[REVIEW] Minari (Khát Vọng Đổi Đời)

Đánh giá phim · KNTT ·

"Minari thật tuyệt vời, tuyệt vời!" - Bà ngoại Soonja.

Kéo xuống để xem tiếp

Được ra mắt tại liên hoan phim Sundance 2020, Minari (Khát Vọng Đổi Đời) sớm tạo được tiếng vang khi đoạt hai giải U.S. Grand Jury Prize và Audience Award tại hạng mục phim chính kịch, nghĩa là phim đều nhận được sự yêu thích của cả ban giám khảo và khán giả. Tua đến năm 2021, bộ phim vừa mới nhận được 6 đề cử Oscar, gồm những đề cử quan trọng là phim, đạo diễn, kịch bản gốc, nam chính, nữ phụ và nhạc phim xuất sắc nhất.

Lướt trên đà chiến thắng lịch sử của Parasite tại lễ trao giải Oscar năm ngoái, Minari được kỳ vọng sẽ lặp lại điều tương tự. Tuy vậy, điểm khác nhau giữa hai tác phẩm dù cho khá rõ ràng nhưng lại không được nhiều người xem nhận ra: Parasite là một câu chuyện về người Hàn, lấy bối cảnh ở xứ sở Kim Chi và được kể bởi chính người Hàn, trong khi Minari cũng là một câu chuyện về người Hàn nhưng lại lấy bối cảnh ở nước Mĩ, được kể bởi một người Mĩ gốc Hàn và do một studio của Mĩ (Plan B) sản xuất.

Lấy đề tài về người nhập cư, Minari dường như khó tiếp cận đến khán giả Việt Nam hơn Parasite, một bộ phim vừa hài hước và kịch tính. Nói như vậy không đồng nghĩa rằng Minari không có yếu tố hài hước, thế nhưng bộ phim của đạo diễn Lee Isaac Chung giống như một lát cắt từ cuộc đời hơn, không hẳn là một câu chuyện hoàn chỉnh nhưng lại có sự nối kết mạnh mẽ nhờ tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Minari kể câu chuyện về một gia đình người Hàn nhập cư chuyển từ thành phố về vùng ngoại ô ở Arkansas để sinh sống. Gia đình họ Yi ban đầu gồm có 4 người: bố Jacob (Steven Yeun), mẹ Monica (Yeri Han), đứa con gái lớn Anne (Noel Cho) và đứa con trai út David (Alan Kim). Mở đầu bộ phim là phân đoạn người mẹ lái xe chở hai đứa con đến "ngôi nhà" mới của họ. Ngay lập tức, tuổi thơ của đạo diễn/biên kịch Lee Isaac Chung dần chuyển hóa từ những ký ức thành những hình ảnh thơ mộng qua góc nhìn của cậu bé David khi chiếc xe băng qua những cánh đồng cỏ, những hàng cây và vùng trời xanh mát dưới nền nhạc du dương của bài Rain Song. Thế nhưng hiện thực tàn nhẫn dần quay trở lại khi họ được diện kiến ngôi nhà mới trên những chiếc bánh xe.

"Cái gì đây?", Monica chống tay hỏi chồng cô.

"Nhà mới của chúng ta đó", Jacob trả lời.

Hình ảnh cô vợ do Yeri Han thủ vai phải chật vật trong việc bước vào “căn nhà” mới, theo sau đó là cận cảnh khuôn mặt của cô cho thấy rõ rằng cô không hề thích cái chỗ này một chút nào. Nhờ đó, chỉ với vài phút đầu tiên, Chung đã có thể sắp đặt nên mâu thuẫn giữa hai vợ chồng này xuyên suốt bộ phim.

Mối quan hệ nhiều trắc trở giữa Monica và Jacob (Ảnh: A24)
Mối quan hệ nhiều trắc trở giữa Monica và Jacob (Ảnh: A24)

Steven Yeun, với vai diễn được đề cử giải Oscar nam chính, tạo ra hình ảnh một người chồng cứng đầu, có thể nói là gia trưởng, nhưng theo cách mà người xem có thể thông cảm. Được xây dựng dựa trên bố của đạo diễn Chung, nhưng lại có phần giả tưởng, bởi Chung nói rằng bố của ông ở ngoài đời không giống như vậy, cũng như bản thân ông sẽ không bao giờ đưa ra những quyết định như Jacob trong bộ phim.

Câu chuyện của Jacob, cũng giống như nhiều câu chuyện về những giấc mơ Mĩ, về người nhập cư, đó là cố gắng làm mọi thứ có thể để thành công trong việc xây dựng một cuộc sống tốt hơn, đôi lúc phải trả với một cái giá chua chát. Người xem thấy được ở Jacob sự quyết tâm trong việc tạo ra một nông trại của riêng mình, để những đứa con của anh cảm thấy tự hào, thế nhưng đây cũng là một trong những điểm hạn chế của nhân vật này, cũng như của phần kịch bản.

