Xót xa câu chuyện đi tìm công lý của những người mẹ mất con trên màn ảnh rộng

Tin điện ảnh · VLynd ·

Tình mẫu tử luôn là một trong những chủ đề được các nhà làm phim khai thác nghiêm túc và xúc động nhất trên màn ảnh rộng.

Tình mẫu tử luôn là một trong những chủ đề được các nhà làm phim khai thác nghiêm túc và xúc động nhất trên màn ảnh rộng. Từ các khía cạnh trong gia đình như mẹ chăm sóc con trai chậm phát triển trong Ngày Không Còn Mẹ, xung đột giữa mẹ và con gái tuổi mới lớn trong Lady Bird: Tuổi Nổi Loạn đến những vấn đề ngoài xã hội như mẹ sẵn sàng lăn xả hết mình để đòi lại công lý cho người con đã mất hay bị tạm giam.

Điểm chung của những người mẹ mà Moveek sắp đề cập là đều mất niềm tin và sự kiên nhẫn với các cơ quan chức năng. Thậm chí, xã hội cũng gần như xa lánh họ. Trước tình huống đó, chỉ có tình thương vô bờ của người mẹ dành cho con chính là động lực để những người phụ nữ chân yếu tay mềm trở nên mạnh mẽ, dám băng qua sóng gió vì lẽ phải.

Bất chấp cảnh sát, mẹ không ngừng hy vọng tìm kiếm con trai trong Đứa Trẻ Thất Lạc

Bất kỳ ai đã xem qua bộ phim Đứa Trẻ Thất Lạc (Changeling) do minh tinh Angelina Jolie thủ vai chính đều cảm thấy bất bình trước sự tha hoá của bộ phận cảnh sát cũng như chính quyền Los Angeles lúc bấy giờ. Bộ phim được công chiếu hồi 2008 đã gây tiếng vang khi nhận được 3 đề cử Oscar, 2 đề cử Quả Cầu Vàng cùng loạt đề cử BAFTA cũng như các giải thưởng lớn nhỏ khác. Hiện tại, phim nhận được số điểm 7.8 trong hơn 200.000 đánh giá trên IMDb và 63/100 trên Metascore.

Dựa trên sự kiện có thật, Đứa Trẻ Thất Lạc xoay quanh cuộc đấu tranh tìm kiếm cậu con trai mất tích của người mẹ Christine. Mấy tháng sau vụ mất tích, cảnh sát Los Angeles tổ chức một buổi họp báo rình rang, công bố đã tìm thấy con trai của Christine nhưng sự thật lại không phải như thế. Khi Christine lên tiếng tố cáo họ trao cho cô một đứa trẻ giả mạo, bọn cảnh sát nhẫn tâm ấy đã tống cô vào nhà thương điên. Nhờ có sự giúp đỡ hết lòng từ thám tử Ybarra và ông Briegleb, cô được tại ngoại và không ngừng tìm kiếm cậu trai trong những năm tiếp theo. Tuy manh mối về cậu rất mơ hồ nhưng chỉ cần hay tin cậu còn sống, đó vẫn là tia hy vọng mà Christine có thể bấu víu vào.

Khác với những vai diễn hành động gợi cảm, đến với Đứa Trẻ Thất Lạc của đạo diễn Clint Eastwood, Angelina Jolie hoá thân thàn một bà mẹ tiều tuỵ nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc trong việc tìm kiếm con trai. Trong những giây phút bị dồn đến chân tường, diễn xuất xuất thần của cô thật sự khiến khán giả đau lòng. Có lẽ, lúc ấy Jolie đã làm mẹ của mấy người con, nên khi cô nói: “Tôi chỉ muốn con trai về lại trong vòng tay của tôi!”, đó không phải là diễn nữa mà là tâm tình từ đáy lòng của một người mẹ đang đau khổ đến tột độ.

Mẹ tin con đến mức lạc lối trong Lòng Mẹ

Người mẹ nào chẳng bảo bọc con cái, thậm chí là có khi hơi thái quá, nhưng với người con chậm phát triển, 28 tuổi đầu mà vẫn ngờ nghệch thì có mẹ nào nỡ để con lăn lộn trong dòng đời đầy nghiệt ngã đâu. Huống chi con trai Do-joon của mẹ (do Hye-ja Kim thủ vai) lại bị bắt oan tội giết một cô học sinh một cách dã man chứ. Trước phản ứng quá gay gắt của dư luận, cảnh sát nhanh chónh giam giữ Do-joon vì cậu là người duy nhất có mặt tại hiện trường. Biết rõ sự ngờ nghệch của cậu, cảnh sát không lấy làm khó khăn gì khi buộc Do-joon nhận tội. Nhưng đó vẫn còn mẹ, mẹ tin Do-joon của mẹ không biết giết người, mẹ bất bình trước những lời cáo buộc vô lý. Từng bước giúp Do-joon kể lại sự việc đêm ấy, mẹ phát hiện ra còn đó một nhân chứng khác mà có thể giúp thay đổi cục diện.

