Vì sao nói Amy Dunne và Lisbeth Salander là 2 nhân vật nữ đặc biệt nhất trong phim của David Fincher?

Tin điện ảnh · Maii ·

Amy Dunne và Lisbeth Salander là 2 nhân vật nữ ấn tượng trong phim của đạo diễn David Fincher.

Không có gì đặc biệt nữ tính về các phim của David Fincher. Bảng màu thường mang tính tương phản cao với các sắc vàng, nâu, xám và xanh lá. Đổ bóng lớn. Ánh đèn huỳnh quang sáng gắt. Ngôn ngữ thì thẳng thừng và lỗ mãng. 

Tính chuẩn xác khét tiếng của Fincher ánh lên trong mọi cảnh. Các nhân vật là đàn ông thường sống trong một không gian bị chiếm lĩnh bởi đàn ông như; đồn cảnh sát; nhà báo trong một đội toàn khói thuốc, những doanh nhân trong một văn phòng tường gỗ; tầng lớp lao động trong căn hộ xuống cấp; những tên tội phạm hẹn nhau ở một nơi tăm tối bẩn thỉu; những người cha trong một căn nhà ngoại ô; những người bạn trai trong một buổi hẹn không như mong muốn; và những tên mọt sách trở thành triệu phú tập đoàn chỉ bằng một cú click chuột. Trong thế giới của đàn ông nhìn qua lăng kính nam tính, thì những người phụ nữ sẽ như thế nào?

Không phải kiểu mô tả phụ nữ của Fincher cần thiết phải có vấn đề. Mà đúng hơn, phụ nữ trong các phim của ông phải uốn mình theo thế giới của đàn ông; thế giới này hoặc sẽ bẻ gẫy họ, hoặc ở mức độ nhẹ nhất, để lại cho họ những vết sẹo.

Thật khó mà tưởng tượng tượng có bất cứ thứ gì đặc biệt dịu dàng và nữ tính có thể đâm chồi trong thế giới mà Fincher đã tỉ mỉ dựng nên. (Trừ The Curious Case of Benjamin Button, “kẻ ngoại đạo” trong các buổi bàn luận về phim của Fincher). Vậy nên, khi Fincher đẩy phụ nữ lên “tiền tuyến" và phá vỡ thế giới đó thay vì để thế giới đó đánh ngã họ, thì bạn cần đặc biệt chú ý.

Đơn giản mà nói: Fincher thích những người phụ nữ nổi loạn.

Điều này càng lúc càng rõ nét kể từ khi ông đạo diễn phim bên cạnh các video âm nhạc. Trong những ngày đầu, các nhân vật nữ đã có một sự hiện diện rất nổi bật. Sigourney Weaver đóng chính trong Alien 3 năm 1992. 3 năm sau, Gwyneth Paltrow có một vai phụ chủ chốt trong Se7en. Còn bộ phim thứ 3 của Fincher là Fight Club mang đến cho chúng ta nhân vật Marla Singer do Helena Bonham Carter thủ vai, người cứ đùa bỡn giữa Edward Norton và Brad Pitt.

Nhưng vai trò và hình ảnh của những người phụ nữ trong câu chuyện của Fincher đã rẽ sang một bước ngoặt khác kể từ Panic Room. Sau đó, vị đạo diễn bắt đầu thể hiện nhiều câu chuyện khắc hoạ cuộc sống nội tâm của phụ nữ, họ được cho thêm không gian để xem xét và cốt truyện quanh họ có được những ảnh hưởng thực sự lên nội dung được kể.

Ở thời điểm mà chúng ta chúng ta được thưởng thức bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết The Girl With the Dragon TattooGone Girl, chúng ta được thấy những người phụ nữ là trung tâm của phim, chủ động lèo lái câu chuyện và phát triển từ những kiểu mẫu quen thuộc đã được sử dụng trong các phim như Fight ClubSe7en.

The Girl With the Dragon Tattoo là bộ phim sử dụng công thức tội phạm/bí ẩn quen thuộc - thể loại mà Fincher yêu thích - tìm hiểu cách mà đàn ông vươn đến đỉnh cao trong thế giới phụ quyền và tìm cách điều khiển phụ nữ.

Sự kiểm soát có rất nhiều hình thái trong thế giới này, dù là quyền thống trị của gia đình Vanger đối với tạp chí Millenium; Martin Vanger tiếp tục di sản của cha mình khi giết người dựa theo cuốn sách của Leviticus; hay tên luật sư âm trầm quỷ quyệt của Lisbeth Salander điều khiển cô thông qua các hành vi tấn công tình dục. (Tựa sách gốc tiếng Thuỵ Điển của The Girl With the Dragon TattooMän Som Hatar Kvinnor, dịch ra là có nghĩa là Người Đàn Ông Ghét Phụ Nữ).

