Sau xu hướng retro, phim Việt "tấn công" đề tài thanh xuân vườn trường

Tin điện ảnh · VLynd ·

Gần đây, tiếp nối xu hướng retro cực kỳ thành công, điện ảnh Việt Nam liên tục sản xuất những bộ phim về thanh xuân vườn trường.

Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt bắt kịp xu hướng xem phim khán giả rất nhanh. Các biên kịch, đạo diễn rất nhạy cảm trong việc nắm bắt nhu cầu thưởng thức phim của người xem nước nhà. Có một thời gian phim kinh dị lên ngôi rồi nhường chỗ cho phim hài tình cảm, hài gia đình. Gần đây, tiếp nối xu hướng retro cực kỳ thành công, điện ảnh Việt Nam liên tục sản xuất những bộ phim về thanh xuân vườn trường. Đặc biệt, sau hiệu ứng MV Em Gái Mưa của Hương Tràm, mối quan hệ chênh lệch giữa thầy trò được khai thác kỹ càng hơn.

Trong năm 3 năm trở lại đây, có những bộ phim về thanh xuân vườn trường lấy bối cảnh retro thay vì hiện đại như Tháng Năm Rực Rỡ, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh Em Gái Mưa. Ngoại trừ Em Gái Mưa vừa được công chiếu, những bộ phim trên đều ghi dấu trong lòng khán giả vì mang lại những ký ức thời học sinh ngổ ngáo, gợi lại một thời thanh xuân như một cơn mưa rào mà bất kỳ ai cũng muốn quay lại một lần nữa. Tiếp nối hiệu ứng thành công đó, Em Gái Mưa ra mắt trong sự kỳ vọng của đông đảo người xem nhưng những gì phim mang đến lại không thật sự xuất sắc. Trong khi chất retro không được đầu tư kỹ lưỡng, thanh xuân vườn trường lại bị khai thác vô cùng hời hợt và chẳng có gì kịch tính trong mối tình thầy trò mưa. Điểm sáng của phim đến từ diễn xuất của các nhân vật phụ.

Rõ ràng không phải lúc nào thanh xuân vườn trường đi cùng bối cảnh retro cũng thành công. Trong thời điểm mà xu hướng retro bắt đầu trở nên đại trà, cảm xúc bồi hồi không còn như trước. Nếu các bộ phim kể trên thành công vì họ lựa đúng thời điểm từ quá khứ mà khai thác, các bộ phim sau này nếu không khéo, tiếp tục làm những gì mà người ta đã trưng hết lên màn ảnh và cảm giác bội thực là không thể tránh khỏi. Thay vì để mọi thứ diễ ra thật tự nhiên, Em Gái Mưa đã mắc sai lầm khi cố tình lựa bối cảnh retro và kết cục chẳng có gì đặc sắc ngoài màu phim xấu tệ.

Năm ngoái, đạo diễn Lê Thanh Sơn đã cho ra mắt phim điện ảnh học đường lấy bối cảnh hiện đại Em Chưa 18. Trái với thái độ hoài nghi ban đầu của khán giả, Em Chưa 18 là một trong những bộ phim Việt thành công nhất, phá đảo các rạp chiếu với doanh thu vượt mốc 100 tỉ đồng. Đội ngũ làm phim đã xuất sắc khi đánh đúng tâm lý khán giả tuổi teen, bắt kịp những trào lưu mà giới trẻ đang theo đuổi như trang phục, tình yêu tình báo già đời, những mưu mẹo ganh đua nhau vừa trẻ con vừa thú vị và buổi prom nhớ đời. Không chỉ chinh phục các bạn trẻ, Em Chưa 18 còn lôi kéo đông đảo người xem lớn tuổi đến rạp để xem bọn nhỏ bây giờ nó giở tới chiêu trò gì. Một bằng chứng cho việc không nhất thiết phải retro, chỉ cần khai thác khéo léo, chọn đúng đối tượng khán giả và có một câu chuyện rõ ràng.

Tháng 4 vừa qua, phim thanh xuân vườn trường Hạ Cuối Tình Đầu ra mắt nhưng lại không nhận nhiều đánh giá tốt từ khán giả. Thay vì khai thác những gì diễn ra trong môi trường học đường hiện đại, phim lại phát triển tâm lý nhân vật theo chiều hướng nổi loạn, làm những việc người lớn để chứng minh bản thân đã trưởng thành. Với một tựa phim nhẹ nhàng, nội dung hoàn toàn đi ngược lại với những chi tiết rối rắm và trẻ trâu, mang cảm giác “treo đầu dê, bán thịt chó”. Trong năm nay, một phim học đường táo bạo khác là Ngốc Ơi Tuổi 17 sẽ tập trung vào những lỡ lầm tuổi học sinh, dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Liệu bộ phim sẽ làm nên kỳ tích như Em Chưa 18 hay đi theo vết xe đổ của Hạ Cuối Tình Đầu?

Cũng trong năm nay, một phim thanh xuân vườn trường nhẹ nhàng sắp được ra mắt là Thạch Thảo, xoay quanh tình cảm trong sáng giữa một bạn nam tên Thạch và cô bé tên Thảo. Chỉ nhìn qua bộ ảnh, khán giả cũng có thể cảm nhận một thời học sinh hết sức dễ thương, gợi lại những hoài niệm mà chẳng cần bối cảnh retro. Nếu các bạn yêu thích MiDu, hẳn không thể quên phim điện ảnh 4 Năm 2 Chàng 1 Tình Yêu của cô nàng. Tuy yếu tố học đường không phải là điểm chính nhưng chỉ với những thước phim thanh xuân vườn trường nhẹ nhàng, khán giả cũng có thể cảm nhận tình cảm trong sáng một thời của lứa tuổi học sinh. Một phim hài học đường khác từng ghi điểm với khán giả 9x là Giải Cứu Thần Chết của Minh Hằng và Chí Thiện. Dù ăn theo thành công của Nụ Hôn Thần Chết nhưng phim không hề bị cái bóng của phần tiền nhiệm lấn át.

Tuy nhiên, có những bộ phim như Gia Sư Nữ Quái Bóng Ma Học Đường, mượn chút yếu tố của tuổi học trò và biến hoá thành bộ phim với những chi tiết hài kém đặc sắc. Sắp tới đây, bộ phim hài học đường Trường Học Bá Vương sẽ khai thác vào những chiêu trò nhất quỷ nhì ma của học sinh. Mong rằng phim sẽ không quá xa lầy vào các tình tiết hài hước mà bỏ quên thông điệp cần hướng đến.

Xu hướng làm phim về thanh xuân vườn trường là một điều hoàn toàn tích cực. Qua những bộ phim, khán giả có thể nhớ lại một tuổi thơ dữ dội và các bạn khán giả trẻ hoàn toàn thích thú khi nhìn thấy chính mình trong đó. Chỉ hy vọng thời gian sắp tới đây, những bộ phim "cộp mác" thanh xuân học đường nhưng lại khai thác yếu tố hài nhảm, đem lại định hướng sai lệch sẽ vắng bóng các rạp chiếu.