[REVIEW] Raya và Rồng Thần Cuối Cùng

Đánh giá phim · KNTT ·

Hãy tránh ra nào, có một nàng công chúa mới mang tên Raya đã xuất hiện rồi đây!

Sau khi đã tạo nên những bộ phim hoạt hình với những nàng công chúa lấy cảm hứng từ truyện cổ Grimm, Nghìn lẻ một đêm, Andersen… cho tới những quốc gia như Trung Hoa hay thổ dân Mĩ xưa, Disney giờ đây đã chuyển hướng sang Đông Nam Á, một khu vực với những nền văn hóa không kém phần đặc sắc cũng như những địa danh và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Raya và Rồng Thần Cuối Cùng (Raya and the Last Dragon), là bộ phim mới nhất của Disney Animation Studios trong việc lan tỏa những giá trị về sự kết nối và đa dạng văn hóa của hãng phim hoạt hình này, bằng cách tạo ra một nàng công chúa Đông Nam Á đầu tiên: Raya. Một nỗ lực đáng để ghi nhận, thế nhưng cũng không thiếu những điểm có thể cải thiện.

Raya và Rồng Thần Cuối Cùng lấy bối cảnh ở vùng Kumandra hoang tàn và hẻo lánh, nơi thế lực xấu xa đang ngự trị và lòng tin bị chia rẽ giữa 5 vương quốc, cũng như những con người đang sinh sống ở đó. Raya, đứa con của Long Tâm (mỗi một vương quốc đại diện cho một bộ phận của cơ thể rồng), buộc phải dấn thân vào hành trình tìm ra Rồng Thần cuối cùng, Sisu, nhằm khôi phục lại mọi thứ, mang lại hòa bình và xóa bỏ hiềm khích giữa các vương quốc với nhau.

Concept art của Raya và Rồng Thần Cuối Cùng (Ảnh: Disney)
Concept art của Raya và Rồng Thần Cuối Cùng (Ảnh: Disney)

Do Don Hall và Carlos López Estrada làm đạo diễn, với phần kịch bản có sự tham gia của Qui Nguyen (một biên kịch gốc Việt), Raya là một bộ phim có một thông điệp ý nghĩa, thế nhưng hành trình dẫn dắt người xem đến với thông điệp đó lại diễn ra với một tốc độ khá nhanh, đôi lúc dễ dàng và thiếu điểm nhấn.

Raya đưa người xem chu du qua năm vương quốc tương ứng với 5 bộ phận của loài rồng: tail (đuôi), talon (vuốt), spine (xương sống, thân), heart (tim) và fang (nanh) (phần dịch tên tiếng Việt của năm vương quốc trong phim khá hay). Có thể so sánh hành trình của Raya như của Thanos trong Avengers: Infinity War với việc tìm kiếm và thu thập những viên đá vô cực.

Thế nhưng những địa điểm lấy cảm hứng từ văn hóa Đông Nam Á mà Raya đi qua dường như chỉ làm nền trong bộ phim, giống như những họa tiết dùng để trang trí chứ không thật sự có ảnh hưởng to lớn đến cốt truyện. Thay vào đó, bộ phim lại tập trung vào sự thay đổi trong cảm xúc của nhân vật chính Raya nhiều hơn, cũng như sự cố gắng trong việc xây dựng những tình tiết và hình ảnh biểu tượng cho sự đoàn kết giữa năm vương quốc, một mong ước của cha Raya mà cô cho rằng chỉ là một niềm tin mù quáng.

Manh mối quan trọng về rồng thần Sisu (Ảnh: Disney)
Manh mối quan trọng về rồng thần Sisu (Ảnh: Disney)

Raya, do Kelly Marie Tran lồng tiếng (cũng là một diễn viên gốc Việt, người từng thủ vai Rose trong Star Wars: The Last Jedi), là một nàng công chúa và chiến binh mạnh mẽ. Ngay từ những thước phim đầu tiên, Disney đã không ngại ngần trong việc thể hiện tính cách nổi bật của nhân vật này, và không như nhiều nàng công chúa cổ điển trước đây, Raya không cần một đối tượng tình yêu trong bộ phim. Cũng như Mulan, tình yêu dành cho cha là động lực to lớn thúc đẩy hành động của Raya, đi kèm là một khuyết điểm của nhân vật được bộ phim xây dựng một cách thuyết phục dựa trên những sự việc xảy ra trong quá khứ.

Vì Raya đã khá thành thạo về võ thuật từ nhỏ và cho thấy sự lanh lẹ, nhanh nhẹn trong cách suy nghĩ, phim đáng lẽ đã có thể cho người xem thấy thêm những cảnh Raya tập luyện và rèn dũa các môn võ của Đông Nam Á, như thế sẽ truyền cảm hứng hơn đối với những đối tượng trẻ tuổi, cũng như những người đến từ chính khu vực này. Nhưng dẫu sao, cảnh quay nhìn từ xa khi Raya đang cưỡi chú TukTuk giữa sức nóng của sa mạc rộng lớn cũng đủ để chứng minh cô là một nàng công chúa ngầu như thế nào, và thật mừng cho các khán giả nhí lại có thêm một người hùng mà chúng có thể ngưỡng mộ.

Raya là công chúa Đông Nam Á đầu tiên của Disney (Ảnh: Disney)
Raya là công chúa Đông Nam Á đầu tiên của Disney (Ảnh: Disney)

Những người xem có sự nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á có thể phát hiện ra những hình ảnh và chi tiết mang tính đặc trưng như Miến điện hay nhưng những thế võ và pha ra đòn của môn Muay Thái. Nếu không thì bạn vẫn sẽ cảm nhận được những cảnh hành động dồn dập và có tiết tấu nhanh, đặc biệt là những cảnh chiến đấu của Raya đều cho thấy rõ mục đích và cảm xúc của cô lúc đó, như để kéo dài thời gian hay bị che mờ bởi sự giận dữ.

Ngoài ra, Rồng Thần Sisu (Awkwafina lồng tiếng) cũng là một nhân vật khá hài hước giống với phong cách của nữ diễn viên, tuy khá lầy lội nhưng vẫn toát lên sự thông thái của một sinh vật trong truyền thuyết. Những cảnh có sự xuất hiện của cô rồng này trong bộ phim đều gây ấn tượng về mặt thị giác, cho thấy kỹ xảo và phần hoạt họa tuyệt vời của ê-kíp làm phim, nhất là khi biết rằng họ phải làm việc tại nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Raya và rồng thần Sisu (Ảnh: Disney)
Raya và rồng thần Sisu (Ảnh: Disney)

Ở một thế giới mà con người dần mất niềm tin lẫn nhau, Raya và Rồng Thần Cuối Cùng như một lời nhắc nhở về lòng tham và sự ganh ghét giữa chúng ta, cũng như sự khẳng định rằng chỉ có con người mới có thể giải quyết những hiềm khích giữa họ với nhau.