[REVIEW] The Next 365 Days (Netflix) - Một bộ phim vứt bỏ những cơ hội tốt đẹp!

Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

The Next 365 Days chỉ đỡ tệ hơn những phần trước thôi!

The Next 365 Days (Netflix) nhỉnh hơn 2 phần trước, nhưng nội dung vẫn không thể cứu thương hiệu này khỏi cái mác một trong những “phim tệ nhất năm”. Nhưng có vẻ như phim vẫn chưa bỏ cuộc.

The Next 365 Days tiếp diễn vài tháng sau cái kết của phần 2. Laura đã hồi phục từ vết đạn và cuộc hôn nhân của cô và Massimo dường như đang đi vào quỹ đạo ổn định. Nhưng những sóng ngầm bắt đầu cuộn mình khi Laura nhận ra bản thân dường như đã phải lòng Nacho – một trùm mafia đối địch với Massimo. Còn Massimo bộc lộ bản tính giận dữ, kiểm soát thất thường. Đúng lúc, Nacho trở về thuyết phục Laura từ bỏ Massimo để đến bên anh ta. Laura buộc phải đưa ra lựa chọn.

365 Days không phải là một thương hiệu có danh tiếng tốt đẹp. Người ta nói “vạn sự khởi đầu nan” nhưng đến nay, những điều tốt đẹp vẫn luôn lẩn trốn những bộ phim của thương hiệu này. Điều này rất dễ hiểu. Đơn giản là các phần phim đều có chất lượng từ tệ hại đến tệ trung bình. Thật khó để làm nên cái gì đó đẹp đẽ khi nền tảng từ đầu đã đầy vấn đề. Phần đầu tiên của 365 Days đã mang danh “rác phẩm” vì kịch bản tệ hại, câu chuyện vô lý như bước ra từ giấc mơ ước át của một thiếu niên ám ảnh với ngôn tình (từ Tây đến Đông), chủ nghĩa lãng mạn méo mó và những diễn viên tệ ở trong công việc của họ. The Next 365 Days vẫn chật vật trong lằn ranh này và không thể bứt phá khỏi nó dù có những sự tiến bộ chút đỉnh. Tuy nhiên, kết quả vẫn chỉ có thể đem nó lên hàng “phim đỡ tệ hơn phần trước”.

The Next 365 Days vẫn không đổi được những câu thoại đậm tính cải lương từ phần đầu tiên đến giờ, nhưng câu chuyện lần này thực sự có tiềm năng. Khi nghi ngờ, hãy quay lại với những gì cơ bản, và không có chủ đề nào cơ bản, kinh điển hơn, là một tình yêu tay ba. Có hàng nghìn bộ phim lột tả những tam giác tình yêu không những mãnh liệt mà còn có sức hủy diệt những gì nó giam giữ bên trong, cũng như những tam giác tình yêu lãng mạn thuần túy. The Next 365 Days có vẻ như đã học hỏi những bộ phim này.

Chuyện tình trong đây bắt đầu và diễn ra như những bộ phim lãng mạn khác. Một cuộc hôn nhân sóng gió khiến cả hai bên mệt mỏi và họ bắt đầu ngã mình theo những cám dỗ mới mẻ để chạy trốn vấn đề. Chính những vấn đề đó bắt đầu tồn đọng và bùng nổ, thiêu rụi cả những gì tốt đẹp trong cuộc hôn nhân này. Tất nhiên, The Next 365 Days không thể vờ như 2 phần trước không tồn tại. Bao nhiêu lần người xem phải quằn quại như muốn thét vào mặt nữ chính tình yêu của cô ta thật độc hại và người tình của cô ta cũng độc không kém, thì phần này, cô nàng Laura đã nhận ra điều đó – kiểu vậy, chắc được chút chút.

Yếu tố cổ tích ở đây là phải có sự xuất hiện của anh chàng tội phạm khác, cũng đẹp trai và giàu có như Massimo, tuyên bố tình yêu sâu đậm với cô thì Laura mới nhận ra sự thật trong cuộc hôn nhân như mơ của mình. Nhìn đâu cũng thấy một dấu hiệu đỏ khác trong cái tiền đề này nhưng The Next 365 Days không phải là phim thực tế đâu và đây là điều tốt nhất họ có thể làm với cái chủ đề “bắt cóc, ép buộc yêu đương” của nó rồi.

