịch bản của phim chắc tay và được chỉ đạo khá tốt. Ảnh: IMDb
Kịch bản của phim chắc tay và được chỉ đạo khá tốt. Ảnh: IMDb

Giật gân, hồi hộp, một chút máu, kịch bản hay và đạo diễn có tay nghề cùng diễn xuất của Elisabeth Moss đã tạo nên một bộ phim rất đáng xem. Không dựa vào jump-scare, chẳng có hồn ma nào lởn vởn hay những buổi trừ tà quỷ quyệt, Kẻ Vô Hình là cuộc chiến giữa một người vợ muốn được tự do thoát khỏi mối quan hệ không có tình yêu mà chỉ có sự trói buộc, và người chồng biết cách thao túng cô khỏi cuộc sống riêng tư hay thậm chí là suy nghĩ riêng tư của chính mình.

Ngộp thở trong chính cuộc hôn nhân của mình, người xem chứng kiến Cecilia gần như phát điên. Vốn đã có kinh nghiệm thể hiện trong một phim tâm lý tương tự là series The Handmaid’s Tale của Hulu, chẳng lạ gì khi Elisabeth Moss có màn thể hiện xuất sắc trong vai chính, được xây dựng  phù hợp với sở trường diễn xuất của cô. Thuyết phục và khó có thể nghi ngờ là những tính từ mà người xem có thể dành tặng cho nữ diễn viên 37 tuổi và đôi lúc, khi tình tiết chưa được lật mở hết, khán giả như đang chực chờ bộ phim lật một cú plot-twist và tất cả đều là do Cecilia – nhân vật có tâm thần bất ổn tưởng tượng ra. Tương tác giữa khán giả với bộ phim, chính là chúng ta có chung cảm giác với các nhân vật phụ khi nhìn vào Cecilia. Sống một cuộc sống bị bó buộc đến ngộp thở và bước vào hành trình khó khăn để tìm được tự do như Cecilia quả là trải nghiệm không hề dễ dàng, và người xem nhận ra tất cả những người phụ nữ thoát khỏi hôn nhân bạo hành như cô đều là những người có sức mạnh nội tại tiềm tàng và mạnh mẽ.

Kẻ Vô Hình là câu chuyện về một người phụ nữ chạy trốn khỏi người chồng bạo lực và kiểm soát. Ảnh: IMDb
Kẻ Vô Hình là câu chuyện về một người phụ nữ chạy trốn khỏi người chồng bạo lực và kiểm soát. Ảnh: IMDb

Kịch bản của phim được thực hiện tốt và chặt chẽ. Đạo diễn Leigh Whannell rất chú ý đến tiểu tiết và những tình tiết nhỏ, thắt chặt yếu tố logic của bộ phim, đồng thời sử dụng nhiều góc quay và chuyển động làm người ta có cảm giác như một thế lực vô hình đang chuẩn bị xuất hiện. Không khí thinh lặng và chỉ có những âm thanh chuyển động của đồ vật hay hoạt động của nhân vật vang lên trong không gian rất hợp với tổng thể của bộ phim. Cao trào của bộ phim kịch tính và kết phim mang lại cảm giác thỏa mãn dành cho khán giả. 

Kẻ Vô Hình có một nhân vật chính xuất sắc, vì thế mà phản diện của nó cũng phải tương xứng. Adrian, chồng của Cecilia, giàu có, vẻ ngoài lịch lãm, một thiên tài, “yêu” vợ đến điên cuồng và trong sự điên cuồng đó, anh ta trở thành một kẻ máu lạnh có thể đọc vị người khác, khống chế tâm lý và ám ảnh người khác, kể cả khi bản thân chẳng cần hiện diện ở đó. Kẻ Vô Hình tuy vậy có những phân cảnh mang cảm giác hơi dài, có thể khiến người xem sốt ruột và hơi mất kiên nhẫn. Nhưng tựu trung, bộ phim đáp ứng được kỳ vọng của người xem vào một tác phẩm hấp dẫn, giải trí và đáng xem. Có lẽ tương lai của Dark Universe có lẽ đã có một chút ánh sáng le lói, đủ vực dậy sau khi đã gần như chìm vào bóng tối.

Cecilia có thực sự được tự do nếu cứ tiếp tục trốn chạy? Ảnh: IMDb
Cecilia có thực sự được tự do nếu cứ tiếp tục trốn chạy? Ảnh: IMDb

Với sự xuất hiện của The Lighthouse nhận được nhiều lời khen, Kẻ Vô Hình được đánh giá tốt, hay The Woman in the Window đang tràn trề hi vọng... có lẽ xu hướng sắp tới của phim kinh dị nên là các phim tâm lý nặng nề với nhân vật nửa tỉnh, nửa mê, đẩy điểm sáng của nó vào các gương mặt diễn viên thực lực sau nhiều năm ma quỷ chiếm lĩnh màn bạc.