Bài viết liên quan

[REVIEW] Vua Sư Tử (The Lion King)

Đánh giá phim · Maii ·

Nếu muốn một Vua Sư Tử sống động và như thật thì phiên bản này sẽ làm bạn hài lòng.


[TỔNG HỢP] 15 Phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại

Tin điện ảnh · PhanNguyenSangSang ·

Từ thành công của Pixar đến những huyền thoại đến từ Studio Ghibli, đây có lẽ là “tinh hoa” những bộ phim hay nhất khi nhắc đến thể loại phim hoạt hình.


[Tổng Hợp] 7 bộ phim được khán giả yêu thích, giới phê bình chê bai trong năm 2019

Tin điện ảnh · VLynd ·

Bài viết này tập trung vào 7 bộ phim nhận được sự đón nhận của khán giả – yếu tố giúp phim ăn nên làm ra ở mảng doanh thu phòng vé, nhưng lại bị giới phê bình chê bai vì nhiều lý do khác nhau.

Xem thêm tin tức về Vua Sư Tử

Cộng đồng

Lucasnguyen1110

Lucas Luân Nguyễn

Phê bình phim tự do

VUA SƯ TỬ 2019: CẢM XÚC CÓ THỂ ĐỔI THAY NHƯNG CÂU CHUYỆN HAY NÀO CŨNG CẦN ĐƯỢC KỂ LẠI.

Có một điều khó phủ nhận, rằng trí tưởng tượng của con người không những vô hạn, mà còn phát triển song hành với nhận thức về thế giới quan. Kêu một đứa trẻ 10 tuổi tưởng tượng và tạo ra một con rồng, chúng ta sẽ có một mô hình đất sét ngô nghê, một hình vẽ 2D phẳng dễ thương. Kêu đứa trẻ đó làm điều tương tự ở tuổi 20, có lẽ nó sẽ biết đi mua Lego về để lắp, hay bắt đầu biết mày mò để thêm “phụ kiện” cho con rồng mà nó chưa thể làm được 10 năm trước. Rồi khi đứa trẻ đó lên 30 tuổi và trở thành một kỹ sư, một nhà khoa học, cũng với bài toán tương tự, nó sẽ có thể làm ra một mô hình robot biết phun lửa cho bạn. Dù được xem là đế chế giải trí quyền lực nhất hiện tại, chúng ta thừa nhận một điều, Disney cũng từng là một đứa trẻ 10 tuổi, tạo ra những sản phẩm của trí tưởng tượng bằng những công cụ của ngày đó mà ở ngày hôm nay chúng ta có thể đã xem là “lỗi thời”.

Nếu có dịp ngồi nhìn lại những sản phẩm trước đây của Disney, khán giả có lẽ sẽ giật mình nhận ra sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong hành trình gần 30 năm qua. Điển hình như chú chó Scud trong Câu Chuyện Đồ Chơi, bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của thế giới. Ở thời điểm bấy giờ, đó là một bước ngoặt lớn của nền công nghiệp điện ảnh thế giới, nhưng chú chó Scud lúc đó không hề có một cọng lông trên người, hay nói cách khác, Disney vẫn chưa có cách nào để khiến những cọng lông thú trở nên sống động. Nhìn sang Vua Sư Tử phiên bản 2019, khó có thể dẹp bỏ hoàn toàn mọi hoài nghi khi có người nói rằng “những sợi lông trên mái bờm vĩ đại của đức vua Mufasa hoàn toàn được làm bằng máy vi tính”. Sự thật đúng là vậy. Vua Sư Tử của đạo diễn John Favreau là một tác phẩm được làm hoàn toàn bằng công nghệ CGI, hiện thực hóa câu chuyện kinh điển ở mức độ chân thực nhất và sát với thực tế nhất về mặt hình ảnh. Vì lẽ này mà rất khó để gọi đây là một phiên bản “live action”, vì cả bộ phim tuyệt nhiên không có một con thú nào cả. Lại cạng không thể gọi đây là một phim hoạt hình, vì tính chân thực của nó thì ngang ngửa một phim tài liệu trên Discovery Channel.

