Titanic - 11 Sự thật khiến bạn thay đổi góc nhìn về bộ phim kinh điển

Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Những sự thật có thể khiến bạn thay đổi cách nhìn về bộ phim Titanic và đạo diễn James Cameron.

Titanic, cái tên mà hầu hết các mọt phim đã nghe qua. Bom tấn không tuổi này đến nay vẫn khiến bao trái tim thổn thức với câu chuyện tình lãng mạn và tấn bi kịch của con tàu Titanic huyền thoại. Chuyến đi đầu tiên cũng là chuyến đi cuối cùng của nó, cùng với đó là hàng nghìn sinh mạng đang chờ mong một cuộc hải trình bình yên. Thực tế không thể nghiệt ngã hơn. Nhưng không như con tàu Titanic nhanh chóng trở thành một giai thoại mang tính răn đe với ngành hàng hải bấy giờ, bộ phim của James Cameron đã để lại di sản dài lâu cho ngành điện ảnh.

Đó là một chuyện tình mang đậm dấu ấn của Shakespeare, là một chuyện tình dang dở ở mãi tuổi thanh xuân của 2 người. Nó có gì đó thi vị, ngọt ngào nhưng cũng chua chát. Thêm vào đó, quy mô thảm kịch của tàu Titanic thêm vào phim một tầng bi kịch. Nhưng có lẽ bài học lớn nhất của Titanic là cơn bão hoàn hảo làm nên một bộ phim kinh điển. Nội dung là một chuyện, yếu tố truyền thông và một tầm nhìn của đạo diễn cũng là những điều làm nên thành công.

Tuy là vậy, Titanic lại không phải là một phim hoàn hảo. Điều khá bất ngờ là những lỗi trong đây không giống với tính chú trọng chi tiết của đạo diễn Cameron. Nghe có vẻ như chúng ta đang vạch lá tìm sâu, nhưng đối với những mọt phim có hiểu biết sâu rộng về lịch sử, những chi tiết này khó mà bỏ qua!

Những vật dụng hiện đại đi lạc vào thời Titanic

Trong phim, những thuỷ thủ đã xuống được thuyền cứu sinh lùng sục giữa tàn tích của con tàu Titanic mới chìm để tìm người sống sót. Họ đã làm điều đó với đèn pin. Vấn đề là tại thời điểm bấy giờ, thiết bị này chưa tồn tại. Nhưng đạo diễn Cameron giải thích đây là một hành động có chủ đích nhằm đảm bảo ánh sáng ổn định trong phim.

Bên cạnh đó, còng tay của Jack cũng là mẫu còng tay hiện đại. Ngoài ra, trong những cảnh giới nhà giàu, cụ thể là Cal, vung tiền để hối lộ, Cal lại sử dụng tờ 20USD. Nhưng tờ tiền này lại chưa được sử dụng vào thời kỳ này. Phải đến 1914, tức 2 năm sau khi Titanic chìm xuống đại dương, tờ 20USD mới được đưa vào sử dụng. Điếu thuốc của Jack cũng mang phong thái hiện đại không kém. Được biết thì phần đầu lọc thời bấy giới vẫn chưa phải là kiểu mẫu của một điếu thuốc. Phải nhiều năm sau đó, mẫu điếu thuốc như vậy mới ra đời.

Thêm vào đó, câu nói triết lý của Rose về sự ngạo mạn của con người khi nói con tàu Titanic không thể chìm chưa tồn tại vào thời điểm đó, mà được thiết lập bởi Sigmus Freud vào nhiều năm sau thảm hoạ của Titanic.

Không có chuyện các hành khách bị phân biệt đối xử trên tàu cứu sinh

Titanic cho thấy một sự thật nghiệt ngã về sự cách biệt giàu nghèo. Các hành khách khoang hạng nhất được ưu tiên lên tàu cứu sinh trước, trong khi những hành khách ở khoang hạng 3 lại bị nhốt dưới khoang của mình để có nhiều chỗ hơn cho những vị khách giàu có.

Trên thực tế, cảnh tượng khủng khiếp này chưa từng diễn ra. Theo các nhà sử gia, ngay khi thuyền trưởng phát lệnh sơ tán, mọi cánh cửa ngăn cách các khoang đều được mở và mọi hành khách đều được ưu tiên tìm chỗ trên tàu cứu sinh. Một điều đúng xảy ra là các thuỷ thủ đã ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em lên thuyền trước.

