[REVIEW] Ký Sinh Trùng – Parasite

Đánh giá phim · VLynd ·

Ký Sinh Trùng (Parasite) xuất sắc từ cốt truyện đến những yếu tố khác như diễn xuất, quay phim và nhạc nền.

Ký Sinh Trùng xoay quanh gia đình Ki-taek
Ký Sinh Trùng xoay quanh gia đình Ki-taek

Ký Sinh Trùng (Parasite) là bộ phim mới nhất của đạo diễn Bong Joon-ho với sự tham gia của các diễn viên như Song Kang-ho, Lee Sun-kyun, Choi Woo-shik, Park So-dam và Lee Jung-eun. Không hổ danh niềm tự hào của người Hàn khi đem về giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes vừa qua, phim xuất sắc từ cốt truyện đến những yếu tố khác như diễn xuất, quay phim và nhạc nền.

Đúng như tựa phim, Ký Sinh Trùng xoay quanh hai gia đình có hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược, trong khi gia đình của ngài Park (Lee Sun-kyun) sống trong sự giàu sang, sung túc thì ngược lại, gia đình của Ki-taek (Song Kang-ho) lại sống trong cảnh nghèo khổ, phải làm đủ thứ việc để bương chải. Sau khi cậu con trai cả Ki-woo (Choi Woo-sik) được nhận làm gia sư cho cô con gái của ngài Park, chân tướng những sinh vật sống bám bắt đầu được vạch trần một cách trắng trợn và qua đó, phản ánh nhiều vấn đề trong xã hội.

Ký Sinh Trùng có mạch truyện rõ ràng, diễn biến dứt khoác và cốt truyện dễ hiểu, giúp người xem dễ theo dõi được nội dung chính mà không cảm thấy nhàm chán. Phim bắt đầu bằng một buổi sinh hoạt bình thường của gia đình Ki-taek và qua đó, khán giả có thể nhận thấy sự bần cùng của họ với những tình huống dở khóc dở cười. Nửa đầu phim, Ký Sinh Trùng mang lại cảm giác thoải mái cho người xem với những tình tiết gây cười hài hước, đầy tự nhiên và gần gũi. Chính sự chân thật đó đã từ từ cuốn người xem vào mạch phim để rồi đến nửa sau, bầu không khí nghẹt thở bao trùm khắp bộ phim và càng theo dõi, khán giả càng khó có thể rời mắt trước những diễn biến sắp tới, đặc biệt khi sự thật đang ở ngưỡng bị phơi bày. Xuyên suốt bộ phim là những chi tiết nhỏ đầy ẩn ý mà để tránh tiết lộ nội dung, Moveek sẽ đề cập trong bài sau.

Kịch bản và cách truyền tải chính là yếu tố mà người viết tâm đắc ở Ký Sinh Trùng. Bộ phim không cần phải quá nặng nề ngay từ đầu, hay lấy một đề tài cao siêu nào đó. Chỉ cần một ý tưởng hết sức bình dị, gắn với hiện trạng xã hội và được triển khai thông minh, thu hút được khán giả đại chúng lẫn các nhà phê bình khó tính. Theo dõi Ký Sinh Trùng, người xem dễ dàng nhận ra những vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, nổi bật nhất là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng chênh lệch, điều đó không chỉ được thể hiện qua thu nhập mà còn ở lối sinh hoạt hay cách đối nhân xử thế. Dù gia đình của Ki-taek có cố gắng thế nào, họ cũng không bao giờ chạm được tới đẳng cấp của gia đình ngài Park và ngược lại, dù gia đình ngài Park có tử tế thế nào, họ vẫn có giới hạn với những người làm công, không ngại tỏ rõ thái độ.

Góp phần vào thành công của Ký Sinh Trùng chính là diễn xuất tài tình của các diễn viên đến từ xứ sở Kim chi. Là cái tên yêu thích của đạo diễn Bong Joon-ho, Song Kang-ho đã có màn hoá thân tài tình vào vai Ki-taek, người cha của gia đình nghèo khổ, khi cần thiết ông có thể biến hoá thành một quý ông, nhưng vẫn không thể gột hết cái mùi hạ lưu và đây cũng là một chi tiết hay trong phim. Cộng tác đầy ăn ý với Song Kang-ho là Jang Hye-jin (vai người mẹ Chung-sook), Choi Woo-sik và Park So-dam (vai Ki-jung), họ đều có màn trình diễn xuất sắc, mỗi người đều thể hiện được cái khổ của nhân vật khi sống trong nhà hầm và khát vọng đổi đời, được hưởng thụ những điều xa hoa, dù cách làm của họ khó có thể thông cảm được.

Về phía gia đình của ngài Park do Lee Sun-kyun đảm nhận, Jo Yeo-jeong trong vai người vợ, Jung Ziso vai cô con gái Da-hye và bé Jung Hyeon-jun vai cậu con trai út Da-song tuy ít đất diễn hơn so với gia đình của Ki-taek nhưng không vì thế mà diễn xuất mờ nhạt. Đặc biệt là những chi tiết nhỏ giữa hai vợ chồng Park cũng giúp khán giả dễ dàng nhận ra kiểu mẫu trong một gia đình giàu có của Hàn Quốc. Không thể quên diễn xuất của Lee Jeong-eun trong vai người quản gia đầy chu đáo và nắm giữ một bí mật ký sinh không thua kém gì nhà Ki-taek.

Ký Sinh Trùng có tông màu đẹp với góc quay, sắp xếp bố cục hợp lý, đặc biệt là bối cảnh trong phòng khách của gia đình Park – nơi diễn ra nhiều tình tiết hấp dẫn và cũng là nơi có đoạn thoại hay nhất trong phim. Phần nhạc nền cũng được sử dụng một cách hợp lý, giúp đẩy lên cao trào và bên cạnh đó, một vài khoảng lặng cũng đủ để khán giả suy ngẫm.

Bổi cảnh đẹp mắt của Ký Sinh Trùng
Bổi cảnh đẹp mắt của Ký Sinh Trùng

Ký Sinh Trùng kết thúc mở nhưng không ức chế và tuỳ vào nhận định của khán giả, cái kết đó có thể là tích cực hay tiêu cực, hay như một người bạn của người viết chia sẻ, vừa là hy vọng vùa là tuyệt vọng. Và để kết thúc bài viết, người viết tặng độc giả một vài câu nói hay trong phim và dĩ nhiên, không tiết lộ nội dung:

“Ông nói đây là nhà của ông hả? Vậy mà khi họ trở về thì ông lại trốn chui trốn nhủi chẳng khác gì bầy gián, chúng bỏ chạy xuống cống mỗi khi chủ nhà bật đèn sáng.”

“Vừa tốt mà vừa giàu hả? Không có đâu, chẳng qua là giàu nên tốt đấy.”

“Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì cả, vì kế hoạch không bao giờ theo đúng ý ta, chẳng thà đừng lên kế hoạch, đừng trông chờ, cứ để mọi việc xảy ra tự nhiên. Khi mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát, cũng chẳng có gì đáng lo ngại.”

[REVIEW] Toy Story 4 (Câu Chuyện Đồ Chơi 4)

[REVIEW] Toy Story 4 (Câu Chuyện Đồ Chơi 4)

Toy Story 4 chứng minh rằng phần tiếp theo của một bộ ba phim với một cái kết hoàn hảo không phải là điều gì đó quá tệ nếu như nó có một câu chuyện hay xứng đáng được kể lại.

Nguồn: Ảnh IMDb