Nổi bật ở đây là Lisbeth. Cô chắc chắn là hình ảnh thế hệ tiếp theo của Marla Singer trong Fight Club (Bonham Carter). Lisbeth có năng lượng bất cần của Marla. Cả hai người phụ nữ đều bị kéo vào bóng tối bởi những người đàn ông có liên hệ với họ và phải tự đẽo ra một không gian để có thể là chính mình như một cách tự thích ứng.

Lisbeth cũng là một kẻ yếm thế như Marla, bị những tổn thương ghim lên mình bằng những chiếc khuyên, hình xăm và quần áo đen. Fincher đã cho thấy cô không phải là một người tồn tại để bị lờ đi, cho dù cô toả ra năng lượng cảnh báo người ta đừng đến gần. Khi vị đạo diễn nói với Empire trong một đoạn preview Dragon Tattoo trong tháng 11 năm 2011 rằng: 

"'Cô là một siêu anh hùng!' Và bạn thì kiểu như, ‘Không, cô ấy không phải thế. Siêu anh hùng sống trong một thế giới tốt và xấu và cô thì phức tạp hơn nhiều so với một siêu anh hùng. Cô đã thoả hiệp. Cô đã bị khuất phục. Cô bị xã hội loại trừ. Cô bị đẩy vào một rãnh khuất và là một phần của nó. Cô ăn mặc theo kiểu rác rưởi vì cô là người đã bị phản bội, bị tổn thương quá nặng nề, bởi những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của cô và cô đã lựa chọn [để bản thân] bị từ chối.

 

Đấy là cách Fincher cho chúng ta nhìn thấy Lisbeth rõ ràng hơn, để nhân tính hoá cô và đưa cô vượt qua việc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Bởi vì Fight Club khắc hoạ đậm nétvấn đề của nam giới, chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy thế giới nội tâm của Marla Singer.

Tuy nhiên, The Girl with the Dragon Tattoo hứng thú với vấn đề của phụ nữ vì chúng liên hệ với đàn ông, vậy nên Fincher đã dành thời gian cho chúng ta thấy Lisbeth Salander thực sự là ai. Camera của ông ngưng đọng lại trong những khoảnh khắc khi Lisbeth nghiến răng hay rũ mắt, cam chịu ảnh hưởng thể xác lẫn tinh thần đến từ thế giới xung quanh cô.

Chúng ta nhìn thấy cô trong căn hộ của mình, đang theo dõi những tên đàn ông có thể lúc đấy đang theo dõi cô (một sự đoạt lại quyền lực nho nhỏ). Chúng ta nhìn thấy Lisbeth bị cưỡng hiếp bởi tên luật sư và Fincher chắc chắc rằng chúng ta dành thời gian để theo dõi kế hoạch tỉ mỉ và sự trả thù chuẩn xác của cô đối với kẻ thù của mình. Cốt truyện này trong nội dung liên quan đến Lisbeth có vẻ không liên kết đối với bộ phim dài hơn 2 tiếng này.

Nhưng điều đó lại cần thiết khi Fincher xây dựng nhân vật Lisbeth. Cách cô thấu hiểu trái tim đen tối của đàn ông đã giúp cô tiếp cận với Mikael Blomkvist (Daniel Craig) trong cuộc điều tra Harriet Vanger.

Fincher có thể đã định nghĩa Lisbeth chủ yếu là một người bị nhiều tổn thương về tâm lý, nhưng ông không còn giam hãm cô trong một không gian bé nhỏ như ông đã làm với Marla. Thay vào đó, ông dùng câu chuyện của The Girl with the Dragon Tattoo để tập trung nhiều hơn vào sự hồi phục của Lisbeth cũng như việc cô đã vượt qua được chấn thương tâm lý trong cả vụ việc với Vanger và mối quan hệ với Mikael.

Trong khi câu chuyện của Lisbeth là về sự phản kháng của cô đối với đàn ông bên ngoài, Amy Dunne của Gone Girl (Rosamund Pike) thích thú với việc phản kháng đàn ông trong tổ ấm. Tương tự vậy, nếu Lisbeth tương đồng với một nhân vật khác trong phim trước đó của Fincher thì Amy cũng vậy.

Câu trả lời rất rõ ràng: Amy là phiên bản "tiến hoá" của Tracy (Paltrow) trong Se7en, vợ của thanh tra Mills do Brad Pitt thủ vai. Thời gian lên hình của Tracy trong Se7en khá ngắn.

Fincher dùng thời gian ít ỏi này để định hình cô trong mối quan hệ với những người đàn ông xung quanh: Một người vợ luôn ủng hộ chồng, một người bạn tinh tế đối với Somerset (Morgan Freeman), và cuối cùng là một người phụ nữ ngờ vực một thế giới tàn khốc xung quanh cô bởi nó mâu thuẫn vào cuộc sống hạnh phúc mà cô muốn an ổn trải qua.

Trong khi Tracy bận rộn xây dựng một tổ ấm lý tưởng thì Amy lại quan tâm đến việc rỉa chết nó và phơi bày bản chất của nó ra với thế giới: một sự dối trá. Amy là người đã được "tôn sùng" cả cuộc đời, khi nhỏ là cha mẹ với những cuốn sách "Amazing Amy" (Amy tuyệt vời) và sau đó là trong cuộc hôn nhân với Nick Dunne (Ben Affleck). Cô thượng đẳng, da trắng, tóc vàng.

