Từ Lone Survivor đến Top Gun: Maverick - Hollywood đã PR hình ảnh quân đội Mỹ như thế nào?

Tin điện ảnh · Hoangyenne ·

Quân sự và điện ảnh, hai lĩnh vực tưởng chừng như không liên quan, nhưng lại liên quan đến không tưởng.

Nếu là một fan trung thành của điện ảnh Hollywood, chắc hẳn các bạn cũng không lấy làm lạ với những bộ phim bom tấn, siêu anh hùng chất ngất và cool ngầu của kinh đô điện ảnh này. Để làm được điều này, một phần là nhờ vào sự hỗ trợ của bộ Quốc phòng Mỹ. Đây không còn là điều gì đó lạ lẫm ở kinh đô điện ảnh này nữa. Nếu để ý thấy, hình ảnh người lính kiểu Mỹ luôn hiện hữu đâu đó trong các nhân vật chính của các bom tấn hành động, dù họ có khoác lên mình bộ quân phục hay đồ bó sát. Tại sao điện ảnh lại đi đôi với quân sự, và ngược lại? Bài viết này chính là lời giải đáp dành cho những bạn có cùng thắc mắc này.

Armageddon
Armageddon

Trước tiên, Mỹ từ xưa đến nay được xem là một trong những đất nước có tiềm lực kinh tế số một thế giới. Và không hề khó hiểu khi bộ Quốc phòng Mỹ có ngân sách khủng đến nhường nào. Không chỉ dừng lại ở đó, với những vũ khí tối tân nhất, những thiết bị phục vụ quân sự mà không phải bất kì một đất nước hay tổ chức nào có thể có được. Có thể nói rằng, quân đội Mỹ dư sức để đầu tư và chu cấp các thiết bị cho các nhà làm phim, tất nhiên là với những thỏa thuận đi kèm.

Tiếp đến, không ai không biết rằng Hollywood là một trong những kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới. Việc được Hollywood quảng bá hình ảnh không phải là chuyện dễ dàng. Và một khi điều này được diễn ra, thì sức lan tỏa của nó mang tầm cỡ quốc tế.

Top Gun phần 1
Top Gun phần 1

Có thể nói rằng, việc bộ Quốc phòng Mỹ giúp đỡ, tài trợ cho các bộ phim của Hollywood, ngược lại Hollywood lại giúp Mỹ quảng bá hình ảnh quân đội là một việc làm khiến “đôi bên cùng có lợi”. Theo một nhận xét, đánh giá của nhà phê bình phim Michael McCaffrey về mối quan hệ giữa hai tổ chức này, ông cho rằng Lầu Năm Góc giúp Hollywood kiếm tiền và đổi lại, kinh đô điện ảnh giúp nước Mỹ loại bỏ hình ảnh tàn khốc của “cỗ máy chiến tranh” nằm vùng trong từng tế bào chính trị và chính sách đối ngoại của nơi đây.

Rõ ràng, hai tổ chức này đều có thể có lợi khi hợp tác với nhau, do đó nên việc bắt tay với nhau để cho ra các bộ phim đúng ý cả hai có thể là một mối làm ăn vô cùng có lợi. Việc bộ Quốc phòng Mỹ đầu tư cho các bộ phim, giúp cho các nhà làm phim vừa có thêm kinh phí, vừa có thêm nhiều đạo cụ tân tiến để thực hiện. Cùng với đó, quân đội Mỹ sẽ được người dân yêu mến, ngưỡng mộ và cảm thấy tự hào với những gì mà các bộ phim nói về tổ chức này.

Lone Survivor
Lone Survivor

Theo thống kê, số lượng các bộ phim và chương trình truyền hình mà bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng để quảng bá hình ảnh đã vượt quá con số 2000. Sự tham gia của quân đội Mỹ trong các bộ phim như Lone Survivor, Black Hawk Down, Armageddon, Captain Phillips, Top Gun, Iron Man, X-Men,… cùng rất nhiều bộ phim khác đã mang lại hình ảnh vô cùng đẹp về quân đội Mỹ trong mắt khán giả nước này nói riêng, và khán giả thế giới nói chung.

