nickm
nickm

Nick M

Hoạt động gần đây

nickm nickm đã đánh giá 7 cho Weathering With You

“Anh thích em hơn bất kỳ bầu trời xanh nào”

Hoạt hình Nhật ngoài “đại gia” Ghibli thì có hai anh Mamoru Hosoda và Makoto Shinkai cũng rất đình đám trong hơn chục năm trở lại đây. Các phim của anh Hosoda như “The Girl Who Leapt Through Time”, “Wolf Children”, “Summer Wars” hay mới đây là “Mirai” thường rất sâu sắc, xem lần nào cũng vừa thấy buồn cười lại vừa xúc động, với đề tài thường là về sự trưởng thành. Trong khi đó, phim của anh Shinkai thì luôn trong trẻo, sến một cách dễ thương và đặc biệt phần hình ảnh lần nào xem cũng bị choáng ngợp.

“Weathering with You” (Đứa con của thời tiết) tiếp nối sau thành công rực rỡ của “Your Name.”, vẫn là câu chuyện mang hơi thở hiện đại giữa lòng Tokyo. Hodaka là cậu thiếu niên 16 tuổi sống trên hòn đảo nhỏ, bỏ nhà đi “dạt” tới Tokyo tìm việc. Tại đây, cậu quen biết Hina, được coi là “cô gái nắng” có khả năng biến trời mưa thành trời nắng mỗi khi “cầu nguyện”. Cả hai bắt đầu tận dụng khả năng của Hina để đi kiếm tiền…

Vẫn mang tinh thần kiểu “Your Name.”, “Weathering with You” là câu chuyện lãng mạn, sến sẩm nhưng rất dễ thương giữa một Tokyo mùa hè mưa tầm tã, y như Hà Nội lúc này. Hình ảnh thì khỏi nói rồi, vẫn đẹp lịm tim. Buổi trời mưa Tokyo xám xịt như vậy mà từng giọt nước mưa đều long lanh. Tất nhiên ai mà đòi hỏi cái gì mới ở anh Shinkai trong phim này thì chắc chắn là không có vì câu chuyện, cách thể hiện của “Weathering with You” vẫn theo một công thức như anh đã làm với “Your Name.”. Nhưng các nhân vật trong phim mới rất vui, từ cặp đôi Hina – Hodaka cho tới ông chú Saga, bà chị Natsumi, cậu em Nagi “sát gái” của Hina hay thậm chí là con mèo mà Hodaka nhặt về.

Nói về độ “sến” thì thực ra “Weathering with You” đã bớt hơn so với “Your Name.” và “Garden of Words”. Mấy trường đoạn khóc lóc gọi tên đã ngắn hơn. Phần hài được đẩy cao hơn. Nhiều chi tiết làm duyên kinh khủng, như lúc Hodaka gặp bà chị “ngực khủng” Natsumi hay khi thằng nhóc Nagi gặp bạn gái cũ. Phim này nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam thì chắc chắn không qua kiểm duyệt vì sẽ bị kêu là làm xấu mặt các cơ quan chức năng, chưa kể còn tuyên truyền mê tín dị đoan. Nhưng với văn hóa Nhật thì được coi như những “truyền thuyết đô thị”.

Hồi xem “5cm/s” thì thấy chậm chạp lề mề không chịu nổi, hình như đến giờ vẫn chưa xem hết. Sang tới “Garden of Words” thì thấy đẹp mê hồn nhưng đoạn cuối sến không chịu nổi. Nói chung vẫn thích cách làm sến kiểu trẻ trung, dễ thương, sôi động và nhí nhố của anh Shinkai trong “Your Name.” với “Weathering with You” hơn. Phim mới vẫn RADWIMPS làm nhạc, nghe vẫn phê.

Anh Shinkai chắc cũng định làm “Vũ trụ điện ảnh” luôn vì trong phim này có đoạn kết nối với “Your Name.” bằng một nhân vật của phim kia xuất hiện làm cameo.

“Weathering with You” có một cái tứ rất hay là nói về chuyện thời tiết. Chẳng rõ từ bao giờ, thời tiết xuất hiện trong những câu chuyện hàng ngày của chúng ta như một thói quen. Khi đối thoại với một người mới quen mà không biết phải bắt đầu từ đâu, ta lại nói về thời tiết: “Trời hôm nay đẹp nhỉ?”, hoặc hôm nay nóng hay lạnh, mưa hay nắng, mùa hạ hay mùa đông… Nhiều người cho rằng trong một cuộc đối thoại mà nhắc đến thời tiết thì đó là lúc câu chuyện đã nhạt, không còn gì để nói. Nhưng đôi khi, ta lại vô thức đưa vào mỗi câu nói hàng ngày một thứ gì đó liên quan tới không gian của bầu trời, mặt đất.

Thời tiết luôn là cái cớ để bắt đầu mọi thứ và kết nối các chủ đề. Khi kể về những biến cố trong ký ức, người ta luôn bắt đầu bằng câu: “bỗng dưng vào một ngày đẹp trời”. Những khởi đầu mới, những cột mốc đáng ghi nhớ hay những cuộc gặp quan trọng cũng phải chọn ngày trời đẹp để diễn ra.

