Hardy
Hardy

Đông Lê

Dear u, mah friends

Hoạt động gần đây

Giải mã mê cung nhưng rốt cuộc lại đưa người xem vào mê cung của mười vạn câu hỏi vì sao...

Mà dù thế nào thì đây cũng là một kết thúc tương đối có hậu. Cuộc đời rồi vẫn sẽ tươi đẹp, nếu ngày mai thức dậy vẫn còn thấy ánh mặt trời.

Hardy Hardy đã đánh giá 7 cho Thor: Ragnarok

Nội dung cực hay (tất nhiên).

Kỹ xảo và âm nhạc cực kỳ epic tái hiện sự hùng tráng và bi thương của cuộc chiến giữa loài khỉ và con người.

Lồng ghép rất nhiều ý nghĩa sâu sắc xuyên suốt phim.
Có thể khẳng định trilogy Planet of Apes của đạo diễn Rupert Wyatt và Matt Reeves sẽ là một trong số những trilogy huyền thoại mà Hollywood từng sản xuất, và nếu để so sánh và dễ hình dung thì mình có thể nói là tám lạng nửa cân so với bộ ba Batman của Nolan.

Một phim mà nếu bạn không xem thì coi như là phí cả tháng 7, à không phí cả mùa phim hè mới đúng.

Hardy Hardy đã đánh giá 8 cho Spider-Man: Homecoming

Tạm biệt hai franchise về thời sinh viên, chúng ta sẽ hòa mình vào cuộc sống trung học của Peter Paker, một cậu bé chưa trưởng thành phải xoay sở để cân bằng cuộc sống bình thường và trách nhiệm của một anh hùng giải cứu thế giới. Xây dựng nên một Spider-man có chút trẻ con, tinh nghịch, ưa khám phá và phiêu lưu, những đặc điểm giúp người Nhện được yêu quý.

Kiểu cốt truyện gợi nhớ lại những phim siêu nhân ngày bé, một cậu bé trung học 15 tuổi, có được bộ giáp siêu nhiên, ngày ngày vẫn đến trường học cùng các bạn, và rồi khi vứt bỏ chiếc balo, cậu trở thành siêu anh hùng trừ gian diệt bạo. Một chút tuổi thơ chắc chắn sẽ ùa về khi xem Spider-man: Homecoming, đó là điều tạo nên sự thú vị và khác biệt của phim so với các phim tiền nhiệm đã đi trước.

Phim vẫn mang yếu tố hài hước cao đúng chuẩn người Nhện và những câu chuyện tình cảm, tình bạn, những rắc rối của lứa tuổi thiếu niên được lồng ghép vào một cách rất khéo léo và hợp lý.

Thế nhưng, với cốt truyện "siêu nhân" có phần đơn giản như thế, nên ai là fan trung lập hay xem phim khó tính chút sẽ có cảm giác phim cứ thế mà trôi đi một cách đều đều, không có điểm nhấn hay một cao trào nào cả, cách giải quyết nút thắt câu chuyện ở cuối phim có thể nói là vô cùng đơn giản và theo một motif không có gì mới, thậm chí có phần dễ dãi, nhưng nhìn chung thì biên kịch phim cũng chẳng còn cách nào khác ngoài cách giải quyết như thế. Đây có thể xem là một trong những nhược điểm lâu năm của Marvel trong việc xây dựng cốt truyện trong các phim siêu anh hùng.

Phần trải nghiệm nghe nhìn mình đánh giá vẫn không có gì để phàn nàn, hình ảnh phim tươi sáng và các vũ khí công nghệ cao đều rất chất, nhất là bộ giáp của Nhện. Các màn bay lượn giữa các tòa nhà chọc trời sẽ khiến bạn hoàn toàn đắm chìm và chỉ biết hú hét.

Điểm cộng lớn thuộc về Tom Holland, còn ông Stark thì được quảng cáo rầm rộ nhưng không nên kỳ vọng nhiều, xuất hiện cho vui chứ không hơn. Vai phản diện của cựu Batman Micheal Keaton cũng khá ổn nhưng không có đột phá gì so với các phản diện trước của Nhện, có hơi hướng của Green Goblin và dù là phản diện nhưng mình thấy nhân vật này khá là tội nghiệp.

Tóm lại là phim hay và đủ làm hai lòng nếu bạn là fan lâu năm của Nhện, còn nếu không cũng không quá xuất sắc.

