chaucinephile
chaucinephile

Nguyễn Khắc Ngọc Phượng Châu

Hoạt động gần đây

HẠ CUỐI TÌNH ĐẦU: VẬY LÀ… “DỄ THƯƠNG” RỒI!
*Diễn viên chính (Quỳnh Hương) và nhà sản xuất (Bồ Thùy Linh) của “Hạ cuối tình đầu” đồng thời cũng đảm nhận vai trò tương tự trong tác phẩm được đánh giá là “thảm họa” – “S.O.S Sói trắng”. Nhưng không vì thế mà phim này cũng là “thảm họa” nha!
*Cha mẹ nên bảo bọc hay để cho con cái thoải mái sống theo ý muốn của bản thân?
Bạn có nghĩ “Hư một chút mới tốt”?
Con gái nên mạnh mẽ hay yếu đuối?
Đứng giữa tình bạn và tình yêu, bạn sẽ ứng xử thế nào?
Xem xong “Hạ cuối tình đầu”, chắc hẳn mỗi khán giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Cách đây khá lâu, mình di dạo Đường sách và bắt gặp đạo diễn Lê Hoàng cùng đoàn phim “Gái xinh nổi loạn”. Sau đó mình search thông tin và biết rằng dự án đang trong quá trình khởi quay. Bẵng đi thời gian, xuất hiện phim “Hạ cuối tình đầu” với những gương mặt diễn viên lạ lẫm cùng nội dung “thanh xuân vườn trường” nhàn nhạt. Đặc biệt, xem trailer xong, mình cảm giác phim có khả năng trở thành “thảm họa” không chừng. Và sau đó, mình mới biết “Hạ cuối tình đầu” là tên mới của “Gái xinh nổi loạn”. Bình thường, các phân đoạn đắt giá của các phim thường xuất hiện trong trailer, nhưng ngược lại, những cảnh diễn viên đơ và “thiếu muối” trong “Hạ cuối tình đầu” lại được “gói gọn” ngon lành. Trường hợp này tương tự như trailer phim hoạt hình “Giải cứu công chúa”.
Cùng là phim hướng về giới trẻ, nếu “Em chưa 18” còn mang đặc trưng phương Tây, “Tháng năm rực rỡ” còn vương chút màu sắc Hàn Quốc thì “Hạ cuối tình đầu”, theo cảm nhận cá nhân lại gần gũi và đậm chất Việt Nam. Chính tà áo dài nữ sinh phấp phới của các nhân vật nữ trong phim khiến cho anh chàng Huy Cường phải ngẩn ngơ còn gì! Tuy thật sự bộ phim chưa hẳn xuất sắc, được đánh giá cao như “Em chưa 18” và “Tháng năm rực rỡ”, nhưng cảm xúc và thông điệp của “Hạ cuối tình đầu” khiến mình cảm thấy dễ chịu và thích thú.
Những câu nói “Bằng tuổi con ngày xưa…”, “Con không được thế này…”, “Con phải sống theo ý của ba mẹ vì đang ở nhà của ba mẹ…”, mình cảm thấy quen thuộc đối với các bậc phụ huynh Việt Nam. Dù biết ba mẹ nào cũng mong muốn điều tốt nhất cho con cái, vì trong mắt ba mẹ, con mình dù bao nhiêu tuổi đi chăng nữa vẫn là một “đứa trẻ” cần được bảo vệ, theo dõi từng bước đi. Nhưng điều đó vô tình lại triệt tiêu đi sự độc lập, tự chủ, giai đoạn bắt buộc phải “trưởng thành” của đứa con, đặc biệt là hình thành thói quen thích đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. “Hạ cuối tình đầu” có cảnh một đứa bé người nước ngoài trượt ngã, ba mẹ không đỡ bé hay “giả vờ” trách mắng cái bậc thang như nhiều phụ huynh Việt mà chỉ động viên: “Con là siêu nhân, con tự đứng dậy được mà!”