Đơn giản bởi thời tiết là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp lên cảm xúc con người trong từng giờ, từng phút, dù muốn hay không.

nickm nickm đã đánh giá 7 cho Crawl

Giữa cá mập với cá sấu thì con cá sấu trông vẫn kinh hơn. Nhất là hồi bé xem "Trở về Eden" quá ám ảnh với cá sấu đầm lầy cắn nát mặt Stephanie Harper ở phần 1, cá sấu dưới bể bơi ở phần 2. Nay đi xem "Crawl" (Địa đạo cá sấu tử thần) căng ra phết. Mấy phim kiểu này biết là nhiều cái vô lý với đời thực nhưng mà quan trọng là vẫn hồi hộp theo dõi từ đầu đến cuối.

Dựa trên một sự kiện có thật, phim là câu chuyện về hai cha con Haley và Dave chiến đấu với bầy cá sấu siêu to khổng lồ trong cơn bão lớn. À, có thêm cả chú chó Sugar nữa.

Đạo diễn phim này là Alexandre Aja. Xem lại nhớ thời còn tuổi teen vào thập niên 2000s. Thời đó, hàng tuần lại lên Bảo Khánh với Đinh Liệt, Hai Bà Trưng mua DVD phim. Cứ thấy giới thiệu phim kinh dị nào mới là mua về xem. Ngày ấy, kiểu phim serial killer đang hot nên cứ phim nào mới ra là mua về xem ngay. Alexandre Aja là đạo diễn "High Tension", một phim kinh dị của Pháp. Ngày ấy thấy critic quốc tế chê tơi tả nhưng lúc xem lại thấy thích, thậm chí là một trong những phim serial killer ấn tượng nhất về mặt thị giác. Tiếp đến, anh còn đạo diễn cả phim "The Hills Have Eyes" hót hòn họt một thời về độ máu me, ám ảnh với mấy cảnh tra tấn bệnh hoạn xem mà vãi đái ra quần.

Sản xuất của "Crawl" là anh Sam Raimi thì nổi tiếng khỏi nói rồi. Loạt "Ma Cây" (Evil Dead), "Drag Me to Hell", "The Gift" hay bộ ba "Spider-Man" có Tobey Maguire và Kirsten Dunst là anh làm.

"Crawl" có không khí hồi hộp, căng thẳng không ngừng nghỉ từ đầu đến cuối, đúng chất hai anh Alexandre Aja và Sam Raimi kết hợp. Mấy con cá sấu siêu to khổng lồ này phải để bà Tân ra xẻ thịt. Được thêm quả hai diễn viên chính là Kaya Scodelario và Barry Pepper (cả hai đều từng đóng "The Maze Runner" có quả mặt lì lợm như nhau. Nói chung phim xem vui, nên đi xem cùng mấy đứa sợ phim kinh dị lại càng vui hơn. Bắt đầu vào mùa phim kinh dị có nhiều phim ok rồi.

nickm nickm đã đánh giá 6 cho The Lion King

VUA SƯ TỬ 4.0.

Có những câu chuyện được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua nhiều cách kể khác nhau. Nhớ cái thời xem phim trên băng video VHS, "Vua Sư Tử" là cuốn băng mình yêu thích nhất trong số các phim hoạt hình của Walt Disney, đến mức ngày nào cứ đến giờ buổi trưa mùa hè ăn cơm xong là phải bật lên xem. Những bản nhạc phim như "Hakuta Matata", "Can You Feel the Love Tonight" và nhất là "Circle of Life" đã trở thành ký ức khó quên của bao thế hệ biết đến "Vua Sư Tử".

Năm 2011, hoạt hình 2D trở lại màn ảnh rộng với phiên bản 3D. Và nay, 2019, chú sư tử Simba cùng đồng bọn tiếp tục càn quét màn ảnh rộng trong phiên bản gọi là "Photorealistic Computer-Animated" Remake, do Jon Favreau - người từng thực hiện "The Jungle Book" (2016) - đảm nhận vai trò đạo diễn. Nếu như "Aladdin" ra trước có chút phá cách về câu chuyện thì "The Lion King" đi theo hướng an toàn và cổ điển.

Về bản chất, "The Lion King" 4.0 là phiên bản sắc nét hơn về mặt hình ảnh của bản kinh điển năm 1994. Những khung hình đem tới sự chân thực, sắc sảo đến từng sợi lông của các nhân vật. Bối cảnh thì vẫn cứ hùng vĩ. Nói chung giờ lớn rồi, cảm giác cũng sẽ khác xưa nhưng chắc các em nhỏ ngày nay xem thì cũng sẽ trải nghiệm cảm giác choáng ngợp như các thế hệ trước được xem bản gốc từ thập niên 90s.

Sang thời đại 4.0 rồi, kỹ xảo hình ảnh thì khỏi nói, nếu xem IMAX 3D chắc còn phê nữa.

"Vua Sư Tử" vẫn cứ luôn là một câu chuyện với nhiều thông điệp sâu sắc về vòng đời, về bản năng sinh tồn trong tự nhiên, về sự trưởng thành, về tình cha con.
Xem thêm
Loading...

End of content

No more pages to load