Tokyo Story - Tác phẩm bình dị và xúc cảm về gia đình của Yasujiro Ozu

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · KNTT ·

Phim của Ozu như Tokyo Story mang cảm giác gần gũi, đời thường với những đề tài quen thuộc về gia đình.

Tokyo Story là một bộ phim của Yasujiro Ozu, người được xem là một trong những đạo diễn có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Ozu là một đạo diễn và biên kịch người Nhật Bản, bắt đầu sự nghiệp làm phim khi phim câm còn đang thịnh hành. Ban đầu, những bộ phim mà Ozu thực hiện thuộc thể loại phim hài, thế nhưng ông dần chuyển hướng sang những đề tài nghiêm túc hơn vào những năm 1930, đặc biệt khi ông quay trở về sau khi phục vụ trong quân đội.

Đạo diễn Yasujiro Ozu
Đạo diễn Yasujiro Ozu

Các bộ phim của Ozu thường tập trung vào những chủ đề như hôn nhân và gia đình, khoảng cách và sự mâu thuẫn giữa các thế hệ, với những cái tên được đánh giá là kinh điển bao gồm Late Spring (1949), The Flavor of Green Tea Over Rice (1952), Floating Weeds (1959), An Autumn Afternoon (1962),... Trong số đó, Tokyo Story (1953), cũng là một bộ phim về gia đình, được đánh giá không chỉ là một trong những bộ phim hay nhất của Ozu, mà còn là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại, như trong một cuộc bình chọn của tạp chí Sight & Sound vào 2012, Tokyo Story được xếp ở vị trí thứ 3 bởi các nhà phê bình trên thế giới, chỉ sau Vertigo (thứ 1) của Alfred Hitchcock và Citizen Kane (thứ 2) của Orson Welles. 

Hai vợ chồng già Shukichi và Tomi do Chishu Ryu và Chieko Higashiyama thủ vai trong phim.
Hai vợ chồng già Shukichi và Tomi do Chishu Ryu và Chieko Higashiyama thủ vai trong phim.

Tokyo Story lấy bối cảnh ở Nhật Bản hậu thế chiến thứ 2, kể về câu chuyện của hai vợ chồng Shukichi và Tomi Hirayama, sinh sống trong một ngôi làng ở Onomichi. Gia đình của họ bao gồm 5 người con: người con gái út Kyoko thì sống cùng với họ ở Onomichi, hai đứa con lớn đầu là Koichi (người con trai lớn nhất) và Shige (người con gái) ở Tokyo, đứa con trai Keizo ở Osaka còn một người con trai khác tên là Shoji thì đã mất tích trong chiến tranh và được cho là đã chết 8 năm trước. Hai vợ chồng quyết định thực hiện một chuyến đi đến Tokyo để thăm những đứa con và gia đình của chúng, tiện thể ghé qua Osaka giữa đường để gặp người con trai kia. Thế nhưng, những người con ruột lại quá bận rộn với cuộc sống để quan tâm đến cha mẹ của họ, trong khi người vợ Noriko của đứa con đã mất (người vẫn còn ở một mình và chưa thể bước tiếp) lại là người chăm lo cho cặp đôi vợ chồng già nhất.

Tokyo Story là một bộ phim về mâu thuẫn, sự kỳ vọng giữa các thế hệ trong gia đình.
Tokyo Story là một bộ phim về mâu thuẫn, sự kỳ vọng giữa các thế hệ trong gia đình.

Nếu như đây là lần đầu mà bạn được xem phim của Ozu, bạn sẽ thấy rằng nó rất khác biệt so với nhiều bộ phim ở thời hiện đại mà bạn đã xem qua trước đó. Tokyo Story được làm ra ở khoảng giữa thế kỉ trước và có tỉ lệ khung hình là 1.37:1, hay được biết đến là tỉ lệ khung hình của Viện Hàn Lâm, cũng như chỉ có hai màu là đen và trắng, mà điểm khác biệt còn nằm ở phong cách làm phim đặc trưng của Ozu khi ông từ chối đi theo chuẩn mực của Hollywood như cách đặt góc máy quay hay sự chuyển đổi giữa các cảnh phim, nhằm mang đến sự đời thường trong các bộ phim của ông, vừa đơn giản nhưng cũng chứa đựng chiều sâu không kém.

Sự sắp đặt đồ vật và nhân vật trong cảnh quay của Tokyo Story không chỉ tạo hiệu ứng về mặt hình ảnh mà còn mang ý nghĩa về mặt câu câu chuyện.
Sự sắp đặt đồ vật và nhân vật trong cảnh quay của Tokyo Story không chỉ tạo hiệu ứng về mặt hình ảnh mà còn mang ý nghĩa về mặt câu câu chuyện.

