When They See Us - Chuyển thể vụ án có thật, Netflix bỗng gặp phải "tai bay vạ gió"

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

When They See Us dính kiện tụng vì mô tả sai một phương pháp thẩm vấn.

Được cho là mô tả không đúng một phương pháp thẩm vấn trong phim, đạo diễn Ava DuVernay của bộ phim truyền hình When They See Us và gã khổng lồ streaming Netflix hiện đang đứng trước một kiện tụng đến từ công ty John E Reid and Associates.

John E Reid and Associates (J&A), một công ty cố vấn Hoa Kỳ nhận đào tạo các sĩ quan trong lĩnh vực thẩm vấn nghi phạm, vừa mới nộp đơn xin kiện DuVerney và Netflix hồi thứ 2 này, thách thức mini-series truyền hình đình đám dựa trên sự kiện có thật When They See Us. Với bốn tập phim, bộ phim xoay quanh quá trình bắt giữ và buộc tội oan 5 thiếu niên da màu dưới tội danh tấn công và cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng ở Central Park vào mùa xuân năm 1989.

Nguồn: Fanart.tv
Nguồn: Fanart.tv

Còn được biết đến với cái tên Central Park Five, đến hôm nay, vụ án được coi là ví dụ tiêu biểu cho sự cưỡng ép nhận tội của lực lượng cảnh sát. When They See Us khắc họa rõ nét cuộc thẩm vấn không khác gì quá trình tra tấn tinh thần lẫn thể xác mà các thanh tra đã áp đặt lên 5 cậu bé vị thành niên, và những lời buộc tội sặc mùi phân biệt chủng tộc diễn ra sau đó. Kết quả, 5 thanh thiếu niên phải ngồi tù từ 6 đến 13 năm. Cả 5 chỉ được rửa oan khi công nghệ ADN được áp dụng vào quá trình điều tra hơn một thập kỷ sau.

Từ những năm 70, J&A đã huấn luyện các sĩ quan phương thức thẩm vấn được biết đến với cái tên Phương pháp Reid (the Reid technique). Đây cũng là chủ thể được mô tả trực tiếp trong series của đạo diễn DuVernay. J&A trích dẫn một đoạn hội thoại giữa một nhân vật công tố viên và một thanh tra tham gia quá trình thẩm vấn 5 thiếu niên của series vào biên bản kiện tụng của mình, làm bằng chứng cho cáo buộc hiểu sai phương pháp đối với DuVernay-Netflix, dẫn đến việc khắc họa không đúng phương pháp thẩm vấn này trong phim.

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Công tố viên: “Ông ép cung chúng (các thiếu niên) liên tục trong 42 tiếng cưỡng chế và tra hỏi….Phương pháp Reid đã bị chối bỏ trên toàn cầu”

Vị thám tử đáp lời: “Tôi còn không biết Phương pháp Reid là cái mẹ gì nữa.”

J&A cáo buộc Netflix tội đưa ra tuyên bố sai sự thật và mang tính phỉ báng, đồng thời, trừ khi Netflix đồng ý xóa đoạn hội thoại trên khỏi phim, công ty này đòi bồi thường và lệnh cấm Netflix không phát sóng series When They See Us trên nền tảng streaming của hãng. J&A cũng cáo buộc Netflix hiểu sai bản chất của Phương pháp Reid qua việc coi những từ “ép cung”, “nhiều giờ thẩm vấn mà không cung cấp thức ăn, vệ sinh, hay sự hiện diện của người giám hộ” là tương đồng với phương pháp trên.

Đạo diễn DuVernay (Nguồn: Business Insider Singapore)
Đạo diễn DuVernay (Nguồn: Business Insider Singapore)

Mặc dù chưa rõ cáo buộc trên có thể được xây dựng trên bằng chứng giả tưởng hay không, nhưng nó cũng đã hướng sự chú ý của dự luận về Phương pháp Reid, các khóa huấn luyện của J&A, những kỹ thuật tương tự, và những tranh cãi chúng thổi bùng.

