The Last Face – Vì sao một bộ phim hay lại bị đánh giá thấp?

Đánh giá phim · Hanhfm ·

Bộ phim nào được đánh giá cao, nhưng sau khi xem bạn lại không thấy hay? Bộ phim nào bạn thấy rất hay, nhưng lại bị những trang phim phê bình đánh giá rất thấp? Bất kỳ mọt phim nào cũng từng rơi vào hoàn cảnh trái ngang này.

The Last Face của đạo diễn Sean Penn, diễn viên chính Charlize Theron, Javier Bardem – cả 3 đều đã từng đoạt giải Oscar, diễn viên phụ Jean Nero, Adèle Exarchopoulos – những ngôi sao điện ảnh của Pháp, một nhân vật gạo cội và một nữ diễn viên trẻ tài năng từng đoạt giải Cannes. Đây là tác phẩm điện ảnh đại diện cho Mỹ tham dự liên hoan phim Cannes 2016. Tuy nhiên sau buổi công chiếu ra mắt, The Last Face đã bị các nhà phê bình chê bai nặng nề và nhận số điểm 4.4 trên trang imdb với 2,173 lượt bình chọn, 1 sao trên Rottentomatoes với 43 lượt bình chọn. Những thông tin trên cho chúng ta thấy: một bộ phim đầy sao lớn cũng có thể trở thành thảm họa. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sau khi xem The Last Face thì tôi thật sự thắc mắc vì sao một bộ phim hay như thế này lại bị đánh giá thấp?

Trong một căn phòng tối với ánh đèn mờ, The Last Face bắt đầu bằng là sự xuất hiện của hai diễn viên chính với một tâm trạng khó đoán định. Javier Bardem cương nghị ôm Charlize Theron từ đằng sau, khuôn mặt cô thoáng hiện lên sự ưu tư căng thẳng. Có vẻ như mối quan hệ của họ không được yên ả? Họ có yêu nhau? Đó là cảm giác hoài nghi đầu tiên của tôi khi xem phim, vậy nhưng khi nhân vật của Charlie Theron bắt đầu hồi tưởng lại những ký ức của mình, tôi mới hay mình đã bị tấm poster đánh lừa.

“Chiến tranh mang họ đến với nhau, nhưng tình yêu mới chính là bức tường ngăn cách.”
“Chiến tranh mang họ đến với nhau, nhưng tình yêu mới chính là bức tường ngăn cách.”

Wren Petersen (Charlize Theron) là bác sĩ và nhà hoạt động xã hội làm việc trong MDM - tổ chức bác sĩ thế giới, nơi mà người cha đã khuất từng cống hiến gần như cả cuộc đời sự nghiệp tại Châu Phi. Tiếp bước cha mình, Wren đến nơi đầy hỗn loạn và nguy hiểm bởi chiến tranh xung đột này, nơi mà lần đầu tiên cô cảm thấy mình như là người vô hình, chỉ là một ý niệm không tồn tại. Cho đến khi Wren gặp Miguel Leon (Javier Bardem), một bác sĩ phẫu thuật quyến rũ, người cũng đã cống hiến hết mình cho việc điều trị cho những nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật tại châu Phi. Từ trong những điều kiện khắc nghiệt của cuộc chiến tranh đẫm máu, họ đã tìm thấy sợi dây liên kết nhưng rồi đó cũng chính là lý do khiến họ phải rời xa nhau. Trong khi Miguel kiên trì tiếp tục sứ mệnh ở lại Châu Phi giúp đỡ những người dân nới đây thì Wren quyết định trở về và trở thành phát ngôn viên của một tổ chức viện trợ cho các khu vực và vùng lãnh thổ bị chiến tranh, nạn đói tàn phá. Liệu tình yêu có đủ sức mạnh đưa họ quay lại với nhau?

