[REVIEW] Klaus (2019) (Netflix) - Câu chuyện Giáng Sinh đời thực nhưng ngập tràn sắc màu cổ tích

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Hầu như trong chúng ta, ai cũng từng nghe về truyền thuyết kể về Ông già Noel (Santa Claus) và những truyền thống Giáng Sinh. Nhưng  liệu có một câu chuyện khác ẩn sau sự nhiệm màu, sau tính huyền bí và nhân văn hơn về Ông già Noel?

Kéo xuống để xem tiếp

Klaus (2019) nói ngắn gọn là một câu chuyện nguồn gốc của biểu tượng Giáng Sinh là Ông già Noel, hay trong phim này, chỉ được gọi đơn giản là Klaus (J.K Simpson). Thế nhưng, Klaus không hẳn là nhân vật trung tâm của Klaus, mà là Jesper (Jason Schwartzman), chàng công tử xuất thân giàu có bị cha tống đến một ngôi làng hẻo lánh ngập trong tuyết và cái lạnh giá buốt để làm công tác thư từ, nhằm rèn luyện cho anh bản tính biết gánh vác trách nhiệm. Vấn đề là người dân nơi đây quanh năm suốt tháng chìm trong mối thù hằn gia tộc hàng thế kỷ, nên chẳng ai buồn gửi thư. Cho đến khi một cậu bé nhận được món quà từ Klaus.

Hình tượng Santa Claus được hình thành từ cuộc đối đầu truyền kiếp giữa nhà Krum và nhà Ellingboe. (Nguồn: Best Movie Cast)
Hình tượng Santa Claus được hình thành từ cuộc đối đầu truyền kiếp giữa nhà Krum và nhà Ellingboe. (Nguồn: Best Movie Cast)

Kể về Santa Claus, nhưng phải đến nửa sau, phim mới bắt đầu cho người xem cảm nhận được tinh thần Giáng Sinh. Cốt truyện của phim được dàn dựng vô cùng thông minh. Dù ý chính vẫn là kể về Ông già Noel, bộ phim sử dụng nhiều tuyến truyện chồng lên nhau để làm rõ nguồn gốc của người đàn ông cao lớn thích đi tặng quà cho con trẻ. Thông qua nhân vật Jesper, người xem được chứng kiến hình tượng Santa Claus dần dần được hình thành từ cuộc đối đầu truyền kiếp giữa nhà Krum và nhà Ellingboe.

Cũng thông qua Jesper mà phim có thể đưa ra những lời lý giải vô cùng hợp lý cho những phong tục Giáng Sinh, như treo vớ trên kệ lò sưởi, để bánh quy và sữa cho ông già Noel, trẻ hư không được nhận quà mà nhận than, hay tuần lộc thần kỳ biết bay, ngay cả những phụ tá của ông, được chắt lọc từ truyền thuyết. Klaus đã làm điều này theo cách khiến khán giả phải bật cười.

Nếu Jesper có thể khiến khán giả phì cười với những hành động của mình, thì nhân vật có thể lấy nước mắt người xem lại là Klaus (Nguồn: SPA Studio)
Nếu Jesper có thể khiến khán giả phì cười với những hành động của mình, thì nhân vật có thể lấy nước mắt người xem lại là Klaus (Nguồn: SPA Studio)

Nếu Jesper có thể khiến khán giả phì cười với những hành động của mình, thì nhân vật có thể lấy nước mắt người xem lại là Klaus – hình mẫu của Santa Claus, người luôn được coi là người đàn ông luôn vui vẻ. Như cách Klaus tương phản với Jesper, ông cũng không giống với hình ảnh Ông già Noel như truyền thuyết mô tả. Klaus luôn buồn bã, ít nói, ít cười và lầm lì, sống tách biệt với mọi người vì còn mãi đau đáu nỗi đau mất người thân. Tuy nhiên, ông vẫn giữ nguyên tính cách yêu trẻ và sự thông thái.

Đặt Klaus bên cạnh Jesper, Klaus mô tả cách tình bạn nảy nở và gắn kết hai tâm hồn hoàn toàn xa lạ lại với nhau. Theo cách nhìn rất Giáng Sinh, cả hai đã tặng lẫn nhau một món quà vô cùng ý nghĩa. Món quà ấy sau đó được cả hai không chỉ trao cho người dân ở ngôi làng Smeerensburg luôn trong trạng thái buồn bã, mà còn những người dân ở phía bên kia của hòn đảo.