Hardy Hardy đã đánh giá 8 cho Baby Driver

Một bộ phim hành động kiểu Fast and Furious nhưng kịch bản lại theo hướng La La Land.

Hành động không nhiều nhưng vừa đủ để tạo cảm giác phấn khích, và phim sử dụng rất ít kỹ xảo nên những màn drift xe hay rượt đuổi trên phố tạo cảm giác rất thật chứ không phi logic như Need for Speed hay FnF.

Sau Fault in Our Stars thì có lẽ không cần phải nghi ngờ về diễn xuất của Ansel Elgort, còn Lily James và Eiza Gonzalez chỉ cần cười thôi cũng đủ ăn điểm rồi. Kevin Spacey thì vẫn phong cách ông trùm đầy mưu mẹo và quyền lực như trong House of Cards.

Sẽ không có bất ngờ nếu Baby Driver có tên trong hạng mục hòa âm xuất sắc tại đề cử Oscar năm sau, một bộ phim lấy đề tài âm nhạc nên phần âm thanh không hề làm nền mà lại là đối tượng được ưu tiên hơn cả. Hàng chục bài hát trải dài từ thập niên 70s đến nay được lồng ghép hoàn hảo vào từng khung hình trên phim, từ những bản rock đầy hoang dại của Queen đến những bản nhạc đồng quê của Blake Shelton, từ RnB của Usher cho đến hiphop của Snoop Dogg. Có thể khẳng định là dàn soundtrack của phim thậm chí còn giật cả spotlight của dàn cast. Một điều thú vị là Ansel Elgort là một diễn viên kiêm DJ nên một số bản nhạc trong phim được chính Ansel mix và biên tập.

Cái kết của phim là một cái kết có thể khiến những người mong chờ happy ending sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng, nhưng lại là cái kết hay và phù hợp với ý nghĩa và thông điệp mà bộ phim muốn hướng tới.

Tóm lại, Baby Driver là một phim hay và đáng xem, phim mang đến một trải nghiệm tương đối mới trong bối cảnh hiện nay đầy rẫy những bộ phim ngập trong kỹ xảo nhưng nội dung lại nhạt nhẽo và trống rỗng.

Đã xem Transformers thì chấp nhận phần nội dung sẽ có vô số hạt sạn và các tình tiết vô lý, nhưng hãy yên tâm, nội dung phần phim này khẳng định lần nữa là có đột phá hơn rất nhiều.

Phần kỹ xảo và âm thanh có lẽ là lý do chính mà nhiều người chấp nhận bỏ tiền và thời gian ra rạp để xem Transformer mà không cần quan tâm phần nội dung. Với công nghệ máy quay IMAX 3D mới và kinh phí làm phim khổng lồ hơn $200 triệu, Michael Bay đã hoàn toàn nhấn chìm khán giả trong bữa tiệc cháy nổ và kỹ xảo tráng, cộng với phần âm thanh mà theo đạo diễn này là “được điều phối và tạo nên từ những bậc thầy âm thanh của Hollywood”, bạn chắc chắn sẽ phải ngỡ ngàng trước sự bùng nổ của hiệu ứng CGI và phần hòa âm.

Từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của các Transformers, các đại cảnh và các trường đoạn chiến đấu được đầu tư cực kỳ kỹ lưỡng và gần như ở mức hoàn hảo, sẽ khó mà tìm ra được lỗi kỹ thuật hay chi tiết lỗi nào trong khâu xử lý kỹ xảo từ ekip làm phim. Một điều nữa, sau vô số gạch đá từ phía người hâm mộ, Michael Bay đã sử dụng lại kiểu biến hình cũ ở các phần phim trước thay cho kiểu biến hình bị cho là "tệ hại" của phần bốn, cộng với công nghệ kỹ xảo cao hơn sẽ làm bạn cảm thấy cực kỳ phấn khích. Tóm lại, cực kỳ đã mắt và đã tai là những gì có thể cảm nhận về phần nghe nhìn của bộ phim.

Megatron có lẽ là nhạt nhòa nhất trong số này, cảm giác Megatron gần như chẳng có một điểm nhấn nào đáng chú ý xuyên suốt bộ phim. Optimus Prime vẫn là linh hồn chính của phim và có thể nhận xét là phần này anh đã hoàn thành tạm ổn vai trò của mình, chứ không thể nói là xuất sắc.

