Xếp hạng 10 bộ phim hay nhất của Tom Hanks

Góc Nghệ Thuật · EmmyVuong ·

Chúng ta hãy cùng nhìn lại 10 bộ phim làm nên tên tuổi của ngôi sao khởi nghiệp với Splash - bộ phim tình cảm về anh chàng yêu nàng tiên cá.

Đồng vai nam chính trong sitcom ngắn về đôi bạn mặc đồ giả gái (Bosom Buddies) nhìn chung không phải là con đường trực tiếp dẫn đến một siêu sao, nhưng vẫn luôn có một ngoại lệ khi chứng minh mọi quy luật – và chỉ có một ngoại lệ mà thôi, xin lỗi Peter Scolari nhé (anh là đồng vai nam chính với Tom Hanks trong sitcom trên). Sau khi mang về hơn $3 tỉ doanh thu phòng vé, chiến thắng hàng loạt giải thưởng danh giá (bao gồm hai năm liền giành giải Oscar danh giá ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất), và tham gia vô số tác phẩm được đánh giá cao trong suốt 25 năm qua, Tom Hanks đã khẳng định anh là một ngoại lệ hiếm có. Với dự án mới nhất, tác phẩm chính kịch lịch sử The Post của Steven Spielberg, đây là thời điểm hoàn hảo để tôn vinh con người đáng kinh ngạc này.

1. Saving Private Ryan - Giải Cứu Binh Nhì Ryan (1998)

Những nhà làm phim Mỹ bắt đầu khai thác đề tài Thế chiến thứ hai từ năm 1940 và thậm chí ngay những năm 1980, thể loại này đã gắn liền với chủ nghĩa xét lại của Norman Rockwell và chủ nghĩa tôn thờ sức mạnh nam giới của John Wayne.

Năm 1998, đối với một bộ phim chiến tranh, để thêm bất kì điểm mới nào vào câu thoại, nó sẽ phải là bộ phim thực sự đặc biệt. Nhưng với sự chỉ đạo của Spielberg phía sau camera và diễn xuất chính của Tom Hanks, “diễn viên quốc dân” mang tính biểu tượng đối với người Mỹ tương tự như bánh táo vậy, Saving Private Ryan đã có một khởi đầu tốt đẹp, thậm chí trước cả khi bộ phim được bấm máy. Kết quả cuối cùng, tất nhiên, là một trong những bộ phim được đánh giá cao nhất (và là bom tấn lớn nhất) của năm – doanh thu $481 ra mắt cùng thời điểm nổi lên làn sóng yêu thích cuốn sách The Greatest Generation của Tom Brokaw.

Được tán thưởng với những cảnh quay chân thực đến kinh hoàng, Ryan nhận được 11 đề cử Oscar đồng thời dẫn đến sự góp mặt của Hanks (cùng Spielberg và nhiều người khác) trong bộ phim tài liệu về Thế chiến thứ hai dài 10 phần của HBO, Band of Brothers. Bỏ qua một vài quan điểm bất đồng (Andrew Sarris đã gọi đây là sự hấp dẫn nhạt nhẽo), bộ phim vẫn giành được nhiều khen ngợi từ giới phê bình như Richard Schickel của Time, ca ngợi là “bộ phim chiến tranh bao quát hết những chuẩn mực của thể loại, vượt qua những chuẩn mực ấy cũng như những chuẩn mực đạo đức giản dị nhất thấm nhuần trong những bộ phim tiền nhiệm để đạt đến tầm cao hơn của nền tảng đạo đức đầy ám ảnh”.

2. Thương hiệu Toy Story - Câu Chuyện Đồ Chơi (1995)

Mặc cho tính phi lý đúng đắn trong câu nói nổi tiếng của bộ phim, Pixar đã gần như đạt “đến vô cực và xa hơn nữa” qua chuyến du hành dài đầu tiên về mặt doanh thu ($361 triệu so với kinh phí $30 triệu) và tầm ảnh hưởng đối với thế giới phim hoạt hình nói chung khi là tác phẩm chiếu rạp đầu tiên sử dụng công nghệ CGI.