Chi tiết đáng kinh ngạc của các khung hình (Nguồn: SPA Studio)
Chi tiết đáng kinh ngạc của các khung hình (Nguồn: SPA Studio)

Bên cạnh việc mang trong mình thông điệp kinh điển, Klaus còn chứng minh sự trường tồn và tính linh hoạt của phong cách làm phim hoạt hình 2D vẽ tay truyền thống. Thật khó tin là Klaus được xây dựng hoàn toàn bằng kỹ thuật 2D, khung hình vẽ tay truyền thống, kết hợp với kỹ thuật đánh bóng bằng máy tính và hoàn toàn không có dấu vết của kỹ thuật CGI thường thấy trong các loại phim hoạt hình ngày nay.

Các nhân vật của Klaus gợi cho người xem cảm giác mình đang được xem môt bộ phim hoạt hình 3D, nhưng đây chỉ là sự nhầm lẫn xuất phát từ kỹ thuật thiết kế khối và đánh bóng đáng kinh ngạc được đạo diễn Sergio Pablos (người từng đứng sau Despicable Me) và các cộng sự sử dụng. Sau đó, ông hướng đến khâu trau chuốt các cảnh vật phía sau nhân vật sao cho hài hòa bằng cách ứng dụng nhiều phần mềm thiết kế chuyên nghiệp. Đây là một tiến bộ hết sức to lớn, bởi trước đây, khi kỹ thuật 2D còn được ứng dụng trong quá trình làm phim hoạt hình, thiết kế background đòi hỏi hàng chục, có khi hàng trăm họa sĩ phải tô màu, đánh bóng từng chi tiết một bằng tay trong một khoảng thời gian rất dài, nếu họ muốn thành phẩm được sống động như thật. Cũng vì khía cạnh này, mà kỹ thuật 2D đã chết dần ở Hollywood khi 3D ra đời – kỹ thuật có thể làm điều tương tự với thời gian nhanh chóng hơn.

Vận dụng hình khối và kỹ thuật đánh bóng bằng vi tính chuyên nghiệp (Nguồn: SPA Studio)
Vận dụng hình khối và kỹ thuật đánh bóng bằng vi tính chuyên nghiệp (Nguồn: SPA Studio)

Nhưng Klaus đã phá vỡ ranh giới hạn chế của phong cách 2D khi chứng minh kỹ thuật 2D có thể được kết hợp với phần mềm máy tính hiện đại và cho ra đời những khung hình chi tiết sống động, hài hòa về màu sắc cũng như các khối, không thua kém gì kỹ thuật 3D. Thậm chí, chúng có thể đánh lừa được những khán giả, làm họ tưởng đây là một bộ phim hoạt hình 3D thực sự. Như vậy, Klaus không chỉ là một bộ phim đầy ắp ý nghĩa, mà còn là kỳ quan hoạt hình thai nghén từ một kỹ thuật 2D tưởng đã lỗi thời kết hợp hài hòa với phần mềm chuyên nghiệp – điều được cho là không thể với phong cách 2D.

Phim dễ dàng đánh lừa người xem. (Nguồn: SPA Studio)
Phim dễ dàng đánh lừa người xem. (Nguồn: SPA Studio)

Vẫn là thông điệp không bao giờ cũ về tình yêu thương mà dịp lễ 25.12 mang lại và là bằng chứng cho vị thế sừng sững của kỹ thuật 2D trong thời đại của CGI, Klaus hướng đến đối tượng khán giả, từ trẻ em 7 tuổi cho đến người lớn, nên cốt truyện của phim dễ hiểu và dễ tiếp nhận. Dù người xem có xuất thân từ văn hóa ăn mừng Giáng Sinh hay không, họ vẫn cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện hầu như được lược bỏ yếu tố huyền bí, nhưng vẫn giữ được sự màu nhiệm, về Ông già Noel. Đồng thời, họ cũng được trải nghiệm những phân cảnh hoạt hình có gì đó khang khác với những bộ phim hoạt hình mình từng xem qua.