Train to Busan – Câu chuyện của “Những chúng ta”

Tin điện ảnh · Vw ·

Bộ phim cứ thế phác họa từng nét một nhân vật, để rồi khán giả bỗng dưng bất ngờ khi tìm thấy chính mình nơi các con người ấy.

Bối cảnh phim là chuyến tàu đi Busan khi dịch zombie lây nhiễm khắp đất nước Hàn Quốc. Ở đó, câu chuyện về nhân tính của “những chúng ta” lần lượt được kể. Mỗi nhân vật trên chuyến tàu kia chính là khởi nguyên hoặc hậu quả mà chúng ta đã, đang hoặc sẽ trở thành.

Cô bé Soo An là một “chúng ta “ khi còn thơ bé. Cô bé ấy luôn giúp đỡ người khác. Như tất cả chúng ta khi còn nhỏ nhìn cuộc đời đơn thuần qua những câu chuyện cổ tích hay những bài học đạo đức, về giúp đỡ người già, về không coi thường người khác. Thế nhưng chẳng có trường lớp nào dạy cách để yêu thương mà Soo An vẫn có thể yêu nhiều và trọn vẹn đến thế. Cô bé không thể hoàn thành bài hát vì không có cha ở đó, mặc kệ những lời xấu xa về cha vì cô bé nghe nhiều rồi, sẵn sàng đi tàu một mình chỉ để được gặp mẹ vào hôm sinh nhật và như lời người bà nói “Dù có yêu thương nhiều thế nào thì ta cũng không thể thay thế được mẹ của con bé.” Đó chính là thứ tình yêu tự nhiên, thuần khiết và kiên định của trẻ con dành cho cha mẹ của chúng.

Cha của Soo An là Seok Woo, anh là hình mẫu điển hình của một “chúng ta” khi đã trưởng thành. Anh thực tế và ích kỉ. Anh lưu số của người vợ đang ly thân là “Vợ cũ.” Anh dạy con gái, “Không cần giúp đỡ người khác vào những lúc thế này". Anh không hề sai. Bởi vì chính cuộc sống bộn bề toan tính này đã đúc khung ra những con người như anh, những con người hời hợt, qua loa với cả người thân yêu bên cạnh họ, nhưng cầu toàn và dễ dàng để guồng máy công việc cuốn đi.

Bà lão Jong Gil cũng là một “chúng ta” khi đã trưởng thành. Bà cười khẩy khi thấy chị mình làm việc tốt. Bà không hiểu và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được tại sao chị bà lại có thể chịu thiệt thòi để giúp đỡ người khác. Bà cũng giống như Seok Woo, lí trí đến nhỏ nhen. Sau tất cả, bà vẫn khát khao được thương yêu dù tình yêu của bà vẫn đậm màu ích kỉ, chỉ cần được bên người chị của mình bà có thể bất chấp mà bỏ mặc những con người vô cảm kia.

Một “chúng ta” thơ bé kia nếu trưởng thành mà có thể giữ mãi một trái tim ấm nóng thì sẽ như thế nào? Bà lão In Gil chính là một người như thế. Bà sinh ra là để trao đi yêu thương vô điều kiện, không vụ lợi, không toan tính. Đó còn là đôi vợ chồng Sung Gyeong và Sang Hwa. Họ được lý tưởng hóa để trở thành hình mẫu mà khi còn bé ta luôn mong được trở thành. Người chồng mạnh mẽ, can đảm và tốt bụng còn người vợ thì xinh đẹp, thông minh và nhân hậu.

Gã ăn mày là một “chúng ta” điển hình khác, một kẻ thua cuộc. Có bao giờ bạn cảm thấy dù có cố gắng thì vô tình mọi việc đều hỏng hết? Gã luôn làm mọi chuyện hỏng bét và liên lụy người khác. Gã hèn nhát, yếu đuối và là gánh nặng cho mọi người. Người ta khinh bỉ gã, mỉa mai và dùng gã như một ví dụ điển hình của cặn bã xã hội.

Yong Suk là phản diện chính của phim. Hắn tham sống và ích kỉ. Hắn giống một Soo Ah lớn lên với tư tưởng vị kỉ mà Seok Woo dạy cho cô bé và còn phát huy tốt hơn thế nữa. Dù có bào chữa bằng lí do gì, một Yong Suk kia đã đủ ghê tởm và đáng sợ hơn cả một trận đại dịch zombie.

Bộ phim cứ thế phác họa từng nét một nhân vật, để rồi khán giả bỗng dưng bất ngờ khi tìm thấy chính mình nơi các con người ấy. “Chúng ta” khi còn ấu thơ cũng yêu thương bản năng và không suy tính như Soo An. Gã ăn mày kia ngoài ham muốn sống thì gã vẫn luôn nỗ lực để làm điều đúng đắn, như tất cả chúng ta. Seok Woo khi được sưởi ấm bởi tình thương, con tim anh lúc ấy đã ấm nóng trở lại. Jong Gil cảm thấy In Gil thật ngu xuẩn, nhưng bà lại biết ơn In Gil vì tất cả những việc ngu xuẩn đó. Chúng ta cũng từng muốn trở thành một In Gil đúng không? Như trong các câu chuyện ngày bé, người tốt sẽ có kết thúc có hậu. Chúng ta còn muốn trở thành người hùng như anh chồng Sang Hwa và mạnh mẽ như cô vợ Sung Gyeong. Thế nhưng đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, có người lại cảm thấy trở thành một Yong Suk thủ đoạn kia lại là lựa chọn tốt nhất.

Dùng zomibe làm chất liệu để tạo nên một môi trường mà ở đó, tất cả mọi người đều cởi bỏ lớp mặt nạ và sống đúng với bản chất của mình. Sống hoặc chết. Họ bỏ rơi nhau. Họ nghi ngờ nhau. Họ co cụm lại. Họ sưởi ấm cho nhau. Mỗi người chọn cho mình cách để sinh tồn. Nhưng cách tối ưu nhất giúp những con người đó tồn tại đến cuối cùng, chính là trao đi và nhận lại yêu thương. Những lời ca vang lên chính là minh chứng rõ ràng nhất của tình yêu cứu rỗi "những chúng ta".