Một câu chuyện tình yêu lãng mạn của hai người nước ngoài da trắng ngay giữa bi kịch ở châu Phi khiến cho những nhà phê bình cảm thấy tội lỗi. Nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu câu chuyện của họ được đặt vào bối cảnh của 50 năm trước đây, cái thời mà con người ta sẵn sàng hy sinh bản thân và cả tình yêu để lao vào cuộc chiến vĩ đại vì giải phóng dân tộc hay hòa bình thế giới, thì ngày nay con người ta không còn tin vào thứ lý tưởng cao cả ấy nữa. Thế cho nên, câu chuyện của hai bác sĩ quên mình vì sứ mệnh hòa bình thế giới, với nhiều người đó là một điều viển vông.

Lý do thứ hai là với những người phương Tây, họ thật sự cảm thấy bị tự ái bởi ngay từ phần mở đầu bộ phim nhân vật của Charlize Theron đã nói rằng hòa nhạc gây quỹ là cần thiết để những người phương Tây được nghe những câu chuyện về cuộc xung đột này. Và trong một cảnh đối thoại căng thẳng trong cuộc họp cấp cao cô không ngần ngại chỉ ra vấn đề trong công tác viện trợ châu Phi chưa được họ coi trọng đúng mức.

Một lý do nữa mà tôi nghĩ là sai lầm của đạo diễn Sean Penn chính là việc sử dụng một số cảnh quay quá đẹp, quá nghệ thuật phần nào đó lạc tông so với mạch phim. Charlize Theron trên phim quá đẹp và quá gợi cảm trong chiếc áo phông mỏng giữa cuộc sống hỗn loạn của châu Phi. Phong cách của bác sĩ Miguel do Javier Bardem đóng cũng được xây dựng quá lãng tử, khi anh thích nghe nhạc rock khi phẫu thuật, các nhân viên cứu trợ phương Tây vẫn thích nghe Red Hot Chilli Pepers để có những phút giây thanh bình ngắn ngủi làm giảm bớt căng thẳng của cuộc chiến nơi đây. Điều này có thể tạo nên sự phản cảm đối với người xem, nhưng thật ra đó lại là những chi tiết rất thực tế. Những nhân viên cứu trợ là những người anh hùng của châu Phi, nhưng họ không bị bộ phim lý tưởng hóa một cách tuyệt đối mà họ cũng chỉ là con người bình thường.

Một điều phải nhắc lại rằng Cannes không phải là một liên hoan phim dễ xem đối với nhiều khán giả, nên việc một bộ phim như The Last Face bị đánh giá thấp tại đây cũng là điều bình thường bởi hình như Cannes không thích phim chiến tranh. Và hãy nhìn ở góc độ khác, như nhà văn người Pháp Frédéric Beigbeder đã châm biếm rất thú vị trong tác phẩm Kẻ Ích Kỷ Lãng Mạn rằng: “Liên hoan Phim Cannes: chẳng ai đến đó để xem phim cả... Ở đó sẽ có cả đống limousin có điều hòa, chẳng đúng sao?". Người ta chỉ quan tâm đến thảm đỏ, những bộ váy lộng lẫy, những chiếc du thuyền xa hoa... Đâu phải ai cũng đến Cannes chỉ để xem phim. Cũng có thể rằng những nhà phê bình ở đây đã xem quá đủ những hình ảnh kinh khủng về chiến tranh và đói nghèo tại Châu Phi, bởi vậy mà những gì đạo diễn Sean Penn cố gắng truyền tài về sự khốc liệt tại mảnh đất này, dường như không còn xa lạ và khiến họ cảm thấy bất ngờ, rung động. Và gu thưởng thức của họ phải là những tác phẩm có ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc, đề tài độc đáo, phản ánh đời sống một cách trừu tượng. Hẳn nhiên The Last Face không hợp gu của Cannes, và dù không nổi trội so với những phim tranh cử năm đó, thì việc hạ thấp một bộ phim hẳn nhiên phần nhiều những nhà phê bình luôn mang định kiến cá nhân. Chắc chắn rằng bản thân tôi cũng có những định kiến khi cho rằng những nhà phê bình họ cũng có những định kiến của riêng mình. Đây hoàn toàn là phạm trù mang tính cá nhân, bởi vậy dù dễ dàng thấy những điểm yếu trong bộ phim này, thì với tôi The Last Face vẫn là một bộ phim hay và vô cùng xúc động.

