[REVIEW] Truy Tìm Phép Thuật

Đánh giá phim · KNTT ·

Mặc dù phần lớn có cảm giác như chỉ là một bộ phim phiêu lưu hài hước thế nhưng Truy Tìm Phép Thuật vẫn mang trong mình phép màu diệu kì của hãng phim Pixar.

Truy Tìm Phép Thuật (Onward) là một trong hai bộ phim được ra mắt vào 2020 của hãng phim Pixar, ngôi nhà của những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng như Toy Story, Monsters Inc., Cars... Tuy phần lớn thời lượng của bộ phim là một cuộc phiêu lưu vui vẻ của hai nhân vật chính và phần nào đó chưa tận dụng hết tiềm năng của các nhân vật phụ, thế nhưng Truy Tìm Phép Thuật vẫn mang trong mình phép màu diệu kì của Pixar, với một cái kết thông mình và đầy cảm động, vừa mang tính kỳ ảo nhưng cũng rất chân thật.

Truy Tìm Phép Thuật lấy bối cảnh ở một thế giới kết hợp giữa yếu tố thần tiên và hiện đại, nơi có sự tồn tại của những sinh vật như kỳ lân, yêu tinh, nhân mã... và điện thoại thông minh. Phim kể về câu chuyện của hai anh em Ian và Barley Lightfoot, sống với người mẹ góa phụ là Laurel. Bố của hai anh em mất khi Ian còn rất nhỏ, và vào ngày sinh nhật thứ 16 của Ian, Laurel đã tặng cho hai anh em một món quà mà bố của họ để lại, chỉ được mở khi hai người đã đủ 16 tuổi. Món quà mà họ nhận được chính là một cây gậy phép thuật với hướng dẫn thần chú cho phép họ gặp lại bố trong vòng một ngày, thế nhưng do sơ suất mà Ian mới chỉ tái tạo lại được cho bố phần thân dưới. Từ đó, cả hai anh em phải tham gia vào một cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy nhưng cũng tràn ngập tiếng cười để được gặp lại người bố đã mất của họ lần cuối cùng.

Là dự án thứ hai mà Dan Scanlon làm đạo diễn sau Monsters UniversityTruy Tìm Phép Thuật cũng là một bộ phim vô cùng mang tính cá nhân đối với Dan khi nội dung phần lớn được dựa trên câu chuyện có thật của chính vị đạo diễn này, với bố của ông cũng mất ở ngoài đời khi ông chỉ mới 1 tuổi. Mơ ước được gặp lại bố đã thúc đẩy ông thực hiện bộ phim này, và tuy phần lớn thời lượng của Truy Tìm Phép Thuật có cảm giác như đơn thuần chỉ là một bộ phim hoạt hình phiêu lưu vui vẻ khác, chính những chi tiết đầy cảm động về mối quan hệ giữa hai anh em Ian và Barley và bố của họ mới khiến nó trở nên nổi bật.

Tom Holland lồng tiếng cho người em Ian nhút nhát, kém tự tin và luôn mong được gặp lại bố, còn Chris Pratt thì vào vai người anh Barley không sợ bất kì điều gì và vô tư đến mức mà người khác gọi cậu là “đồ bỏ đi”. Bộ phim cho chúng ta thấy những điểm thiếu sót của các nhân vật này, và qua những mâu thuẫn xảy ra giữa hai anh em trong cuộc phiêu lưu để được gặp lại bố, người xem thấy được chiều sâu trong tâm lí của các nhân vật, rằng họ không chỉ giống với cái vỏ bọc bên ngoài mà họ khoác lên mình.

