Tổng hợp những bộ phim Việt có bối cảnh retro xuất sắc nhất từ trước đến nay
Tin điện ảnh · Chou186 ·
Thời gian vừa qua, chúng ta có những bộ phim không chỉ tốt về nội dung mà còn mang lại một sự hoài niệm tinh tế, khôi phục niềm tin của khán giả về chất lượng phim Việt Nam.
Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam có xu hướng thực hiện những bộ phim có chất liệu retro nhằm gợi nhớ về một quá khứ huy hoàng và đôi khi, chỉ gợi lại những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu mà rất nhiều khán giả nào cũng tìm thấy chính mình ngay trong đó.

Làm phim mà có yếu tố retro là một điều không hề dễ dàng, các biên kịch và đạo diễn phải làm sao vừa có thể truyền tải một nội dung tốt, không sáo rỗng vừa phải truyền đạt những chất liệu xư cũ lên màn ảnh rộng khéo léo sao cho khán giả hiện nay có thể cảm thụ.
Cả một bầu trời tuổi thơ ùa về trong Cô Gái Đến Từ Hôm Qua
Sau những thành công đạt được từ bộ phim remake của Hàn Quốc Em Là Bà Nội Của Anh hồi 2017, Phan Gia Nhật Linh đã tiếp tục cố gắng dành hết tâm huyết cho bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm Cô Gái Đến Từ Hôm Qua của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn lưu giữ và tái hiện những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu của mọi người. Xuyên suốt Cô Gái Đến Từ Hôm Qua là những thước phim hài, lãng mạn tái hiện sự rung động lạ lẫm của thứ tình cảm đầu đời giữa Thư (Ngô Kiến Huy) và Việt An (Miu Lê).

Với Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, người xem có thể dễ dàng hoài niệm về thời học trò những năm 90, cụ thể là năm 1997. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã tinh tế khi đưa vào phim những bộ đồng phục đặc trưng của thời điểm đó. Bên cạnh tà áo dài thướt tha tung bay trong gió toát lên nét đẹp dịu dàng của nữ sinh, đồng phục nam sinh chính là những chiếc áo sơ mi thụng đơn giản phối hợp với quần tây xanh. Trong khi ngày nay, các trường trung học cách tân đồng phục bằng những hoạ tiết ca-rô hay màu sắc sặc sỡ chủ đạo trên những chiếc váy, thắt nơ hay cà-vạt nữ sinh và viền xuyến trên những cánh tay áo nam sinh. Rõ ràng, khán giả trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh sẽ thấy thích thú khi chứng kiến tận mắt những khác biệt của thế hệ mình với những người đi trước. Và ngược lại, những ai đã lâu rồi không khoác lên mình những bộ đồng phục giản dị đó ắt sẽ thấy bồi hồi nhung nhớ.

Không chỉ vậy, khán giả còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy nét cổ kính khi bối cảnh chính của phim được quay ngay tại phố cổ Hội An. Những nhành hoa phượng vĩ, những con đường mang nét thanh bình có chút đượm buồn làm người xem hoài niệm về những năm tháng ấy. Có người học trò nào mà không một lần nhặt những bông hoa phượng rơi trên sân trường mà ép vào quyển vở đâu, hay những dòng lưu bút của những học sinh năm cuối luôn rải rác những bông phượng khô gợi nhớ về một thời cắp sách đến trời vô ưu. Nếu giảm một chút màu sắc, làm nó cũ hơn, đạo diễn sẽ dễ dàng hướng khán giả hoài niệm về những năm tháng ấy.
Phan Gia Nhật Linh còn tinh tế khi để những quyển truyện Bảy Viên Ngọc Rồng huyền thoại tuổi thơ trên kệ sách trong căn phòng nhỏ của Thư. Không chỉ vậy, cũng từ đây mà ca khúc trên bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh như Tình Đơn Phương, Phượng Hồng… đã sống dậy sau khoảng thời gian dài bị lãng quên vào dĩ vãng.
Tháng Năm Rực Rỡ và quá khứ huy hoàng của thời niên thiếu
Giữa tâm bão remake trong thế giới điện ảnh Việt hiện nay, Tháng Năm Rực Rỡ xuất sắc nhận được nhiều lời khen ngợi khi cân bằng được bản gốc và bản Việt hóa. Lấy bối cảnh chính tại Đà Lạt những năm 1970, Tháng Năm Rực Rỡ là câu chuyện song song giữa một thời nữ sinh lừng lẫy và thời trung niên trầm lặng của nhóm Ngựa Hoang. Phim quy tụ dàn diễn viên chất lượng như Mỹ Duyên, Hồng Ánh, Hoàng Yến Chibi, Hoàng Oanh...

