Những lý do khiến bộ 3 phim về Robert Langdon thất bại

Tin điện ảnh · MaxD ·

Xét riêng bộ sách có sự xuất hiện của giáo sư biểu tượng học này đã là những tác phẩm nổi tiếng toàn cầu, luôn xếp Best seller trên các kệ sách khi ra mắt.

Trước tiên, có lẽ các bạn đã biết, Robert Langdon là một nhân vật nổi tiếng bước ra từ trang sách trong những cuốn tiểu thuyết trinh thám hết sức đặc sắc của nhà văn Dan Brown. Xét riêng bộ sách có sự xuất hiện của giáo sư biểu tượng học này đã là những tác phẩm nổi tiếng toàn cầu, luôn xếp Best seller trên các kệ sách khi ra mắt. Đã có 4 tác phẩm liên quan đến Robert Langdon được ra mắt tính theo thứ tự thời gian là: Angels and Demons, The Da Vinci Code, The Lost Symbol và Inferno.

Tuy vậy, những bộ phim chuyển thể thì lại là một câu chuyện khác: Từ năm 2006 đến nay, đã có 3 tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết ăn khách này: The Da Vinci Code (2006), Angels and Demons (2009)Inferno (2016), nhưng lại luôn dừng ở mức đánh giá trung bình từ khán giả lẫn những nhà phê bình, vậy cùng tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân nhé:

1. Những tác phẩm của Dan Brown không hề dễ chuyển thể

Dan Brown, tiểu thuyết gia người Mĩ có cho mình số lượng đầu tác phẩm tương đối khiêm tốn (đến thời điểm này là 6 tác phẩm) nhưng lại luôn gây sức hút to lớn bởi nội dung chứa đựng vô số những kiến thức về tôn giáo, khoa học và biểu tượng kiến trúc, mà trong số đó có nhiều những dữ kiện là dựa trên hiểu biết thực tế của ông khiến người đọc vô cùng thích thú, đã có lúc người ta ví những tác phẩm của ông là những quyển bách khoa toàn thư về những bí ẩn của nhân loại. Và vì chứa đựng nhiều những thông tin hay ho đó, thật khó biến những lời văn trau truốt chứa đựng nhiều kiến thức ấy trở thành phim, nhất là khi tất cả thông tin được mang đến thông qua suy  nghĩ, vốn hiểu biết và sự nhạy cảm với các biểu tượng của giáo sư biểu tượng học Robert Langdon, thử nghĩ xem, nếu diễn giải ra suy nghĩ của nhân vật giống những trang sách, có lẽ một bộ phim hẳn phải dài 3 tiếng đồng hồ. Mà không có những thông tin ấy, những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Dan Brown chỉ còn 30% tinh chất vốn có.

2. Kém trung thành với nguyên tác

Đây là điều thường xuyên xảy ra đối với những bộ phim có kịch bản chuyển thể, tuy vậy, việc các bộ phim thành công vượt xa tác phẩm gốc không phải hiếm, số còn lại thì chỉ như cái bóng của tiểu thuyết. Việc cắt xén những nội dung mang tính chủ chốt của đội ngũ biên kịch đã khiến bộ phim trở nên kém cỏi hơn hẳn, ví dụ dễ thấy nhất là ở phần phim Angels and Demons, việc lược bỏ không thương tiếc hẳn một tuyến nhân vật là ngài giám đốc bị bại liệt của C.E.R.N đã khiến những độc giả trung thành của tiểu thuyết vô cùng tức giận, vì nếu đã đọc qua bản gốc, hẳn các bạn sẽ biết, đây là một trong những twist hay nhất mà Dan Brown cài vào tác phẩm của mình. Ở 2 bộ phim còn lại tình trạng này cũng xảy ra tương tự…

3. Chọn diễn viên kém hợp lý

Vâng, không phải lúc nào bạn mời hẳn chủ nhân của 2 giải thưởng Oscar, một trong những diễn viên vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh, thì bạn sẽ có một vai diễn xuất sắc. Tom Hanks 100% là không hợp với vai Robert Langdon, kể từ ngày đầu được công bố là cast của phim. Điều khác biệt nhất ở đây là dáng vóc, Dan Brown đã miêu tả vị giáo sư này như một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp, vóc dáng cao to và đặc biệt là khá điển trai. Còn Tom, việc ông ngày càng lớn tuổi hơn đã khiến vai diễn trở nên sai lệch với nguyên tác mạnh mẽ, đến phần phim Hỏa Ngục vừa rồi thì đúng là Tom không nên níu kéo vai diễn này thêm nữa…Còn các vai diễn phụ cũng chỉ tỏ ra tròn vai chứ chưa thực sư hay, nhất là các bóng hồng bên cạnh cuộc phiêu lưu giáo sư Langdon, gần đây nhất là Felicity Jones, cô là một diễn viên trẻ đang lên, thậm chí vừa được đề cử giải Oscar, nhưng vai diễn Sienna Brooks thực sự là một bước lùi khi diễn xuất như kiểu đọc thoại đều đều cùng khuôn mặt hốt hoảng quá mức suốt phim.

Tom Hanks thực sự không phù hợp với vai diễn Robert Langdon.
Tom Hanks thực sự không phù hợp với vai diễn Robert Langdon.

4. Phong độ trồi sụt của đạo diễn Ron Howard

Không thể phủ nhận Ron Howard là một vị đạo diễn tài năng, nhưng phong độ của ông quả thật là điều đáng phàn nàn, từng lên đỉnh cao với A Beautiful Mind, Cinderella Man và Frost/Nixon nhưng sau đó bỗng tuột dốc cùng bộ đôi tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Dan Brown là The Da Vinci Code và Angels and Demons, khiến khán giả hài lòng với Rush rồi sau đó dìm người xem xuống với bom xịt In The Heart of The Sea. Và bây giờ là Inferno, một bộ phim trinh thám với chất lượng trung bình.

Đạo diễn Ron Howard.
Đạo diễn Ron Howard.

5. Các tác phẩm của Dan Brown cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt

Kể từ sau thành công vô tiền khoán hậu của The Da Vinci Code, các tác phẩm nối gót của Dan Brown cũng đang có dấu hiệu chững lại về mặt thành công cũng như không được đánh giá cao của giới chuyên môn như trước dù lượng kiến thức mà nó mang lại cùng nội dung kịch tích vẫn đủ sức mang đến cho độc giả một tác phẩm chất lượng. Tiêu biểu là Inferno, tác phẩm mới nhất. Lý do này để các bạn cùng đánh giá vậy.