Sút "vào" nhưng chưa đã

Đánh giá phim · HungMBH ·

Mãi đến giờ, trong làn gió phát triển của phim Việt, Sút của đạo diễn Việt Max mới mang không khí cầu trường sôi động trở lại với điện ảnh

Khoảng 20 năm trước, điện ảnh Việt Nam dù còn yếu kém nhiều mặt nhưng vẫn kịp chiêu đãi khán giả 2 bộ phim bóng đá là: Cô Thủ môn tội nghiệp (có tài tử Lê Công Tuấn Anh đóng) và Sút Dzô Sút Dzô với sự tham gia của một loạt danh thủ lúc đó là Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh, Hồng Sơn… Phim bóng đá trong thời điểm đó cũng giống như giọt nước giữa sa mạc nên ngon dở thế nào thì khán giả đang “khát” cũng tận hưởng một cách sung sướng.

Mãi đến giờ, trong làn gió phát triển của phim Việt, Sút của đạo diễn Việt Max mới mang không khí cầu trường sôi động trở lại với điện ảnh. Sút như chính câu slogan của phim “mọi thứ bắt đầu từ giấc mơ” là câu chuyện về giấc mơ, khát vọng của nhiều lớp người trên cái nền sôi động của bóng đá. Có hai giấc mơ chính trong phim: giấc mơ bóng đá của Khoa, Phong, ông bầu của đội Gà Trống và giấc mơ về gia đình của Cường – nhân vật chính của phim. Dĩ nhiên là sẽ có lúc hai giấc mơ ấy hòa vào nhau, đó là dạng thông điệp phim kinh điển mà ai mê phim hay dân biên kịch đều biết, vấn đề còn lại là cách kể câu chuyện của đạo diễn.

Theo đường dây kịch bản khởi nguồn từ những giấc mơ nhỏ, Việt Max chọn bối cảnh xoay quanh đội bóng phong trào mang tên Gà Trống. Cá nhân mình không thích kiểu phim mở đầu và kết thúc bằng lời dẫn chuyện của cô con gái ông bầu đội Gà Trống vì hai lí do: một là chất giọng này không phù hợp để dẫn, hai là dù đạo diễn đã cố cài cắm vai trò của cô trong cốt truyện cho phù hợp với vai trò người dẫn chuyện, nhưng vẫn chưa đủ để làm điểm nhấn hoặc là nhấn chưa đủ.

Điều mình nghĩ là chướng ngại lớn nhất của phim này thực tế phim đã không vượt qua được. Phim về bóng đá thì dù có kể theo cách nào đi nữa, những trận bóng, những pha bóng luôn phải là linh hồn của câu chuyện. Mà làm phim về bóng đá nó rất khó bởi nó không chỉ đáp ứng mạch trận, cái tinh thần của bóng đá mà còn phải đáp ứng cái nhu cầu thị giác của dân ghiền bóng đá. Khi bạn xem một trận cầu đỉnh cao, nó phải là những pha qua người, những cú sút xa đẹp mắt, những đường chuyền sắc như dao cạo, những cú sút vòng cung đẹp như một nhát dao xé toạc bầu trời… tất cả những thứ ấy, điện ảnh phải làm đẹp hơn cả thực tế vì đó là sứ mệnh của điện ảnh, nhưng Sút thậm chí còn chưa làm được bằng những trận cầu đỉnh cao mà chúng ta hay xem trên tivi.

Vì những hạn chế nhất định về diễn viên và kĩ xảo, Sút không có lấy một pha wide-screen (cảnh rộng) đúng nghĩa của bóng đá. Cả phim là tập hợp đan xen của rất nhiều pha cận cảnh theo kiểu "cut to cut" thỉnh thoảng chèn slow motion vào, lừa bóng, sút bóng, bóng vào lưới, tất cả đều cận cảnh. Đối với người ngoại đạo không vấn đề, nhưng với fan bóng đá, đó sẽ là những pha tra tấn thị giác và cảm giác thiêu thiếu với thói quen xem những trận cầu đỉnh cao thường ngày của họ. Thật tình mình đã trông chờ một pha sút xa siêu ảo hoặc cú đá cong như trái chuối kiểu xạo xạo như Đội Bóng Thiếu Lâm của Châu Tinh Trì cũng được, nhưng có thể vì chi phí hay vì hạn chế gì đó mà Sút hoàn toàn lờ đi khoảng này, và nó làm mình hụt hẫng.