Hanks, sau khi giành được sự yêu mến của khán giả và giới phê bình sau ba năm đáng kinh ngạc bằng những tác phẩm A League of Their Own, Sleepless in Seattle, Philadelphia, Forrest Gump, và Apollo 13, là lựa chọn không thể phù hợp hơn cho nhân vật Woody, chàng búp bê cao bồi cổ điển biết nói với sức hấp dẫn lịch thiệp nam tính, đem đến cho bộ phim sự lồng ghép giữa tình cảm con người và hình ảnh dựng từ vi tính. Phần 2 (1999) cũng thành công không kém và một lần nữa với Toy Story 3 (2010). Như Peter Stack viết trên San Francisco Chronicle:

Mặc dù phim hoạt hình sử dụng công nghệ vi tính có thể là sản phẩm nghệ thuật công nghệ lạnh lùng, vô cảm nhưng những nhân vật trong phim thể hiện những cung bậc cảm xúc còn “người” hơn cả những diễn viên sống tập hợp lại trong hàng tá bộ phim mainstream.

3. Cast Away (2000)

Nếu có ai đó nghi ngờ sức hấp dẫn của Tom Hanks, Cast Away (2000) sẽ là lời đáp trả thuyết phục nhất. Bộ phim đòi hỏi khán giả dành hơn một tiếng đồng hồ xem ngôi sao chính lang thang trên hòn đảo với rất ít việc để làm và chỉ có quả bóng chuyền bầu bạn. Anh không chỉ nâng tầm, thực sự mà nói, Hanks là linh hồn của cả bộ phim.

Xuất hiện suốt thời lượng phim chẳng khác gì là bài kiểm tra sức chịu đựng đối với khán giả. Hạnh phúc thay, anh đã vượt qua bài kiểm tra, được chứng thực bởi doanh thu toàn cầu của Cast Away lên đến $429 triệu - chưa kể điểm số của những bài nhận xét cực kì tích cực từ giới phê bình như Margaret A. McGurk của The Cincinnati Enquirer đã ca ngợi Hanks về kịch bản đầy thách thức:

Thử thách của nhân vật cũng chính là thử thách của diễn viên trong một bộ phim gần như suốt thời gian chiếu, Hanks là con người duy nhất mà chúng ta thấy hoặc nghe được. Anh ấy đã xử lý công việc với sự tự tin quyến rũ trong màn hóa thân thoát khỏi những mánh khóe truyền thông và là điều mà mọi người cần.

4. Catch Me If You Can (2002)

Bộ phim hài, hình sự Mỹ, đến từ vị đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg, dựa trên các tình tiết có thật về “siêu lừa” trẻ tuổi nhất nước Mỹ Frank Abagnale và cuộc truy đuổi không ngừng của một nhân viên FBI. Phim có sự góp mặt của hai nam diễn viên tài năng là Leonardo DiCaprio (vai Abagnale) và Tom Hanks (vai Carl Hanratty). Đây là một trong 17 tựa phim ăn khách nhất của Tom Hanks và là bộ phim thứ 2 trong số 3 phim anh hợp tác chung với Steven Spielberg, 2 phim còn lại là Saving Private RyanThe Terminal. (Maii - Moveek)

5. Apollo 13 (1995)

Hanks tái ngộ với đạo diễn bộ phim Splash, Ron Howard trong Apollo 13 (1995). Tác phẩm kể về lần thất bại của NASA trong việc phóng tàu thám hiểm lên mặt trăng. Bộ phim đã kết hợp một trong những đam mê cá nhân lớn nhất của Hanks - du hành vũ trụ với diễn xuất của “con cưng Hollywood”: bảo chứng của những bom tấn.