Cách thực hiện tiền đề vẫn là điểm yếu lớn nhất của The Next 365 Days. Ngoài những câu thoại diêm dúa, thiếu tự nhiên mà mọt phim nào cũng nhận ra giống những câu thoại trong phim Việt Nam, The Next 365 Days trôi đi như cát luồn qua kẽ tay. Phim cố gắng gây ấn tượng với những cảnh nóng nhưng đến cuối cùng câu chuyện mới là quan trọng. The Next 365 Days lại chẳng hứng thú với tiền đề nó đặt ra. Quá nửa thời lượng dành cho việc những người đẹp đẽ đi qua đi lại và hưởng thụ sự giàu có không phải là một cách hay để kể chuyện. Những cảnh nóng có giới hạn của nó, và khán giả cũng vậy.

The Next 365 Days có một chút sáng sủa khi Massimo và Laura tranh cãi về sự mất mát mà họ trải qua. Đó có thể là sự cứu rỗi của bộ phim. Đáng lẽ The Next 365 Days nên phát triển từ đó và cô đọng bộ phim bằng việc cho thấy hôn nhân của họ đang tan vỡ. Ai sẽ là người hàn gắn? Ai sẽ là người muốn buông tay? Nhân tố thứ 3 có ảnh hưởng thế mạnh mẽ thế nào? Và tại sao? Laura có thể đưa ra một quyết định gây tranh cãi? Cô có thể là một hình tượng đáng được đồng cảm? Đó là những gì bộ phim nên dành thời lượng để trả lời, vừa thúc đẩy câu chuyện, vừa để các nhân vật được diễn giải có lớp lang hơn. Nhưng không. Mọi thứ trong đây đi lòng vòng mà không buồn quay lại nhìn vấn đề chính lấy một lần. Ít nhất Sex/Life – một series có một câu chuyện gây tranh cãi – cũng biết tập trung vào chủ đề của nó. Còn The Next 365 Days dường như đang sợ bản thân đang trở thành một bộ phim đúng nghĩa.

Là một phim khiêu dâm không đồng nghĩa với chất lượng tệ hại. Rõ ràng có một câu chuyện để kể ở đây, chỉ là The Next 365 Days không hứng thú với nó. Dự án này ngày càng trở thành một video ca nhạc khi kịch bản không thể được thúc đẩy và những nhân vật như đang vòng tròn quanh mục tiêu đáng ra họ phải thực hiện.

Không biết có phải thái độ này hay cách The Next 365 Days được quay mà phim như đang cuộn mình thành một MV thực thụ. Đến phần này, người viết thật ra chẳng ngạc nhiên tính “mv ca nhạc” lẩn khuất sau những cú máy của phim nữa. Những giai điệu, bài hát được lồng ghép vào phim thú thật còn chất lượng hơn những cảnh phim mà trong đó các diễn viên đài từ với nhau. Một yếu tố nữa là các diễn viên vẫn rất bắt mắt với vẻ ngoài của họ. Netflix rõ ràng biết tận dụng thế mạnh này! Người viết chỉ ước đội ngũ làm phim cũng biết tận dụng những cơ hội có thể xoay chuyển bộ phim, ví như cái kết của phim và một chiều sâu bất ngờ đến từ Massimo.

Nhìn chung, The Next 365 Days bỏ qua rất nhiều cơ hội để trở thành một bộ phim thưc thụ, từ đó vớt vát được thương hiệu 365 Days đúng với câu “vạn sự khởi đầu nan”. Mọi thứ đã đi ngược lại hết. Chứng kiến một phim vứt bỏ chính nó là một điều không dễ chịu chút nào. Xem phim này thật không dễ chịu chút nào. Có vẻ như với cái kết của The Next 365 Days, như vậy, chúng ta phải chờ xem Netflix có tiếp tục chịu đấm ăn xôi với nó nữa hay không.