Đừng Gõ Cửa Hai Lần - Sợ gì mà sợ?

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · FuriousFish ·

Điều đầu tiên cần nói ở sự thiếu sót của Đừng Gõ Cửa 2 Lần đó là sự thiếu độc đáo. Không hề có một sự sáng tạo nào đáng kể ở đây cả.

Là bộ phim thứ 2 nối tiếp sau những thành công nhất định của đạo diễn Caradog W James, Đừng Gõ Cửa Hai Lần (Don’t Knock Twice) lần này tập trung khai thác vào một câu chuyện kinh dị lấy cảm hứng từ một con quái vật trong truyền thuyết, ám ảnh và đeo đuổi 2 nhân vật chính là một người mẹ và đang trong quá trình hàn gắn lại mối quan hệ với đứa con gái sau hơn 10 năm gửi đứa con của mình trong cô nhi viện.

Mối quan hệ trung tâm này, cụ thể hơn, đó là người mẹ rắc rối Jess (do Katee thủ vai) cố gắng hết sức để hàn gắn mối quan hệ với đứa con gái bướng bỉnh, Chloe (Lucy Boynton thủ vai). Nguyên nhân của câu chuyện chính là Chloe đi cùng với bạn của cô, đến tòa nhà bỏ hoang gần khu cô nhi viện, và vì lý do nào đó, chúng trêu chọc con ma trong ngôi nhà bằng cách gõ cửa 2 lần.

Điều đầu tiên cần nói ở thiếu sót của Đừng Gõ Cửa 2 Lần đó là sự thiếu độc đáo. Không hề có một sự sáng tạo nào đáng kể ở đây cả. Như một cái bọc lùng nhùng gồm những sub-genres của kinh dị, không có gì quá quen nhưng cũng không có gì lạ lẫm. “Công nghệ” dọa khán giả cũng nhàm chán đến mức phải nói là không thể dọa được những fan cứng của film kinh dị vì họ có thể đi trước film cả hai, ba bước. Những chiếc gương, những bóng ma qua kính, những hiệu ứng ánh sáng chớp rồi tắt, ngôi nhà ma ám, mụ già phù thủy, một chút khuynh hướng màu ma Nhật bản và thậm chí cả Skype – horror cũng đã quá nhàm chán. Tôi có thể kể tên những bộ phim cực chất tương ứng với những yếu tố trên: Mirror (2008); Paranormal Activities (Series), The Witch (2015), The Grudge, Hush (2016). Với fan của kinh dị, xem Đừng Gõ Cửa Hai Lần giống như một tour review những cái hay của những bộ film từng xem để thấy được là mình pha trộn chúng lại như thế nào.

Logic của film rất có vấn đề. Ở chỗ làm người xem băn khoăn liệu con ma/bà lão có là một hay không. Hai nhân vật tưởng chừng đi cùng nhau nhưng lại không phải là một. Và trước khi con ma xuất hiện, bà lão thường đến khóc tức tưởi sau đó bảo nạn nhân: “chạy đi”? Lý do này rất khó được diễn tả sao cho đúng, vì bà lão không là con ma. Nếu bà là nhân vật tốt, tại sao sống trong căn nhà có con ma khi tay cảnh sát (được cho là thủ phạm) đến gõ cửa, con ma không đi theo giết hắn. Nếu bà là con ma sau khi chết (có vẻ hợp lý hơn, vì bà tự tử sau khi bị quấy rối và quyết ám những kẻ gõ cửa) thì bảo nạn nhân chạy đi để làm gì? Con ma truyền thuyết và bà già phù thủy tưởng thật hay ho và ghê sợ, nhưng sự thiếu kết nối khiến người xem mải suy nghĩ mà…quên luôn phải sợ như thế nào. Đơn giản là nếu không hiểu được thì khó mà sợ được.