Nếu theo mạch phim như thế thì Mother (Lòng Mẹ) đã chẳng phải là một trong những bộ phim Hàn Quốc xuất sắc trong năm 2009. Người nhân chứng ấy đúng là đã thay đổi cục diện khi tiết lộ một sự thật động trời, biến đổi người mẹ từ chính nghĩa thành tà ác, sẵn sàng xuống tay với những ai dám buộc tội Do-joon sau khi cậu được thả ra. Sự thật động trời ấy quả là một plot-twist đậm chất Hàn Quốc với tính chất đau thương của nó khiến khán giả phải bần thần trong những phút giây cuối cùng. Trong vai mẹ, bà Hye-ja Kim hoá thân xuất sắc trong hai sắc thái của người mẹ, từ vẻ mặt tận tâm, bất lực dưới mưa cho đến khi khám phá ra sự thật, không chút nhân từ nào còn sót lại trên gương mặt đứng tuổi của mẹ.

Nghẹt thở từng phút giây qua ba giờ đồng hồ mà mẹ đối diện với hung thủ giết con trong Sát Thủ Vô Hình

Còn nhớ bộ phim trinh thám hình sự Contratiempo (Sát Thủ Vô Hình) đến từ Tây Ban Nha được công chiếu hồi năm ngoái đã làm khán giả Việt căng thẳng trong gần 2 tiếng xem phim. Sát Thủ Vô Hình tập trung vào việc lấy lời khai của luật sư tiếng tăm Virginia Goodman với nghi phạm là Adrián Doria một doanh nhân thành đạt, gia đình êm ấm nhưng lại vướng vào một vụ giết tình nhân trong phòng kín. Twist lồng twist, trong ba tiếng đồng hồ lấy lời khai là những cảnh hồi tưởng lại quá khứ với những sự thật được đổi trắng thay đen.

Dù nhân vật trung tâm là Adrián Doria nhưng vai diễn luật sư giả mạo của nữ diễn viên tiếng tăm Ana Wagener mới thật sự là điểm nhấn. Con trai bà mất tích, có một manh mối lộ liễu để tìm thấy thủ phạm. Nhưng vì thế lực đồng tiền quá mạnh, hai vợ chồng bà không thể làm gì hơn ngoài tự mình liều lĩnh mạo danh luật sư Goodman để đối diện với tên sát nhân và bắt hắn phải khai ra từng hành động mất nhân tính khi tước đoạt sinh mệnh của hai người vô tội. Đóng cả hai vai nhưng Ana Wagener đã đánh lừa khán giả thành công khi một bên là người mẹ đau khổ, tiều tuỵ vì không được nhận xác con trai để chôn cất nó đàng hoàng, và mặt khác là một luật sư với những ngôn từ được lập luận sắc bén khiến hung thủ phải thú nhận một sự thật kinh hoàng.

Xem ra số điểm 8.1 trong hơn 50.000 lượt đánh giá chứng tỏ Sát Thủ Vô Hình rất được lòng khán giả với những plot-twist gây sốc.

Nhất quyết tìm ra kẻ ác nhơn, mẹ dựng ba tấm biển quảng cáo đòi công lý cho con trong Three Billboards: Truy Tìm Công Lý

Nhắc tới Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (Three Billboards: Truy Tìm Công Lý) không thể bỏ qua diễn xuất của Frances McDormand và Woody Harrelson, Sam Rockwell với ba màn hoá thân xuất sắc. Nhân vật của Woody tuy ít đất diễn hơn hai nhân vật còn lại nhưng ông thật sự là một cú hích cho cả hai. Nhân vật bà mẹ như sinh ra là để dành cho Frances và Rockwell có một màn hoá thân hết sẩy, chính vì thế mà tượng vàng Oscar lần thứ 90 đã lần lượt về tay họ với hai giải Nữ chính xuất sắc nhất và Nam phụ xuất sắc nhất.

Câu chuyện về người mẹ đi tìm công lý cho con hay cố gắng cứu con không mấy xa lạ. Tuỳ tình huống, tính cách mà có những cách giải quyết khác nhau. Ý tưởng về ba tấm bảng quảng cáo thật sự thông minh, dù nó đem lại không ít rắc rối khi người ta cố chối bỏ một sự thật được phơi bày quá công khai. Ba tấm bảng với ba dòng chữ đen “Raped while dying” (Bị cưỡng hiếp khi đang hấp hối), “And still no arrests?” (Và vẫn chưa ai bị bắt?) và “How come, Chief Willoughby?” (Vậy là sao, Cảnh sát trưởng Willoughby?) nổi bật trên nền đỏ chính là hy vọng để người mẹ Mildred (Frances McDormand) bấu víu trên hành trình tìm kiếm kẻ đã cưỡng hiếp và sát hại con gái bà một cách dã man. Frances đã có màn trình diễn hoàn toàn thuyết phục Viện Hàn Lâm và khán giả trong vai người mẹ đau khổ trước sự bất lực của cảnh sát. Những tình huống trớ trêu giữa các nhân vật luẩn quẩn trong thị trấn nhỏ xíu này thật sự trớ trêu và đáng để suy ngẫm.

Three Billboards: Truy Tìm Công Lý hiện đang được công chiếu tại các rạp chiếu toàn quốc.