Song Song - Những cải biên không hiệu quả khiến phim thua xa Mirage

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Song Song và Mirage có những điểm khác biệt tạo nên chất lượng kém xa giữa 2 bên.

Kéo xuống để xem tiếp

Tiếp nối Tiệc Trăng Máu, Song Song là bộ phim tiếp theo được remake từ bản gốc nước ngoài. Cụ thể là bộ phim Mirage (2018) của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nếu đặt Song Song Mirage lên bàn cân, nhiều điểm khác biệt giữa cả hai phim hiện rõ.

Những điểm khác nhau chứng tỏ ý muốn sáng tạo thêm và Việt hóa những chi tiết hiển nhiên không phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam, nhưng không phải cải biên nào cũng hiệu quả. Bên cạnh đó, cách thực hiện ý tưởng của bản Việt tồn tại những khuyết điểm logic rất khó chịu.

Đoạn mở đầu không khác biệt là bao

Về ý tưởng, Song Song trung thành với bản gốc Mirage, đều kể về một nữ nhân vật vào một đêm bão tố sắp đổ bộ vào đất liền, tìm được một chiếc tivi cũ mà dưới ảnh hưởng của bão cho phép nhân vật này liên kết với một cậu bé sống trong quá khứ. Nhân vật này đã cứu cậu bé và từ đó thay đổi tương lai của cô, xóa bỏ gia đình cô đang có. Ở Mirage, nhân vật này là Vera, còn ở bản Việt là Trang (Nhã Phương).

Mirage (MAD)
Mirage (MAD)
Ngoisao.net
Ngoisao.net

Song Song Mirage có mở đầu giống nhau. Cả 2 phim đều bắt đầu bằng cách cho khán giả chứng kiến câu chuyện của quá khứ trước. Sau đó, phim chuyển đến câu chuyện vào 20 năm sau. Lúc này, cả hai phim đều dành thời gian giới thiệu nhân vật. Trang là ai, làm nghề gì, đã có chồng và hiện đang chăm con gái.

Cách giới thiệu hiệu ứng cánh bướm lười biếng

VnExpress
VnExpress

Mirage xoay quanh nhân vật Vera và để cô trở thành người đại diện cho người xem. Khán giả tiếp thu câu chuyện qua cái nhìn của cô. Trong phim, khái niệm hiệu ứng cánh bướm chưa từng được gọi tên, nhưng học thuyết này được giải thích rất cặn kẽ thông qua Vera. Cho nên, nếu muốn hiểu chủ đề của phim, họ không thể rời mắt khỏi cô.

Sau khi cứu cậu bé Nico trong quá khứ, Vera tỉnh dậy ở bệnh viện. Tại đây, cô đón cú sốc đầu tiên. Các đồng nghiệp lại gọi cô là bác sĩ, chứ không phải y tá. Hoảng loạn rời đi, cô đến trường học tìm con gái, nhưng con gái cô không thấy đâu. Vera vội chạy đến chỗ làm của chồng David, nhưng anh cũng không nhận ra cô. David báo cảnh sát và Vera được đưa về đồn.

Tại đây, cô được thông báo là con gái cô không tồn tại (không có giấy khai sinh), cô và David không có quan hệ vợ chồng. Vera thuật lại việc cô cứu một đứa bé trong quá khứ trong sự ngạc nhiên của thanh tra thẩm vấn Leyra. Lời khai khó tin này khiến Leyra đưa Vera đến bệnh viện nơi cô làm việc để làm các cuộc kiểm tra sức khỏe.

Góc điện ảnh
Góc điện ảnh

Đây là một phân đoạn dài nhưng không lan man, và vô cùng cần thiết. Trường đoạn này cho thấy một cuộc sống rất khác của Vera, cũng như để khán giả biết được rằng dù tình trạng của Vera có thể được giải thích một cách khoa học vẫn có sự bất thường ở đây. Một khả năng được chính nhân vật đưa ra là do cô đã cứu Nico, nên giờ mọi chuyện đã khác. Như vậy, người xem không cần biết đến hiệu ứng cánh bướm vẫn hình dung được khái niệm mà phim đang sử dụng.

Trong khi ở bản Việt, Trang sau khi cứu Phong thì choàng tỉnh trong một căn hộ lạ. Sau đó, cô cũng trải qua những điều tương tự. Nhưng khi đứng trước thanh tra thẩm vấn (Võ Đình Hiếu), Trang lại không hề đưa ra bất kỳ chi tiết gì để dẫn dắt người xem vào câu chuyện. Ngược lại, Song Song lại phụ thuộc vào một đoạn lời giải thích bắt khán giả đọc về hiệu ứng cánh bướm ở đầu phim, rồi để họ tự liên tưởng điều đó trong phim.

Trên thực tế, phương thức này không sai, nhưng đó là một bước đi rất lười, làm phim trở nên hụt hơi. Người xem nhanh chóng nhận ra hiệu ứng cánh bướm đã xảy đến với Trang vì cô đã cứu Phong. Như vậy, họ không có lý do gì để theo dõi việc tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra với nhân vật nữa. Song Song biết điều này, nên đã thẳng tay lược bỏ đoạn phim này luôn, và đưa thẳng Trang đến kết luận phải đi tìm Phong. Nếu khán giả chưa xem qua bản gốc, họ sẽ gặp phải trở ngại trong việc hiểu phim.

Quá trình phá án thiếu muối

Thanhnien.vn
Thanhnien.vn

Một trong những điểm mạnh của Mirage là tuyến truyện giải quyết vụ án mạng được đề ra từ đầu phim. Phiên bản Tây Ban Nha thực hiện quá trình phá án bài bản, không kém phần ly kỳ và hợp lý.