Mình thích tên phim cũ “Gái xinh nổi loạn” hơn “Hạ cuối tình đầu”. Nếu giữ tên cũ và dựng trailer theo tính cách “nổi loạn” của Lưu Ly, mình nghĩ phim sẽ tạo được ấn tượng và có điểm nhấn hơn là tập trung vào các chi tiết “bắt cá hai tay” của anh chàng Huy Cường. Lưu Ly xinh tươi, đáng yêu, lắm “chiêu trò” nhưng cũng rất nghĩa khí. Cho dù có cảm tình với Huy Cường, nhưng với “kế hoạch thử nghiệm” làm tổn thương bạn thân Khánh Mai, cô nàng cũng thẳng tay “trừng trị” anh ta không thương tiếc. Cô nàng còn dám chịu trách nhiệm cho hành động của mình và khi được hỏi có hối hận với những hành động trong clip bị tung lên Internet, Lưu Ly trả lời: “Em không hối hận, vì nếu không có ngày hôm qua, làm sao có ngày hôm nay?”
Lời thoại trong phim “Hạ cuối tình đầu”tự nhiên, hài hước nhưng vừa phải, không quá lố, phù hợp với hình tượng nhân vật. Dàn diễn viên diễn xuất tương đối đồng đều, trừ một số phân đoạn khá đơ trong trailer. Mình đặc biệt thích bạn Gia Linh ngoại hình xinh xắn, nhỏ nhắn, có nhiều nét tương đồng với Kaity Nguyễn. Dàn diễn viên phụ và khách mời đều rất tròn vai, dễ thương điểm tô thêm thông điệp của phim: “Đa phần thế hệ phụ huynh Việt Nam đều dành thời gian và hy sinh cho con cái, họ hầu như chưa có thời gian “sống cho bản thân mình” một cách đúng nghĩa”.
“Đời cho ta bao lần đôi mươi” hay “Hạ cuối tình đầu” là những phim hiếm hoi có kịch bản thuần Việt nhẹ nhàng, trong trẻo về đề tài tình bạn, tình yêu. Và điện ảnh Việt cũng cần lắm những bộ phim tử tế như thế. Tuy vậy, mình đồng ý một phần với ý kiến cho rằng “Hạ cuối tình đầu” thể hiện “cái tâm”, sự nghiêm túc với nghề của đạo diễn Trương Quang Thịnh nhưng anh vẫn cần phải đột phá hơn nữa để có được “màu phim” của riêng mình.
Hy vọng phim sẽ không bị “thất bại” về doanh thu, vì mình thấy xuất chiếu của phim khá ít, dù phim mới chỉ công chiếu được 1 tuần, hoạt động truyền thông – PR cũng không được đẩy mạnh lắm. Thật sự, mình hiểu tác phẩm điện ảnh được sản xuất từ những công ty nhỏ, gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các khâu, từ sản xuất đến phát hành. “Đời cho ta bao lần đôi mươi” và “Hạ cuối tình đầu” ra rạp cũng phải trải qua biết bao tháng ngày chịu cảnh chờ xếp lịch ra mắt khán giả. Nhưng có lẽ, điều ấy còn may mắn hơn khi nhiều phim điện ảnh Việt chưa biết “số phận” sẽ như thế nào, dù đã hoàn thành hậu kỳ từ lâu.
P/S: Phần âm nhạc của “Hạ cuối tình đầu” cũng rất bắt tai và phù hợp với phim.
“Vậy là nắng trong tim, vậy là mưa cũng vui thêm…”
Hailey – Vậy là yêu rồi: https://www.youtube.com/watch?v=D_rEPPhcO7U