Ấn tượng nhất ở phần này là nhân vật Sir Edmund Burton đầy thông thái của Sir Anthony Hopkins, với sự già dặn và kinh nghiệm diễn xuất của mình ông đã hoàn thành xuất sắc vai diễn và đóng vai trò then chốt trong phim. Kế đến là cô bé Izabella, người xem sẽ bị thuyết phục trước dáng vẻ mạnh mẽ cùng thái độ quyết liệt của cô bé. Mark Wahlberg cũng đã diễn tròn vai nhân vật Cade Yeager, và nhiều người cũng đánh giá vai diễn Cade Yeager của Mark Wahlberg cao hơn vai diễn Sam Witwicky của Shia LaBeouf, đáng tiếc là sau phần này thì nam tài tử cũng đã nói lời chia tay với Transformers và nhân vật của anh sẽ không xuất hiện trở lại ở các phim sau nữa. Còn cô đào nóng bỏng Laura Haddock là một sự thay thế hoàn toàn xứng đáng cho Megan Fox. Nhìn chung tuyến nhân vật loài người trong Transformers: The Last Knitght này đều diễn tròn vai và không có vai nào thật sự gây thất vọng.

Transformers: The Last Knitght đã làm tốt vai trò làm tiền đề và mở ra vũ trụ Transformers mới, cũng như giúp hãng Paramount một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong dòng phim người máy. Tóm lại, nếu bạn ra rạp xem phim với mục đích giải trí và thư giãn là chính, Transformers: The Last Knitght dư sức làm thỏa mãn yêu cầu đó, còn nếu nuôi ý định tìm một phần phim Transformers với nội dung có ý nghĩa, sâu sắc hay nhân văn chẳng hạn, thì sẽ cảm thấy là phí tiền và không đáng.

Điều cuối cùng, nếu có thể thì nên xem các định dạng như IMAX hay IMAX 3D đề trải nghiệm được trọn vẹn nhất bom tấn này.

Hardy Hardy đã đánh giá 6 cho The Mummy

Tổng thể phim cứ chia ra làm sáu phần và sáu phần đó hoàn toàn ko liên quan gì tới nhau. Rời rạc và hơi thiếu điểm nhấn. Cảm giác kiểu mỗi phần mang một nội dung riêng và ko hề chung tay để dẫn tới cái một cốt truyện chính nhất định. Đoán xem phim này có cả thảy mấy biên kịch viết kịch bản? Google trả lời là có sáu biên kịch.

Điểm thứ hai, phim này được chi đạo bởi một đạo diễn có ít kinh nghiệm là Alex Kurtzman, Kurtzman vốn chỉ là một biên kịch và do lần đầu phải giữ vai trò chèo lái một bom tấn, ông đã ko có đủ năng lực chỉ đạo, và, Tom Cruise là người chi phối gần như là toàn bộ quá trình làm phim, dẫn tới lý do phim có quá nhiều plot hole.

Nói về Tom, gần đây anh quá overrated. Tom là tài tử có thực lực nhất nhì Hollywood là điều ko ai bàn cãi. Tuy nhiên, những phim gần đây Tom dường như bị đóng khung cách diễn của Mission Impossible, khiến cho khán giả thật sự có cảm giác bị nhàm chán. Và, khi coi The Mummy, nhiều đoạn tưởng đang coi Mission Impossible. Run.. Tom.. Run có vẻ đã khiến khán giả dần chán.

The Mummy lại có thêm một sai lầm nữa, đó chính là ở cách đặt tên. Vì đây vốn dĩ là một phim reboot, phim mở đầu cho sequel và vũ trụ Dark Universe. Bởi vì Dr. Jykell và tổ chức Prodigium thật sự mới là nhân vật trung tâm mà phim muốn giới thiệu, cũng như là trung tâm của Dark Universe chứ ko phải Mummy, Mummy chỉ là yếu tố phụ. Nếu đặt tựa phim khác sẽ hợp lý hơn rất nhiều, Prodigium hay tên gì đó chẳng hạn.

Điểm cộng duy nhất có lẽ là ở vai diễn Ahmanet của nữ diễn viên Sofia Boutella và phần kỹ xảo hình ảnh, cùng vài đoạn jump scare khá chất.