Đây là một trong những bộ phim mang đậm xu hướng retro. Ngay từ bản trailer, người xem có thể dễ dàng nhận ra màu phim tươi tắn nhưng không kém phần cổ điển. Đặc biệt là những bộ trang phục đầy sắc màu được phối hợp rất hài hòa và tinh tế khiến những tín đồ yêu thích sự hoài cổ phải mê mệt, từ phong cách hippie với những ống quần jeans loe ra, quần xắn gấu bụi bặm cùng áo len hoặc áo thun mang tông màu sặc sỡ. Những bộ trang phục này đã phần nào thể hiện được tính cách của hầu hết các nhân vật. Tuy nhiên, phim lại vấp phải hạt sạn to đùng khi nhân vật của Khổng Tú Quỳnh mang giày cao gót và đế bệt của thập niên 1990.

Bên cạnh đó, bối cảnh Đà Lạt những năm 1970 đã được dựng lại một cách công phu với những biển quảng cáo vẽ tay dựa trên hình chụp thời xưa như Sữa đậu nành cô Năm, Bách hóa tổng hợp Hồng Đào… Những khung cảnh đặc trưng từ góc phố, con dốc, vườn hoa cẩm tú cầu cho đến những chiếc xe Honda, Vespa huyền thoại đã gợi khán giả hoài niệm về hình ảnh Đà Lạt tại thời điểm đó. Ngoài ra, những giai điệu trong các ca khúc như Kim Ơi, Ru Ta Ngậm Ngùi… vang lên làm khán giả trở nên sửng sốt và bồi hồi quay về những năm tháng cũ.
Cô Ba Sài Gòn cùng tà áo dài quyền lực của người phụ nữ Việt Nam
Cô Ba Sài Gòn lấy bối cảnh chính tại Sài Gòn vào những năm 60, kể về hành trình xuyên không đến tương lai của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), cô chủ hiệu may Âu Phục, con gái của nhà may áo dài lừng danh Thanh Nữ. Cô Ba Sài Gòn đã xuất sắc khi nêu cao được giá trị văn hóa tinh thần của chiếc áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam.

Qua bộ phim, người xem sẽ biết cách may áo dài truyền thống một cách chi tiết nhất và khó nhằn thế nào. Bên cạnh đó, những chiếc áo dài đã được nhấn thêm các họa tiết quen thuộc, không bao giờ lỗi mốt như gạch bông, chấm bi… tôn lên nét năng động, cá tính và trẻ trung cho người mặc, đồng thời khiến người xem hoài niệm về căn nhà nhỏ thân thương. Chắc chắn không thể không kể đến những phụ kiện, trang sức như chuỗi ngọc trai, lắc tay... cùng kiểu tóc bới đi kèm như bờm vải bản to đơn sắc là đặc trưng những năm 60. Trong thời đại này, phụ nữ Việt Nam không chỉ đơn thuần mặc đồ cho đẹp mà còn thể hiện địa vị xã hội của bản thân. Giữa làn sóng Âu phục đang xâm nhập, tà áo dài Việt Nam nổi bật không kém cạnh.

Ngoài ra, Cô Ba Sài Gòn còn cho khán giả biết thêm lịch sử của các nhà thiết kế nổi tiếng cùng những hãng thời trang danh giá hiện nay như Gucci, Yves Saint Laurent… mà bất kỳ tín đồ thời trang nào cũng cảm thấy thích thú.
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Nếu hỏi bộ phim nào để lại nhiều gợi nhớ về tuổi thơ nhất thì trong số đó chắc chắn không thể bỏ sót Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của đạo diễn Victor Vũ, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh xoay quanh tuổi thơ nghèo khó của hai anh em Thiều và Tường, qua đó khắc họa những rung động lạ lùng đầu đời, tình cảm gia đình thân thương và cả nỗi buồn trong khoảng thời gian trưởng thành.