Bữa ăn tối giữa Rose và Jack là một trong những cảnh tượng đắt giá của bộ phim. Nó góp phần khẳng định chemistry lãng mạn giữa 2 nhân vật chính và sự đồng điệu của họ trong cách nhìn nhận cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, cảnh tượng này sẽ không bao giờ xảy ra vào thời điểm ấy.

Trong cuốn sách Reel V. Real: How Hollywood Turns Fact Into Fiction, tác giả Frank Sanello đã trích lời của một sử gia giúp ông viết cuốn sách “Các giai cấp được phân định rất rõ ràng trên Titanic”. Tức, một người ở khoang hạng 3 như Jack sẽ không bao giờ được phép lên khoang hạng nhất, ngược lại, các khách hạng nhất cũng không được phép xuống khoang hạng 3. Như vậy, không những cảnh ăn tối, mà bữa tiệc Jack dẫn Rose đến dự ở khoang hạng 3 sau đó cũng không thể diễn ra. Thật may là Titanic là một bộ phim điện ảnh thay vì tư liệu.

Nụ hôn nồng cháy ở phòng động cơ không xảy ra

Thời bấy giờ, Titanic là một con tàu chạy bằng động cơ hơi nước. Nghĩa là con tàu này có một căn phòng liên tục đốt than để giữ động cơ hoạt động. Điều đó, và thiết kế cải tiến sang trọng hơn, biến Titanic thành hình mẫu mơ ước của ngành đóng tàu thời bấy giờ. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa nụ hôn mà Jack dành cho Rose ở phòng động cơ không thể diễn ra.

Vì cả hai lúc đó đang ở bộ phận đốt than và bụi than bay đầy trong không khí, hoàn toàn có thể làm một người trưởng thành hoá đen và gặp phải nhiều bất tiện khác. Đây không phải là điều kiện lý tưởng để nắm tay đi ngang qua, chứ đừng nói là hôn nhau nồng cháy như vậy. Tuy nhiên, như đã nói, Titanic là một phim điện ảnh, chứ không phải phim tài liệu.

Jack, Rose và những hành khách khác đáng ra đã thiệt mạng sớm hơn

Trong bộ phim, một sự thật được đưa ra là nhiệt độ của nước xung quanh con tàu Titanic gần như đóng băng. Tuy nhiên, Jack và Rose (trong số những người khác) được cho thấy họ hì hục trong những phần bị nước tràn vào ít nhất 30 phút hoặc lâu hơn nhưng lại không gặp phải hậu quả nào.

Mặc dù các tác động sinh lý của việc ngâm mình trong nước đóng băng của mỗi người là khác nhau, nhưng điều đáng chú ý là trong cuốn sách của Daniel Allen Butler, Unsinkable: The Full Story Of RMS Titanic, có đề cập rằng hầu hết những người xuống nước lúc đó có nhiệt độ -2°C (28°F) đều chết trong 15-30 phút. Mặc dù nước vào tàu có thể đã bớt lạnh hơn do không tiếp xúc với không khí, nhưng nó hoàn toàn có thể khiến người ta sốc nhiệt. Jack và Rose có thể đã bị các triệu chứng hạ thân nhiệt từ nhẹ đến trung bình và cuối cùng là sốc lạnh. Thêm vào đó, nước biển không sạch đến mức trong vắt đến vậy và bộ đầm mong manh của Rose không thể bảo vệ cô khỏi cái lạnh của nước biển lúc đó.

Như vậy, trường hợp của Jack và Rose còn nguy hiểm hơn những gì được thể hiện trong phim. Nếu đây là thực tế, Jack và Rose đã bỏ mạng ở khoang tàu sớm hơn bộ phim đã diễn giải. Điều này cũng có nghĩa là những người rơi xuống biển khi tàu chìm cũng bỏ mạng nhanh hơn trong dòng nước còn lạnh hơn cả lượng nước đã tràn vào Titanic.