Nếu người ta chê câu chuyện tình lãng mạn không phù hợp trong The Last Face, thì tôi lại thấy nội dung kịch bản đã khéo léo xây dựng một câu chuyện tình đầy khắc khoải. Hai nhân vật chính với những mảng đối lập, dù mỗi người một hướng ngược chiều nhau thì thực chất họ vẫn trên cũng một con đường vì tình yêu con người.

Với người cha suốt ngày vắng mặt và người mẹ chẳng có cách nào khác ngoài việc khỏa lấp nỗi cô đơn bằng những cuộc tình ngoài luồng, Wren không còn niềm tin vào tình yêu, cô chỉ có một lý tưởng được tiếp nối công việc của cha mình. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, với lối sống phóng khoáng tự do, cùng tài năng về chuyên môn bác sĩ Miguel không có sự níu kéo nào từ cuộc sống bình yên nơi phương Tây giàu có, mà anh quyết định gắn bó với mảnh đất Tây Phi đầy gian khổ để cứu giúp những nạn nhân chiến tranh. Mỗi người họ đều có lý tưởng cho riêng mình. Nếu Wren cảm thấy bất lực trước đói nghèo, bệnh tật, giết chóc tại nơi đây, thì Miguel chỉ xả thân mình trong việc cứu giúp những thân phận bé nhỏ. Một người muốn thoát ra để kêu gọi thế giới phải hành động vì hòa bình, một người lại muốn đi vào điểm nóng của cuộc chiến để khắc phục hậu quả cho vùng đất này. Dù bất đồng quan điểm và con đường đi nhưng hai con người họ đều mang trên vai lý tưởng cao đẹp vì nhân loại. The Last Face là tác phẩm ngợi ca những nhân viên cứu trợ quốc tế đã nỗ lực làm việc bởi những thúc đẩy đạo đức và sự phát triển của loài người. Nghe thì có vẻ sáo rỗng, nhưng hình như đâu còn mấy nhà làm phim quan tâm đến những đề tài như thế này nữa?

Dù câu chuyện tình của Wren và Miguel đầy khắc khoải và day dứt thì điều thật sự khiến tôi xúc động khi xem The Last Face lại là những cảnh về châu Phi. Nếu đã xem quá đủ những tác phẩm chiến tranh hoành tráng của Hollywood, thể hiện chân thực và khốc liệt nhất bằng khói lửa, bom đạn và xác chết, thì The Last Face sẽ khiến khán giả bàng hoàng vì những hình ảnh quá thật và quá tàn nhẫn. Những xác người chồng lên nhau trong tiếng vo ve của đàn ruồi, những đứa trẻ bị bắt cầm súng và chúng đã phải quen dần với việc nhìn thấy những phần thân thể không lành lặn... Các bác sĩ làm việc ở đây trong điều kiện thiếu thốn, họ phải lựa chọn xem bệnh nhân nào may mắn nhận được số máu cuối cùng để truyền, họ phải quen với cảm giác bất lực trước cái chết của một con người... Những hình ảnh đó trong The Last Face như những thước phim tài liệu rất thật về cuộc chiến ở châu Phi. Và khi xem những cảnh quay đó thật sự khiến tim tôi như nghẹn lại.