Mirage, ban đầu, vụ án mạng bị tạm thời bỏ quên rồi nhanh chóng được đưa trở lại mạch phim, sau khi Vera biết Nico đã mất tích nhiều năm và cần lý do để cảnh sát tìm kiếm cậu bé. Cô đã chỉ chỗ cho thanh tra Leyra vị trí của thi thể bà Weiss. Điều này là một bằng chứng cô chứng minh nhận định của mình với thanh tra Leyra và thuyết phục được anh giúp đỡ cô trong việc truy tìm Nico. Angel – hung thủ - bị bắt. Từ đây, người xem được chứng kiến quá trình che dấu tội ác tinh vi. Quan trọng nhất, chính vụ án mạng này dẫn dắt người xem đến với cú twist lớn nhất của phim: Nico. Mirage cũng không dư thừa bất kỳ tình tiết nào.

This is Bary
This is Bary

Trong khi đó, ở Song Song, vụ án lại được giải quyết quá chóng vánh mà không để lại ấn tượng gì cho người xem ngoài sự đơn giản đến mức không thể tin được. Đầu tiên, ở bản gốc, thi thể nạn nhân (người vợ) bị phanh thây và nhét vào vali. Angel – hung thủ - đã chôn vali trong một lò mổ bỏ hoang của ông ta. Còn người tình lấy hộ chiếu, mạo danh nạn nhân đi ra nước ngoài, tạo bằng chứng rõ ràng nạn nhân đã ra đi và không quay về nữa – lý giải tại sao không ai đi tìm được nạn nhân trong suốt 25 năm.

Còn ông Sơn chỉ nhét thi thể vợ vào một thùng phi và giấu ở một cửa xả đập – một cách giấu xác hết sức thiếu thuyết phục. Không lẽ trong suốt 20 năm, không một nhân viên của con đập bước vào kiểm tra và nhìn thấy một sợi dây xích to tướng làm trơ trọi giữa bãi đá?

Cineholic
Cineholic

Hơn nữa, nơi này chẳng có lấy một biện pháp an ninh nào, cũng không phải là tài sản của riêng ai khiến việc ra vào bị cản trở. Bằng chứng là Trang và người thanh tra có thể đi vào cửa xã đập mà không gặp bất kì khó khăn gì. Quá trình phạm tội của ông Sơn và quá trình phá án ở Song Song vì thế mà trở nên nhạt nhẽo và có phần vô lý.

Thay vì một màn đối đáp vừa căng thẳng vừa hé lộ sự thật trong vụ án, vừa dẫn qua cú twist lớn nhất của bộ phim, người xem lại được chứng kiến một màn đối đầu nhạt nhẽo giữa Sơn, thanh tra Phong (cậu bé Phong đã tưởng thành) và Trang, và vẻ mặt như đọc thoại của nhân vật quan trọng trong Song Song – vị thanh tra nắm giữ chìa khóa cho mọi việc.

Cái kết không thỏa đáng

Hit.vn
Hit.vn

Cái kết của Song Song là một cú “quay xe” lật ngược hoàn toàn chủ đề của phim, chẳng bù với cái kết trọn vẹn của Mirage.

Song Song đã quá chú trọng vào việc tạo dựng một kết thúc có hậu mà bỏ qua mạch logic của phim. Hãy nhớ, khi Trang tự sát để buộc Phong sử dụng chiếc TV để sữa chữa lại dòng thời gian. Phong đã làm thế. Anh sử dụng TV và thuyết phục phiên bản lúc nhỏ của chính mình hãy quên và đừng đi tìm Trang. Và cậu bé đã làm như vậy. Trang trở lại làm vợ của Quân, sinh con gái Cún. Còn Phong đã không chờ Trang lúc cô còn là một sinh viên. Như vậy, theo logic, Phong không thể nhận ra Trang của dòng thời gian hiện tại nữa. Nhưng cả hai lại nhận ra nhau mà chẳng có một lý do nào hợp lý.

Mirage hợp lý hóa điều này bằng cách để Vera nhắc lại tên thuở nhỏ của Leyra là Nico, như một cách để khởi động một hồi ức quá khứ của anh. Trong khi đó, Song Song lại chỉ để hai nhân vật nhìn nhau và cười.

Phần hình ảnh gỡ gạc khuyết điểm, nhưng không nhiều

Song Song vẫn có điểm cải biên hợp lý. Đó là sử dụng tỷ lệ khung hình để khắc họa hai dòng thời gian. Tỷ lệ 4x3 dành cho quá khứ, nơi mà người xem dõi theo câu chuyện của Phong. Tỷ lệ 16:9 cho dòng thời gian cũ và mới, nơi Trang đang cố gắng trở về cuộc sống cũ. Sử dụng tỷ lệ này sẽ làm khán giả phân biệt được đâu là quá khứ và đâu là hiện tại dễ dàng hơn. 

Tuy vậy, Song Song đến phút cuối vẫn nhạt nhòa và thiếu điểm nhấn. Nếu chưa có dịp xem qua bản gốc, người xem có thể kiên nhẫn với phim. Nhưng đối với khán giả đã cảm nhận Mirage, Song Song thật sự kém xa với những cải biên không mang đến hiệu quả sáng tạo nào. Đối với một kịch bản không dễ dàng như của Mirage hay Song Song, đôi khi một bộ phim remake nên trung thành với bản gốc thì hơn.