Tóm lại, nếu như Universal muốn nuôi mộng cạnh tranh Dark Universe với các vũ trụ khác, sẽ phải có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn ở những phim sau. Nếu không muốn vũ trụ này flop nặng nề.

-/-

Hardy Hardy đã đánh giá 9 cho Wonder Woman

Nữ anh hùng Wonder Woman là một trong số những siêu anh hùng mang tính biểu tượng cực kỳ cao trong thế giới comic nói chung, và DC Comic nói riêng.
Nguồn gốc và thân thế của Wonder Woman - Diana Prince thì có rất nhiều, từ comic, từ animation, game, phim truyền hình và cả phim điện ảnh, ở mỗi một phiên bản lại có một xuất thân khác nhau.

Trong bản điện ảnh năm 2017 này, Diana là con gái của Zeus và nữ hoàng Hipolyta, nữ hoàng của bộ tộc Amazon huyền thoại tại đảo Thiên đường. Dưới sự đào tạo và rèn luyện từ các nữ chiến binh Amazon, Diana nhanh chóng trở thành một cô gái mạnh mẽ và can trường, chiến đấu dũng mãnh và sở hữu những khả năng phi phàm. Rồi một ngày anh chàng Steve Trevor, một phi công và là một điệp viên người Mỹ làm nhiệm vụ nằm vùng tại Đức bị trôi dạt lên đảo Thiên đường, mang theo một cuộc chiến mà Diana, với bản tính bộc trực và lòng nhân ái, không thể là người đứng ngoài cuộc...

Khi Wonder Woman xuất hiện trong bom tấn Batman vs Superman năm 2016, nữ siêu anh hùng này thậm chí còn được yêu mến và chú ý hơn cả hai anh chàng kia, dù chỉ sắm vai phụ. Tuy vậy, khi dự án phim riêng về cô được công bố, không ít sự hoài nghi đã xuất hiện. Một bộ phim về nữ siêu anh hùng, được dẫn dắt bởi một nữ đạo diễn, dàn diễn viên không quá nỗi bật, thì liệu có gì để mong chờ không? Câu trả lời là phim đã nằm vượt ngoài mong đợi và đập tan mọi sự hồ nghi vớ vẫn. Với Wonder Woman, WannerBros và DCEU đã thật sự làm nên chuyện và gửi lời tuyên chiến mạnh mẽ đến MCU sau nhiều bộ phim (có thể xem là) thất bại.

Phim lấy bối cảnh thế chiến thứ nhất, thời điểm phát xít Đức đang thất thế trước quân đồng minh, Hoàng đế Hitler ra lệnh cho tùy tướng thân cận là Ludendorff, cùng với ả tiến sĩ Độc dược chế tạo ra một loại vũ khí sinh học có khả năng hủy diệt hàng loạt nhằm giúp phe phát xít lật ngược thế cờ. Nếu bạn đã từng chơi qua loạt game Call of Duty hay xem các phim tài liệu về thế chiến, sẽ thấy ekip làm phim đã hoàn thành xuất sắc đến thế nào việc tái hiện lại chiến trường năm xưa. Từ trang phục, cách các binh lính, các chiến hào hay vũ khí, phương tiện di chuyển, công trình kiến trúc, cách giao tiếp,... đều như mang khán giả thực sự trở về những năm 20 của thế kỷ trước. Bộ tộc Amazon và vùng đất Themyscira cũng được đầu tư rất kỳ công và chỉnh chu, với những hình ảnh đẹp tuyệt vời và như cách các fan truyện tranh vẫn thường nói, là như mang từ comic ra! Nhìn chung, phần hình ảnh dư sức làm mãn nhãn và hài lòng hầu hết tất cả mọi người. Và có vẻ như để chiều lòng khán giả sau nhiều lần bị phàn nàn, WannerBros đã làm cho tông màu phim tươi sáng hơn nhiều so với Man of Steel hay Batman vs Superman.

Đó là phần hình ảnh và màu phim, còn về âm thanh, điều này DCEU đã làm tốt trong hầu hết các phim trước, và truyền thống này vẫn được giữ lại ở Wonder Woman 2017, khi mà các soundtrack của phim đã làm tốt việc nâng sự hùng tráng của bộ phim lên mức cao hơn. Is she with you? là soundtrack chủ đề của nhân vật Wonder Woman, và mỗi khi giai điệu này vang lên trong phim, chắc chắn bạn sẽ thấy rạo rực và muốn gào thét..! Từng tiếng súng nổ, bom rơi, hay chiến hào sụp đổ đều được tái hiện một cách chân thật nhất. Quá tuyệt vời là những gì có thể mô tả về phần âm thanh.