Có lẽ vì quá mải mê vào câu chuyện tình của hai nhân vật chính, nên người xem có thể đã bỏ qua những thông điệp quốc tế mà bộ phim muốn nhắn gửi. The Last Face cũng ngầm đặt ra vấn đề thế giới trong việc cứu trợ. Việc đưa con người và vật chất tới châu Phi để khắc phục giúp đỡ người dân hoàn toàn là chưa đủ, mà để giải quyết vấn đề ở đây còn cần sự tham gia từ bên ngoài của các tổ chức, quốc gia. Và không chỉ câu chuyện về Châu Phi, The Last Face còn là lời kêu gọi thế giới hãy quan tâm và mở rộng cửa đối với những người nhập cư. Bài diễn văn của Wren cuối phim khi kể lại câu chuyện của người cha, trên một chiếc thuyền di dân tại Campuchia thật sự để lại cho người xem nhiều suy nghĩ:

“Ông đã hỏi một người: 'Nếu có một điều ước lúc này, ông muốn gì?'. Cha tôi đã nghĩ đó là thức ăn hoặc tiền, nhưng người đàn ông đó đã trả lời: 'Tôi muốn một cuốn sách có tất cả tác phẩm Văn Học Cổ Điển Pháp'. Người đàn ông ấy từng là một giáo sư văn học tại một trường đại học cho đến ngày ông ta phải di cư. Có vẻ như chúng ta nhìn vào những người tị nạn như thể đó là những gì họ phải trải qua. Họ không giống chúng ta. Nhưng cũng như chúng ta, họ là công nhân, kế toán, giáo viên, nhà xây dựng, nông dân. Họ cũng có gia đình và có những ước mơ. Ước mơ, rất nhiều người trên thế giới này đã phải từ bỏ ước mơ của chính họ. Chiến tranh tấn công ước mơ. Nghèo đói tấn công những ước mơ. Thiên tai tấn công ước mơ. Bệnh tật tấn công những ước mơ. Những giấc mơ không phải là điều gì quá xa xỉ, những người tị nạn họ cũng giống chúng ta cũng có những ước mơ và ước mơ là nhu cầu đơn giản nhất của con người.”

Hai nhân vật trong The Last Face cũng có ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ, nhưng họ lại cảm thấy rằng bên nhau chính là điều bất công với thế giới này, bởi còn những nơi cần họ. Cuối cùng bác sĩ Miguel vẫn quyết định quay trở về châu Phi, mảnh đất hoang dã nơi anh được xả thân vì lý tưởng của mình. Và Wren chấp nhận ở lại, để thực hiện mục tiêu chấm dứt chiến tranh nơi đây, bởi chỉ khi đó Miguel mới có thể an tâm trở về với cô. Và có một câu nói được nhắc lại hai lần trong The Last Face, tưởng như rất sáo rỗng nhưng lại chính là triết lý của cuộc đời: “Tại sao hai người không cưới nhau? Cuộc sống rất khó khăn và chúng ta luôn cần có người để chia sẻ.” Họ đã trao cho nhau nhẫn cưới và chia sẻ khó khăn theo cách riêng của họ, chính là để người kia được thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.  

The Last Face kết thúc bằng lời tâm sự mở đầu của nhân vật bác sĩ Wren: "Trước khi gặp anh, tôi chỉ là một ý niệm, tôi không thật sự tồn tại"... Và khi gặp nhau, tình yêu đã cho họ thấy ý nghĩa của bản thân.

Không khó để phân tích ra những điểm khiến The Last Face bị đánh giá thấp như vậy. Và tất cả những phân tích trên không phải lời biện hộ cho bộ phim, mà là để thấy vấn đề hay/dở thuộc về phạm trù cảm xúc. Dù không được đánh giá cao, dù không phải là một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo, xuất sắc, nhưng nó vẫn có thể chạm tới trái tim khán giả thì đó vẫn là một bộ phim hay với họ. Bạn có biết vì sao bộ phim bạn yêu thích mà lại bị đánh giá thấp chưa? Và vì sao một bộ phim được đánh giá rất cao mà bạn chẳng thấy nó hay ở điểm nào cả? Chắc rằng câu trả lời không quan trọng bằng việc bộ phim này mang đến cho bạn cảm xúc gì không?