Độ gãy của tàu Titanic

Trước khi làm một phim như Titanic, việc nghiên cứu rất quan trọng. Xác tàu của Titanic thật cho thấy nó bị gãy làm đôi trong quá trình chìm, nhưng Cameron chỉ có thể đưa ra giả thuyết về việc nó đã xảy ra như thế nào. Ở đoạn gần cuối của Titanic, con tàu dựng lên gần như thẳng đứng: đuôi tàu nhô lên gần 90 độ so với mặt nước, con tàu bị gãy làm đôi, và nửa sau đâm xuống sau khi phần đuôi tách hẳn ra. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm thêm cho thấy sự việc có khả năng không xảy ra theo cách bộ phim đã dàn dựng.

Khi Cameron thu thập thêm dữ liệu về con tàu và giám sát các thí nghiệm mô hình, ông phát hiện ra rằng con tàu chỉ lệch khoảng 23 độ so với mặt nước khi nó bị gãy làm đôi chứ không phải 90 độ. Phiên bản của bộ phim tạo ra một cảnh tượng kịch tính hơn, nhưng không phải là một cảnh chính xác.

Will Murdoch là một người hùng thật sự

Titanic có thể là một phim tình cảm cảm động, một phim về thảm hoạ chìm tàu quy mô, nhưng nó cũng là một phim đã bóp méo hình tượng anh hùng một cách không cần thiết. Đó là Will Murdoch.

Người xem sẽ nhớ nhân vật này là thuyền phó đã chĩa súng vào đám đông đang sống chết lên thuyền cứu sinh bất chấp lệnh ưu tiên cho trẻ em và phụ nữ. Murdoch đã nổ súng và không may viên đạn đã lấy mạng một hành khách. Sốc và tội lỗi, Murdoch đã tự sát. Trên thực tế, Will Murdoch là một người hùng thật sự khi cố gắng nhồi nhét hành khách lên 10 thuyền cứu sinh. Ông đã cứu mạng rất nhiều ngươi vào buổi đêm định mệnh đó trước khi hy sinh. Còn về vụ nổ súng, những hành khách sống sót đã xác nhận có một vụ nổ súng diễn ra trên tàu, nhưng là do ai thì họ không chắc.

Về chi tiết này, Cameron đã nói bản thân đã không hành xử như một sử gia khi sử dụng tình tiết đó. Ông thực hiện nó với tư cách là một biên kịch và không lường trước được phản ứng tiêu cực từ gia đình của Murdoch và những người được ông cứu sống. Khỏi phải nói họ đã giận dữ như thế nào về hình tượng của người hùng bị bóp méo như vậy.

J. Bruce Ismay không phải là kẻ hèn như phim mô tả

Nhiều nhân vật của Titanic dựa trên những hành khách có thật, và chủ tịch của White Star Line, J. Bruce Ismay cũng không phải là ngoại lệ. Bộ phim miêu tả ông ta như một nhân vật phản diện, thúc đẩy con tàu chạy nhanh hơn và sau đó lẻn vào một chiếc thuyền cứu hộ khi những người đàn ông đang cố gắng đưa vợ hay con gái của mình lên thuyền cứu hộ. Là người đứng đầu của White Star Line, công ty chế tạo con tàu Titanic, để sống sót sau vụ chìm tàu, Ismay được truyền thông tô vẽ là kẻ hèn nhát và phản diện, nhưng sự thật có vẻ như không phải vậy.

Cuộc điều tra của chính phủ Anh về tàu Titanic cho thấy Ismay đã giúp những hành khách khác lên thuyền cứu sinh trước khi tự mình lên thuyền cứu sinh cuối cùng rời mạn phải của Titanic. Những người sống sót kể lại nhiều phiên bản khác về cách Ismay sống sót: anh ta nhảy lên chiếc thuyền cứu sinh đầu tiên, anh ta yêu cầu phi hành đoàn của mình chèo kéo anh ta đi, hoặc Giám đốc điều hành ra lệnh cho anh ta lên một chiếc thuyền cứu sinh. Nhưng có vẻ việc ông ta giúp đỡ các hành khách và là một trong những hành khách cuối cùng rời tàu thật sự diễn ra.