Phim đã làm rất tốt trong việc hài hòa và đan xen giữa hai yếu tố: hành động giải trí đúng kiểu siêu anh hùng và một nội dung đủ sâu sắc chứ không phải là chỉ là một nội dung cho có. Phim đưa chúng ta đi từng bước theo Diana Prince, từ khi sinh ra, lớn lên, tập luyện chiến đấu bên cạnh các chiến binh Amazon, rồi nhận ra số mệnh thật sự của mình, cảm nhận được sự khắc nghiệt của thế giới bên ngoài, biết yêu một người là thế nào và cuối cùng là khám phá ra sức mạnh của một nữ thần tiềm ẩn bên trong mình. Biên kịch và đạo diễn Wonder Woman đã làm hết sức có thể để phim đi theo một hướng thật chặt chẽ và logic nhất có thể, có thể nói, Wonder Woman là một trong những phim siêu anh hùng có nội dung hay và chiều sâu tốt nhất trong tất cả các phim kể từ khi các vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng ra đời, và nếu để tìm ra sạn hay plot hole nào đó, chắc sẽ phải vất vả đấy.

Hiếm có bộ phim nào có tới ba phản diện, chưa kể là cả ba phản diện đều thể hiện được ít nhiều tầm ảnh hưởng đến nội dung câu chuyện, chứ không chỉ là bình phông cho nhân vật chính. Chúng ta có hai phản diện phụ là Ludendorff và Doctor Poison, và phản diện chính là Ares, thần chiến tranh và là kẻ thù của dân tộc Amazon. Dẫu biết sau tất cả thì phần thắng luôn thuộc về các người hùng, nhưng Ares không phải là kiểu phản diện chỉ có sức mạnh mà không có cái đầu, hữu dũng vô mưu và chết một cách dễ dàng như chúng ta thường thấy. Plot twist của nhân vật này trong phim cũng là một plot twist không tồi, và theo cảm nhận thì phản diện này sẽ còn có thể xuất hiện trong các phim sau nữa của DCEU, theo một cách nào đó.

Nhân vật chàng phi công Steve Trevor của Chris Pine sẽ là người nắm giữ vai nam chính, cũng là mối tình đầu tiên của Diana, Chris Pine đã hoàn thành tốt vai diễn của mình, chắc có lẽ là do anh cũng quen đóng vai phi công rồi. Sự lúng túng và ngô nghê của anh khi thể hiện sự quan tâm hay khi bảo vệ Diana chắc chắn sẽ làm cho không ít fan nữ phải xiêu lòng. Các nhân vật phụ như cô trợ lý Etta, anh chàng lính bắn tỉa Charlie, Sameer hay The Cheif cũng có đất diễn tương đối và đóng góp ít nhiều vào nội dung phim.

Khi Gal Gadot được đạo diễn Zack Snyder chọn là Wonder Woman, có không ít người hâm mộ và các chuyên gia phản đối, với lý do là ngoài vai diễn Gisele trong loạt phim Fast and Fourious, cựu hoa hậu Israel không có nhiều kinh nghiệm điện ảnh, cộng với thể hình có phần ốm yếu để thủ vai một nữ người hùng, và quan trọng hơn cả, cô không phải người Mỹ. Tuy nhiên, với những nỗ lực và màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn trong BatmanvSuperman, tất cả đã phải có cái nhìn khác. Và nếu có từ nào đễ diễn tả về Wonder Woman của Gal Gadot trong bản phim năm 2017 này, ta phải dùng từ hoàn hảo. Wonder Woman đẹp không tì vết, đẹp không góc chết và đẹp trong mọi cảnh phim, nhiều lúc bạn có có thể quên đọc cả phụ đề chỉ vì mãi mê ngắm nữ thần chiến tranh này, và ngay cả một số bạn nữ cũng phải thừa nhận là Gal Gadot quá đẹp. Nói như vậy không có nghĩa chị là bình hoa di động, Gal đã hoàn thành cũng rất xuất sắc các cảnh diễn nội tâm hay các cảnh hành động, các pha combat slow motion bay nhảy, giáp chiến. Riêng trường đoạn chiến đấu cuối cùng giữa Wonder Woman và Ares, có thể xem là hùng tráng và mãn nhãn nhất trong tất cả các phim siêu anh hùng bạn đã từng xem qua, và chúng ta không thể đòi hỏi gì thêm nữa.