Với dàn cast hùng hậu (Kevin Bacon, Bill Paxton, Ed Harris và Gary Sinise), thậm chí ngay cả khi đó là bộ phim chóng vánh, lỏng lẻo lấy cảm hứng từ sự kiện có thật, Apollo có lẽ vẫn sẽ mang về số tiền xứng đáng. Nhưng Howard và cả ê-kip đã cố gắng đạt đến độ chân thật của câu chuyện, sẵn sàng vượt quá giới hạn của một bộ phim thông thường lấy bối cảnh không trọng lực. Kết quả là bom tấn mùa hè ra đời, khôi phục vẻ rực rỡ huy hoàng của ngành du hành vũ trụ trong thời kì bão hòa ý tưởng – tạo nên trải nghiệm điện ảnh mà theo giới đánh giá là chất lương hơn cả “tốt”, bao gồm Roger Ebert, người gọi bộ phim là “câu chuyện mạnh mẽ, một trong những bộ phim hay nhất năm được kể với sự mạch lạc lồng ghép vào yếu tố kỹ thuật đáng kinh ngạc dưới sự diễn xuất không hề có những cảnh lên gân cao trào”

6. Big (1988)

Vào cuối những năm 1980, những bộ phim hài về hoán đổi tuổi tác làm mưa làm gió trên phòng vé, bao gồm Vice Versa (Judge Reinhold và Fred Savage thủ vai hai cha con hoán đổi thân xác cho nhau), 18 Again! (George Burns đóng vai triệu phú 81 tuổi đổi hồn với Charlie Schlatter) và Like father Like son (Dudley Moore và Kirk Cameron). Big ra mắt vào tháng sáu năm 1988, muộn hơn những tác phẩm trên. Nhưng thay vì bị gạt bỏ giống như hàng đống bộ phim thất bại tại phòng vé, bộ phim lại trở thành một trong những tác phẩm thành công nhất năm với tổng doanh thu toàn cầu cán mốc $150 triệu và mang về cho Hanks danh hiệu bảo chứng phòng vé sau The Money Pit, Nothing in Common, và Dragnet.

Mặc dù mất một khoảng thời gian để Hanks có bước tiến dài trong sự nghiệp trở thành nam chính – trước đó anh từng đóng vai chính trong Joe Versus the Volcano – màn trình diễn hài hước ngọt ngào của anh không thể bị làm ngơ bởi giới phê bình như Janet Maslin của New York Times viết rằng:

Đối với bất kì diễn viên trưởng thành nào thử vờn, xoay, ném những quả bóng nước và nuốt ngấu nghiến đồ ăn bằng vô số cách ghê tởm đến buồn cười, đó thực sự là diễn xuất cần được đánh bại.

7. Captain Phillips (2013)

Điểm nhấn của bộ phim dựa trên sự kiện có thật là có thể thu hút khán giả vào câu chuyện thậm chí đã biết trước kết cục – và truyền tải nó một cách trọn vẹn. Lấy cảm hứng con tàu chở hàng của thuyền trưởng Richard Phillips bị bọn hải tặc Somali tấn công năm 2009, đây là bộ phim kịch tính căng thẳng đầy mê hoặc, thêm thắt những yếu tố chính trị toàn cầu thế kỷ 21, xây dựng trên diễn xuất ba chiều mạnh mẽ của dàn cast gồm Hanks và Barkhad Abdi. Wesley Morris viết cho tờ Grantland:

Trong bộ phim, hết lần này đến lần khác chúng ta nghe câu nói “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Thật không thể nào rời khỏi rạp quay về thế giới hiện thực mà tin rằng điều đó là sự thật.

8. Bridge of Spies (2015)

Không có gì giống một bộ phim kịch tính về Chiến tranh lạnh khai thác mảng gián điệp tình báo – và với Bridge of Spies (2015), đạo diễn Steven Spielberg đã chứng minh thậm chí dù ¼ thế kỉ đã trôi qua kể từ sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, công thức lỗi thời đó vẫn còn chút hiệu quả.