Phần kết lơ lửng và hụt hẫng, hơi thiếu sự ám ảnh với một bộ film kinh dị. Tôi không nói thêm, bạn hãy đến xem, để rồi giống tôi thốt lên 3 từ: W T F…

Bạn thấy tôi chê? Vâng, tôi đang chê, nhưng tôi chê xong rồi. Đánh giá công bằng, phim có được những điểm nhấn đáng chú ý.

Đầu tiên, vượt qua được cái nhìn thiếu thiện cảm về sự vay mượn phong cách, vẫn phải nói rằng sự nhàm chán không có nghĩa là không sợ. Nó vẫn đáng sợ dưới cách kết hợp các khung hình cận cảnh cùng âm thanh bóp nghẹt, hiệu ứng ánh sáng có lựa chọn timing cực tốt. Bỏ qua tiếp trí nhớ của một gã lão luyện trong thể loại Thriller và Kinh dị, như tôi, để so sánh những điều vay mượn với những thước phim đi trước, người xem có thể dễ dàng bị cuốn vào cảm giác ngột ngạt trong cảnh người bạn của Chloe bị bắt sau khi đang gọi Skype, trong không gian ma mị của ngôi nhà hoang với ánh đèn leo lét và một khung cửa đóng hờ, trong những bức tượng tĩnh lặng chết chóc ở một nhà thờ. Việc chọn góc quay rất khéo, và những nhân vật có biểu cảm cũng tốt không kém khiến cho cảnh nào ra cảnh đấy, chốt được cảm xúc rất vững tại từng phân khúc.

Điểm thứ hai, khá rõ ràng, là một sự cố gắng để đem đến điều mới lạ của đạo diễn. Hãy chú ý đến những cảnh đời thường của hai mẹ con giữa các đêm. Không có tiếng ma kêu, quỷ gầm gào cọ xát, mà âm thanh bất an lại đến từ tiếng cào của bầy cáo, tiếng ồn của gió và lá cây xào xạc. Điều này tạo một hiệu ứng rất tốt đó là đôi khi chính thế giới thuần khiết với những tiếng động tự nhiên của nó đã đáng sợ như thế nào khi người ta gặp phải một ám ảnh tâm lý.

Tôi sẽ khen thêm một chút về chiều sâu câu chuyện. Đầu film, chúng ta thấy Chloe là nhân vật chính với cá tính ngỗ ngược và phá phách, nhưng dần dần ta nhận ra rằng đó chỉ là hậu quả của người mẹ đã bỏ rơi cô. Bộ film khắc họa tốt sự day dứt của Jess khi cô phải bỏ con khi đang nghiện ngập, sau đó trải qua thời gian khó nhọc để hồi phục cả về sức khỏe và tinh thần, để rồi dồn hết dũng cảm đến đón đứa con của mình dù phải chịu sự ghẻ lạnh của Chloe. Sâu hơn nữa, khi thế lực ma quỷ muốn mang Chloe đi khỏi mình, người mẹ đã đứng lên bảo vệ con bằng tất cả những gì mình có, bằng tình cảm quyến luyến, ngượng ngùng nhưng vô cùng mạnh mẽ và dứt khoát. Jess không phải người mẹ quan tâm và chiều chuộng con bẩm sinh. Jess đã phải tranh đấu để học cách trở thành một người mẹ tốt, qua những bài học. Diễn xuất của  Katee, tôi khuyến khích các bạn nên tự xem để đánh giá, nó chạm đến cảm xúc của tôi khi nhìn vào đôi mắt cô nhìn đứa con ngủ cạnh mình buổi sáng thức dậy sau giấc mơ quỷ quái.

Kết lại, rõ ràng sau sự thành công của The Conjuring 2, những bộ film kinh dị sau đó chưa thể thoát khỏi cái bóng của những nguyên liệu đã cũ. Dù có thêm bớt 1 chút đổi mới, cũng như có được những diễn viên với diễn xuất không thể chê được, cũng chưa thể nào chinh phục khán giả một lần nữa, để được nghe những tiếng “sợ khiếp” thay vì “dở khiếp” như không khí chung mà tôi cảm nhận được sau khi ra khỏi rạp.