Wonder Woman thật sự đã làm nên một cuộc cách mạng và chắc chắc sẽ tác động mạnh đến các nhà làm phim Hollywood, khi mà đề tài nữ người hùng là một đề tài thú vị và còn nhiều điều đáng khai thác nhưng từ trước đến nay ít được quan tâm tới. Phim đề cao tinh thần nữ quyền rất mạnh mẽ và lồng ghép nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Góp phần vào thành công này, công lớn thuộc về Gal Gadot, đạo diễn Patty Jenkings và ekip, cùng người hùng thầm lặng Zack Snyder trong vai trò góp ý cho kịch bản và producer. Với Wonder Woman, WannerBros và DCEU đã ít nhiều lấy lại tình cảm từ người hâm mộ cũng như sẽ tự tin hơn ở các dự án tiếp theo, mà sắp tới đây sẽ là Justice League.

Hãy ra rạp, bạn sẽ có một bộ phim tuyệt vời và hay ho để khởi động cho tháng sáu này, hoặc ít nhất là để ngắm Wonder Woman thôi cũng được.
Phim về VN sẽ có tên chính thức là Pirates of Caribbean: Salazar's Revenge chứ không phải là Dead Men Tell No Tales, và theo thông tin bên lề thì khi ra mắt chính thức thì cũng sẽ lấy tên là Salazar's Revenge cho sát với nội dung phim.

Đầu tiên, nội dung phim đã nằm luôn ở cái tựa phim rồi, nên ko cần nói nhiều. Salazar được mệnh danh là "ông kẹ" của hải tặc khắp các vùng biển, bởi sự tàn nhẫn cũng như lạnh lùng, cùng với con tàu Mary Câm Lặng đã giết chết ko biết bao nhiêu hải tặc, bất khả chiến bại là vậy duy chỉ có lần duy nhất Sazalar thất bại, đó là thất bại trước Jack "Chim Sẽ", người khiến hắn phải trở thành ma suốt phần đời còn lại tại vùng biển Tam Giác Quỷ, sau nhiều năm, Salazar trở lại với binh đoàn bóng ma của mình, tìm Jack báo thù và chiếm cây đinh ba của Poseidon nhằm mục đích làm chủ biển cả lần nữa.

Nếu chưa xem bốn phần phim trước, thì yên tâm, bạn vẫn sẽ xem ổn phần này mà vẫn hiểu được cốt truyện, bởi phim ko liên kết quá nhiều với các phần trước, trừ sự xuất hiện của anh chàng Henry Turner, được mô tả là con trai của Elizabeth Swan và Will Turner, thuyền trưởng con tàu người Hà Lan Bay (Flying Dutchman), xuất hiện trong 3 phần phim đầu.

Pirates of Caribbean là một tượng đài huyền thoại của điện ảnh Mỹ và hãng Disney, tuy nhiên, kể từ khi phần phim đầu kết thúc, loạt phim này sau khi ra phần thứ hai bị giới phê bình cho là đã nhàm chán, tuy nhiên, với những fan trung thành của thể loại cướp biển, Pirates of Caribbean chưa bao giờ bớt hot, mỗi phần phim ra mắt là một lần người hâm mộ đc giông buồm ra khơi cùng Jack và đắm chìm vào những cuộc phiêu lưu mới, phần 5 này cũng vậy, tuy là bình mới rượu cũ, nhưng đảm bảo, các fan trung thành chắc chắn ko thất vọng. Và nếu vẫn còn lăng tăng vì phần trước là Suối Nguồn Tươi Trẻ bị xem là quá chán và mất chất thì phần này có khá hơn gì không, thì trả lời luôn phần này hay ngang ngửa phần Tận Cùng Thế Giới và Lời nguyền tàu Ngọc Trai Đen. Mặc dù vẫn có plot hole và các chi tiết thừa làm kéo dài và rối cho cốt truyện chính của phim, nhưng nếu là fan cứng của Jack, hoàn toàn có thể bỏ qua.