Câu chuyện về luật sư (Hanks) bị buộc trở thành luật sư bào chữa cho một gián điệp Xô Viết (do Mark Rylance thủ vai) trong một vụ án chắc chắn phải xử thua. Bộ phim đưa người xem trở về thời kỳ đã qua trong khi vẫn được xây dựng như tấm gương phản chiếu nền chính trị hiện đại. Ann Hornaday của The Washington Post viết:

Spielberg không ngừng tạo ra những bộ phim đầy cảm hứng, kết cấu cổ điển mà chúng ta được nói là Hollywood không còn sản xuất những tác phẩm ấy nữa đâu. Cám ơn chúa, ông ấy vẫn còn làm công việc đó.

9. Splash (1984)

Đóng bộ phim hài tình cảm sáo rỗng về anh chàng yêu nàng tiên cá có vẻ không phải là con đường vững chắc để bắt đầu sự nghiệp điện ảnh, nhưng Splash (1984) không phải bộ phim bình thường. Trên thực tế, nó đã bắt đầu nhiều thứ, một trong số đó là cả hãng phim (Touchstone Pictures, được sáng lập nhằm giúp Disney tạo ra nhiều bộ phim mang yếu tố người lớn hơn mà không làm ảnh hưởng danh tiếng Nhà Chuột vốn ưu ái đối tượng khán giả thiếu nhi), làn sóng phong trào những cô gái tên là Madison, và được cho là nguyên nhân đổi tên một khu trò chơi trong Disneyland thành Splash Mountain.

Không tệ đối với một bộ phim có sự góp mặt của cặp đôi gần như chưa được kiểm chứng (Hanks vẫn là người mới bước ra từ Bosom Buddies và Daryl Hannah được biết đến chủ yếu qua vai diễn trong Blade Runner) và đạo diễn Ron Howard – hầu hết mọi người vẫn nghĩ đến những vai diễn trước đó của anh như Opie Taylor (hoặc Richie Cunningham). Gần $70 doanh thu nội địa (và một đề cử của Oscar), và Hanks đang trên con đường trở thành ngôi sao lớn, phần nào phải cám ơn những bài phê bình tích cực bền bỉ đến đáng ngạc nhiên. Ian Freer của tờ Empire xem bộ phim là “tác phẩm chứng minh tài năng đầy triển vọng của Tom Hanks trong việc truyền tải bộ phim hài tuyệt vời và những cảm xúc ấm áp”.

10. That Thing You Do! (1996)

Một số người xem That Thing You Do! kì vọng một bộ phim khác gắn mác Tom Hanks có lẽ sẽ thất vọng vì sự xuất hiện khá ít ỏi của nam diễn viên – nhân vật của anh trong phim là nhà sản xuất thu âm khôn khéo Mr. White, là điển hình của vai “nhỏ nhưng có võ”. Nhưng nếu để ý phần credit, họ sẽ thấy Hanks đã viết nên bộ phim theo đúng nghĩa đen: đây là tác phẩm đầu tay Hanks đóng vai trò biên kịch/đạo diễn về sự phát triển nhanh chóng (và cũng tụt dốc nhanh như vậy) của một ban nhạc rock năm 1966.

Mặc dù bộ phim không phải là bom tấn lớn nhưng nó cũng tạo ra cú hit khá nổi trên bảng xếp hạng pop (bài hát “That Thing You Do” viết bởi Adam Schlesinger của Fountains of Wayne và trình bày bởi Á thần power pop tương lai Mike Viola) và nhận được nhiều lời khen như Desson Thomson của The Washington Post đã viết:“Tác phẩm đầu tay của Tom Hanks với tư cách là biên kịch/đạo diễn đã vượt trên những ý tưởng rập khuôn với tiếng trống dồn dập của thời tuổi trẻ hăng hái và là bộ phim hài kịch duyên dáng”.

Nguồn: Rotten Tomatoes