Nếu nói rằng, Vua Sư Tử 2019 là một “bước lùi” của Disney thì là một sự hà khắc có phần phiến diện. Còn nếu nói rằng đó là một sự lười biếng về mặt sáng tạo, thì lại là hiểu sai lệch về khái niệm “sáng tạo” và cả “tưởng tượng”. Sao có thể nói đó là một bước lùi khi trước đó chưa từng có một bộ phim nào có thể dựng nên cả một vùng thảo nguyên savannah rộng lớn chân thực như vậy bằng kỹ xảo? Sao có thể nói nó là sự lười biếng khi từng tiểu tiết trên cơ thể của những con thú đó được chăm chút hết sức kỹ lưỡng, đến mức từng bước chân trên đất cũng để lại bụi bay và không trung? Sao có thể gọi nó là phản sáng tạo khi trong quá trình làm ra bộ phim này, ê kíp âm nhạc gồm cả nữ nghệ sĩ Beyoncé và ngài Elton John cũng đã phải cùng nhau cho ra đời những ca khúc mới, những bản phối mới và cách thể hiện mới? Cả bộ phim này là một sự tái tưởng tượng tác phẩm kinh điển mà chúng ta đã yêu mến dưới kỷ nguyên 4.0, để 10 năm nữa, khi những đứa trẻ của tương lai đã không còn hứng thú với hoạt hình 2D truyền thống, chúng vẫn có thể biết đến câu chuyện về hành trình trưởng thành của một chú sư tử, đứng lên về vương quốc của mình và chống lại cái xấu. Có lẽ đến khi đó, chúng ta mới nhận ra rằng thứ cảm xúc nuôi lớn chúng ta một thời đã trở thành “lạc hậu”, nhưng dù cảm xúc có thể đổi thay, nhưng câu chuyện hay lúc nào cũng đáng được kể lại bằng nhiều các này hay cách khác, tiến hóa để trường tồn với thời gian và tâm thức của xã hội.

Nói đi cũng phải nói lại, có những tiên phong và thể nghiệm đi đôi cùng với sự hy sinh. Đây là lý do vì sao ở đầu bài viết lại khẳng định rằng Vua Sư Tử 2019 là một bài toán khó nhằng của Disney. Quay lại câu chuyện về cậu bé 10 tuổi nặn ra con rồng ngô nghê dễ thương bằng đất sét, nhiều khả năng con rồng đó sẽ có cái miệng cười toe toét cũng như cách những đứa trẻ vẽ ông mặt trời có thêm mắt mũi miệng. Nhưng chắc chắn rằng khi lớn lên rồi, con rồng được tạo ra bằng công nghệ máy móc và robot sẽ không có cái miệng cười thân thiện như cách đó 20 năm nữa. Việc hiện thực hóa từng nhân vật trong Vua Sư Tử 2019 đã cho ra đời một sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ, nhưng cũng đã hy sinh những ánh mắt, nụ cười, biểu cảm và hình thể vui nhộn mà chúng ta đã quá yêu mến ở bản gốc năm 1994. Một Mufasa quyền lực, rạng ngời như mặt trời thảo nguyên đã không còn vẻ hoảng hốt, bất lực trước khi bị người em Scar phản bội. Một Scar thủ đoạn, tàn ác và đầy dã tâm cũng đã mất đi điệu bộ ngộ nghĩnh, lả lướt và có phần hài hước. Hay một Simba thanh tú, khôi ngô cũng đã mất đi nụ cười “tỏa nắng”, hay nét mặt đầy suy tư ám ảnh những chuyện trong quá khứ. Sự đánh đổi này là không tránh khỏi, vì hiển nhiên thú vật thật thì không thể có biểu cảm hay động tác, hình thể quá giống con người.