chaucinephile chaucinephile đã đánh giá 8 cho Early Man

“Early man/Ngôi làng tiền sử” là phim hoạt hình theo thể loại stop-motion của xưởng Aardman nước Anh, lấy cảm hứng về lịch sử ra đời của bóng đá. Tạo hình nhân vật dí dỏm với đôi mắt lồi, chiếc mũi hếch, khuôn miệng rộng với những chiếc răng to cùng những cử chỉ ngờ nghệch… là điểm nhấn đặc biệt của bộ phim.
Dù không phải tác phẩm hoạt hình xuất sắc nhưng “Ngôi làng tiền sử” vẫn đáng xem vì chắc chắn bạn sẽ thích thú với những nhân vật thời kỳ Đồ Đá cũng như Đồ Đồng. Ngoài ra, thông điệp phim muốn chuyển tải chính là đề cao tinh thần đoàn kết trong thể thao nói riêng và trong cuộc sống nói chung.

Dù “Về quê ăn Tết” sở hữu kịch bản sơ sài, kỹ xảo chưa chỉn chu, cài cắm quảng cáo nhiều lúc gây khó chịu nhưng bộ phim mang đến cho mình một không khí Tết đúng nghĩa. Và không lấy làm ngạc nhiên khi hầu hết khán giả đều nán lại xem hết after-credit.
Jun Phạm sau nhiều vai phụ, trong “Về quê ăn Tết” đã tỏa sáng với vai chính Đậu Đỏ khá duyên dáng, hài hước nhưng không thiếu đi chiều sâu. Điều làm mình bất ngờ nhất là hình tượng nhân vật Đậu Xanh của Ngô Thanh Vân. Mình cũng thích vai diễn của nghệ sĩ Trung Dân, hài nhưng lố mà sâu lắng, cảm động.
Chuyển tải cảm xúc và thông điệp ý nghĩa đến khán giả, đó đã là thành công của “Về quê ăn Tết”.

chaucinephile chaucinephile đã đánh giá 7 cho 798 Mười

Nếu kịch bản được đầu tư hơn thì với dàn ekip gồm D.O.P người nước ngoài, dựng phim, nhà soạn nhạc phim… chắc hẳn “798Mười” sẽ là một câu chuyện ý nghĩa và mang đến cho khán giả thông điệp sâu sắc hơn. Mạch phim rời rạc, cô nàng đi cùng phải thốt lên: "Phim xem chán quá!"
Điểm sáng của “798Mười” chính là các cảnh hành động. Các cảnh đua xe, rượt đuổi cùng các màn đấu võ đều chân thật và “đã mắt”. Hình ảnh phim ổn, dựng phim chắc tay và nhạc phim khá “chất” (sản phẩm từ underground cơ mà ).
Cá nhân vẫn cho rằng vừa đóng phim, vừa tham gia chỉ đạo diễn xuất sẽ khó trọn vẹn cả hai vai trò. Và Dustin Nguyễn trong “798Mười” chỉ tròn vai anh Mười thẳng thắn, nghĩa hiệp và giỏi võ. Còn dấu ấn của đạo diễn dường như mờ nhạt.
Nam Em không phải diễn dở, chỉ là cô nàng đang bị “đóng khung”, không được giao dạng vai đúng với khả năng của mình. Nếu có vai “nữ nhân” tưng tửng, cá tánh, chắc hẳn sẽ có một Nam Em rất khác, có khi là diễn viên sáng giá không chừng!

