The Lord of the Rings (phần 2) – Hai tòa tháp

Tin điện ảnh · tranbaoduy ·

“Một thiên hùng ca bi tráng của điện ảnh với những cảnh hành động nghẹt thở cùng những cung bậc thăng trầm của xúc cảm được đan xen, tiếp nối nhau khiến cho khán giả chẳng thể nào rời mắt”.

“Một thiên hùng ca bi tráng của điện ảnh với những cảnh hành động nghẹt thở cùng những cung bậc thăng trầm của xúc cảm được đan xen, tiếp nối nhau khiến cho khán giả chẳng thể nào rời mắt”. Lời nhận xét của tờ New York Times có lẽ là đủ để nêu lên sự nổi bật của phần hai trong trilogy Lord of the Rings huyền thoại. Bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh rất riêng kết hợp cùng nét tinh hoa của cố tác giả thiên tài J.R.R Tolkien, đạo diễn Peter Jackson đã kể tiếp câu chuyện của Frodo cùng hội đồng hành trong những ngày tháng đen tối nhất của mảnh đất Trung Địa kì vĩ.

Có ai đó đã từng nói: “Người anh hùng luôn là kẻ phải chịu số phận cô đơn”, câu nói ấy có lẽ không sai, hoặc giả nó đúng với trường hợp của đoàn hộ nhẫn trong tác phẩm The Lord of the Rings. Kết thúc phần một, Boromir (Sean Bean) dũng mãnh của thành Gondor vĩ đại và Gandalf áo xám (Ian McKellen) , phù thủy già quyền lực đã vĩnh viễn chẳng còn được nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Số phận đã chọn cách chia cắt họ, như một thứ thuốc thử cho lòng dũng cảm cũng như sự kiên gan của những người đã dám đứng lên gánh vác số mệnh của cả Middle Earth.

Frodo (Elijah Wood) và Sam (Sean Astin) quyết tâm đi về vùng đất Mordor, nơi có con mắt của Sauron chúa tể ngày đêm theo dõi, soi rọi từng con đường tràn đầy bóng tối và xảo quyệt để thực hiện sứ mệnh tiêu hủy chiếc nhẫn. Còn Legolas (Orlando Bloom), Gimli (John Rhys-Davies) và Aragorn (Viggo Mortensen), họ đã chọn con đường khác vì nhận ra từ nay hội đồng hành chẳng thể nào chung lối, và, cũng vì, họ còn một nhiệm vụ khác phải làm, đó chính là giải cứu Merry (Dominic Monaghan) và Pippin (Billy Boyd) đã bị lũ Uruk-hai bắt đi. Mở đầu phần hai của Lord of the Rings đã diễn ra trong một hoàn cảnh chia ly đầy nghiệt ngã.

Tăm tối, đó chính là thứ được thể hiện rõ nhất tại Lord of the Rings: Two Towers, khác với phần một khi mà những ánh nắng vàng như rót mật luôn trải dài trên những đồng cỏ xanh rì của xứ Shire hay bóng nắng ấm áp khẽ đổ trên từng mái nhà của thung lũng RivenDell kì ảo. Ở phần hai của trilogy huyền thoại này, đạo diễn Peter Jackson đã rất tinh tế khi chọn thứ màu sắc úa tàn và âm u như một thứ ngôn ngữ biểu cảm giúp dẫn dắt người xem lạc dần vào những cuộc hành trình đầy hiểm nguy cũng như gian khổ của những người con ưu tú trên mảnh đất trung địa.

Cùng với tông mùa úa tàn của phim, một thành công khác của Lord of the Rings: Two Towers đó chính là phần kịch bản được xây dựng vô cùng rạch ròi. Được đánh giá là phần chuyển thể khó nhất trong thiên truyện kì ảo của tác giả J.R.R Tolkien bởi mở đầu và kết thúc của phần truyện này gần như rất mập mờ và khó có thể nhận biết, tuy vậy, trong chừng mực nào đó, đạo diễn Peter Jackson đã giải được cái nan đề ấy. Ông đã rất dũng cảm khi chọn cho mình lối diễn đạt song song trong phim để có thể truyền tải tối đa những cuộc hành trình bị phân tách của đoàn hộ nhẫn, cùng với đó, Peter Jackson còn tài hoa hơn trong việc thổi dấu ấn cá nhân của mình vào trong tác phẩm. Điều này giúp cho Lord of the Rings : Two Towers dù có những chi tiết khác xa nguyên tác nhưng vẫn được cộng đồng cũng như giới chuyên môn đánh giá rất cao.

Là một con người vô cùng chú trọng đến những chi tiết nhỏ, không khó để hiểu tại sao Lord of the Rings: Two Towers của Peter Jackson lại có thể đẹp và chân thực đến như vậy. Xuyên suốt chiều dài gần 180 phút của bộ phim, thế giới của Middle Earth hiện lên một cách đầy duy mĩ khiến cho người xem có cảm tưởng rằng chính họ chứ chẳng phải ai khác mới chính là những con người đang bước đi trong cái thế giới huyền ảo mà J.R.R Tolkien đã dày công sáng tạo nên. Sự cuốn hút ấy có lẽ phần nhiều đến từ những cố gắng không biết mệt mỏi của đoàn làm phim, khi mà mọi công trình trọng yếu đều được dựng lên bằng mô hình thật cùng với những đạo cụ mà các diễn viên sử dụng trong lúc quay đều là thành quả của những nỗ lực phi thường phía sau hậu trường.