Tokyo Story mở đầu với những cảnh quay của cuộc sống hằng ngày, là hình ảnh tĩnh lặng của bến cảng, những cô nhóc cậu nhóc bước đi đến trường, là hình ảnh đoàn tàu chạy ngang qua thị trấn, và kết thúc bằng việc chuyển cảnh sang những nhân vật chính của bộ phim. Đây chính là cách mà Ozu dùng để chuyển đổi giữa các cảnh phim, chèn vào giữa các cảnh hình ảnh tĩnh của môi trường xung quanh, hay cắt thẳng sang cảnh tiếp theo thay vì sử dụng những hiệu ứng chuyển cảnh quen thuộc như cảnh này đè lên cảnh kia (overlap), làm mờ (dissolve) hay cảnh dần hiện ra hoặc biến mất đi (fade in/out). Ozu mong muốn tạo ra được một cảm giác đời thường khi khán giả xem phim của ông theo những cách đơn giản nhất và không cần phải quá phô trương, và điều đó cũng được thể hiện qua cách ông bố trí và sắp đặt máy quay.

Tokyo Story lấy bối cảnh sau chiến tranh, thời kì mà nước Nhật đang dần được công nghiệp hóa bởi phương Tây và những giá trị gia đình đang dần biến mất đi.
Tokyo Story lấy bối cảnh sau chiến tranh, thời kì mà nước Nhật đang dần được công nghiệp hóa bởi phương Tây và những giá trị gia đình đang dần biến mất đi.

Một điều mà chúng ta thường thấy trong các cảnh đối thoại đó là máy quay sẽ được đặt phía bên vai của một người, trong khi người đối diện đang nói chuyện (trong điện ảnh gọi là quy tắc 180/180 degree rule). Thế nhưng, Ozu lại phá vỡ quy luật đó bằng cách để người đang nói chuyện đối diện trực tiếp với người xem, cũng như đặt máy quay ở vị trí thấp ở tầm mắt của một người đang quỳ trên tấm chiếu tatami, hay còn được gọi là tatami shot. Thực chất, thường thì máy quay còn được đặt thấp hơn thế nữa, khoảng 30 - 60 cm so với mặt đất, kết hợp với sự giới hạn của khung hình 1.37:1 giúp tạo ra cảm giác thân mật, gần gũi, khiến người xem có cảm tưởng rằng họ đang trò chuyện trực tiếp với những nhân vật trong bộ phim.

Setsuko Hara (người thủ vai Noriko trong phim) là nữ diễn viên thường xuất hiện trong các phim của Ozu.
Setsuko Hara (người thủ vai Noriko trong phim) là nữ diễn viên thường xuất hiện trong các phim của Ozu.

Ban đầu, có thể bạn sẽ có chút bỡ ngỡ hoặc cảm thấy hơi bất thường khi một nhân vật lại nhìn thẳng vào bạn như vậy, nhưng dần qua thời gian, khi bạn cảm nhận và hiểu được những gì đang diễn ra với những nhân vật trong phim, nhất là ở những cảnh phim quan trọng nhất, bạn sẽ thấy rằng đó là những khoảnh khắc mà bạn được kết nối với họ, được nghe họ thổ lộ những suy nghĩ thầm kín, những cảm xúc được cất giấu bên trong với chính bạn. Tuy câu chuyện của Tokyo Story thoạt nghe có vẻ đơn giản khi nó tập trung vào các thế hệ trong một gia đình, với một nhịp điệu chậm và yên tĩnh, thế nhưng qua con mắt của Ozu, bộ phim lại chứa đựng cảm xúc vô cùng to lớn, bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thời đại và văn hóa ở Nhật lúc bấy giờ, cũng như sở hữu thông điệp mang tính toàn cầu: con cái rốt cuộc rồi cũng lớn và rời xa cha mẹ chúng.

Tokyo Story chứa đựng những nỗi buồn về sự cô đơn khi con người ta dần già đi.
Tokyo Story chứa đựng những nỗi buồn về sự cô đơn khi con người ta dần già đi.

Thế nên, đừng lo lắng khi đây là lần đầu bạn xem phim của Ozu, cho dù bạn chưa biết gì về bản thân ông hay những kĩ thuật làm phim của ông. Đối với Ozu, người viết nghĩ rằng ông đơn giản chỉ muốn bạn hãy xem phim của ông và cảm nhận nó, bởi vì như đã đề cập trước đó, phim của ông mang một cảm giác bình dị, gần gũi và đời thường, có lẽ là thứ điện ảnh thuần túy nhất.

Ảnh: IMDb