Về khía cạnh bóng đá coi như chưa đạt, giờ nói tới khía cạnh phim. Sút có những khung hình phải nói là đẹp, đặc biệt là kết hợp với phần nhạc nền do Christopher Wong chủ xướng thì rất tuyệt. Mình để ý Christopher Wong từ lâu vì Victor Vũ phim nào cũng lôi anh này vào, và có cái tên đó thì nhạc (nền) phim lúc này cũng chỉnh chu, lúc dồn dập, lúc tình cảm, lúc man mác đúng kiểu Hollywood, nên Sút có Wong đảm trách phần nhạc quả là rất sướng. Có những khung đặc biệt rất art như khi cận cảnh đôi giày bóng đá rơi xuống cạnh chân Cường như trái tim Cường cũng đang rơi xuống vỡ vụn, hay như cảnh Cường ngồi trong một căn phòng tối với ánh sáng chếch một góc 35 độ rất đẹp, nó làm bật lên nỗi cô đơn của nhân vật rất tốt. Khung hình và âm nhạc có lẽ là điểm làm tốt nhất trong phim.

Lỗi kinh điển của phim Việt vẫn luôn là phần thoại, nơi mà người ta nói chuyện thường ngày cứ như tập kịch vẫn lập lại trong phim này. Nhân vật Cường diễn khá tốt vào những lúc anh… không nói gì. Phần đại từ, diễn cảm khi thoại có lẽ là điểm yếu nhất của diễn viên Việt Nam. Nhân vật đóng tốt nhất theo mình là anh lùn lùn đô con (quên tên rồi) đóng vai phản diện của đội Sóng Thần, diễn đúng chất khinh khỉnh, đểu đểu của nhân vật. Các nhân vật khác như Huyme trong vai Phong khá tròn vai, nhân vật Khoa (em ruột của Cường) với nhiều phân đoạn mít ướt của thằng em 6 tuổi trong thân hình thằng 20 tuổi làm mình cứ cảm thấy có gì đó sai sai, cứ như mấy đoạn đó viết ra để câu fan girl với cái mùi bromance nồng nặc mà tởm tởm sao í!

Có thể hiểu Việt Max chọn tông màu vàng-xám làm chủ đạo cho phim khá là art và phù hợp với khởi đầu từ bóng đá phong trào cho đến chuyên nghiệp. Dĩ nhiên phim bóng đá lúc nào cũng phải hướng tới những cái lớn hơn như tuyển quốc gia, World Cup nên mình hiểu cách kết của phim, chỉ tiếc là phân đoạn cuối phim ấy, giá như đạo diễn zoom-out từ cái tivi ấy ra ngoài đường, cảnh cờ tổ quốc rực rỡ, cảnh những đoàn người phát cuồng tràn ngập các đường phố (VN được dự World Cup mà, sao không sướng được!), tông vàng-xám chuyển thành màu xanh tươi mới, kiểu của hy vọng, của khát vọng thành hiện thực thì nó sẽ mỹ mãn hơn cho đúng một cái đoạn kết, tiếc là ổng giữ nguyên tông màu đó luôn.

Lúc MC Tú Linh thay lời đoàn phim dõng dạc nói: “Giờ đây, sau bao nhiêu ấp ủ, chúng tôi tự hào giới thiệu với các bạn một bộ phim về bóng đá xuất sắc nhất trong 10 năm trở lại đây”, mình phải bụm miệng cười, thì phải rồi, 10 năm nay có phim Việt nào về đề tài bóng đá đâu.