Hiệu ứng kỹ xảo và hình ảnh đã là thương hiệu của Pirates of Caribbean, và phần 5 này vẫn giữ được truyền thống đó, với kinh phí 350 triệu đô, phần kỷ xảo và CGI của phim đã ko phải bàn, từng cảnh quay đều được trau chuốt kỹ càng, từng nhân vật, từng đại cảnh đều được xử lý ở mức gần như hoàn hảo, trường đoạn chiến đấu trên biển giữa các tàu đc đầu tư cực kỳ hoành tráng và cực đã, các con tàu như Flying Dutchman, Black Pearl hay Mary Câm Lặng đều được xây dựng tỉ mỉ và chân thực nhất, nói chung, 9/10 là những gì có thể đánh giá về hình ảnh. Điểm trừ duy nhất có lẽ là vài cảnh quay bị xử lý hơi tối nên sẽ khó xem, anh em bị cận hay mắt kém sẽ hơi vất vả để theo dõi. Nên chọn định dạng iMax hay 3D để có trải nghiệm tốt nhất.

Về phần âm nhạc, Hans Zimmer đã chia tay bộ phim tuy vậy thì bản hòa âm He's a Pirates vẫn tiếp tục là soundtrack chính của phim, và ngay ở những cảnh phim đầu, khi giai điệu này vang lên, mình đã nổi da gà! Các soundtrack cũ như The Black Pearl, Barbosar Hungry cũng được sử dụng lại nhằm làm hài lòng các fan, nói chung, hùng tráng và đã là những gì có thể cảm nhận về phần âm thanh. 10/10.

Nhịp phim cực kỳ dồn dập và nhanh, bạn chắc chắn sẽ không có thời gian rời mắt khỏi màn hình. Motif phim vẫn kiểu hài hài và gây cười qua hành động của các nhân vật, và nếu đã xem các phim trước thì gần như sẽ thấy vài cảnh hơi "quen quen", thôi ko spoil.

Salazar là phản diện chính của phần này, nhưng nhìn chung phản diện này ko có gì là đột phá, nếu so với Davy Jones hay Black Beard thì còn thua xa. Henry Turner và cô nàng Carina là hai nhân vật mới, và cũng gần như là hai vai chính. Anh chàng Henry thì như đã nói ở trên là con trai Will, có vai trò lớn trong việc tìm cây đinh ba và phá giải các lời nguyền, còn cô nàng Carina ngoài rất nóng bỏng và thông minh ra thì hành tung tương đối bí ẩn, tuy vậy plot twist gần cuối phim sẽ tiết lộ thân phận thật của cô nàng này. Bên cạnh các nhân vật quen thuộc như Barbosa, một số sự trở lại đáng chú ý có thuyền phó Gibbs, các thành viên thủy thủ đoàn, con khỉ Jackie và hải quân hoàng gia Anh. Nói về vai trò của phe hải quân thì như các phần trước vẫn chủ yếu là cản đường và làm bia tập bắn cho phe hải tặc, nhưng mình thấy phần này sự có mặt của phe hải quân là hơi thừa, ko có cũng chẳng sao. Will và Elizabeth cũng quay lại với phim, tuy nhiên thì anh em đừng kỳ vọng nhiều ở hai nhân vật này... Cách giải quyết nút thắt cuối phim nhìn chung là ổn nhưng vẫn ko có gì mới, nói nhỏ luôn: sẽ có một nhân vật phải hy sinh. Hãy đoán xem là ai? Sẽ rất bất ngờ.

Giờ riêng về Jack Sparrow, linh hồn chính của loạt phim. Johny Depp vẫn giữ được những hình thương hiệu của Jack là sự tưng tửng, hoạt ngôn và láu cá, nhìn chung Depp đã hoàn thành tốt vai Jack trong phần này. Tuy vậy, những scandal gần đây ảnh hưởng khá nhiều đến Depp nói chung và Jack Sparrow nói riêng, trong vài phân cảnh có thể cảm nhận rõ sự mệt mõi và chán nãn của anh. Nếu giả sử phim có thêm các phần tiếp theo, và Johnny Depp vẫn là Jack Sparrow, anh sẽ cần phải tạo ra một bước đột phá cực lớn nếu ko muốn làm người hâm mộ thất vọng.