Cái hay trong kịch bản của Truy Tìm Phép Thuật còn nằm ở việc người xem thực sự nhìn thấy được sự trưởng thành của các nhân vật qua từng thử thách, khi họ phải đưa ra quyết định và hi sinh một thứ gì đó. Đó là một điều mà không phải lúc nào ta cũng có thể tìm thấy ở một bộ phim thông thường, chứ chưa nói gì đến một bộ phim hoạt hình, rằng những nhân vật không phải lúc nào cũng có được cái mà họ mong muốn, thế nhưng điều quan trọng hơn cả là những bài học mà họ rút ra được. Và khi chúng ta nhìn lại những nhân vật này ở thời điểm đầu bộ phim so với lúc kết thúc, chúng ta cảm thấy hài lòng với con người mà họ đã trở thành. Đó chính là phép màu của Pixar.

Ngoài Tom Holland và Chris Pratt đã hoàn thành rất tốt công việc lồng tiếng cho hai nhân vật chính thì những diễn viên khác như Julia Louis-Dreyfus trong vai người mẹ hay Octavia Spencer trong vai Manticore (sinh vật huyền thoại có thân sư tử, cánh dơi và đuôi bò cạp) cũng đã khiến bộ phim trở nên hài hước hơn rất nhiều, thế nhưng vai trò của người mẹ Laurel và người bạn trai Nhân Mã trong câu chuyện về hai anh em Ian và Barley cũng như người bố đã mất lại không được đào sâu hơn, điều này khiến cốt truyện trở nên khá đơn giản và thiếu đi góc nhìn đa chiều nếu so với kịch bản của những bộ phim Pixar trước đây như Inside Out hay Toy Story 3, một phần có lẽ do Dan và đội ngũ biên kịch chỉ muốn tập trung vào câu chuyện của hai nhân vật chính.

Với công nghệ ngày càng phát triển, thế giới thần tiên trong bộ phim khi hai nhân vật chính trải qua cuộc phiêu lưu cảm thấy thật rộng lớn nhưng cũng rất thú vị và sáng tạo, ví dụ như các nhà làm phim đã biến một sinh vật kỳ diệu như kỳ lân thành một loài gặm nhắm, không sạch sẽ và phải bới tung các thùng rác để kiếm thức ăn.

Và chính sự kết hợp giữa yếu tố kì ảo và hiện đại trong đời sống của chúng ta mới là chủ đề mà bộ phim muốn nói tới, về sự phụ thuộc của loài người vào các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khiến chúng ta quên đi rằng mỗi cá nhân đều mang trong mình một khả năng kỳ diệu nhất định, phần nào đó khiến người viết liên tưởng đến chủ đề tương tự trong bộ phim khác trước đây của Pixar là Wall-E.

Tuy nhiên, chủ đề này lại được thể hiện một cách nhẹ nhàng hơn qua những chi tiết nhỏ được cài cắm trong bộ phim so với chủ đề chính đó là mối quan hệ giữa hai anh em và bố của họ. Thế nhưng, chính sự tập trung đó mới để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người xem, với một cái kết vừa mang tính kỳ ảo đại diện cho khát khao được gặp lại người bố đã mất của đạo diễn Dan, vừa kéo người xem trở lại thực tế rằng những gì quan trọng nhất đối với chúng ta không nằm ở quá khứ, mà chính là ở hiện tại.

Với Truy Tìm Phép Thuật, Pixar đã có một phát súng đầu tiên thành công về mặt cảm xúc mà bộ phim mang lại, thế nhưng vẫn còn nhiều điểm về cách xây dựng cốt truyện mà bộ phim có thể phát huy và trở nên hay hơn. Tuy vậy, sự thông minh trong việc tận dụng những chi tiết nhỏ được cài cắm xuyên suốt bộ phim cũng như việc chấp nhận để các nhân vật phải đưa ra quyết định và đánh đổi một thứ gì đó khiến Truy Tìm Phép Thuật trở thành một bộ phim đặc biệt và rất mang tính cá nhân đối với đạo diễn Dan Scanlon, một lời chào tạm biệt đẹp đẽ dành cho người cha quá cố của ông.

Ảnh: IMDb