Tai tiếng mà Ismay gánh chịu sau thảm hoạ phần nhiều là do ông trùm báo chí William Randolph Hearst – người có hiềm khích với Ismay năm trước gieo rắc. Thật đáng buồn là Ismay không thể hồi phục sau những màn chỉ trích. Titanic đã có thể là cơ hội sửa sai cho Ismay, nhưng James Cameron đã có một suy tính khác.

Nhân vật Molly Brown do Kathy Bates thủ vai dựa trên quý bà Margaret Brown thực sự có mặt trên con tàu Titanic. Thật đáng buồn là quý bà này lại trở thành một trong những nhân vật bị Cameron gạt qua bên lề.

Lúc này đây, Margaret vẫn chưa có cái biệt danh “unsinkable Molly Brown” như phim đã truyền bá. Bà chỉ được gọi như vậy sau khi qua đời. Lúc còn sống, Molly là một phụ nữ tháo vát và mạnh mẽ. Khi Titanic chìm, Molly đã ra sức cứu những hành khách khác, sau đó, bà còn tổ chức những buổi phát quần áo, thức ăn cho những người sống sót. Lên bờ, Molly tổ chức buổi quyên góp cho các nạn nhân của Titanic, dựng đài tưởng niệm và đấu tranh cho quyền phụ nữ… Nhưng Molly chỉ có được vài cảnh trong Titanic trôi qua nhanh chóng bị đánh đồng với những người phụ nữ thượng lưu khác.

Thomas Andrew cũng có công trong việc sơ tán Titanic

Một nhân vật nữa phải chịu cái nhìn bất công của Cameron. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Titanic cho thấy vị kỹ sư trưởng của Titanic ngồi im trong cơn sốc. Thực tế thật sự rất khác. Thomas Andrew đã dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời giúp các hành khách lên tàu cứu hộ, ném những vật dụng trên tàu xuống để những người bị rơi xuống biển có cái để bấu víu, thậm chí tranh cãi với các hành khách không tin con tàu đang chìm. Sau khi chiếc thuyền cứu hộ cuối cùng được hạ thuỷ, Andrew đơn giản trút bỏ áo phao của mình, nhường lại chỗ của mình cho một hành khách khác và ngồi chờ cái chết đến.

Đây được coi là xuất phát từ tinh thần xem bản thân là thành viên của thuỷ thủ đoàn của Andrew và quyết định phải ra đi cùng con thuyền. Nhìn chung, Andrew cũng là một người hùng của Titanic

Không ai tin rằng con tàu Titanic thật sự không thể chìm

Bộ phim của Cameron khiến nhiều người tin rằng con tàu Titanic được mệnh danh là “không thể chìm”, nhưng trên thực tế, không ai thời đó, kể cả kỹ sư trưởng tin rằng con tàu Titanic thật sự không thể chìm. Đó chỉ là một lời thoại mang tính cường điệu. Và tất nhiên cũng không phải lý do tại sao Titanic có ít thuyền cứu sinh như vậy. Thật ra, khái niệm an toàn hàng hải là khái niệm mà người bấy giờ vẫn chưa xem trọng. Họ chỉ đơn giản là không nghĩ tới mà thôi. Thật trớ trêu là chính tâm lý đó đã dẫn đến việc chế tạo Titanic trong một hệ thống tư tưởng hời hợt trong việc đảm bảo an toàn trên biển. 

Thảm kịch của Titanic không được giới hàng hải nhớ đến như một câu chuyện về tình yêu và hy sinh, mà được xem là lời nhắc nhở vô cùng đau đớn và cay đắng về cách vận hành của ngành hàng hải lúc bấy giờ, cũng như thúc đẩy những thay đổi quan trọng về việc đi lại trên biển.

Dẫu biết khi lên phim, những sự kiện có thật sẽ được thêm thắt nhiều yếu tố cường điệu, tuy nhiên, có vẻ như các quyết định thay đổi của Cameron thực sự đáng tiếc. Với độ phủ sóng của bộ phim, Cameron đã bóp méo hình ảnh của các cá nhân thật sự anh hùng đêm định mệnh đó. Những đồ vật hiện đại xuất hiện trong Titanic có thể được bỏ qua, ngay cả việc trái khoa học cũng có thể được du di, nhưng thay đổi những anh hùng vì lý do cường điệu thì khó mà chấp nhận được.

Ảnh: The Bustle