Tóm lại, Pirates of Caribbean 5 là một phim cực ổn và đáng xem, phim có đủ các yếu tố cần thiết để giải trí và khởi động cho một mùa hè đầy năng lượng cũng như là cú đề pa tốt để chuẩn bị bước vào mùa phim bom tấn hè năm nay.

Chúc vui !

Guardian of the Galaxy 2 - Đội du côn thiên hà một lần nữa cứu nguy cho cả vũ trụ.

Điều đầu tiên mà mình muốn đề cập ngay đó chính là phần nội dung, phần 2 này kịch bản đã có sự đầu tư hơn hẳn phần 1. Sau khi đã giải cứu cả dãy ngân hà ở phần trước, giờ đây Peter Quill và các đồng đội được xem như những người hùng, họ được săn đón ở mọi nơi. Họ sẵn sàng chiến đấu với mọi kẻ thù, chỉ cần được trả giá tương xứng. Đúng vậy, họ là những người hùng nhưng không phải chiến đấu vì lý tưởng hay một mục đích cao cả nào đó, họ chiến đấu vì một thứ thực tế hơn, là tiền bạc!

Ồ, vậy hóa ra mấy tên này cũng như mấy tên đánh thuê thôi, có gì mà đáng ca ngợi? Phải, Peter Quill và những đồng đội của mình thực chất là những tên xấu xa và cặn bả, chiến đấu chỉ vì lợi ích riêng của cá nhân, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ lại là những nỗi đau, những vết thương trong tâm hồn không ai hiểu được. Với Peter đó là sự dằn vặt về nguồn gốc bản thân, Gamora là mối quan hệ với cô em gái Nebula, Drax là nỗi đau mất gia đình và Rocket là sự kì thị về giống loài. Tất cả họ đều bị xem là dị biệt, nhưng chính những điều đó lại mang họ tới gần nhau hơn, để họ nhận ra rằng, giờ đây họ có cho mình một đội mới, một gia đình mới, đó là đội Vệ binh ngân hà, mà nếu chỉ mất đi một thành viên thôi, thì gia đình này chẳng còn ý nghĩa nữa.

Phim vẫn mang đậm màu sắc Marvel, với tông màu phim tươi sáng, đầy màu sắc. Hình ảnh một lần nữa là điểm cộng cực lớn, phần âm nhạc trong phim cũng rất tuyệt vời với những ca khúc country được lồng ghép cực khớp và phù hợp với các cảnh phim.

Tuyến nhân vật cũ vẫn giữ phong độ ổn định, những màn tung hứng của Peter, Rocket và Drax trong phim sẽ khiến bạn cười không ngớt, dù là trong hoàn cảnh vô cùng hiểm nguy và bi đát. Nhân vật nữ mới Mantis cũng là một điểm đáng chú ý, và nếu bạn nào lo ngại các nhân vật châu Á xuất hiện trong phim thường chỉ để cho đẹp đội hình thì yên tâm, vai trò của cô nàng quan trọng không kém các nhân vật kia đâu. Nebula vẫn cool ngầu như phần trước còn baby Groot thì cute và đáng yêu không phải bàn.

Nhân vật Ego (Cha của Peter) sẽ là nhân vật mấu chốt và là nút thắc của cả phim. Kết phim cũng không có gì bất ngờ nhưng nhìn chung là hợp lý với một phim siêu anh hùng. Và bật mí một chút, một nhân vật sẽ phải đổi mạng của mình để một thành viên của đội vệ binh được sống, là ai thì xem phim sẽ biết ;)

Điểm mà mình thấy tiếc nhất có lẽ là nhân vật Starka của bác già "Rambo" Stallone. Mình hy vọng sẽ có một màn team-up combat hoành tráng lệ của bác với đội vệ binh nhưng lại không có :( nhưng theo quan sát, đây sẽ là một nhân vật có "số má" của Marvel, hứa hẹn sẽ trở lại và lợi hại hơn ở các phim sau.

Phim có 5 after credit, nhưng không có gì đặc sắc, nếu thích thì có thể ngồi lại xem, không xem cũng chẳng sao :D

Tóm lại, nếu bạn đang tìm một bộ phim để xem giải trí và thư giản thật đã trong dịp lễ này, mình đảm bảo Guardian of the Galaxy 2 dư sức đáp ứng được yêu cầu trên.

Chúc vui!
Xem thêm
Loading...

End of content

No more pages to load