Bỏ qua tất cả những hạn chế đó, bộ phim vẫn thành hình và vẫn sẽ đến với toàn thể khán giả ngày 19.7 sắp tới như một lời tuyên bố: Vua Sư Tử 2019 là một bộ phim có câu chuyện cũ nhưng cách thể hiện mới, với những đột phá về công nghệ và mang trong nó một tinh thần rất mới. Bộ phim được tạo ra không phải nhằm mục đích đập đổ tượng đài trước đó, mà là một tác phẩm riêng biệt của thời đại này cho những thế hệ trẻ em 4.0 tiếp theo. Bên cạnh đó, phim đồng thời cũng là một sự tri ân dành cho bản gốc, khi những gì ăn sâu vào tiềm thức chúng ta nhất đều được tái hiện lại. Từ câu hát tiếng Zulu vang lên đầu phim, cho tới âm nhạc của nhạc sĩ huyền thoại Hans Zimmer, hay những lời dạy đầy tính triết lý của đức vua Mufasa dành cho con trai mình, tất cả đều vẫn ở đó, sẵn sàng gieo rắc cảm xúc cho nhiều khán giả. Sự ra đời của Vua sư tử 2019 như một lời nhắc nhở rằng câu chuyện hay nào cũng sẽ được truyền lại cho đời sau, nhưng để trường tồn, câu chuyện còn phải thích nghi và tiến hóa, cũng như chính thông điệp của phim về “vòng tròn của cuộc sống”.

Maii 7

Với bản phim này thì đương nhiên cái phải khen đầu tiên là hình ảnh như thật rồi. Xem một hồi quên mất phim toàn animation với CGI. Cốt truyện gần như hệt bản gốc, không có sáng tạo gì khác biệt ngoại trừ cao trào có vẻ hào hứng hơn một tí. Vì quá lâu rồi không xem bản gốc nên xem bản này cảm giác GẦN NHƯ mới hoàn toàn, cảm động có, hài hước cũng có. Nói chung xem phim này sẽ cảm thấy trân trọng thêm bản hoạt hình gấp nhiều lần vì thời đó chẳng cần CGI như bây giờ mà vẫn đủ để trở thành huyền thoại.
Lotus

Lotus

Phê bình phim tự do

The Lion King chắc hẳn là bộ phim có kỹ xảo xuất sắc của năm nay, tính tới thời điểm hiện tại. Đạo diễn Jon Favreau dùng kỹ xảo tương đương những gì đã thể hiện trong The Jungle Book.

Bộ phim với nhân vật chính là những con thú giữa thiên nhiên hùng vĩ, tưởng như khán giả đang xem National Geographic phiên bản điện ảnh. Nhưng các thước phim này không phải do các tay quay ăn nằm ở những cánh rừng châu Phi ghi lại, mà hoàn toàn là sản phẩm của kỹ xảo. Thế nhưng những biểu cảm của “nhân vật” Simba, Nala, Mufasa, Sarabi, Zazu… cũng “thật” như những con vật ngoài đời, ít biểu cảm trên gương mặt như bản hoạt hình.

The Lion King dù được làm theo phong cách nhạc kịch nhưng lại không có phần âm nhạc nổi bật. Có lẽ vì quá ấn tượng với phiên bản năm 1994 nên cảm xúc của phần này gần như không có, âm nhạc mờ nhạt và cách xử lý có phần hơi gấp gáp, thiếu thuyết phục. Can You Feel The Love Tonight hay Hakuna Matata được phối lại mới mẻ hơn nhưng vô hồn. Hai nhân vật phụ Pumbaa và Timon giống với bản hoạt hình nhất nhưng được giới thiệu cũng khá mờ nhạt.

Điểm sáng lớn nhất của The Lion King là giọng lồng tiếng của Chiwetel Ejiofor trong vai Scar, đầy uy lực, có chút man trá, có chút gian xảo và cũng có chút ấm áp. Còn lại tổng thể phim xem giải trí được nhưng không quá xuất sắc.

Xem thêm các đánh giá khác