[REVIEW] The Artist – Ôm trọn các giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 84

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · PhanNguyenSangSang ·

Khi người nghệ sĩ chứng kiến ánh hào quang của mình trôi dần vào quên lãng.

Điện ảnh Hoa Kỳ được ra đời ngay từ cuối thế kỷ thứ 19, đã nhanh chóng trở thành một trong những nền điện ảnh hàng đầu trên thế giới cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật. Người ta còn biết đến nền điện ảnh Hoa Kỳ đơn giản hơn với tên gọi là Hollywood (chính vì gọi theo địa danh Hollywood, nơi tập trung các hãng phim và trường quay lớn nhất của Mỹ). Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những bộ phim của điện ảnh nước này được sản xuất bởi các hãng phim độc lập nằm ngoài Hollywood. Trong dòng chảy lịch sử phát triển của kinh đô điện ảnh, giai đoạn những năm 1920 được xem là Thời kì đỉnh cao của nền điện ảnh Hollywood. Nhiều nhà lịch sử điện ảnh cho rằng đây chính là thời đại hoàng kim của Hollywood khi rất nhiều bộ phim kinh điển đã được ra đời trong giai đoạn này.

Các bộ phim thời kì này thường thuộc thể loại phim miền Tây, phim hài, phim ca nhạc, hoạt hình… vốn là những đề tài ưa thích của thị hiếu Hoa Kỳ. Thập niên 20 –Thời kỳ biến động của Âu – Mỹ trên màn ảnh Hollywood, người Pháp còn gọi thời kỳ này là “Những năm điên loạn” bởi giai đoạn này chứng kiến rất nhiều những biến động bất ngờ, đặc biệt là trong văn hóa đại chúng. Cũng chính vì thế, giai đoạn thập niên 20 trở thành một trong những bối cảnh ưa thích được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh Hollywood và một trong số đó phải kể đến The Artist được sản xuất năm 2011. Đây chính là một minh chứng điển hình cho cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ở giai đoạn này. Quan niệm truyền thống thay đổi, trang phục, vẻ ngoài, âm nhạc… Tất cả đều có những đổi thay rõ rệt tạo nên một nền tảng ảnh hưởng đến hiện tại thậm chí sau này của chính chúng ta.

The Artist là một bộ phim câm hài lãng mạn Pháp, phát hành năm 2011 của đạo diễn Michel Hazanavicius, với sự tham gia diễn xuất của hai diễn viên chính là Jean Dujardin và Bérénice Bejo. Câu chuyện của bộ phim lấy bối cảnh ở Hollywood trong khoảng thời gian 1927 đến 1932, khi phim câm đang dần hết thời và bị thay thế bởi nền điện ảnh có tiếng nói. George Valentin, một ngôi sao phim câm ngày nào dường như dần rơi vào quên lãng và bị thay thế bởi một nữ diễn viên trẻ mới nổi nhờ sự thịnh hành của phim nói lúc bấy giờ. Đồng thời, ông cũng rơi vào tiếng sét ái tình với nữ vũ công trẻ tuổi Peppy Miller - người đang có khả năng tạo ra một bước đột phá lớn. Cả hai đã trải qua một mối quan hệ vừa hài hước, xúc động nhưng cũng vô cùng lãng mạn. 

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Đi ngược với xu thế khai thác 3D, kỹ xảo của nền công nghiệp điện ảnh hiện đại, đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius cho ra đời The Artist như một minh chứng đánh dấu sự bảo tồn gần như hoàn hảo cho một thời kì hoàng kim của kinh đô điện ảnh. Tác phẩm làm chúng ta gợi nhớ lại thời kỳ phim câm đen trắng của nền điện ảnh Hollywood vào thập niên 1920. Một câu chuyện nhẹ nhàng, lãng mạn cùng những khuôn hình đen trắng, không thoại với việc sử dụng bản Inter-Title để phụ đề cho phim thay vì những mẩu đối thoại giữa các nhân vật càng làm cho người xem có cảm giác như đang thực sự được sống trong giai đoạn những năm 1920 – khi nền công nghiệp phim câm đen trắng đang ở thời kỳ hưng thịnh nhất. Hai nhân vật George và Peppy cũng được đạo diễn Michel Hazanavicius xây dựng dựa trên những nguyên mẫu có thật ở thập kỷ 20 dựa trên hình tượng của Douglas Fairbanks và Gloria Swanson càng làm sống động hơn câu chuyện mang tính lịch sử của nền điện ảnh lúc bấy giờ.