Một trong những ví dụ cho việc quân đội Mỹ kết hợp cùng các nhà làm phim phải kể đến bộ phim Black Hawk Down. Là một bộ phim lấy đề tài chiến tranh, do đó Black Hawk Down rất phù hợp cho việc quảng bá hình ảnh cho quân đội Mỹ. Nội dung dựa trên câu chuyện có thật về việc Mỹ can thiệp vào Somali đầu thập niên 90. Nội chiến Somali nổ ra, đất nước rơi vào cảnh hoang tàn. Trước tình hình này, Mỹ và Liên Hiệp Quốc phải can thiệp. 

Mỹ mang quân sang Somali nhằm đánh tan lực lượng của Mohamed Farrah Aidid đang chiếm giữ thủ đô Mogadishu. Và cuộc chiến bắt đầu nổ ra. Bộ phim đã nói về quân đội Mỹ với những hình ảnh đẹp đẽ, thiện chiến và anh hùng. Với những anh lính cao to, vạm vỡ khiến người xem không thể rời mắt. Những thiết bị hiện đại, vũ khí tối ưu nhất đã tạo nên những trận chiến nảy lửa. Hơn hết, bộ phim còn nói về sự anh dũng, hy sinh vì chính nghĩa của quân đội Mỹ. Không ngoa khi cho rằng, Black Hawk Down sinh ra là để “tuyên dương” cho độ “ngầu” của bộ Quốc phòng Mỹ. Đây không phải là cố ý, chỉ là họ rất biết tận dụng.

Black Hawk Down
Black Hawk Down

Khác với Black Hawk Down, Top Gun phần 1 là câu chuyện về những người lính không quân của quân đội Mỹ. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một chàng trai muốn chinh phục bầu trời. Anh phi công trẻ tuổi Maverick luôn khao khát thoát khỏi cái bóng vĩ đại của người cha vốn là một phi công rất xuất sắc. Tại trường huấn luyện, Maverick đã học được những điều mà không một trường lớp nào có thể dạy cho anh. Bên cạnh câu chuyện về người lính, bộ phim còn thể hiện được sự đồ sộ với việc góp mặt của hàng loạt máy bay, tàu chiến cùng những thiết bị quân sự hiện đại nhất mới có thể tạo ra những khung hình hoành tráng đến vậy. Để thực hiện những cảnh quay “khó nhằn” mang tính biểu tượng thương hiệu này thành công, phim một phần là nhờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Và có vẻ như truyền thống này đã lặp lại ở Top Gun: Maverick. Những cảnh quay những nhào lộn trứ danh của thương hiệu, và những màn phim kéo cả chiến hạm vào các góc quay, nhận được rất nhiều màn góp sức của bộ Quốc phòng nước nhà. Họ (Không quân và Thủy quân) đã trực tiếp huấn luyện các "phi công màn ảnh" và cho đoàn làm phim "mượn" khá nhiều những máy bay phản lực đến các chiến hạm phòng thủ của quân đội Hoa Kỳ. Nên các cảnh quay và bối cảnh đúng là thật không tả nổi. Tất nhiên, thông điệp cuối cùng vẫn vậy - hình ảnh anh hùng đậm chất Mỹ vẫn sáng ngời trong nghịch cảnh.  

Có thể thấy, việc bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sử dụng Hollywood để quảng bá hình ảnh đã không còn là điều gì đó quá lạ lẫm. Việc làm này một phần cũng giúp cho các nhà làm phim tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong khâu sản xuất và chuẩn bị đạo cụ. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một vài khía cạnh “tiêu cực” liên quan đến vấn đề này. Nhưng dù sao đi nữa, thì phải công nhận một điều rằng, hầu như các bộ phim nào của Hollywood có sự xuất hiện của quân đội Mỹ và được bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đầu tư thì chắc chắn rằng độ chịu chơi của bộ phim sẽ khiến người xem không thất vọng.

Trailer Top Gun (Season 2)