Phương pháp Reid, vốn do một cảnh sát kiêm chuyên gia phát hiện nói dối xây dựng nên, đã liên tục hứng chịu vô số chỉ trích đến từ giới học giả và luật sư, những người đã khẳng định phương pháp này chỉ dẫn đến những lời nhận tội sai lệch. Các nhà phê bình chỉ ra các yếu tố thường trực của Phương pháp Reid và những phương pháp tương tự như sau: xuất hiện chuyên gia thẩm vấn sử dụng áp lực và đe dọa lên nghi phạm, giả vờ như phía cảnh sát đã có bằng chứng buộc tội, giảm thiểu tính nghiêm trọng của hành vi phạm tội cũng như hậu quả của hành vi đó, và đưa ra phương án nhận tội là cách dễ nhất để thoát khỏi khả năng bị cáo buộc.

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Vào năm 2017, tập đoàn tư vấn Wicklander-Zulawski and Associates đã nhiều lần cộng tác với cảnh sát khắp nước Mỹ, tuyên bố ngừng sử dụng phương pháp Reid, do lo sợ những lời thú tội sai sự thật. Bên cạnh đó, Alan Hirsch, người đứng đầu chương trình nghiên cứu luật pháp và tư pháp ở đại học Williams, từng làm chứng trong khoảng 30 trường hợp về Phương pháp Reid.

Ông nói với tờ Guardian: “Nó là phương pháp thẩm vấn tạo sự lo âu và căng thẳng, và cuối cùng là dẫn đến sự tuyệt vọng. Nghi phạm sẽ không còn cách nào khác ngoài nghĩ rằng nhận tội là cách tốt nhất, thậm chí là duy nhất, để thoát khỏi tình trạng bị khủng bố trên… Nó làm người vô tội lẫn kẻ có tội suy sụp. Nó quá hiệu quả.”

Theo Richard Leo, giáo sư tâm lý hình sự của đại học San Francisco, đồng thời là một chuyên gia về Phương pháp Reid: “Một lực lượng vô cùng lớn các tiến sĩ khoa học xã hội từng nghiên cứu về Phương pháp Reid tin rằng nó là một cách cưỡng chế tâm lý và tăng nguy cơ xuất hiện những lời thú tội sai sự thật.”

Mặt khác, đối với luật sư bào chữa hình sự ở Massachusetts, Hoa Kỳ Keren Goldenberg, những mô tả về cuộc thẩm vấn trong When They See Us lại chính xác là Phương pháp Reid tai tiếng. Bà nói: “Phương pháp Reid thật sự tận dụng nỗi sợ và điểm yếu của người ngồi trước mặt người thẩm vấn.”

Hayley Cleary, giáo sư tâm lý hình sự kiêm chuyên gia về phương pháp thẩm vấn tại đạo học Virginia Commonwealth nhận xét: “J&A thật sự đang tuyệt vọng bảo vệ tên tuổi của công ty họ.” Bà còn nhấn mạnh nhiều quốc gia khác đã phần lớn ngừng sử dụng Phương pháp Reid. Theo bà, bà thấy biết ơn series When They See Us vì bộ phim đã giúp các bồi thẩm đoàn tương lai nhận ra người ta có thể bị ép buộc nhận tội mà họ không làm. “Bình thường hóa suy nghĩ nhận tội oan có thể thật sự xảy ra là điều rất, rất quan trọng,” bà bổ sung.

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Ngoài ra, đơn kiện của J&A bao gồm cả lời giải thích rằng những lời nhận tội sai không xuất phát từ việc vận dụng Phương pháp Reid, mà “đến từ những hành vi không phù hợp và vượt khỏi khuôn khổ cho phép của người phỏng vấn… những hành vi mà phía tòa án quy định là cưỡng ép-đe dọa, hứa hẹn, chối bỏ quyền lợi (của người bị thẩm vấn)”. Cũng theo đơn kiện, Phương pháp Reid không liên quan đến hành hung nghi phạm, từ chối quyền pháp lý của họ, tổ chức những cuộc phỏng vấn kéo dài quá mức cần thiết, và nhiều chiến thuật dã man khác được mô tả trong When They See Us.

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Bà Goldenberg dự đoán vụ kiện này chỉ làm tăng thêm ác cảm của công chúng đối với Phương pháp Reid và sẽ làm quá trình PR của J&A trở nên tồi tệ hơn. Theo bà: “Một phương pháp thẩm vấn càng bị chú ý nhiều, thì càng ít cảnh sát muốn sử dụng, do lo sợ những dư chấn tiêu cực của nó.”

Hiện tại, đại diện bên Netflix-DuVernay vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào, còn phía J&A lại không chấp nhận lời mời phỏng vấn.

Nguồn: The Guardian