The Artist đã gây được nhiều ấn tượng mạnh tại LHP Cannes lần thứ 84 và giành chiến thắng ở năm hạng mục quan trọng bao gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất và Thiết kế phục trang xuất sắc nhất. Trước đó, bộ phim cũng đã đoạt danh hiệu phim hay nhất tại các giải BAFTACésar cùng nhiều giải thưởng điện ảnh khác. Tại Việt Nam, The Artist cũng nằm trong danh sách những phim điện ảnh Pháp được giới thiệu trong chương trình Phim Pháp tại MegaStar và được công chiếu vào ngày 16 tháng 8 năm 2013.

Ảnh: Variety
Ảnh: Variety

Trái ngược với những bộ phim bom tấn thời bấy giờ, sử dụng những kỹ xảo điêu luyện hay những cảnh quay từ những chiếc xe trong những pha rượt đuổi nhau trên đường phố,.. Chính chất riêng của mình đã đưa The Artist ra đời đã mang đến tiếng vang vô cùng lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và nhận thức của công chúng trong xã hội lúc bấy giờ, bởi một phong vị rất riêng mang đến nét hoài cổ và đã làm nên một bộ phim điện ảnh thuần khiết. The Artist như một cuộc du hành trở về ngược quá khứ, tìm lại một thời vàng son tưởng chừng như đã mất của dòng phim câm trắng đen. Xem và chiêm nghiệm bộ phim ta nhận ra rằng cuộc hành trình tìm về quá khứ ấy như thức tỉnh người xem phải biết trân quý và ngợi ca những giá trị cũ bên cạnh những hào quang sáng ngời phát triển của thời đại mới. Song song đó, The Artist còn đưa người xem đến những giây phút lặng lòng, tạm quên thế giới với những thanh âm choáng ngợp, những khung hình rực rỡ sắc màu làm ta thêm hoa mắt.

The Artist như một lời thông điệp hướng về nền điện ảnh Hollywood thập niên 20: Ngành công nghiệp hiện đại luôn biến đổi và không ngừng đi lên theo guồng quay đầy khắc nghiệt của xã hội. Những giá trị mới ra đời vụt sáng khiến những điều cũ dần bị quên lãng và chìm về sau. Nam chính bộ phim The Artist – Jean Dujardin từng chia sẻ: “Trong mắt của đạo diễn đạo diễn Michel Hazanavicius, The Artist trước hết là một câu chuyện tình, tất cả các hoàn cảnh éo le trong phim tựa như những bài toán trắc nghiệm. Đọan cuối bộ phim cho thấy là chỉ có tình yêu thực thụ mới vượt qua được những thử thách đó.” Giống như những giá trị nghệ thuật chân chính dù trải qua bao nhiêu năm, dẫu có những biến động mạnh mẽ ra sao thì nó vẫn luôn tồn tại, mãi chẳng hao mòn và vẫn nguyên những giá trị đẹp luôn được thừa nhận và gìn giữ.

Ảnh: Filmconcertslive
Ảnh: Filmconcertslive

Giữa vô vàn tác phẩm bom tấn khoe kỹ xảo hay những bộ phim thể nghiệm phức tạp thì The Artist trở nên nổi bật nhờ vào tính hoài cổ. Tuy nội dung có vẻ buồn bã, nhưng The Artist không phải là phim buồn. Hơn hết, bộ phim ẩn chứa một thông điệp đầy ý nghĩa. Phim câm đã “mở đường” cho phim lồng tiếng phát triển, đây là thông điệp chủ đạo của The Artist. Không phải “nhường đường”, “lùi về sau” hay “bị loại bỏ” bởi phim lồng tiếng, mà là “mở đường” cho nền điện ảnh ngày nay. Hãy xem và cùng cảm nhận các giá trị nhân văn sâu sắc được gửi gắm từ tác phẩm được xếp vào hạng “huyền thoại” của lịch sử điện ảnh này các bạn nhé!

Bài viết liên quan