Trong trường hợp của Tracy, thì da trắng và tóc vàng gắn liền với sự thơ ngây và sức sống; còn với Amy, thì những đặc điểm đó được Fincher vận dụng để cho thấy sự xảo trá và lạnh lùng trong mục đích của cô ta.

Fincher, vốn tự nhận mình là fan Amy (pro-Amy) với Indiewire vào năm 2014 (“Có những đoạn trong phim mà tôi kiểu như, đúng rồi, ‘Tiến lên Amy.’ Tôi thích Amy"), đã cho thấy việc dõi theo hành trình phá vỡ giấc mơ của một gia đình và một cuộc hôn nhân hạnh phúc, ý niệm mà chúng ta đã quen thuộc từ lâu, của Amy thực sự rất hấp dẫn.

Như đã được Indiewire tóm tắt trong mục Q&A ở Film Independent, Fincher đã chia sẻ rằng: 

"Tôi hứng thú với ý tưởng rằng rối loạn nhân cách ái kỷ là thứ giữ 2 người lại với nhau và khái niệm rằng chúng ta phóng chiếu phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân không chỉ để quyến rũ người mà chúng ta cho là hoàn hảo với chính mình, mà còn là hoàn hảo đối với tính tự yêu bản thân của chúng ta (narcissistic rejection). Và 3 năm sau, một trong hai người trong bản hợp đồng này nói rằng, ‘Tôi không thể tiếp tục như thế này được nữa. Tôi không thể làm tri kỷ của cô/anh. Tôi không phải người đó và tôi từ bỏ.’ Và tôi rất thích cơn phẫn nộ mà [nó] tạo nên.” 

Kế hoạch biến thái và thú vị của Amy nhằm gài hàng chồng cô tội giết người, thao túng tình cũ trước khi giết anh ta, lên kế hoạch mang thai để cứu lấy hôn nhân của mình đã rất hiệu quả trong việc phá vỡ bất cứ sự mong đợi thường thấy nào mà chúng ta có đối với hình mẫu một người vợ hay người mẹ.

Ở đây, Fincher đã uốn thể loại thriller một chút để phù hợp với tầm nhìn nghệ thuật của ông, biến Amy trở thành một nhân vật phá hoại gia đình theo hướng rất khác. Đây là một người đàn bà đã bị gò bó trong mong đợi của người khác quá lâu đến nỗi khi cô bắt gặp chồng mình ngoại tình, cô đã đặt ra một định nghĩa mới cho câu “Hell hath no fury like a woman scorned" (Cơn thịnh nộ của địa ngục cũng không đáng sợ bằng một người phụ nữ bị khinh miệt).

Kế hoạch của Amy tỉ mỉ và chuẩn xác. Thời gian mà Amy thực hiện kế hoạch trả thù theo từng bước quả thực thiên tài. Và trường đoạn chúng ta nghe cô kể chi tiết về những gia đoạn dài nhiều tháng đối với một kế hoạch được xây dựng cẩn thận có thể xem là Fincher đang bày ra tầm nhìn của ông cho chúng ta xem.

Thậm chí cuốn nhật ký "biết tuốt" của Amy cũng mang màu sắc Se7en và là thủ thuật rất hiệu quả của Fincher để cho chúng ta thấy Amy là người tỉ mẩn cỡ nào. Không có gì lạ khi Fincher thực rất thích Amy, ông rõ ràng nhìn thấy bản thân mình trong nhân vật này. Cô là người đàn bà có tính nam đặc thù và tài năng trong thủ thuật thao túng nhằm phục vụ cho mục đích của mình, cũng tương tự như vị đạo diễn trong các bộ phim của chính ông vậy.

Có lẽ khía cạnh cuốn hút nhất của Lisbeth và Amy trong thế giới của Fincher, đấy là họ hành động trong một thể loại mà ông rất thành thạo. Tội lỗi và trừng phạt và 2 trong nhiều đam mê của Fincher, một chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của ông. Tội lỗi và trừng phạt cũng gợi nên những liên tưởng nam tính và lạnh lùng rất đặc biệt, đến nỗi khi chúng ta nhìn thấy phụ nữ xuất hiện trong thế giới này, như những nhân vật nữ chính trong phim của Fincher, chúng ta đặc biệt chú ý đến họ.

Lisbeth và Amy là những gương mặt đại diện mới, tiến bộ hơn mà Fincher có thể dùng để phát biểu đến thế giới với tư cách là một vị đạo diễn. Trong khi phụ nữ ở những bộ phim trước, đơn thuần giống như những đối tượng mà ông dùng camera của mình để nghiên cứu, thì Lisbeth và Amy là 2 người phụ nữ mà ông thoải mái dành thời gian trên khung hình, đồng thời dùng họ như những đôi mắt để nhìn ra thế giới.