Jacob với giấc mơ có được một nông trại của riêng mình (Ảnh: A24)
Jacob với giấc mơ có được một nông trại của riêng mình (Ảnh: A24)

Như đã nói, bộ phim mở đầu từ góc nhìn của David. Khoảng thời gian sau đó là khi chúng ta thấy hai bố con dành thời gian với nhau nhiều nhất, điển hình là ở phân đoạn David giúp Jacob tìm ra nguồn nước ở cánh đồng cỏ. Người viết mong chờ Chung sẽ khai thác góc nhìn của David nhiều hơn (cô chị Anne dường như chỉ làm nền trong phim) đối với giấc mơ nông trại của Jacob, bên cạnh quan điểm từ phía mẹ của cậu là Monica, điều mà bộ phim đã làm vô cùng tốt, phần lớn nhờ vào diễn xuất của Yeri Han.

Nó giống như là Chung chỉ có thể nhớ được khoảng thời gian đó giữa hai bố con ông, hoặc những kỉ niệm giữa hai người chỉ hiện hữu đến như thế, bởi lẽ David không còn xuất hiện chung nhiều với bố cậu nữa trong khoảng thời gian còn lại của bộ phim, kể từ sau sự xuất hiện của người bà do nữ diễn viên gạo cội Youn Yuh-jung thủ vai.

Jacob muốn các con của anh tự hào về bố của chúng (Ảnh: A24)
Jacob muốn các con của anh tự hào về bố của chúng (Ảnh: A24)

Youn Yuh-jung, người cũng nhận được một đề cử Oscar nữ phụ khi hóa thân thành một người bà ngoại phải di chuyển một quãng đường dài từ Hàn Quốc đến nước Mĩ để giúp chăm sóc hai đứa cháu, nhất là đứa cháu trai ngỗ nghịch. Tuy không thể cho người xem một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa David và bố cậu, đạo diễn Chung lại mang đến một điều còn tuyệt vời hơn, hay đơn giản chỉ là một người bà.

"Bà ơi, bà không phải là một người bà thật sự.", David đứng nhìn và thổ lộ trong khi bà của cậu đang xem đấu vật.

"Thế nào là một người bà thật sự?", Soonja hỏi lại cháu mình trong sự tò mò.

"Một người bà phải biết nướng bánh quy. Một người bà phải không chửi thề, không mặc quần lót của đàn ông!", David liệt kê lại.

Những câu thoại trên cho thấy quan điểm của một đứa trẻ lớn lên ở nước Mĩ. David không thích sự hiện diện của bà ngoại một chút nào và luôn có những hoài nghi dành cho bà. Và đúng, tuy Soonja không phải là một người bà theo những định nghĩa trên, thế nhưng bà lại là một người có thể giúp cháu mình đối diện với cái chết và trở nên mạnh mẽ hơn. Mỗi chi tiết nhỏ mà Youn Yuh-jung thêm vào cho nhân vật của bà, như từng cử chỉ hay điệu bộ cơ thể, đều khiến những cảnh phim trở nên hài hước, giàu tình cảm và đau lòng.

Youn Yuh-jung thổi hồn vào mỗi cảnh phim mà bà góp mặt (Ảnh: A24)
Youn Yuh-jung thổi hồn vào mỗi cảnh phim mà bà góp mặt (Ảnh: A24)

Sở dĩ nói Minari không phải là một câu chuyện hoàn chỉnh vì chỉ có mình David là có một cốt truyện nhỏ riêng của cậu với bà ngoại, trong khi những nhân vật còn lại dường như không có một cái kết đúng nghĩa mà người xem thường thấy. Liệu Jacob có đạt được giấc mơ Mĩ hay không?

Liệu Monica có chấp nhận ở một nơi như vậy nữa hay không? Bộ phim không cho chúng ta biết điều điều đó, thế nhưng Chung lại thành công trong việc khiến người xem nhớ những gì mà ông muốn chúng ta nhớ. Giống như cây cần nước (hay Minari [M-ih-n-ah-r-ee], tựa đề của bộ phim) mà bà ngoại Soonja đã mang từ Hàn Quốc sang Mĩ để trồng, cần nguồn nước sông trong rừng để sống sót và phát triển, điều tương tự cũng áp dụng để một gia đình có thể gắn bó với nhau.

Điều đó là gì? Người xem có thể tự mình trải nghiệm khám phá, thế nhưng người viết biết chắc rằng, đối với đạo diễn Chung, đó là sự hiện diện của một người bà, giống như dòng chữ trong đoạn credit cuối phim: "Dành cho tất cả những người bà của chúng ta".