[REVIEW] Thưa Mẹ Con Đi

Đánh giá phim · Maii ·

Thưa Mẹ Con Đi liệu có tạo dấu ấn cho phim Việt Nam trong tháng 8 này?

Thưa Mẹ Con Đi, bộ phim Việt Nam lặng lẽ ra mắt giữa tháng 8 “tưởng không đông mà đông không tưởng”, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood của Quentin Tarantino, Địa Đạo Cá Sấu Tử Thần của Alexandre Aja hay Kursk: Chiến Dịch Tàu Ngầm của Thomas Vinterberg.

Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi
Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi

Thưa Mẹ Con Đi, đến từ đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh với câu chuyện tình yêu và cuộc sống gia đình đơn giản, đã có thể chạm đến trái tim khán giả khi bất cứ ai cũng có thể tìm thấy bản thân mình trong từng câu chuyện nhỏ của bộ phim.

Nhân vật chính của Thưa Mẹ Con Đi là Văn, một kỹ sư phần mềm đang sống ở Mỹ, yêu cậu Việt kiều Ian. Cả hai trở về Việt Nam thăm gia đình và Ian có cơ hội tiếp xúc với văn hóa miền quê Việt Nam, nơi có một gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, gắn bó, có người mẹ tảo tần chăm lo cho con hết mực. Đây cũng là nơi khoảng cách giữa hai thế hệ vốn đã có khác biệt trở nên càng lúc càng lớn khi mối quan hệ giữa Văn và Ian khác biệt với quan niệm lấy vợ, sinh con như một nghĩa vụ đối với đấng sinh thành của gia đình Văn.

Cũng có nội dung về tình yêu đồng tính, Thưa Mẹ Con Đi làm người viết không khỏi nghĩ về Song Lang của Leon Quang Lê, ra mắt năm 2018 và sự khác biệt trong cách tiếp cận đề tài của hai vị đạo diễn, vốn là yếu tố rất cần thiết và có thể nói là mang tính chất “sống còn” đối với điện ảnh Việt đang thiếu thốn về chất lượng, với những bộ phim lúc nào cũng có “mùi vị” na ná nhau. Khác với hành trình nhẹ nhàng đối diện giới tính thật giữa hai nhân vật chính có tính cách khác biệt trong Song Lang, Thưa Mẹ Con Đi lấy chuyện tình cảm làm yếu tố phụ và chọn quá trình đối mặt với gia đình cùng định kiến xã hội thời hiện đại làm chủ đề chính.

Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi
Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi

Thưa Mẹ Con Đi có kịch bản lớp lang, tròn trịa và dẫn dắt tốt. Một kịch bản như thế đáng lẽ chẳng nên khiến chúng ta ngạc nhiên, nhưng bởi vì sự tồn tại của quá nhiều kịch bản phim Việt Nam yếu kém nên việc được xem một kịch bản chỉn chu thế này làm người viết cảm thấy bộ phim thật đặc biệt. Tự nhiên là nét chấm phá nổi bật của Thưa Mẹ Con Đi, làm người xem cảm giác như được tận hưởng hơi thở của cuộc sống bình dị và chân thành trên màn ảnh rộng. Sử dụng bối cảnh thật, từng con đường, góc phố, khu nhà, đến chiếc xe máy… trong phim đều toát lên vẻ bình dị mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, khiến người viết phần nào lại nhớ đến một phim Thái trước đó từng ra mắt cũng mang đến cảm giác tương tự là Ông Anh Trời Đánh. Mặt hình ảnh của Thưa Mẹ Con Đi vì thế mà được thêm điểm cộng.

Ngoài Lãnh Thanh (vai Văn) và Võ Điền Gia Huy (vai Ian) là hai gương mặt chưa được khán giả biết đến nhiều, dàn diễn viên phụ còn lại đều là những gương mặt tên tuổi, với khả năng hóa thân vào nhân vật đã được minh chứng qua nhiều vai diễn, cả trên sân khấu lẫn trên màn ảnh nhỏ như Hồng Ánh, Hồng Đào, NSƯT Lê Thiện, Kiều Trinh… ngoài ra còn có nữ diễn viên trẻ đang dần chứng tỏ được thực lực với nhiều vai diễn đa dạng là Thanh Tú. Bởi lẽ đó mà diễn xuất trong phim là điều không cần bàn cãi bởi dàn nhân vật phụ được thể hiện rất tốt. Lãnh Thanh mặc dù đôi chỗ còn hơi “sến”, nhưng tựu trung thì màn thể hiện của anh cùng Gia Huy, hai gương mặt mới mẻ trong phim vẫn khá đồng đều và đáng khen.

Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi
Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi

Thưa Mẹ Con Đi có phần thoại tốt và tự nhiên so với mặt bằng chung phim Việt Nam, không mắc lỗi quá kịch, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với tính cách nhân vật được xây dựng kỹ lưỡng và diễn xuất ăn ý của các diễn viên. Phim không quá cố gắng trong việc truyền tải một thông điệp nào, không có những màn “giảng đạo” dài dòng phản tác dụng khi khiến người ta càng không cảm được ý nghĩa của nó mà chỉ cảm thấy quá giáo điều. Thưa Mẹ Con Đi đánh mạnh vào cảm xúc và khán giả được tự do gán cho bộ phim ý nghĩa theo góc nhìn, quan điểm và trải nghiệm của mình, thông qua câu chuyện và góc nhìn về cuộc sống của riêng đạo diễn. Cả bộ phim bao trùm một cảm giác có vẻ uất ức, ngột ngạt và hơi bực mình ngấm ngầm, cũng giống như bí mật chưa thể nói và nó cứ đè nặng lên hai nhân vật chính.

Như đã đề cập, Thưa Mẹ Con Đi mặc dù là bộ phim về quá trình thú nhận giới tính thật của hai nhân vật chính là Văn và Ian, nhưng cuộc sống gia đình mới là nét nổi bật nhất của bộ phim. Phim “lái” rất ngọt từ chuyện tình cảm sang những khác biệt, tranh giành và những biến cố trong một ngôi nhà với nhiều thế hệ sinh sống, sự chia rẽ, tâm tư riêng của mỗi người, mỗi thế hệ… xuất hiện trên phim rất quen thuộc và dễ làm khán giả đôi phần xúc động. Những bữa cơm gia đình, những cuộc nói chuyện thủ thỉ tâm tình, lời qua tiếng lại giữa họ hàng với nhau và với hàng xóm… Ai cũng có thể thấy gia đình mình hiện diện trong Thưa Mẹ Con Đi.

Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi
Ảnh: FB Thưa Mẹ Con Đi

Thế nhưng, Thưa Mẹ Con Đi vẫn không tránh khỏi một số lỗi nhỏ như âm thanh chưa thực sự nổi bật, cao trào không đủ bù cho nhịp phim dài và đôi khi thiếu điểm nhấn.  Tuy nhiên, đối với một phim dài đầu tay thì có thể nói, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã làm tốt với Thưa Mẹ Con Đi.