chaucinephile chaucinephile đã thích và đánh giá 8 cho Ajin live-action

AJIN: DEMI HUMAN – HÃY SỐNG CUỘC ĐỜI CỦA CHÍNH MÌNH
*Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Ra mắt tại Nhật vào tháng 9/2017, qua nhiều vòng kiểm duyệt, ngày 26.01.2018, “Ajin: Demi Human” mới chính thức được khởi chiếu tại Việt Nam. Nhìn chung, bộ phim có thể khiến các fan của Manga “mãn nhãn” bằng dàn diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, các cảnh hành động cùng kỹ xảo được đầu tư kỹ lưỡng cùng thông điệp được gửi gắm sâu sắc.
Nagai - nhân vật chính và cũng là nhân vật gây ấn tượng nhất trong “Ajin: Demi Human” được diễn viên Sato Takeru lột tả tròn trịa từng cung bậc cảm xúc. Nagai là nhân vật không có định nghĩa đúng sai, với anh mọi thứ chỉ có tính tương đối. Anh cho rằng bản thân không cần phải phụ thuộc hay tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức, chuẩn mực xã hội. Trước khi phát hiện mình là Á nhân - tộc người bất tử, Nagai vẫn có cuộc sống như người bình thường. Anh học hành và làm việc chăm chỉ để hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho cô em gái. Nhưng sau tai nạn xe hơi, anh phát hiện mình có khả năng tái sinh từ cái chết. Từ đó, cuộc đời của anh thay đổi hoàn toàn. Anh và các Á nhân khác bị chính phủ truy lùng, tước đoạt quyền công dân và trở thành “chuột bạch” thí nghiệm thử thuốc và các loại vũ khí hủy diệt. Nhưng không vì vậy mà Nagai trở nên căm thù con người, anh vẫn giữ trái tim thiện lương. Anh có thể vì sự an toàn của bản thân, tránh sự đuổi bắt mà lựa chọn bỏ mặc người bị thương. Nhưng Nagai đã lựa chọn lương tâm của người bác sĩ: dù trong hoàn cảnh như thế nào cũng phải cố gắng cứu người. Bởi đó mới chính là “kim chỉ nam” của chính cuộc đời Nagai. Nếu Nagai đại diện cho cái Thiện thì Sato (diễn viên Ayano Gou) đại diện cho cái Ác. Nhưng mỗi việc xảy ra đều có nguyên nhân. Trong vòng 20 năm, từ khi sinh ra, mỗi ngày Sato phải vô số lần trải qua cảm giác “chết đi – sống lại”, chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Hình ảnh giọt nước mắt pha lẫn máu cùng ánh mắt căm phẫn của Sato khiến nhiều người xem ám ảnh và nghẹn ngào. “Quái vật” Sato chính là sản phẩm từ lòng tham vô đáy của con người.
Điện ảnh Nhật ngày càng có những bược tiến vượt trội, đặc biệt kỹ thuật CGI và các cảnh hành động được sử dụng trong “Ajin: Demi Human” không hề thua kém một bộ phim Hollywood nào. Âm thanh và âm nhạc của phim được lồng ghép phù hợp với mạch phim, không hề gây rời rạc. Trái lại, chúng mang đến cảm giác hồi hộp, gây cấn đúng chất của phim hành động khi khán giả không đoán được tình tiết tiếp theo sẽ ra sao. Sự diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên phụ cũng là điểm sáng của phim. Nói chung, nếu đã là fan của phim Nhật Bản thì chắc chắn sẽ thích “màu phim” và cách xây dựng hình tượng nhân vật của “Ajin: Demi Human”.
Những tác phẩm nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng của Nhật Bản đều chứa đựng những triết lý sâu sắc và mang đậm ý nghĩa nhân văn. “Ajin: Demi Human” là một trong những phim chuyển tải được những điều ấy. Và nếu là fan của điện ảnh Nhật Bản, bỏ lỡ tác phẩm điện ảnh này sẽ là điều đáng tiếc. “Đừng bao giờ đánh giá con người qua vẻ bề ngoài”, câu nói được nhắc lại hai lần trong “Ajin: Demi Human” với hàm nghĩa những gì bạn nhìn, được nghe đồn thổi và có khi chính tai nghe được cũng chưa hẳn như bên ngoài. Bởi ai cũng có khả năng “nhìn”, nhưng khả năng “thấy” sự thật hay bản chất đúng nghĩa của sự vật, hiện tượng lại không nhiều. Bà lão trong phim, đã nhận ra Nagai là Á nhân – đối tượng được dán mác “nguy hiểm”, nhưng bà vẫn cưu mang anh mà không báo cho chính quyền. Bởi đơn giản bà nghĩ: “Thấy người hoạn nạn, việc đầu tiên giúp đỡ chân thành”. Cũng chính nhờ sự giúp đỡ của bà, Nagai không trốn chạy mà quyết định đối đầu trực tiếp với Sato, ngăn cản kế hoạch “biến Tokyo thành nơi con người không thể sinh sống” của anh ta.
Không chỉ là bản live-action bộ truyện tranh của họa sĩ Sakurai Gamon, “Ajin: Demi Human” còn gửi đến khán giả thông điệp: “Hãy sống cuộc đời của chính mình”. Dù bạn là con người hay Á nhân, bạn hoàn toàn có quyền được tự do lựa chọn cuộc sống bản thân, không bị bất kỳ thế lực nào cản trở.

chaucinephile chaucinephile đã thích và đánh giá 10 cho Ở Đây Có Nắng

Cảm giác hạnh phúc khi ăn món ăn ngon cũng tương tự như được thưởng thức bộ phim hay vậy. Ở Đây Có Nắng – phim điện ảnh về tình cảm gia đình mở màn năm 2018, chính là món ăn ngon đối với mình.
Mạch phim nhanh, tiết tấu không bị nhàm chán so với các phim Việt gần đây. Diễn viên tròn vai, đặc biệt là bé Gia Bảo và Ngân Chi khiến khán giả bất ngờ. Lối dẫn truyện nhạy bén và mới lạ. Thủ pháp điện ảnh cũng khá đa dạng và phong phú. Điều mình thích ở phim chính là nhà sản xuất không quá chú trọng vào diễn viên hot để đảm bảo doanh thu, mà quan trọng chính là sự hợp vai và khả năng diễn xuất. Đôi khi dàn cast mới lạ mà đặt vào kịch bản hay lại làm nên tất cả.
Nói chung phim hay, mình cho 9/10 nha.
Xem thêm
Loading...

End of content

No more pages to load