Đây cũng là lí do tại sao lại nói bộ phim như một vé để trở về tuổi thơ. Đạo diễn đã tinh tế khi chọn vùng quê Phú Yên với những cánh đồng mênh mông bát ngát cùng gam màu xanh mát làm cho người xem cảm thấy trong lòng bình yên đến lạ thường và nhớ về khung cảnh làng quê những năm xưa.

Bộ phim còn nhắc đến những trò chơi đặc trưng của con nít năm xưa như đá cỏ gà, bắt ốc hay mỗi chiều hẹn nhau ra đồng thả diều… Những trò chơi tuy đơn sơ là thế nhưng lại đem đến cảm giác bồi hồi, xuyến xao khó tả cho khán giả. Khi mà thế giới ngày càng hiện đại và phát triển như hiện nay, trẻ con cũng thay đổi trò chơi. Chúng không còn hẹn nhau quây quần vui đùa mà giờ đây, mỗi người đều cắm mắt vào màn hình của máy game, máy ipad đang cầm trên tay.

Không chỉ vậy, tính đố kỵ, ganh ghét của Thiều đối với em trai cũng đã phác họa được phần nào nét trẻ con mà mỗi người từng trải qua. Chắc hẳn ai cũng sẽ mỉm cười khi nhớ lại khoảng thời gian và tính khí sai trái này của mình. Trong tuổi thơ mỗi người đều có lúc vui lúc buồn, nhân vật trong phim này cũng vậy. Ngay lúc gặp hoạn nạn khó khăn nhất mới thấy tình làng nghĩa xóm quý giá biết bao và câu tục ngữ “Họ hàng xa không bằng láng giềng gần” tưởng chừng như rơi vào quên lãng đã gợi nhắc khán giả về những người thân đang bên cạnh ta.
Em Gái Mưa
Sắp tới điện ảnh Việt sẽ ra mắt bộ phim Em Gái Mưa, phiên bản điện ảnh dựa trên MV nổi tiếng cùng tên do ca sĩ Hương Tràm thể hiện, hứa hẹn sẽ đem tới nhiều cung bậc cảm xúc và làm thổn thức những trái tim lần đầu biết yêu. Như MV, bộ phim cũng kể về mối tình thầy trò thoáng qua cùng niềm vui nỗi buồn mà mối tình đầu dang dở để lại. Không chỉ vậy, phim cũng đã thêm thắt nhiều chi tiết xoay quanh tình bạn chân thành và những ước mơ hoài bão của mỗi người ở năm học cuối cấp khi chuẩn bị bước sang trang mới của cuộc đời.

Đạo diễn Kawaii Nguyễn Tuấn Anh thật khôn ngoan khi chạy theo xu hướng retro, lấy bối cảnh đầu những năm 2000 nhằm thu hút sự chú ý của khán giả. Tuy trailer phim có màu sắc hơi ánh vàng khiến người xem cảm thấy khó chịu nhưng khung cảnh lãng mạn của cung đường đèo có hàng cây trải dọc hai bên cùng khung cảnh yên tĩnh của mặt hồ được quay tại Đà Lạt. Như Tháng Năm Rực Rỡ, những bảng hiệu trong phim đều được vẽ tay lại một cách tỉ mỉ. Tuy nhiên, việc đưa vào những chi tiết của thời hiện đại như dây đèn lãng mạn của Hàn Quốc hay trào lưu đứng hình Mannequin năm vừa qua khiến khán giả cảm thấy có chút bối rối.

Ngoài ra, những bộ quần áo trong phim đã toát lên vẻ chân chất, mộc mạc, giản dị của các nhân vật cùng thời điểm mà đạo diễn muốn nhắm đến. Bên cạnh đó, mái tóc bổ luống, hai mái huyền thoại của nam ca sĩ Đan Trường ở năm 2000 đã được Mai Tài Phến gợi nhớ đến. Mái tóc này cũng có vẻ khá phù hợp với diện mạo thư sinh của thầy giáo mưa này.
Bộ phim Em Gái Mưa hứa hẹn sẽ đem lại cho khán giả những thước phim đặc sắc và hồi tưởng về tình cảm đơn phương cùng mối tình đầu nhẹ nhàng nhưng đầy đau khổ của nhân vật nữ chính. Phim dự kiến ra mắt vào ngày 01.06
Thành viên: Chou186 và vlynd