Và, nếu như so sánh Lord of the Rings: Two Towers như một bàn tiệc có đủ cả hình thức lẫn vị ngon thì có lẽ phần dư vị “đậm đà” nhất chắc chắn sẽ thuộc về phân cảnh chiến đấu kinh điển tại thành Helm của vùng đất Rohan. Là một chi tiết nhiếp hồn khán giả, cảnh quay ở Helm hiện lên hào hùng cũng như đầy bi tráng như một khúc cao trào trong thiên sử thi của Lord of the Rings. Tại nơi đây, một trận chiến không cân sức giữa những con người hữu tử với loài Orc hung tàn với số lượng vượt trội đã tạo nên một bầu không khí nghẹt thở và căng thẳng đối với bất kì người xem nào.

Thế nhưng, nếu nói những cảnh chiến đấu hào hùng như một thứ vỏ hào nhoáng bên ngoài của món ăn, thì ở bên trong, Peter Jackson đã khéo léo tạo nên một thứ “nhân” tuyệt ngon bằng cách dùng những góc quay cận mặt để có thể biểu đạt được toàn bộ thứ cảm xúc run rẩy, sợ hãi của những con người trước trận đánh lớn của cuộc đời. Đây là một chi tiết vô cùng đáng giá bởi nó thể hiện được một cách hoàn hảo và vô cùng chân thực về nội tâm sâu xa của toàn bộ nhân vật trong phim. Xem đến đây, có lẽ sẽ có một số ít  khán giả chợt nhớ về hình ảnh của chàng Hector trong Troy (2004), bị cuốn vào cuộc chiến mà không phải là mình gây ra, dù biết ra trận thì cơ hội quay trở về sẽ mỏng manh như ngọn đèn trước gió nhưng chàng vẫn đứng lên và tiếp nhận số mệnh của mình. Dù cho, trong trái tim, niềm hi vọng đã rời bỏ chàng cùng nỗi sợ hãi không tên ngày càng lớn mạnh hơn.

Được đánh giá là phân cảnh hay nhất trong phim, cũng như là một trong ba cảnh chiến đấu hùng vĩ nhất mọi thời đại theo CNN, Peter Jackson và đoàn làm phim đã thực sự thành công khi theo đuổi triết lý làm phim của họ. Được biết rằng, để tạo ra cảnh tượng chiến đấu tráng lệ đến như vậy, đoàn làm phim đã phải vận dụng đến kĩ xảo cùng sự trợ giúp của 40.000 mô hình đồ chơi để có thể truyền tải được rõ ràng nhất cái bi hùng của trận đánh thành Helm lên trên màn ảnh rộng.

Thêm vào đó, Lord of the Rings: Two Towers thực sự là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình khi quái vật Gollum cũng như những người Ent cổ được truyền tải một cách vô cùng chân thực cũng như trung thành với tiểu thuyết. Được tạo hình vào năm 1998 cũng như được diễn xuất bởi diễn viên Serkis, nhân vật Gollum đã bước ra màn ảnh rộng với ngoại hình chẳng thể nào ấn tượng hơn thế. Được biết, để làm được điều này, những nhà dựng phim đã mất rất nhiều thời gian để có thể tạo hiệu ứng di chuyển đặc biệt cũng như phác họa hình dáng Gollum trên máy tính dựa theo những chuyển động cơ học của diễn viên Serkis. Còn với người Ent cổ, đội ngũ của Peter Jackson đã tốn 48 tiếng đồng hồ trên từng chuyển động của nhân vật để thổi hồn giúp cho đạo quân của những sinh vật cổ xưa nhất trên thế giới có thể ra mắt khán giả vào năm 2002.

Có lẽ, chính bởi những sự kì công đến vậy mà phần 2 của trilogy Lord of the Rings tiếp tục gặt hái vô số thành công trên khắp thế giới với doanh thu  $926,047,111, lập kỉ lục bộ phim có lợi nhuận cao nhất vào năm 2002. Không dừng lại ở đó, về khía cạnh chuyên môn, Lord of the Rings: Two Towers cũng dành được hai tượng vàng Oscar cho hạng mục Kĩ xảo xuất sắc nhất cũng như Âm nhạc xuất sắc nhất. Đây chính là phần thưởng xứng đáng nhất cho những người nghệ sỹ đã luôn dốc hết tâm huyết vì tác phẩm của mình.

Sẽ còn rất nhiều điều để nói về bộ phim Lord of the Rings: Two Towers, thế nhưng bài viết đã dài và chắc hẳn các bạn cũng đã rất nóng lòng muốn thưởng thức ngay bộ phim siêu phẩm này. Thay cho lời kết, tôi xin trích dẫn một lời nhận xét từ tạp chí USA Today về bộ phim: "Với hàng loạt trận chiến kinh điển cùng hệ thống câu truyện đa dạng được sắp xếp một cách hợp lý, Lord of the Rings: Two Towers xứng đáng là một tuyệt phẩm hay nhất trong bộ trilogy huyền thoại của Lord of the Rings."

Bài viết liên quan